Hà Giang hướng tới phát triển du lịch hiệu quả và bền vững

30/05/2019 - 10:31 AM
Những năm qua, lĩnh vực du lịch của tỉnh Hà Giang đã có sự phát triển mạnh mẽ, nếu như năm 2012, lượng du khách đến Hà Giang chỉ đạt khoảng 100 nghìn lượt người thì sau 5 năm (năm 2017) đã gấp 10 lần với 1 triệu lượt khách. Năm 2018, khách du lịch đến Hà Giang ước đạt trên 1,136 triệu lượt, trong đó khách quốc tế là trên 273 nghìn lượt, khách nội địa trên 863 nghìn lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 1 nghìn tỷ đồng. Sản phẩm du lịch của Tỉnh cũng khá đa dạng, như: Du lịch địa chất, du lịch cộng đồng, du lịch thiên nhiên, du lịch đặc thù, du lịch trải nghiệm... Ngoài việc hạ tầng và kết nối giao thông ngày càng được cải thiện, thì chất lượng và số lượng phòng nghỉ của các sở lưu trú cũng được nâng lên, nhiều dịch vụ mới xuất hiện để đáp ứng kịp thời nhu cầu của du khách như: Dịch vụ cho thuê xe tự lái, dịch vụ homestay, dịch vụ cho thuê vườn hoa chụp ảnh… Cùng với đó, hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch có nhiều chuyển biến, trong năm đã kêu gọi được 09 dự án vào lĩnh vực du lịch. Nhiều tour du lịch mới cũng được Tỉnh xây dựng để đáp ứng nhu cầu của du khách, kéo dài thời gian lưu trú, qua đó tăng doanh thu cho Ngành như: Tour săn mây ở đỉnh Chiêu Lầu Thi - đỉnh núi cao thứ hai của tỉnh; tour vượt thác Minh Tân với nhiều hoạt động thể thao như chèo thuyền kayak, trượt nước; tour tìm hiểu lịch sử văn hóa Cán Tỷ - Cổng Thành; tour dù lượn bay trên cao nguyên đá Đồng Văn…
 
Hà Giang hướng tới phát triển du lịch hiệu quả và bền vững
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Có được những kết quả trên là do tỉnh Hà Giang đã nhìn nhận đúng thế mạnh về tiềm năng du lịch của Tỉnh để từ đó quy hoạch và phát triển du lịch theo hướng bài bản và bền vững. Theo quy hoạch, tỉnh Hà Giang tập trung phát triển 4 trung tâm du lịch, bao gồm: Trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử Đồng Văn; Trung tâm du lịch khoa học, mạo hiểm Mèo Vạc; Trung tâm du lịch sinh thái, đô thị xanh Yên Minh; Trung tâm du lịch vui chơi giải trí cao cấp Quản Bạ. Đồng thời, hình thành 5 phân khu du lịch chính là Du lịch công viên văn hóa Thanh niên xung phong Mèo Vạc; Du lịch thể thao mạo hiểm Mã Pì Lèng; Du lịch lòng hồ thủy điện Thái An; Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe Quản Bạ; Du lịch sinh thái Nặm Đăm.

Trên cơ sở quy hoạch, tỉnh Hà Giang đã tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như: Cải tạo và nâng cấp các tuyến quốc lộ 4C (Hà Giang - Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn - Mèo Vạc), quốc lộ 279 đoạn Bắc Quang - Quang Bình tới giáp ranh tỉnh Lào Cai, xây mới hai khách sạn quy mô 04 sao... Bên cạnh đó, Tỉnh cũng nỗ lực thu hút đầu tư để phát triển du lịch, đặc biệt là mời gọi đầu tư một số khu du lịch trọng điểm như: Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, du lịch lòng hồ huyện Bắc Mê...

Song song với đó, tỉnh Hà Giang luôn chú trọng tăng cường hoạt động quảng bá và hợp tác phát triển du lịch. Theo đó, ngoài việc thường xuyên quảng bá hình ảnh và mảnh đất con người Hà Giang đến với khách du lịch trong nước và quốc tế thông qua các tổ chức và các doanh nghiệp lữ hành, hãng hàng không Việt Nam, tỉnh Hà Giang còn triển khai thực hiện các liên kết phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và chương trình hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; đẩy mạnh các chương trình hợp tác, quảng bá và xúc tiến du lịch với các thành phố lớn trong nước.

Để phát triển tiềm năng du lịch theo hướng bền vững, tỉnh Hà Giang luôn xác định phát triển du lịch phải dựa trên cơ sở gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và giữ gìn địa mạo, sự hùng vĩ thiên nhiên. Hy vọng với nỗ lực và quan điểm nhất quán trong phát triển du lịch, thời gian tới ngành du lịch của Hà Giang thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là nền tảng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang./.

 
Thành Nam

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top