Hà Nội: Kết quả sơ bộ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019

03/09/2019 - 03:29 PM
I. DÂN SỐ

1. Quy mô và mật độ dân số

Quy mô dân số

Tổng dân số của thành phố Hà Nội tại thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019 là 8.053.663 người, trong đó: Dân số nam là 3.991.919 người, chiếm 49,6%; dân số nữ là 4.061.744 người, chiếm 50,4%. Dân số sống ở khu vực thành thị là 3.962.310 người, chiếm 49,2% và ở khu vực nông thôn là 4.091.353 người, chiếm 50,8%. Hà Nội Thành phố đông dân thứ hai của cả nước, sau thành phố Hồ Chí Minh (8.993.082 người).

Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm trong mười năm qua (2009-2019) của Hà Nội là 2,22%/năm, cao hơn mức tăng của cả nước (1,14%/năm) và cao thứ 2 trong vùng Đồng bằng sông Hồng, chỉ sau Bắc Ninh (2,90%/năm). Trong thời gian qua, tốc độ đô thị hóa ở thành phố Hà Nội đang diễn ra mạnh mẽ, đây cũng là xu thế tất yếu của các thành phố lớn, thể hiện qua tỷ lệ dân số khu vực thành thị tăng nhanh: từ 36,8% năm 1999 lên 41% năm 2009 và 49,2% năm 2019.

Mật độ dân số

Hà Nội là thành phố đông dân thứ hai của cả nước và cũng có mật độ dân số cao thứ hai trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mật độ dân số của thành phố Hà Nội là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước. So với năm 1999 và năm 2009, mật độ dân số của Thành phố tăng khá nhanh: Năm 2019 tăng 469 người/km2 so với năm 2009 và tăng 833 người/km2 so với năm 1999. Điều này cho thấy áp lực về cơ sở hạ tầng đối với Thành phố ngày càng lớn.

Năm 2019 mật độ dân số khu vực thành thị lên tới 9.343 người/km2, cao gấp 6,7 lần khu vực nông thôn. Sau 20 năm, các quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng và Cầu Giấy vẫn là những nơi có mật độ dân số cao nhất Thành phố, tương ứng là 37.347 người/ km2; 32.291 người/km2; 29.589 người/km2 và 23.745 người/km2. Những quận mới thành lập như Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Hà Đông do dân số tăng nhanh đã trở thành những địa bàn có mật độ dân cư đông đúc không thua kém các quận trung tâm.

Ở khu vực nông thôn, mật độ dân số chỉ là 1.394 người/km2, cao hơn so với mật độ dân số bình quân của vùng Đồng bằng sông Hồng (1.060 người/km2) tương đương với Hải Phòng (1.299 người/km2), Hưng Yên (1.347 người/km2)… Phân bổ dân số ở các huyện ngoại thành cũng tương đối chênh lệch: Hai huyệnmật độ dân số lớn nhất Thanh Trì (4.343 người/km2), Hoài Đức (3.096 người/km2), cao gấp 4-6 lần so với các huyện thưa dân cư như Ba (687 người/km2), Mỹ Đức (884 người/km2).

Có thể thấy, mật độ dân số ở Hà Nội khá cao, nhưng phân bố dân số không đồng đều; khoảng cách về dân số giữa quận và huyện, giữa thành thị và nông thôn và ngay cả giữa các huyện ngoại thành còn khá lớn với xu hướng tiếp tục gia tăng.

2. Tỷ số giới tính

Tỷ số giới tính của dân số được tính bằng dân số nam trên 100 dân số nữ, tỷ số giới tính của dân số Hà Nội có xu hướng tăng trong 10 năm qua. Nếu như năm 2009 là 96,6 nam/100 nữ thì đến năm 2019 đã tăng lên là 98,3 nam/100 nữ. Nhìn chung, tỷ số giới tính của Hà Nội có xu hướng tăng dần nhưng vẫn thấp hơn tỷ số chung của cả nước (99,1 nam/100 nữ).

3. Tình trạng hôn nhân của dân số từ 15 tuổi trở lên

Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, tỷ lệ dân số của Hà Nội từ 15 tuổi trở lên đang có vợ chồng chiếm 69,6%; ly thân hoặc ly hôn chiếm 1,7%. Tỷ lệ này tương đối đồng đều với tỷ lệ người đang có vợ/chồng chiếm 69,2%; đã ly hôn hoặc ly thân chiếm 2,1% của cả nước.

Theo số liệu Tổng điều tra, trong 10 năm qua tỷ lệ người ly hôn của Hà Nội tăng từ 0,9% lên 1,4%. Mức thay đổi không quá lớn nhưng cũng phản ánh thực trạng ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa khi điều kiện kinh tế
- xã hội nâng lên.

4. Giáo dục
 
Theo kết quả sơ bộ của Tổng điều tra năm 2019, thành phố Hà Nội đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong lĩnh vực giáo dục. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết tăng mạnh sau 10 năm; phổ cập giáo dục tiểu học đã được thực hiện trên toàn thành phố.

Tình hình đi học của dân số trong độ tuổi đi học phổ thông

Theo số liệu thống kê giáo dục, đến cuối năm 2018 toàn thành phố Hà Nội có 2.709 trường và trung tâm giáo dục, bao gồm: 2.190 đơn vị công lập và 519 đơn vị ngoài công lập. Trong số này có 1.128 trường mầm non, 735 trường tiểu học, 624 trường THCS, 222 trường THPT, 393 trung tâm kỹ thuật Tin học - ngoại ngữ, 29 trung tâm GDTX, 584 Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng. Đây là thuận lợi lớn cho sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội.
 
Hà Nội: Kết quả sơ bộ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019

Tại thời điểm Tổng điều tra 01/4/2019, dân số trong độ tuổi đi học phổ thông những người sinh từ năm 2001 đến 2012, trong đó: Dân số trong độ tuổi đi học tiểu học sinh từ năm 2008 đến năm 2012; dân số trong độ tuổi đi học THCS sinh từ năm 2004 đến năm 2007; dân số trong độ tuổi đi học THPT sinh từ năm 2001 đến năm 2003.
 
Kết quả Tổng điều tra cho thấy, thành phố Hà Nội có 97,2% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học, là địa phương đạt tỷ lệ cao nhất trong cả nước, thể hiện kết quả tích cực trong công tác phổ cập giáo dục của Thủ đô.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2,8% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đi học, chủ yếu là các trẻ bị thiểu năng, gặp vấn đề về sức khỏe và một bộ phận nhỏ các em thôi học vì không theo được.

Có sự khác biệt về tình trạng không đi học của học sinh ở khu vực thành thị với khu vực nông thôn. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học không đi học ở khu vực nông thôn (3,1%) cao gấp 2,2 lần so với khu vực thành thị (1,4%).

Tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học và không đi học phân theo thành thị, nông thôn

Chênh lệch trong tình trạng đi học giữa nam và nữ cũng là vấn đề cần được chú trọng hơn trong bức tranh giáo dục của Thành phố. Tỷ lệ không đi học của dân số nam (1,9%) thấp hơn dân số nữ (2,3%).

Về tình hình biết đọc, biết viết: Kết quả Tổng điều tra năm 2019 trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, tỷ lệ biết chữ của dân số trên 15 tuổi99,2%, tăng 1,4 điểm phần trăm so với năm 2009. Trong 10 năm qua, tỷ lệ biết chữ của nữ tăng 4,6 điểm phần trăm; khoảng cách chênh lệch về tỷ lệ biết chữ giữa nam và nữ được thu hẹp. Năm 2009, tỷ lệ biết chữ của nam là 98,8%, cao hơn tỷ lệ này của nữ 4,5 điểm phần trăm; đến năm 2019, tỷ lệ biết chữ của nam đạt 99,5%, chỉ cao hơn tỷ lệ của nữ 0,6 điểm phần trăm.

Tỷ lệ biết chữ của dân số sống tại khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn do có khoảng cách phát triển giữa hai khu vực này. Tuy nhiên trong những năm gần đây, nhờ có chính sách phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ nên sự chênh lệch về tỷ lệ biết chữ giữa hai khu vực đã được thu hẹp, với chênh lệch 1,0 điểm phần trăm, thấp hơn so với mức chênh lệch 2,3 điểm phần trăm năm 2009.

Về tổng thể, mặt bằng giáo dục phổ thông của thành phố Hà Nội cao nhất trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cao hơn so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước (95,8% dân số cả nước trên 15 tuổi biết chữ). Nếu xét theo khu vực thành thị, nông thôn thì tỷ lệ biết chữ của thành phố Hà Nội ở cả hai khu 
vực đều cao hơn tỷ lệ chung của cả nước: Dân số trên 15 tuổi khu vực thành thị biết chữ chiếm tỷ lệ 99,7% (toàn quốc là 98,3%); khu vực nông thôn là 98,7% (toàn quốc là 94,3%).
 
II. HỘ DÂN CƯ

1. Tổng số hộ dân cư và quy mô hộ

Tổng số hộ dân cư

Theo kết quả sơ bộ cuộc Tổng điều tra năm 2019 thành phố Hà Nội có 2.224.107 hộ dân cư, tăng 474.773 hộ so với năm 2009. Tỷ lệ tăng số hộ dân cư giai đoạn 2009 - 201927,14%, bình quân mỗi năm tăng 2,43%, thấp hơn 1,15 điểm phần trăm so với bình quân giai đoạn 1999 - 2009.

Số lượng hộ tại khu vực thành thị sau 10 năm tăng 404.219 hộ, tương ứng tăng 55,09%. Số hộ khu vực thành thị tăng cao do quá trình đô thị hóa và năm 2014 Thành phố Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 132/NQ- CP ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Khu vực nông thôn tăng 70.554 hộ với mức tăng tương ứng là 6,94% trong giai đoạn trên.

 
Hà Nội: Kết quả sơ bộ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 1
 
Quy mô hộ
 
Quy mô hộ là số lượng người bình quân của một hộ gia đình cấu thành nên cộng đồng xã hội. Trong tổng số 2.224.107 hộ dân cư, bình quân mỗi hộ của thành phố Hà Nội có 3,5 người và bằng mức bình quân chung của cả nước. Quy mô hộ bình quân khu vực thành thị là 3,4 người/hộ, thấp hơn 0,3 người/hộ so với khu vực nông thôn.

Sau 10 năm quy mô hộ bình quân thấp hơn 0,2 người/hộ, trong đó khu vực thành thị thấp hơn 0,2 người/ hộ, ở khu vực nông thôn vẫn giữ nguyên ở mức 3,7 người/hộ.

Quy mô hộ gia đình bình quân phổ biến toàn Thành phố là từ 3 đến 4 người, chiếm 47,3%. Đáng chú ý, trong khi tỷ lệ hộ gia đình truyền thống có từ 5 người trở lên có xu hướng giảm xuống qua 3 kỳ Tổng điều tra (1999, 2009, 2019) lần lượt 30,4%; 21,74%; 20,3% đối với hộ 5-6 người 9,06%; 3,71%; 3,6% đối với hộ 7 người trở lên. Tỷ lệ hộ chỉ có một người (hộ độc thân) tăng lên tương ứng là 4,46%; 7,49% và ở mức 11,2% vào năm 2019.

 
Hà Nội: Kết quả sơ bộ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 2

2. Kết quả sơ bộ về nhà ở
 
Kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, trong 10 năm qua, điều kiện nhà ở của các hộ dân cư đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt ở khu vực thành thị. Hầu hết các hộ dân cư đều có nhà ở và chủ yếu sống trong các loại nhà kiên cố và bán kiên cố; diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng lên đáng kể, sát với mục tiêu Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020.

Phân loại nhà ở

Theo kết quả Tổng điều tra năm 2019, 99,99% số hộ của Thành phố có nhà ở, trong đó khu vực thành thị 
đạt 100% số hộ có nhà ở; khu vực nông thôn đạt 99,98% số hộ có nhà ở.
 
Theo kết quả Tổng điều tra, đa số các hộ dân cư tại thành phố Hà Nội hiện đang sống trong các nhà kiên cố và bán kiên cố (99,1%), trong đó khu vực thành thị là 99,5%, khu vực nông thôn là 98,6%. Chỉ một bộ phận nhỏ các hộ dân cư hiện đang sống trong nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ (0,9%), trong đó tỷ lệ hộ có nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ tại thành thị là 0,5%, thấp hơn 0,9 điểm % so với khu vực nông thôn (1,4%).

Tỷ lệ hộ có nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ của thành phố Hà Nội thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước (6,9%) và thấp hơn Hải Phòng (1,0%), Cần Thơ (10,6%) nhưng cao hơn thành phố Hồ Chí Minh (0,7%) và Đà Nẵng (0,5%).

Diện tích nhà ở của hộ dân cư

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu“đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 25m2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 26 m2 sàn/ người và tại nông thôn đạt 19 m2 sàn/người; phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 6m2 sàn/người”.

Kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 của thành phố Hà Nội là 26,1 m2/người. Trong đó, diện tích nhà ở bình quân đầu người khu vực thành thị và khu vực nông thôn chênh lệch không quá lớn, tương ứng là 26,3 m2/người và 25,9 m2/người.

Diện tích nhà ở bình quân đầu người của thành phố Hà Nội cao hơn so với diện tích nhà ở bình quân đầu người của toàn quốc (23,5 m2/người) và cao hơn Hải Phòng (22,9 m2/ người), Cần Thơ (22,5 m2/người) và thành phố Hồ Chí Minh (19,4 m2/người).

III. KẾT LUẬN CHUNG

Kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, sau 10 năm Thành phố Hà Nội đã đạt được kết quả khá toàn diện, kinh tế tăng trưởng khá, tốc độ tăng dân số đạt bình quân 2,2%/năm. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương đã tác động đến quá trình phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động.

Trình độ dân trí đã được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết đạt 99,2%, đứng đầu cả nước. Hầu hết trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông đang được đến trường, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường giảm mạnh. Thành phố đã rất thành công trong nỗ lực tăng cường bình đẳng giới, cũng như trong lĩnh vực giáo dục nhiều năm qua.

Trong 10 năm qua, điều kiện nhà ở của các hộ dân cư đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt ở khu vực thành thị. Hầu hết các hộ dân cư đều có nhà ở và chủ yếu sống trong các loại nhà kiên cố và bán kiên cố; diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng lên đáng kể, sát với mục tiêu Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011.

Mục tiêu về “quy mô dân số đến năm 2020 khoảng 7,9-8,0 triệu người, năm 2030 khoảng 9,2 triệu người; cơ cấu dân số hợp lý, chất lượng cao” như đã nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 22/02/2012 là hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên, với kết quả của Tổng điều tra năm 2019, thành phố Hà Nội cần nhiều nỗ lực và giải pháp hơn nữa trong tiến trình đô thị hóa để phấn đấu đạt được mục tiêu về công tác quy hoạch phân bố dân cư theo lãnh thổ gắn với đô thị hóa phù hợp với các hoạt động kinh tế, văn hóa, lối sống đô thị và tiện lợi cho cuộc sống của người dân; tỷ lệ đô thị hóa năm 2030 khoảng 65 - 68%./.

 
(Nguồn: Cục Thống kê TP. Hà Nội)

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top