Hà Nội: Khai thác lợi thế phố cổ cho phát triển du lịch

05/02/2021 - 11:48 AM
Khu phố cổ Hà Nội được cho là “bảo tàng về lối sống đô thị cổ” của Việt Nam. Cùng với Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội là một phần để nhận diện bản sắc văn hóa đô thị Hà Nội, mang hồn thiêng dân tộc và là một di tích vô cùng quý giá của Thủ đô và cả nước.
 
Kho tàng giá trị vật thể, phi vật thể đa dạng, hấp dẫn

Khu phố cổ Hà Nội có diện tích hơn 82 ha, với 10 phường, 79 tuyến phố và 83 ô phố. Phố cổ Hà Nội có kiến trúc độc đáo với các phố nghề thủ công truyền thống, phố chuyên doanh, nhiều di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc gắn liền với lịch sử của vùng đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Cùng với sự phát triển của đất nước qua mỗi giai đoạn lịch sử, khu phố cổ Hà Nội mang dấu ấn văn hóa của các thời kỳ, cũng là nơi hội tụ của cư dân khắp mọi miền.

 
Hà Nội: Khai thác lợi thế phố cổ cho phát triển du lịch

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Theo Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, khu phố cổ chứa đựng kho tàng giá trị vật thể với 121 di tích (bao gồm 83 di tích lịch sử văn hóa, 30 di tích lịch sử cách mạng và 8 di tích khác) với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng như đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am… Trong đó, có 25 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia; hơn 200 công trình nhà ở có giá trị đặc biệt. Có thể kể đến những di tích nổi tiếng như: Ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào, đền Bạch Mã, đình Kim Ngân 40-42 Hàng Bạc...

Bên cạnh các giá trị văn hoá vật thể (đánh giá đơn thuần về công trình kiến trúc), thì các giá trị văn hoá phi vật thể tạo nên “cái hồn” của phố cổ. Hà Nội là đất Kinh Đô ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ kết tinh, tinh tuý của mọi miền quê. Di sản văn hoá phi vật thể Hà Nội khá đậm đặc, nó đã phản ánh một cách phong phú, đa dạng và chân thực truyền thống sinh hoạt văn hoá của người Hà Nội; phản ánh qua một số loại hình của bộ phận di sản văn hóa phi vật thể như: làng nghề, phố nghề, sinh hoạt lễ hội, phong cách sống, ẩm thực.... Do đó, phố cổ Hà Nội cũng là khu vực tập trung nhiều nghề thủ công và có nhiều Lễ hội dân gian nhất.

Một khía cạnh văn hiến trong khu phố cổ Hà Nội là tâm linh hướng tổ. Dù ở bốn phương qui tụ về đây nhưng người dân phố cổ vẫn luôn nhớ về làng quê gốc cũ.

Điểm đến hấp dẫn khách du lịch

Theo Sở Du lịch Hà Nội, khu phố cổ Hà Nội thực sự là kho báu của du lịch Thủ đô, có sức hút mạnh mẽ với khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Theo thống kê của các đơn vị lữ hành lớn, khoảng 60% lượng khách khi tham gia vào những hành trình du lịch khu vực phía Bắc đều lựa chọn đến tham quan phố cổ. Dưới góc nhìn của doanh nghiệp lữ hành, phố cổ là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch quốc tế, bởi nơi đây vẫn giữ được những nét độc đáo của Hà Nội, những món ăn ngon nức tiếng. Bên cạnh đó, số ít người dân vẫn lưu giữ và tiếp tục phát triển những nghề truyền thống mà cha ông đã để lại. Người dân phố cổ có nét văn hóa riêng, từ tập tục đến phong cách sống và đây là điều không nơi nào có được.

Quận Hoàn Kiếm với sức hút của khu phố cổ giống như một Hà Nội thu nhỏ: Những công trình kiến trúc, di sản văn hóa đặc trưng nhất của du lịch Hà Nội, những lễ hội truyền thống hay phố đi bộ; du lịch tham quan, giải trí với những điểm du lịch nổi bật như đền Ngọc Sơn, Nhà hát lớn, Nhà hát múa rối nước Thăng Long; du lịch mua sắm với các tuyến phố kinh doanh truyền thống, chợ Đồng Xuân và các chuỗi điểm mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch quốc tế; du lịch lưu trú và ẩm thực với hơn 500 khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch… Ngoài ra, khách du lịch đến Hoàn Kiếm còn có thể trải nghiệm sản phẩm của những làng nghề nổi tiếng nhất Hà Nội thông qua các cửa hàng lưu niệm ở các tuyến phố nghề trong Khu phố cổ.

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, những năm gần đây nhiều sản phẩm du lịch mới đ ã được hình thành. Điển hình như: Không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, chính thức hoạt động từ 1/1/2020, tiếp tục được đề xuất kết nối phía Bắc với không gian đi bộ phía Nam phố cổ đã thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, phát triển kinh tế quận Hoàn Kiếm và Thủ đô. Việc tổ chức nhiều sự kiện đã thu hút đông khách du lịch tới tham quan và vui chơi, giải trí tại khu vực này, phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan mặt nước, cây xanh hồ Hoàn Kiếm (di tích Quốc gia đặc biệt), góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì Hòa bình; thúc đẩy gia tăng lượng khách tham quan, lưu trú; tăng nhanh các cơ sở dịch vụ du lịch và tăng trưởng nguồn thu ngân sách.

Không gian bích họa phố Phùng Hưng khai trương từ tháng 2/2018 với nhiều hoạt động đậm nét văn hóa đã trở thành điểm đến đặc biệt của Hà Nội, một không gian văn hóa công cộng hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, khám phá.

Năm 2020, quận Hoàn Kiếm tổ chức thí điểm mở rộng giới hạn thời gian kinh doanh dịch vụ (đến 02 giờ sáng từ 19h00 ngày thứ sáu đến 24h00 ngày chủ nhật hằng tuần) đã thu hút nhiều cơ sở kinh doanh (gồm: quán café, nhà hàng sử dụng âm nhạc, nhà hàng dịch vụ ăn uống, dịch vụ karaoke) đủ điều kiện đăng ký tham gia, tạo thêm không gian vui chơi, đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh, giao lưu, khám phá, đặc biệt là du khách quốc tế, tăng thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách...

Phần đông các du khách quốc tế đến Hà Nội đều có chung nhận định, sức hút của khu phố cổ với nhiều loại hình sản phẩm du lịch đa dạng luôn là điểm nhấn khó quên đối với bất cứ ai đặt chân đến đây.

Khai thác bền vững, hiệu quả khu phố cổ Hà Nội

Hà Nội xác định phát huy các giá trị di sản, bản sắc văn hóa là điểm “mấu chốt” trong việc quảng bá, giới thiệu du lịch của Thủ đô. Hiện nay, hầu hết các chương trình được xây dựng dành cho khách du lịch trong và ngoài nước phần lớn đều gắn liền với các di sản, di tích lịch sử văn hóa và làng nghề. Đặc biệt, các sản phẩm du lịch văn hóa quan trọng được TP. Hà Nội tập trung đầu tư phát triển và nâng cấp, trong đó không thể thiếu điểm đến tham quan và tìm hiểu khu phố cổ.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản của khu phố cổ Hà Nội được quận, thành phố và nhân dân Thủ đô quan tâm. Nhiều di tích lịch sử văn hóa và hạ tầng đã, đang được tu sửa, tôn tạo, gắn với phát triển du lịch. Các hoạt động này luôn nằm trong “chiến lược” nhằm gìn giữ, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như góp phần trong việc tạo dựng và làm phong phú, hấp dẫn hơn nguồn tài nguyên quan trọng của Thủ đô.

Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội cho biết, bắt đầu từ năm 2008 đến nay, có 21 di tích trong khu phố cổ được UBND quận Hoàn Kiếm đầu tư và cải tạo. Nhiều di tích sau khi được cải tạo đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch như đình Kim Ngân, chùa Lý triều Quốc sư, quán chùa Huyền Thiên... Bên cạnh đó, quận Hoàn Kiếm cũng đã chỉnh trang được 44 tuyến phố trong khu phố cổ, khôi phục lại diện mạo của những ngôi nhà có giá trị, góp phần khôi phục lại dáng vẻ xưa của các tuyến phố chính tại khu vực trung tâm.

Ngành Du lịch Hà Nội đặt mục tiêu tập trung khai thác bền vững, hiệu quả giá trị các di sản tiêu biểu, phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn, tạo mọi cơ hội để đưa du khách đến với di sản và có những sản phẩm hoàn chỉnh để du khách được trải nghiệm. Để phát triển du lịch trên địa bàn, cũng như khai thác hiệu quả, bền vững khu phố cổ, các chuyên gia cho rằng, cần đặc biệt quan tâm xác định và vun đắp các giá trị di sản phố cổ bởi đó là tài nguyên quý giá bảo đảm tính bền vững trong phát triển du lịch, là chất liệu khai thác để xây dựng nội dung cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch kết hợp với các hoạt động tham quan, mua sắm, ẩm thực, chương trình văn hóa nghệ thuật, các hoạt động vui chơi giải trí có chất lượng cao, đầu tư bài bản.

Đặt trong tầm nhìn của Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo về thiết kế” trong “Mạng lưới các thành phố sáng tạo Unesco”, Thành phố cần tiếp tục quan tâm phát triển các không gian sáng tạo trong và ngoài khu phố cổ; nơi quảng bá nghệ thuật, văn hóa và nghề thủ công truyền thống của Hà Nội, Việt Nam ra thế giới, cũng đồng thời là chất xúc tác và tác nhân kinh tế thu hút du lịch, đầu tư, phát triển và thương mại.

Tổ chức và duy trì thường xuyên, định kỳ, có chọn lọc các hoạt động văn hóa - du lịch phù hợp diễn ra trong di sản, làm cho di sản phố cổ luôn sống động, phong phú.

Nghiên cứu và triển khai các dự án nâng cấp sản phẩm du lịch trong di sản, song không làm ảnh hưởng đến công tác bảo tồn, thông qua tăng các hoạt động trải nghiệm của du khách tại di sản.

Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm đầu tư bảo tồn, cải tạo, nâng cấp các di tích; bảo đảm có cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn để tổ chức đón khách (như điểm đỗ xe, vệ sinh công cộng). Nghiên cứu tổ chức tuyến, loại hình phương tiện giao thông du lịch trong phố (xe ôtô điện, xe đạp, xichlô du lịch); tạo môi trường kinh doanh thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành, các điểm đến thay đổi trong cách tiếp cận khách hàng.

Một trong những giải pháp quan trọng khác cần ưu tiên đó là, tập trung quảng bá điểm đến là các di sản phố cổ Hà Nội trong bản đồ du lịch Hà Nội, gắn kết trung tâm trong các chuỗi sản phẩm du lịch của Thành phố; Quan tâm đầu tư nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin giới thiệu thông tin du lịch đến với du khách, mở rộng lắp đặt wifi tại các điểm đến, kết nối hiệu quả các cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn.

Ngoài ra, cần nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực hoạt động du lịch. Tăng cường đào tạo cán bộ quản lý về di sản và du lịch; đào tạo nghiệp vụ thuyết minh viên; giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng người dân khu vực di sản trong gìn giữ văn hóa để người dân phố cổ chính là chủ thể vừa bảo tồn, vừa làm du lịch, phát triển giá trị của di sản, quảng bá di sản./.

 
Bùi Trị Điền
Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top