Hà Nội khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước

18/02/2020 - 10:11 AM
Tăng trưởng GRDP cao nhất trong 4 năm qua

Theo số liệu của Cục Thống kê TP. Hà Nội, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2019 ước tính tăng 7,62% so với năm 2018, vượt kế hoạch đề ra, cao hơn mức tăng GDP của cả nước (7,02%). Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 4 năm gần đây của Thành phố (năm 2016 tăng 7,16%; năm 2017 tăng 7,39%; năm 2018 tăng 7,17%).

 
Quy mô GRDP năm 2019 theo giá hiện hành ước tính đạt 971,7 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 120,1 triệu đồng, tăng 7% so với năm 2018 (tăng 7,9 triệu đồng).

Cơ cấu GRDP năm 2019 chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ và công nghiệp, xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 1,99% GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22,69%; khu vực dịch vụ chiếm 64,02%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 11,3% (cơ cấu tương ứng năm 2018 là: 2,14%; 22,26%; 63,94% và 11,66%).

Các chỉ tiêu cân đối lớn về kinh tế được đảm bảo. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 264,7 nghìn tỷ đồng, đạt 100,6% dự toán và tăng 7,4% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt gần 244 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 85,7 nghìn tỷ đồng, đạt 84,8% dự toán đầu năm, trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 84,8% dự toán và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên đạt 98,6% dự toán, tăng 10,9%.

Dẫn đầu cả nước về thu hút FDI

Tiếp nối những kết quả đã đạt được của năm 2018, năm 2019, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. Ước cả năm 2019, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Thành phố đạt 385,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2018, là mức tăng cao nhất trong 4 năm gần đây.

 
Hà Nội khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Thu hút đầu tư nước ngoài của Thành phố tiếp tục là điểm sáng, đạt 8,05 tỷ USD, cao nhất sau 30 năm mở cửa hội nhập và là năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu cả nước. Trong đó, có 800 dự án cấp mới, vốn đầu tư đạt 1,5 tỷ USD; 165 lượt dự án tăng vốn, vốn tăng 1,1 tỷ USD; 1.100 lượt góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam, tổng giá trị 5,45 tỷ USD. Lũy kế đến nay, tổng số vốn đầu tư nước ngoài đạt 42 tỷ USD với 5.300 dự án còn hiệu lực.

Thu hút đầu tư nước ngoài của Thành phố tăng trưởng mạnh trong hai năm qua chủ yếu do môi trường đầu tư được cải thiện rõ nét. Chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2018 tăng 4 bậc so với năm 2017, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố - là mức cao nhất từ trước đến nay. Hà Nội cũng nằm trong tốp 10 địa phương có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cả nước.

Môi trường đầu tư cải thiện, thu hút đầu tư được đẩy mạnh đã giúp số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng khá. Trong năm 2019, có 27,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 510,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11% về số doanh nghiệp và tăng 30% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, số vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp khá cao, đạt 18,3 tỷ đồng, tăng 17%.

Nhiều chỉ tiêu kinh tế -xã hội đạt mức tăng khá

Năm 2019, nhiều chỉ tiêu kinh tế -xã hội của Thủ đô đạt mức tăng trưởng khá. Sản xuất công nghiệp có sự phục hồi mạnh trong những tháng cuối năm, đạt mức tăng khá. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) năm 2019 ước tính tăng 8,5% so với năm 2018 (năm 2018 tăng 7,7%), trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,5%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 9,7%; cung cấp nước và hoạt động thu gom xử lý rác, nước thải tăng 8%...

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2019 tăng 17,7% so với năm 2018. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm cuối tháng 12/2019 giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là các chỉ số cho thấy công nghiệp phát triển tốt.

Hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2019 tăng 12,1% so với năm 2018 (năm 2018 tăng 8,9%). Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm 61,2% tổng mức, tăng 13,9%; doanh thu khách sạn, nhà hàng chiếm 11% tổng mức, tăng 12,5%; doanh thu du lịch lữ hành chiếm 2,1% tổng mức, tăng 7,4%; doanh thu dịch vụ khác chiếm 25,7%, tăng 8,1%.

Hoạt động du lịch của Hà Nội tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng; công tác quản lý tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh. Khách quốc tế đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) ước tính tăng 7% so với năm trước, trong đó khách đến từ Hàn Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất với 17,3% tổng số khách, tăng 14,8%.

Xuất khẩu hàng hóa tăng cao, nhất là khu vực kinh tế trong nước; thị trường xuất khẩu từng bước được mở rộng. Tính chung cả năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 16,7 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm 2018 (năm 2018 tăng 18,8%), trong đó khu vực kinh tế trong nước ước đạt 9,9 tỷ USD, chiếm 59,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng cao 32,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6,8 tỷ USD, chiếm 
40,7% và tăng 5,6%. Điểm sáng về xuất khẩu năm nay là đã mở rộng được thị trường xuất khẩu sang Châu Phi.
 
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2019 đạt 32,2 tỷ USD, tăng 4% (năm 2018 tăng 7,5%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 25,6 tỷ USD, chiếm 79,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 4,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập 6,6 tỷ USD, chiếm 20,5% và tăng 2,9%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2019 tăng 3,77% so với bình quân cùng kỳ năm trước (CPI bình quân năm 2018 tăng 4,2%).

Tỷ lệ thất nghiệp năm 2019 của Hà Nội là 1,7% (năm 2018 là 2%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,1% (năm 2018 là 2,6%); khu vực nông thôn là 1,2% (năm 2018 là 1,1%). Toàn Thành phố giải quyết việc làm cho 192 nghìn lao động, đạt 124,6% kế hoạch năm.

Đời sống dân cư trên địa bàn Thành phố nhìn chung ổn định và tiếp tục có xu hướng cải thiện. Công tác bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Đến nay, trên địa bàn Thành phố không có hộ thiếu đói; Thu nhập bình quân đầu người 1 tháng năm 2019 ước tính đạt 6.340 nghìn đồng/người/tháng, tăng 7,4% so với năm 2018.

Đạt nhiều thành tựu quan trọng sau 10 năm xây dựng nông thôn mới

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, công tác xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người nông dân đã đạt được những kết quả tích cực.

Đến nay, Hà Nội đã có 6 huyện, 356 xã (92%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 259 triệu đồng/ha/năm. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 98,6%.

Những thành tựu đạt được sau 10 năm xây dựng nông thôn mới làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi toàn diện, ngày càng khang trang, xanh-sạch-đẹp hơn, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Có thể nói, qua hơn 30 năm đổi mới, Hà Nội đang dần trở thành một siêu đô thị, phát triển nhanh, năng động của khu vực và thế giới, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước. Thủ đô Hà Nội đang bước vào năm 2020 với sự quyết tâm cao độ, đặt ra nhiều giải pháp, mục tiêu, trong đó hàng đầu là chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; cơ cấu lại kinh tế Thủ đô và các ngành lĩnh vực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng GRDP từ 7,5% trở lên.

Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 được Thành phố đề ra là: GRDP bình quân đầu người đạt trên 126 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn trên 10,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 8%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 90,1%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%...

 
(Nguồn: Cục Thống kê TP. Hà Nội)

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top