Hải Phòng phát triển nguồn nhân lực phục vụ thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội

11/04/2022 - 04:23 PM
Hải Phòng là thành phố cảng, trung tâm công nghiệp và là đầu mối giao thông quan trọng giao lưu kinh tế trong và ngoài nước, là cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng kinh tế động lực, trọng điểm phía Bắc. Trong những năm qua, kinh tế Hải Phòng có bước tăng trưởng khá và ổn định. Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ và hiện đại, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông đã tạo sức hút lớn đối với các nhà  đâu tư trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính và công nghệ tiên tiến đến với Hải Phòng, kéo theo sự gia tăng về nhu cầu lao động trong các ngành kinh tế.

Nhu cầu lao động ngày càng lớn
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn tới năm 2030 đặt ra mục tiêu sẽ lấp đầy 90% diện tích 12 khu công nghiệp. Đồng thời, mở rộng thêm 15 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 6.400 ha, thu hút vốn FDI đạt từ 12,5 tới 15 tỷ USD. Tương ứng với quy mô đó, ước tính Hải Phòng cần có số lượng lao động lên tới 300 nghìn người. Trong đó, nhu cầu lao động phổ thông khoảng 50%, công nhân kỹ thuật và người lao động đã qua đào tạo khoảng khoảng 40%, lao động quản lý có trình độ bậc trung bao gồm các thợ bậc cao, cử nhân, cao đẳng nghề, kỹ sư thực hành khoảng 7% còn lại khoảng hơn 3% là lao động có trình độ cao như tiến sỹ, thạc sỹ, kỹ sư, cử nhân có kinh nghiệm.

 
Hải Phòng phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội
      Hải Phòng trao giấy chứng nhận đầu tư dự án khu phi thuế quan-logistics và công nghiệp Lạch Huyện
 
Trong khi đó, những năm gần đây, nguồn nhân lực của thành phố Hải Phòng đang có xu hướng giảm, chất lượng nguồn nhân lực đứng trước nguy cơ không đáp ứng kịp với nhu cầu thực tế. Giai đoạn 2016 -2020, tỷ lệ lực lượng lao động so với dân số có xu hướng giảm dần, cụ thể năm 2016 là 57,45%; năm 2019 là 54,65%; năm 2020 là 52,49%. Một số nguyên dẫn đến thực trạng trên được chỉ ra như: Dân số thành phố đã bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa; Đời sống người dân được nâng lên do đó nhu cầu tìm việc làm để nâng cao thu nhập của lao động ngoài độ tuổi lao động cũng giảm; Tỷ suất di cư thuần của Thành phố còn thấp và do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19…

Trước thực trạng đó, để giải bài toán nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho quá trình phát triển, thành phố Hải Phòng đang thực hiện song song 02 nhiệm vụ chính đó là phát triển và nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ và tăng cường thu hút lao động ngoại tỉnh vào Thành phố.

Nâng cao chất lượng nhân lực tai chỗ thông qua hoạt động giáo dục nghề nghiệp
Để nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ, Hải Phòng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có một số giải pháp nổi bật như: Hoàn thiện sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) công lập thuộc Thành phố quản lý, làm cơ sở tiếp tục hoàn thiện Dự án Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GDNN theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI; Tổ chức đào tạo, đào tạo lại cho người lao động, đồng thời đẩy mạnh tuyển sinh, đào tạo nhân rộng theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài và chương trình chất lượng cao khác; Đẩy mạnh xã hội hóa GDNN và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, thành lập cơ sở GDNN có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố; Phối hợp thực hiện đạt mục tiêu phân luồng học sinh bậc học phổ thông vào học GDNN thông qua năng lực đào tạo nghề nghiệp, hiệu quả công tác truyền thông, tư vấn, tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp gắn với vị trí việc làm, đẩy mạnh hoạt động liên kết GDNN với doanh nghiệp; Tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

 
Hải Phòng phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội 1
Dạy nghề Cắt gọt kim loại tai Trường Cao Đẳng Giao thông vận tải Trung ương II
 
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 55 cơ sở GDNN và 09 cơ sở hoạt động GDNN, trong đó có 34 đơn vị công lập và 21 đơn vị tư thục, trong đó có nhiều trường được lựa chọn đào tạo nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, cấp độ khu vực ASEAN và cấp độ quốc gia. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn các cơ sở GDNN trên địa bàn tăng cường xây dựng các chương trình đào tạo theo năng lực thực hành nghề dựa trên các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia hoặc xác định chuẩn đầu ra theo ngành, nghề và vị trí việc làm ứng với từng trình độ đào tạo. Đối với định hướng phát triển các chương trình tiếp cận chuẩn khu vực ASEAN và quốc tế, khi xây dựng chương trình đào tạo chuẩn quốc gia phải được tiếp cận, nghiên cứu và ứng dụng ở tất cả các khâu đào tạo bao gồm đánh giá trình độ đầu vào của người học, quá trình và đánh giá kết quả học để bảo đảm chuẩn đầu ra theo cam kết của nhà trường với người học, người sử dụng lao động.
 
Từ năm 2017 đến nay đã có hơn 200 lượt chương trình, giáo trình đào tạo được các cơ sở GDNN tự chủ xây dựng theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực như: Tích hợp kiến thức, kỹ năng và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo vào quá trình đào tạo; đảm bảo thời gian thực hành chiếm từ 70% trở lên. Đặc biệt, có nhiều cơ sở GDNN đã mạnh dạn xây dựng tăng thời lượng thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, điển hình như các Trường Cao đẳng: Du lịch, Giao thông vận tải Trung ương II, Công nghiệp Hải Phòng, Hàng Hải I...đã xây dựng tới 40% thời gian thực hành tại doanh nghiệp; đã tổ chức đào tạo 15 chương trình đào tạo được chuyển giao từ Úc, Đức, Malaysia. Đến nay, đã có hơn 20 dự án đầu tư nước ngoài vào GDNN ở Hải Phòng. Các cơ sở GDNN luôn chủ động thực hiện, tiếp nhận sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia theo chương trình, dự án ODA, ADB và một số chuyên gia tình nguyện…
 
Hải Phòng phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội 2
Lễ khai giảng K13A.CĐ, K13A.TC, lớp CĐ cấp độ quốc tế chuyển giao từ CHLB Đức
tại Trường Cao đẳng Giao thông vân tải Trung ương II

 
Cùng với đó, kết quả tuyển sinh và đào tạo của các cơ sở GDNN trên địa bàn Thành phố có chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2017-2021, tổng số tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp toàn thành phố Hải Phòng đạt gần 260 nghìn học sinh, sinh viên, học viên. Trong đó trình độ cao đẳng là 19,5 nghìn sinh viên; trình độ trung cấp trên 25,4 nghìn học sinh, sinh viên; trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng gần 213 nghìn học viên. Chất lượng và hiệu quả đào tạo GDNN tiếp tục được nâng lên, có từ 80% - 85% số lao động qua đào tạo nghề trình độ cao đẳng được sử dụng đúng nghề; có một số nghề như: Hàn, Dịch vụ nhà hàng, Điều khiển tàu biển,… kỹ năng nghề của sinh viên đã đạt chuẩn quốc tế, qua đó bước đầu đáp ứng được nguồn nhân lực có tay nghề cao cho các doanh nghiệp và cho xuất khẩu lao động. Lực lượng lao động qua đào tạo nghề tham gia vào hầu hết các lĩnh vực và bước đầu có thể đảm nhận được các vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.

Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo cho lao động nông thôn luôn được thành phố Hải Phòng quan tâm chỉ đạo triển khai, bố trí kinh phí thực hiện. Đến nay đã có hàng trăm nghìn lượt lao động nông thôn được đào tạo các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Một bộ phận lao động nông nghiệp đã đủ trình độ, năng lực vào làm việc ở các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ.

Phát triển nhà ở xã hội giá rẻ và nhà ở cho công nhân để thu hút lao động từ bên ngoài
Xác định lao động nhập cư là nguồn bổ sung quan trọng cho sự thiếu hụt về lao động của Thành Phố, những năm qua, Hải Phòng đã có nhiều giải pháp để thu hút lực lực lượng lao động này. Nổi bật trong đó là việc thành phố Hải Phòng đang tập trung đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội giá rẻ bán cho công nhân, đồng thời thực hiện cơ chế giao đất cho doanh nghiệp xây dựng ký túc xá cho công nhân, qua đó thu hút, giữ chân người lao động, nhất là những người lao động có trình độ, chất lượng cao.

 
Hải Phòng phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội 3
Trao giấy chứng nhận đầu tư Dự án xây dựng nhà ở công nhân tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải
cho Công ty TNHH Pegatron Việt Nam

 
 
Được biết, từ nhiều năm trước, Hải Phòng đã phê duyệt triển khai 7 dự án xây dựng nhà ở cho công nhân do doanh nghiệp đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách, với tổng diện tích hơn 20,7ha, quy mô hơn 4.555 căn hộ. Hải Phòng dự kiến sẽ quy hoạch khoảng 20% diện tích đất trong các khu công nghiệp để xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân. Mới đây, Ban Quản lý Khu Kinh tế cùng lúc trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án xây dựng nhà ở công nhân của Công ty TNHH Pegatron Việt Nam và Công ty TNHH Universal Scientific Industrial Việt Nam.

Để thúc đẩy phát triển nhà ở công nhân, nhất là tại các khu công nghiệp, ngày 10/01/2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng có Công văn số 185/ UBND-XD3 về một số giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp trong đó có một nội dung quan trọng là: Khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.

Hải Phòng đang quyết tâm tạo đột phá trong xây dựng nhà ở công nhân, tạo lợi thế cạnh tranh, trong thu hút người lao động với các địa phương lân cận như Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình…Đây cũng là giải pháp được cho là khá hiệu quả để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động của nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của Hải Phòng./.

Minh Châu
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top