Hải Phòng - Tạo bước đột phá về thu hút đầu tư và phát triển kinh tế xã hội

29/04/2022 - 09:54 PM

Ngày 13/11/2021, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Nghị quyết này nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết là công cụ pháp luật quan trọng để Hải Phòng phát triển bứt phá và trở thành động lực tăng trưởng của cả nước. Các cơ chế đặc thù sẽ mang đến cho Hải Phòng cơ hội phát triển mới.

Kế thừa và phát huy những thành tựu nổi bật

Nhiệm kỳ 2015-2020, thành phố Hải Phòng đã có bước phát triển vượt bậc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh, đối ngoại. Tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân 5 năm 2016-2020 đạt 13,94%/năm, gấp 1,3 lần mục tiêu đề ra (10,5%/năm), gấp 1,97 lần giai đoạn 2011-2015 (7,08%/năm) và gấp 2,06 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước (6,78%/năm); tỷ trọng GRDP của thành phố trong GDP cả nước tăng từ 3,5% năm 2015 lên 5,3% năm 2020. Tiềm lực của Thành phố được tăng cường, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 408.498 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 120.698 tỷ đồng, gấp 2,65 lần giai đoạn 2011-2015.
 

Tuyến đường nối từ nút giao Nam cầu Bính đến Ngã 4 đường Tôn Đức Thắng-Máng Nước-Quốc lộ 5
đã hoàn thành và đưa vào sử dụng

Trong 5 năm vừa qua, thành phố Hải Phòng đã có những bước phát triển đột phá trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị, cũng như phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội. Huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển của Hải Phòng giai đoạn 2016-2020 đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn thành phố đạt 564.295 tỷ đồng, bằng 128% chỉ tiêu Đại hội XV đề ra (440.000 tỷ đồng) và gấp 3 lần giai đoạn 2011-2015 (188.355 tỷ đồng). Cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch mạnh theo hướng xã hội hóa. Trong đó, vốn khu vực ngoài Nhà nước và FDI đạt 508.150 tỷ đồng, gấp 3,67 lần so với nhiệm kỳ trước. Vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 9,41 tỷ USD, gấp 1,23 lần nhiệm kỳ trước. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân vào GRDP, thu nội địa đều tăng trong nhiệm kỳ, tương ứng là 26,8% năm 2015 lên 38,37% năm 2020 và từ 25,4% năm 2015 lên 35,5% năm 2020.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố Hải Phòng đã có bước phát triển vượt bậc, củng cố; phát huy tốt hơn vị trí, vai trò thành phố Cảng, đầu mối giao thông quan trọng và cửa ngõ chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Hình thành Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, đón tàu có tải trọng đến 160.000 tấn. Tổng nguồn lực đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016-2020 đạt 43.886 tỷ đồng, gấp 1,82 lần giai đoạn 2011-2015; đã hoàn thành hàng chục tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, cùng 46 cây cầu các loại, trong đó có nhiều cây cầu lớn, với tổng chiều dài 23 km; hoàn thành một số cầu vượt, nút giao thông hiện đại trong nội đô, làm thay đổi rõ nét hạ tầng giao thông thành phố. Cùng với đó, thành phố đã đầu tư xây dựng các công trình giao thông kết nối với các địa phương trong vùng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố như: Cầu Hàn, cầu Đăng, cầu sông Hóa…

Cầu Rào 1 có tổng mức đầu tư 2.265 tỷ đồng được thông xe trong những ngày giáp Tết Nhâm Dần
sau 13 tháng thi công. Ảnh: Cổng TTĐT Hải Phòng

Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới được Thành phố quan tâm đầu tư, đẩy nhanh tiến độ. Năm 2019, 100% số xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới. Thành phố Hải Phòng đã ban hành cơ chế hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp vật tư, nhân công, mặt bằng để hoàn thành xây dựng hơn 5.000 km đường thôn xóm, đường nội đồng. Tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đạt 40.396 tỷ đồng, gấp 2,5 lần giai đoạn 2010-2015 (15.857 tỷ đồng), trong đó nhân dân đóng góp 5.865 tỷ đồng…

Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, an sinh xã hội… được thành phố Hải Phòng quan tâm đầu tư lớn, có nhiều cơ chế, chính sách mới vượt trội như: Hỗ trợ 100% học phí cho học sinh các cấp; khen thưởng đối với đội ngũ giáo viên, học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; thưởng cho các vận động viên, huấn luyện viên đạt thành tích tại giải thể thao khu vực và quốc tế; cấp gạch, xi măng, hỗ trợ tiền để xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách... Hạ tầng lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo được tập trung đầu tư, hiện đại. Tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm, từ 3,86% năm 2015 xuống còn 0,22% năm 2020.

Huyện Thủy Nguyên thực hiện tốt công tác GPMB phục vụ thi công các tuyến đường Nông thôn mới kiểu mẫu.
Ảnh: Đồng chí Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng lãnh đạo các ngành chức năng
thực địa kiểm tra tại 5 xã thuộc huyện Thủy Nguyên

Đột phá trong thu hút đầu tư

Được sự quan tâm của Trung ương, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố những năm vừa qua đã được cải thiện mạnh mẽ. PCI 2020 của thành phố Hải Phòng đã vươn lên xếp vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố và xếp vị trí thứ 2/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, đạt 69,27 điểm, tăng 0,54 điểm và tăng hạng 03 bậc so với năm 2019. Nhờ những thay đổi tích cực này, thành phố Hải Phòng đã trở thành điểm đến của nhiều dự án đầu tư lớn, do vậy đã thu hút được số vốn đầu tư lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Tính riêng trong năm 2021, tổng số vốn đầu tư thu hút trên toàn thành phố đạt gần 5,3 tỷ USD, gấp 3,24 lần so với cùng kỳ năm 2020, đạt 211,93% kế hoạch thu hút FDI năm 2021. Để có những kết quả như trên, Thành phố đã triển khai một số giải pháp quan trọng, đột phá trong công tác xúc tiến đầu tư và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và huy động tối đa nguồn lực xã hội để tập trung đầu tư mạnh mẽ vào 3 trụ cột kinh tế: Công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại.

Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên trao giấy phép chứng nhận đăng ký đầu tư
Dự án LG Display Hải Phòng. (Ảnh: TTXVN)

Thành phố đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, dịch vụ - du lịch, điển hình như: Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Tập đoàn LG với tổng vốn đầu tư 6 tỷ USD; Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast của Tập đoàn Vingroup với tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD; hai bến khởi động Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và các đối tác đầu tư; hệ thống cáp treo vượt biển Cát Hải - Cát Bà do Tập đoàn SunGroup đầu tư. Các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, liên kết vùng được đẩy mạnh; vị thế, uy tín của Hải Phòng đối với các địa phương trong cả nước và bạn bè quốc tế ngày càng được nâng cao.

Nhằm thích ứng với tình hình mới của đại dịch Covid-19, Thành phố đã nhanh chóng thay đổi phương thức xúc tiến đầu tư so với trước đây. Thay vì cử đoàn xúc tiến ra nước ngoài quảng bá môi trường đầu tư, tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng, thời gian vừa rồi Thành phố triển khai rất hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ. Một số nhà đầu tư điều chỉnh tăng vốn hoặc đăng ký thêm dự án đầu tư tại Thành phố với số vốn đầu tư lớn trong thời gian qua đã được các cơ quan của Thành phố tập trung, giải quyết thủ tục đầu tư nhanh chóng, giúp cho doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh như: Dự án đầu tư của LG Display, Regina Micracle, Pegatron, USI.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang thăm một dự án sản xuất trong Khu Công nghiệp Đình Vũ

Động lực mới cho phát triển của Thành phố
Với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 35/2021/QH15 thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Hải Phòng sẽ có cơ hội phát triển bứt phá và trở thành động lực tăng trưởng của cả nước. Các cơ chế đặc thù mang đến cho Hải Phòng cơ hội phát triển mới. Nổi bật, các cơ chế, chính sách về bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, nâng hạn mức dư nợ vay, phí và lệ phí sẽ khuyến khích thành phố phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước đóng góp cho ngân sách chung của Trung ương; Chính sách về quản lý đất đai tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố Hải Phòng chủ động, linh hoạt và phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai; Chính sách về quản lý quy hoạch góp phần tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho địa phương, rút ngắn thời gian thực hiện điều chỉnh quy hoạch; Chính sách về thu nhập cho cán bộ, viên chức là cơ chế tốt thu hút, giữ chân nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao - lực lượng đảm bảo sự phát triển của thành phố trong tương lai...

Thu hút đầu tư vốn nước ngoài của thành phố Hải Phòng tiếp tục tạo dấu ấn

Trong những năm sắp tới, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành địa phương đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Thành phố đã xác định các giải pháp đột phá: Xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng mang bản sắc đặc trưng riêng của thành phố Cảng biển. Tập trung cao cho công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Đẩy nhanh tốc độ phát triển, mở rộng không gian đô thị. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, triển khai quyết liệt các thủ tục đầu tư, nhất là giải phóng mặt bằng; Phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước với trọng tâm là phát triển hạ tầng du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa.

Với những cơ chế đặc thù được thông qua và những giải pháp tổng thể, đồng bộ, thành phố Hải Phòng hứa hẹn trở thành trung tâm kết nối vùng, liên kết vùng, đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước để đưa đất nước cùng phát triển, xứng đáng với sự quan tâm, kỳ vọng, đặc biệt sự đầu tư rất lớn từ Trung ương.

Nguyễn Hoàng Long 
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng

                                                                                                                             
 
 Một số hình ảnh về thu hút đầu tư của thành phố Hải Phòng 
 
    

Hải Phòng trao giấy chứng nhận đầu tư dự án khu phi thuế quan-logistics và công nghiệp Lạch Huyện

Một góc Khu công nghiệp Đình Vũ
 

Cảng Hải Phòng là cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia, lớn nhất miền Bắc, là cửa ngõ quốc tế của Việt Nam

Dự án Khu công nghiệp đô thị VSIP Hải Phòng. Ảnh: TTXVN

Nhà máy Sản xuất ô tô Vinfast tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng). Ảnh: Vingroup

Giai đoạn 2021-2025, Thành phố triển khai dồn điền, đổi thửa, dành quỹ đất thu hút doanh nghiệp,
tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp. (Ảnh: Nguyễn Đức Nghĩa)

 


 




   


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top