Hải Phòng xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ hiện đại tạo động lực để phát triển đột phá

04/04/2022 - 03:26 PM
Những năm gần đây, hạ tầng giao thông của thành phố Hải Phòng đã có sự thay đổi mạnh mẽ với hàng chục công trình giao thông được đầu tư xây dựng với số vốn hàng nghìn tỷ đồng. Các công trình này đã tạo một diện mạo mới, có vai trò đặc biệt trong việc tháo gỡ “nút thắt” giao thông, tạo nền tảng cho sự phát triển của thành phố Hải Phòng trong tương lai.

Ứơc tính trong giai đoạn từ năm 2016 -2020, thành phố Hải Phòng đã huy động tổng nguồn lực tới gần 44 nghìn tỷ đồng để đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, gấp hơn 1,8 lần giai đoạn 2011 - 2015. Nhờ đó, hạ tầng giao thông của thành phố Hải Phòng được đầu tư phát triển mạnh, có bước phát triển đột phá theo hướng hiện đại và đồng bộ. Điểm nổi bật nhất trong giai đoạn 2015 – 2020 là thành phố Hải Phòng đã đầu tư hàng loạt các tuyến đường, cây cầu kết nối với các địa phương, các vùng ngoại thành với nội đô, tạo điều kiện thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa, chống ùn tắc giao thông và đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của nhân dân. Trong đó, có nhiều công trình giao thông tạo điểm nhấn đô thị với kiểu dáng mỹ thuật hiện đại như: Nút giao Nam Cầu Bính; cầu Hoàng Văn Thụ; cầu vượt nút giao đường Lê Hồng Phong với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm; cầu vượt nút giao đường Hồ Sen – Cầu Rào 2 với đường Nguyễn Văn Linh …

 
Hải Phòng xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ hiện đại tạo động lực để phát triển đột phá 3
Công trình cầu vượt Nguyễn Văn Linh nút giao thông Ngã 3 Cầu Rào 2
 
Đặc biệt, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Hải Phòng đã khởi xướng nhiều nội dung quan trọng nhằm gia tăng giá trị của liên kết vùng. Trong đó có nhiều nội dung hợp tác về phát triển hạ tầng giao thông với các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương và được cụ thể hóa bằng các dự án như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua thành phố Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình; Dự án cầu sông Hóa nối huyện Vĩnh Bảo của thành phố Hải Phòng với huyện Thái Thụy của tỉnh Thái Bình; Dự án cầu Quang Thanh nối huyện An Lão với huyện Thanh Hà của tỉnh Hải Dương; Dự án cầu Dinh nối huyện Thủy Nguyên với thị xã Kinh Môn của tỉnh Hải Dương; Dự án xây dựng cầu Lại Xuân và cầu Bến Rừng để kết nối với tỉnh Quảng Ninh …
Bên cạnh đó, tại khu vực nông thôn, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, trong giai đoạn 2025 – 2020, nhờ cơ chế sáng tạo hỗ trợ xi măng để nhân dân xây dựng đường thôn xóm, đường nội đồng. Thành phố Hải Phòng đã huy động được một nguồn lực lớn từ sự đóng góp tự nguyện của người dân và đã hoàn thành 5 nghìn km đường giao thông nông thôn, qua đó tạo mạng lưới giao thông kết nối liên hoàn và đồng bộ từ nông thôn đến thành thị.
Cùng với giao thông đường bộ, hệ thống cảng biển, đường sông và hàng không cũng không ngừng được hiện đại hóa. Thành phố đã hoàn thành hai bến khởi động cảng container quốc tế tại Lạch Huyện để đón tàu có tải trọng đến 16 vạn tấn làm hàng, qua đó mở ra các tuyến vận tải biển trực tiếp xuyên Thái Bình Dương tới Ca-na-đa và Bờ Tây nước Mỹ mà không phải trung chuyển qua các cảng biển nước khác. Sân bay Cát Bi được đầu tư xây dựng, nâng cấp thành Cảng hàng không quốc tế cấp 4E, bảo đảm khai thác được máy bay hiện đại cỡ lớn và hiện đang khai thác nhiều đường bay quốc tế và trong nước. Cùng với đó, các tuyến hành lang đường thủy số 1: Việt Trì - Hà Nội - Phả Lại - Hải Phòng - Quảng Ninh; số 2: Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình đang được cải tạo. Các tuyến đường thủy nội địa từ Hải Phòng đi các cảng: Mạo Khê, Điền Công (Quảng Ninh), Cống Câu, Phả Lại (Hải Dương) cũng đang được phát triển; tuyến đường sắt khổ rộng Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cũng đang được nghiên cứu xây dựng.

 
Hải Phòng xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ hiện đại tạo động lực để phát triển đột phá 4
Bến container Tân Vũ được trang thiết bị xếp dỡ tiên tiến hiện đại bậc nhất
khu vực bán đảo Đình Vũ – Hải Phòng

 
Nhờ hạ tầng giao thông phát triển đột phá đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng phát triển mạnh mẽ. Hải Phòng đã và đang có sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước như LG, Aeon, Vingroup, Sungroup, Geleximco… với các dự án quy mô lớn tầm cỡ quốc gia và khu vực trong lĩnh vực công nghiệp, đô thị, thương mại, du lịch, nông nghiệp, y tế, giáo dục…
Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng từ đại dịch Covid -19, nhưng tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Hải Phòng vẫn ở mức cao, ước đạt 12,38%, nằm trong nhóm dẫn đầu các địa phương trên cả nước; tổng thu ngân sách ước đạt hơn 90 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 18,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 25,11 tỷ USD, tăng 23,19%; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 3,13 tỷ USD, tăng 91,44% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.

 
Hải Phòng xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ hiện đại tạo động lực để phát triển đột phá 2
Cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện dài nhất Đông Nam Á
 
Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới. Hải Phòng xác định cần phải tiếp tục chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, để khai thác tối đa lợi thế về vị trí địa kinh tế để phát triển. Do đó, trong giai đoạn 2010- 2025, Hải Phòng lấy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những nội dung quan trọng nằm trong 3 giải pháp đột phá để phát triển.

Trên tinh thần đó, Hải Phòng tiếp tục thu hút các nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, ngoài vốn ngân sách, Thành phố ưu tiên áp dụng các hình thức đầu tư như PPP, ODA… Đặc biệt, Hải Phòng định hướng triển hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại. Trong đó, với giao thông đối nội, Thành phố tập trung đầu tư xây dựng các nút giao thông khác mức, xây dựng hệ thống cầu vượt, đường vành đai 2, vành đai 3; nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông ngầm, đường sắt đô thị, buýt nhanh … để tăng cường kết nối với các khu công nghiệp, khu đô thị và du lịch. Với giao thông đối ngoại, Hải Phòng cùng với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương trong khu vực tập trung mạnh mẽ cho các công trình hạ tầng giao thông có tính chất kết nối vùng, khu vực như: Xây dựng tuyến cao tốc ven biển đoạn qua thành phố, nâng cấp các tuyến quốc lộ; mở rộng cảng hàng không quốc tế Cát Bi, đồng thời nghiên cứu xây dựng cảng Nam Đồ Sơn, cảng hàng không Tiên Lãng, đường sắt cao tốc Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng …

Vừa qua, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố, trong đó có thành phố Hải Phòng. Điều đó sẽ mở ra cơ hội mới, là nền tảng, là động lực quan trọng cho sự phát triển của thành phố Hải Phòng trong thời gian tới ;đồng thời, tạo điều kiện để Thành phố phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, qua đó phát huy đầy đủ lợi thế của địa phương có cả 5 loại hình vận tải, thu hút các dự án đầu tư lớn trong các lĩnh vực cảng biển, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, thương mại, dịch vụ, du lịch, góp phần đưa Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế lớn của cả nước, một thương cảng sầm uất của khu vực và trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ của cả nước.
Thành Nam
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top