Hành trình vượt khó nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tỉnh Cao Bằng

18/03/2020 - 09:14 AM
Củng cố mạng lưới trường lớp gắn với tăng cường cơ sở vật chất
Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Cao Bằng, Ngành Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng (GD&ĐT) đã có bước phát triển ổn định về mạng lưới cơ sở giáo dục, hệ thống trường lớp. Tính đến năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 674 cơ sở giáo dục và đào tạo với 1239 điểm trường, trong đó có 643 điểm trường mầm non, 561 điểm trường tiểu học, 47 điểm trường THCS. 100% xã, phường, 
thị trấn có cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục tiểu học và THCS, 100% huyện, thành phố có trường THPT. Về cơ bản hệ thống mạng lưới trường lớp đã đáp ứng nhu cầu được tới trường của trẻ, song cũng bộc lộ nhiều điểm chưa hợp lý, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa nơi có nhiều điểm trường, lớp lẻ. Các điểm trường lẻ, lớp lẻ thường ít học sinh, cơ sở vật chất tương đối khó khăn, nhiều lớp chưa được kiên cố, hoặc kiên cố chỉ dừng ở mức ‘’ba cứng’’ và thiếu các phòng ở bán trú cho học sinh tại các điểm lẻ; nhiều cơ sở giáo dục còn chung khuôn viên, chưa tách được độc lập, dẫn tới khó khăn trong thực hiện các hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa, các môn học ngoài trời...
 
Hành trình vượt khó nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tỉnh cao bằng

Huy động các nguồn lực để xây dựng trường lớp mới
 
vậy, từ năm học 2016-2017, Ngành GD&ĐT Cao Bằng đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm là rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp để đến năm 2020 toàn tỉnh có một mạng lưới trường, lớp có tính phù hợp cao, vừa đáp ứng tốt yêu cầu trước mắt, vừa đảm bảo ổn định và phát triển lâu dài. Sau hơn 3 năm triển khai quy hoạch mạng lưới trường lớp, đến đầu năm học 2019-2020, số trường học toàn tỉnh chỉ còn 531 trường, số điểm trường giảm còn trên 900 điểm.

Song song với quá trình rà soát, Ngành GD&ĐT cũng tham mưu để tỉnh tiếp tục đầu tư thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa trường lớp, sắp xếp lại đội ngũ hiệu quả, từ đó thực hiện chuẩn hóa giáo dục vùng cao    và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các địa phương lồng ghép các nguồn vốn, thông qua các dự án, chương trình, đề án hoặc huy động nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, tổng công ty hoặc các cá nhân để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy học đồng bộ...

Toàn tỉnh hiện có 41,59% phòng học mầm non, 44,9% số phòng học tiểu học, 92,2% phòng học THCS, 98,04% phòng học THPT được kiên cố; 53,57% phòng học mầm non, 47,5% phòng học tiểu học, 6,9% phòng học THCS, 1,96% phòng học THPT bán kiên cố; còn 4,8% phòng mầm non, 7,5% phòng học tiểu học, 0,8% phòng học THCS là phòng học tạm. Cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi được tăng cường để đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động giáo dục theo tinh thần đổi mới.

Trong năm 2019, tỉnh đã đầu tư xây dựng 120 phòng học mầm non, 93 phòng học tiểu học, đang tiếp tục triển khai xây dựng 58 phòng học mầm non, 88 phòng học tiểu học với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng. Nhiều trường đã được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại có phòng chức năng, thư viện, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, phòng học tin học... Đa số phòng học hiện có đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở nơi có điều kiện thuận lợi. Hiện nay, toàn tỉnh có 129 trường đạt chuẩn, trong đó có 36 trường mầm non, 54 trường tiểu học, 34 trường THCS, 05 trường THPT.


 
        Nâng cao chất lượng đào tạo và đội ngũ giáo viên
Với những nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, năm học vừa qua, Ngành GD&ĐT Cao Bằng triển khai tập huấn cho cốt cán cấp tỉnh được 16 nội dung, tổng số 59 lớp, với 2715 học viên, tập huấn tại các địa phương 06 nội dung với 1340 người tham gia. Đến nay, tỉnh hiện có trên 11,7 nghìn cán bộ, giáo viên, giảng viên, nhân viên, người lao động cơ bản đảm bảo số lượng và đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. 100% giáo viên mầm non và phổ thông đạt trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên, trong đó 69,5% giáo viên mầm non, 76,99% giáo viên tiểu học, 49,7% giáo viên THCS, 10,8% giáo viên THPT có trình độ đào tạo trên chuẩn. Đội ngũ nhà giáo cơ bản đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đổi mới giáo dục. 100% giáo viên được bồi dưỡng kiến thức về thực hiện đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Về chất lượng giáo dục, toàn ngành tích cực thực hiện “đổi mới, sáng tạo trong dạy, học”, tổ chức tốt hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Ở tất cả các cấp, bậc, chất lượng giáo dục đều có những chuyển biến rõ rệt. Nổi bật, ở bậc giáo dục mầm non, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non được nâng cao. Số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở nhà trẻ còn 3,0%, mẫu giáo còn 3,7%. Ở cấp giáo dục phổ thông, các trường đã thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, đổi mới đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Kết quả thi THPT quốc gia, tỷ lệ đỗ đạt 87,12%. Công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông được đẩy mạnh. Ngành GD&ĐT đã phối hợp với các ban, ngành liên quan xây dựng và trình UBND thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”.

Với đặc thù là một tỉnh miền núi đa dân tộc, Ngành GD&ĐT cũng đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng 
hệ thống các trường PT Dân tộc nội trú, PT dân tộc bán trú và trường có học sinh bán trú. Toàn tỉnh hiện có 13 trường DTNT và 45 trường PTDTBT. Các trường đã đi vào hoạt động tương đối hiệu quả, đã tổ chức cho học sinh ăn, ở nội trú và quản lý tốt học sinh bán trú. Các trường luôn tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, hoạt động giáo dục phù hợp đối tượng học sinh dân tộc thiểu số, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục./.
 
Vũ Văn Dương
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top