Hệ thống Thống kê cộng đồng ASEAN và vai trò của thống kê Việt Nam trong năm đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN

26/08/2020 - 10:22 AM
Năm 2020 đánh dấu 10 năm thành lập Hệ thống Thống kê cộng đồng ASEAN. Chặng đường này ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của thống kê khu vực và vai trò ngày càng tăng của Thống kê Việt Nam trong cộng đồng Thống kê ASEAN.
 
 Hệ thống cộng đồng Thống kê ASEAN
 
Hội nghị Thủ trưởng Cơ quan thống kê quốc gia các nước thành viên ASEAN (AHSOM)[1] lần đầu tiên diễn ra ngày 10/10/1997 đặt dấu mốc quan trọng trong lịch sử hợp tác về thống kê khu vực Đông Nam Á.  Năm 2000, Bộ phận thống kê thuộc Ban Thư ký ASEAN được thành lập. Năm 2002, Hệ thống chỉ tiêu thống kê ASEAN được ban hành. Năm 2003, Nhóm chuyên trách ASEAN về thống kê được thành lập với nhiệm vụ xây dựng các mục tiêu trung hạn về thống kê để lồng ghép vào Chương trình hành động Viêng-chăn.
 
Tháng 8/2011, Thủ trưởng các Cơ quan Thống kê ASEAN thông qua Chiến lược thành lập Hệ thống Thống kê cộng đồng ASEAN giai đoạn 2011-2015. Hệ thống Thống kê cộng đồng ASEAN (ACSS) chính thức được thành lập năm 2011, mở ra một giai đoạn mới cho Thống kê ASEAN. ACSS bao gồm các cơ quan sau:
 
- Ủy ban Hệ thống thống kê cộng đồng ASEAN;
 
- Hệ thống thống kê của các nước thành viên ASEAN;
 
- Bộ phận Thống kê ASEAN (ASEANstats) trực thuộc Ban Thư ký ASEAN;
 
- Các Hội đồng của cộng đồng ASEAN.
 
Ủy ban ACSS là cơ quan cao nhất về hoạch định chính sách và điều phối công tác thống kê trong khu vực với nhiệm vụ nâng cao năng lực thống kê, tăng cường khả năng so sánh của số liệu thống kê, áp dụng các tiêu chuẩn thống kê quốc tế, xây dựng nguồn nhân lực và điều phối thu thập số liệu thống kê trong khu vực. Ủy ban ACSS gồm Thủ trưởng Cơ quan thống kê quốc gia tất cả các quốc gia thành viên ASEAN và một ủy viên là người đứng đầu ASEANstats. Hàng năm, Thủ trưởng Cơ quan thống kê quốc gia các quốc gia thành viên luân phiên chủ trì Ủy ban ACSS thông qua Kỳ họp của Ủy ban. Ủy ban ACSS lập “Ban điều hành”, gồm Chủ tịch đương nhiệm, Chủ tịch tiền nhiệm và Chủ tịch kế nhiệm của 3 quốc gia thành viên ASEAN.
 
Hiện nay, Ủy ban ACSS có các Nhóm công tác sau: Tiểu ban Kế hoạch và điều phối (SCPC), Nhóm công tác về Chia sẻ, phân tích, phổ biến và truyền thông số liệu thống kê (WGDSA), Nhóm công tác về Thống kê vốn đầu tư quốc tế (WGIIS), Nhóm công tác về Thống kê thương mại hàng hóa quốc tế (WGIMTS), Nhóm công tác về Thống kê thương mại dịch vụ quốc tế (WGSITS), Nhóm công tác về Chỉ tiêu phát triển bền vững (WGSDGI) và Nhóm công tác về Hệ thống tài khoản quốc gia (WGSNA).
 
Thống kê Việt Nam với việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN về Thống kê
 
Từ khi thành lập Hệ thống Thống kê cộng đồng ASEAN đến nay, Tổng cục Thống kê đã tham gia tích cực vào quá trình xây dựng cộng đồng thống kê ASEAN. Năm 2020, trên cương vị Chủ tịch ASEAN về Thống kê, Thống kê Việt Nam đăng cai thực hiện sáng kiến “Thiết lập hệ thống thông tin thống kê về phát triển bền vững của ASEAN” với mục tiêu thiết lập thông tin cơ bản về phát triển bền vững trong khu vực và cũng là công cụ hỗ trợ theo dõi, giám sát và đánh giá về tiến độ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực ASEAN. Qua đó, sẽ góp phần hình thành một hệ thống thông tin thống kê về phát triển bền vững đồng bộ, thống nhất bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ giám sát và đánh giá phát triển bền vững của cộng đồng ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác trong thực hiện các chỉ tiêu giúp giám sát và đánh giá phát triển bền vững của cộng đồng ASEAN; nâng cao năng lực của các quốc gia thành viên trong việc thu thập, biên soạn các chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững, cũng như tăng cường vai trò điều phối của thống kê ASEAN.
 
Năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN về Thống kê với chủ đề “Cùng nhau gắn kết nâng cao năng lực Hệ thống thống kê cộng đồng ASEAN để đáp ứng tốt hơn nhu cầu dữ liệu ngày càng tăng” cũng là lúc đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, tác động nhiều mặt và kéo dài đến các lĩnh vực y tế, kinh tế, xã hội, an ninh và chính trị của tất cả các quốc gia. Chính phủ nhiều quốc gia thành viên ASEAN áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và làm việc từ xa để ứng phó với đại dịch. Trong bối cảnh đó, Tổng cục Thống kê phối hợp với ASEANstats đã chủ động tìm biện pháp khắc phục và điều phối công tác thống kê ASEAN theo hướng tăng cường tương tác qua môi trường mạng, tổ chức các phiên họp theo hình thức trực tuyến. Tổng cục Thống kê đã chủ trì và tham dự các phiên họp trực tuyến như: Phiên họp SCPC19, SCPC20, các phiên họp của các nhóm công tác WGSDGI3, WGDSA18, WGIMTS6, WGSITS7…, tham dự nhiều cuộc họp cấp kỹ thuật của các nhóm công tác cũng như các cuộc họp của các Ban, ngành khác. Theo kế hoạch, Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục chủ trì tổ chức Hội nghị Ủy ban Hệ thống Thống kê cộng đồng ASEAN lần thứ 10 (ACSS10) kết hợp với Diễn đàn cấp cao về Thống kê cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay.
 
Trước tình hình thế giới biến động và nhu cầu mới về số liệu ngày càng gia tăng, Hệ thống Thống kê cộng đồng ASEAN càng thể hiện vai trò to lớn trong công tác điều phối số liệu, tập hợp nguồn lực để “đáp ứng tốt hơn nhu cầu dữ liệu ngày càng tăng” từ chính phủ các quốc gia thành viên, các tổ chức quốc tế và người dùng tin. Với vai trò chủ tịch ASEAN về Thống kê, Tổng cục Thống kê cùng các Cơ quan thống kê các quốc gia thành viên và ASEANstats cùng nhau củng cố khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực nội tại và thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của cộng đồng Thống kê ASEAN để thích ứng một cách chủ động và hiệu quả trước các biến động nhanh chóng của tình hình thế giới và các thách thức mới nổi./.
 
Nguyễn Trung Kiên 
Vụ Thống kê nước ngoài và Hợp tác quốc tế - TCTK



 
[1] Tháng 12/2010, Tổng cục Thống kê đã tổ chức thành công Hội nghị Thủ trưởng các Cơ quan Thống kê lần thứ 11 (AHSOM11) tại Hà Nội.

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top