Hiện thực hóa Cộng đồng kinh tế ASEAN - Khai thác cơ hội phát triển thương mại Việt Nam

18/05/2019 - 02:24 PM
Quá trình hiện thực hóa AEC đến năm 2025, về lý thuyết, chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển thương mại mới cho Việt Nam. Tuy nhiên, việc khai thác này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ liên quan đến nỗ lực thực hiện các cam kết chung của các nước thành viên, mà còn phụ thuộc vào triển vọng phát triển quan hệ hợp tác của Việt Nam nói riêng và của ASEAN nói chung với các nước và khu vực bên ngoài ASEAN.
 
HIỆN THỰC HÓA CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN KHAI THÁC CƠ HỘI PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI VIỆT NAM

Khai thác cơ hội phát triển thương mại của Việt Nam

Cùng với quá trình mở rộng và tăng cường hợp tác trong khu vực, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong việc khai thác các cơ hội phát triển thương mại. Đặc biệt là khai thác các nguồn hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN có mức thuế quan thấp theo hiệp định thương mại (AFTA/ATIGA), nhằm phục vụ cho phát triển các ngành sản xuất trong nước, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và gia tăng xuất khẩu chung của nền kinh tế. Việc khai thác các cơ hội xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN đã ngày càng gia tăng theo hướng tích cực, cả về tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu. Trong giai đoạn 2011 - 2017, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN đạt bình quân 11,12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu 7,95%/năm. Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang ASEAN đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực, nâng cấp cả về chất lượng và giá trị.
 
Bên cạnh đó, khai thác các cơ hội phát triển thương mại trong nội khối ASEAN có sự chuyển biến tích cực theo thị trường các nước thành viên. Thâm hụt thương mại của Việt Nam đã có xu hướng giảm với hầu hết các nước thành viên khác, nhất là với các nước ASEAN được đánh giá có trình độ phát triển cao hơn (Thái Lan, Indonesia, Philipin).
 
Ngoài ra, khai thác cơ hội phát triển xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ngoài ASEAN, thông qua thu hút các doanh nghiệp FDI từ các nước thành viên và có trụ sở tại ASEAN vào Việt Nam ng được đẩy mạnh. thể nói, Việt Nam đóng vai trò là một điểm đến quan trọng cho đầu tư nước ngoài để sản xuất cho khu vực ASEAN nhiều thị trường quan trọng khác...
 
Đánh giá từ góc độ khai thác các cơ hội phát triển thương mại của Việt Nam trong bối cảnh xây dựng AEC, bên cạnh những kết quả đạt đươc, Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như: Việc khai thác các cơ hội phát triển thương mại của Việt Nam với các nước ASEAN vẫn chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế quan theo các hiệp định thương mại (AFTA/ATIGA), chưa có chuyển biến rõ rệt sang khai thác các cơ hội mới từ các cam kết về thuận lợi hóa thương mại khác; khai thác cơ hội phát triển xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp FDI; mà chưa dựa trên lợi thế so sánh trong nước; một số nông sản, thủy sản chủ lực của Việt Nam sang ASEAN thiếu ổn định qua các năm. Ngoài ra, việc khai thác cơ hội phát triển thương mại tuy đã tạo ra sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước trong và ngoài khu vực ASEAN, nhưng chứa đựng nguy cơ thiếu bền vững...
 
Giải pháp khai thác cơ hội phát triển thương mại của Việt Nam trong quá trình hiện thực hóa AEC đến năm 2025
 
Đến năm 2025 trong dài hạn, ASEAN vẫn là một không gian kinh tế, thương mại rộng lớn để bù đắp những thiếu hụt về nguồn cung nguyên liệu, các sản phẩm đầu vào trung gian và thị trường xuất khẩu lớn đối với Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN sẽ tiếp tục được đa dạng hóa, kể cả các mặt hàng nông sản và các mặt hàng công nghiệp. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, Việt Nam có thể sẽ từng bước đuổi kịp và vượt một số nước trong ASEAN 6, nghĩa là, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, các doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa của Việt Nam sẽ được cải thiện, nâng cao trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, thương mại nội khối giữa các nước ASEAN sẽ phát triển chậm hơn so với thương mại với bên ngoài. Điều đó cũng có nghĩa là, tốc độ tăng trưởng thương mại của Việt Nam với các nước ASEAN sẽ chậm hơn tốc độ tăng trưởng thương mại với bên ngoài và tỷ trọng thương mại của Việt Nam với ASEAN trong tổng giá trị thương mại sẽ tiếp tục có xu hướng giảm.
 
Bên cạnh đó, cơ hội phát triển thương mại của Việt Nam dựa vào xây dựng chuỗi giá trị khu vực vẫn khó khăn. Bởi vì, triển vọng cải thiện kết cấu giao thông và cơ sở hạ tầng giữa các nước (theo mức độ hội nhập trung bình) không có nhiều tiến triển so với hiện nay và không làm giảm các chi phí giao nhận.
 
Ngoài ra, cơ hội khai thác cơ hội phát triển thương mại của Việt Nam với các nước trong và ngoài khu vực ASEAN vẫn sẽ phụ thuộc chủ yếu vào các doanh nghiệp FDI.
 
Trước thực tế đó, để hiện thực hóa AEC đến năm 2025, Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện các nhóm giải pháp khai thác cơ hội phát triển thương mại. Trước hết, cần nâng cao hiểu biết của doanh nghiệp về cơ hội phát triển xuất nhập khẩu với AEC và cả các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết với các nước ngoài khu vực ASEAN.
 
V nhóm giải pháp phát triển mặt hàng và thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa
 
i. Đối với phát triển xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp: Tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp có thế mạnh là thủy sản, rau quả, cà phê, điều, hồ tiêu, gạo, sắn... Tăng cường liên kết sản xuất trong nông nghiệp cả trong nước và ở khu vực ASEAN theo cam kết hình thành “một cơ sở sản xuất chung”; Tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông, thủy sản thông qua các biện pháp quản lý theo hệ thống từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến xuất khẩu như áp dụng GAP, CoC, HACCP; Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm xuất khẩu trên cả hai phạm vi là Việt Nam và ASEAN để đảm bảo tuân thủ các cam kết trong khu vực ASEAN và của chung ASEAN với bên ngoài.
 
ii. Đối với phát triển xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp: Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu và các ngành công nghiệp hỗ trợ; Xây dựng trang thông tin điện tử, giao dịch trực tuyến các mặt hàng nguyên phụ liệu, đầu vào trung gian cho các ngành công nghiệp có qui mô xuất khẩu lớn như: Dệt may, da giầy, đồ gỗ, máy tính… Rà soát hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mã số, mã vạch trong truy xuất nguồn gốc; Đẩy nhanh việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực ASEAN; Xây dựng năng lực của tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ việc đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn quốc gia… đối với hàng hóa xuất khẩu.
 
iii. Các giải pháp phát triển thị trường xuất nhập khẩu: Hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường nghiên cứu thị trường, quảng hình ảnh và xúc tiến thương mại tại các nước ASEAN thông qua hệ thống thương vụ, các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở các nước ASEAN; Xây dựng đề án định hướng phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa theo cặp thị trường/sản phẩm đối với từng nước ASEAN; Cung cấp các thông tin dự báo triển vọng phát triển kinh tế của các nước trong khu vực.
 
V nhóm giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh: Đẩy mạnh cải cách thể chế, ban hành các luật, bộ luật phù hợp với thể chế kinh tế thị trường; Đẩy mạnh cải cách hành chính ở các cấp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh khi tham gia khai thác cơ hội trong AEC, cũng như các hiệp định thương mại quốc tế; Nâng cao năng lực cảnh báo, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế; Đầu tư hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải đa phương thức để giảm bớt chi phí và thời gian giao hàng, cũng như rủi ro trong quá trình vận chuyển. Nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt kết nối với các nước ASEAN khi hệ thống đường sắt xuyên Á được triển khai và đi vào hoạt động; Đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ logistics...
 
V nhóm giải pháp xây dựng phát triển các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng
 
(i) Đối với chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản: Hỗ trợ tạo điều kiện để đào tạo người sản xuất, nhất là các hợp tác xã có tư duy và hành động theo chuỗi giá trị; Thu hút doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp thương mại vào tham gia liên kết với hợp tác xã và hỗ trợ HTX tiếp cận với các dòng vốn vay ưu đãi, nhất là các nguồn vốn vay không cần thế chấp tài sản; Tăng cường liên kết giữa các cơ sở sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp chế biến với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics bên ngoài để tiết kiệm thời gian và chi phí; Hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng xây dựng thương hiệu.
 
(ii) Đối với chuỗi giá trị các sản phẩm công nghiệp: Xây dựng chính sách phát triển chuỗi giá trị riêng đối với một số ngành cụ thể... Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường năng lực liên kết, hợp tác và tham gia chuỗi.
 
V nhóm giải pháp thúc đẩy hợp tác nội khối: Vận hành đầy đủ các cơ chế một cửa quốc gia ở tất cả các nước thành viên ASEAN, mở rộng phạm vi của dự án cơ chế một cửa ASEAN; Hợp tác về vận hành hiệu quả Trung tâm thông tin thương mại Quốc gia và ASEAN để tăng cường sự minh bạch về quy định và sự ổn định cho khu vực tư nhân trong khu vực; Tăng cường thực thi hài hòa các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật, cải thiện chất lượng và năng lực đánh giá sự phù hợp; Tăng cường trao đổi thông tin về luật, quy tắc và chế độ quản lý đối với tiêu chuẩn và các thủ tục đánh giá sự phù hợp; Tăng cường hợp tác trong thực thi các cam kết về các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) của các FTAs ASEAN+1 và các hiệp định thương mại tự do và hiệp định đối tác kinh tế trong tương lai; Thiết lập các chế độ cạnh tranh hiệu quả bằng cách thực thi hiệu quả các luật cạnh tranh quốc gia ở tất cả các nước ASEAN trên cơ sở các thông lệ quốc tế và các nguyên tắc đã được ASEAN thống nhất; Thiết lập một hệ thống vận tải đa phương thức và logistics hội nhập, hiệu quả và cạnh tranh toàn cầu trong và ngoài ASEAN./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Bùi Hồng Cường (2016), Tự do hóa thương mại trong khuôn khổ cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và tác động tới thương mại quốc tế của Việt Nam. 
  1.  Nguyễn Hoàng Quy (2016), Chính sách thương mại quốc tế - luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, Nhà xuất bản thống kê. 
  1. Nguyễn Thị Hồng Tâm (2015), Quan hệ thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với một số nước ASEAN phát triển. 
  1.  Trần Văn Hùng, Lê T.Mai Hương và MBA Nguyễn Anh (2015), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC): Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam, theo báo Phát triển và hội nhập (số 20, tháng 01-02/2015) 
  1.  Phạm Đức Thành chủ biên, Liên kết ASEAN trong thập niên đầu thế kỷ XXI, Hà Nội, NXB Khoa học Xã hội, 2006.
 
TS. Phạm Hồng
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương - Bộ Công Thương

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top