Hiệu quả tích cực trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm ở Thái Nguyên

22/10/2020 - 05:55 PM

Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, từng bước mang lại hiệu quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tính đến 30/8/2020, trên địa bàn toàn tỉnh có 50 cơ sở GDNN, trong đó có 13 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp, 13 trung tâm GDNN công lập và 17 cơ sở khác có tham gia hoạt động GDNN. Trong tổng số 50 cơ sở GDNN có 37 cơ sở công lập và 13 cơ sở ngoài công lập; 15 cơ sở do Trung ương quản lý (10 trường cao đẳng, 02 trường trung cấp, 01 phân hiệu trường cao đẳng, 02 trung tâm tham gia hoạt động GDNN ); 35 cơ sở do địa phương quản lý. Quy mô đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khoảng 40.000/người/năm.

Hiệu quả tích cực trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm ở Thái Nguyên
Học viên Trường Trung cấp DTNT tỉnh Thái Nguyên hoàn thành khóa học được nhận Bằng tốt nghiệp
tại Lễ bế giảng.

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và của vùng trung du, miền núi phía Bắc nói chung. Các nhà trường đã chủ động trong việc xây dựng, phát triển chương trình đào tạo theo các trình độ, tích cực đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học, tích hợp kiến thức, kỹ năng, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học vào thực hành nghề nghiệp tại nhà trường và các doanh nghiệp.

Hiệu quả tích cực trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm ở Thái Nguyên 1
Các thí sinh khối các trường cao đẳng và trung cấp số 2 đạt thành tích cao trong Hội thi tay nghề
tỉnh Thái Nguyên năm 2019

Bên cạnh đó, việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo được các trường thực hiện thường xuyên theo yêu cầu của thị trường lao động, đáp ứng được nhu cầu của xã hội và sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay. Một số trường đã chủ động lựa chọn, áp dụng chương trình, tiêu chuẩn và công nghệ đào tạo tiên tiến, chất lượng cao của khu vực và quốc tế vào hoạt động giảng dạy nhằm đào tạo nhân lực có tay nghề cao phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Hiệu quả tích cực trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm ở Thái Nguyên 2
Một tiết thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Công thương Thái Nguyên

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các ngành nghề trọng điểm đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt đối với các nhà trường của tỉnh và các ngành nghề mũi nhọn, trọng điểm theo định hướng phát triển kinh - tế xã hội của tỉnh đến năm 2025…

Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh, nhất là các trường cao đẳng, trường trung cấp đẩy mạnh việc đào tạo gắn kết với doanh nghiệp, phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động trong và ngoài tỉnh tham gia xây dựng, thẩm định chương trình, giáo trình đào tạo, đánh giá chất lượng đào tạo để chương trình học tập sát với thực tế sản xuất tại doanh nghiệp, kết hợp trong việc đưa HSSV đến thực hành và thực tập; mời đội ngũ kỹ thuật viên có chuyên môn tốt trong doanh nghiệp tham gia giảng dạy tại nhà trường hoặc tại địa điểm thực tập. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đăng ký tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp và thị trường lao động.
 

Hiệu quả tích cực trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm ở Thái Nguyên 3
Giảng viên Trung tâm Dạy nghề Thái Nguyên hướng dẫn các học viên kỹ năng hái chè

Với những định hướng trên nhiều trường đã xây dựng chương trình liên kết đào tạo, đào tạo theo địa chỉ (đào tạo theo đơn đặt hàng) thông qua việc ký hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp (như: Trường CĐ nghề số 1 - BQP, Trường CĐ Công nghiệp Việt Đức, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật, Trường TC Dân tộc nội trú, Trường TC Nghề Thái Nguyên…), số HSSV tốt nghiệp có việc làm theo đơn đặt hàng đạt trên 90%, cung cấp hàng nghìn lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp.
 

Hiệu quả tích cực trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm ở Thái Nguyên 4
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên ngày càng khẳng định vai trò là cầu nối quan trọng
giữa doanh nghiệp và người lao động

Thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ, đã cung cấp cho LĐNT kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp phù hợp theo trình độ của người học. Nhìn chung, công tác đào tạo nghề của tỉnh thời gian qua đã bám sát với thực tế, thể hiện qua tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm đều vượt kế hoạch đề ra, số LĐNT có việc làm sau học nghề là 12.244 người, đạt bình quân 82,04%. Trong đó, có 2.631 người được doanh nghiệp tuyển dụng; 1.290 người được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm; 7.595 người tiếp tục làm công việc cũ nhưng năng suất lao động và thu nhập tăng lên; 728 người thành lập doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác.

Hiệu quả tích cực trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm ở Thái Nguyên 5
Ngày hội việc làm thành phố Thái Nguyên năm 2020: Nhu cầu tuyển dụng 13.500 lao động

Thực tế cho thấy, đào tạo nghề cho LĐNT ở Thái Nguyên đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, nhiều hộ gia đình khi có người tham gia học nghề, có việc làm với thu nhập ổn định đã thoát nghèo, một số trở thành hộ khá, hộ giàu./.

                                                                                                 
   P.V

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top