Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài

17/03/2020 - 05:05 PM
Trong nhiều năm qua, hệ thống chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) ngày càng hoàn thiện, qua đó mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng khả năng hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài chưa đạt được kết quả kinh tế như mong đợi do một số dự án ĐTRNN của Việt Nam đang vấp phải các rào cản và đối mặt với không ít rủi ro.
 
 
Hoạt động đầu tư ra nước ngoài ngày càng đa dạng
Theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2019, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 508,14 triệu USD. Trong đó có 164 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam đạt 403,15 triệu USD. Có 29 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với vốn đầu tư Việt Nam tăng thêm gần 105 triệu USD. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài khoảng trên 20 tỷ USD. Với con số này, Việt Nam trở thành một trong số các quốc gia có nhiều DN, dự án đầu tư ra nước ngoài.

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam ngày càng đa dạng thể hiện rõ nét qua thị trường, lĩnh vực và quy mô đầu tư. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong năm vừa qua, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 121,6 triệu USD, chiếm 23,9% tổng vốn đầu tư; tiếp đến là lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 86,1 triệu USD, chiếm 16,9%; lĩnh vực hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với 70,1 triệu USD, chiếm 13,8%.

Trong năm qua, Việt Nam đã đầu tư sang 32 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó Australia là địa bàn dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với 154,6 triệu USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư; Hoa Kỳ xếp thứ 2 với 26 dự án, tổng vốn đầu tư là 93,4 triệu USD, chiếm 18,4%; tiếp theo là Campuchia, Tây Ban Nha, Singapore, Canada,…

Nhiều tập đoàn, tổng công ty, DN có vốn đăng ký ĐTRNN hiện đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD, như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty cổ phần Hoàng Anh - Gia Lai...
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài
Một dự án đầu tư của Viettel tại nước ngoài. Ảnh: nguồn Internet

Theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài việc nhận được sự ủng hộ của chính quyền nước sở tại, hoạt động ĐTRNN thời gian qua khởi sắc là nhờ việc chuẩn hóa thủ tục đầu tư và hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp bối cảnh mới đã tạo sự thông thoáng và giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hiệu lực quản lý với các dự án ngoài lãnh thổ Việt Nam. Ví dụ như, Nghị định số 83/2015/NĐ-CP ngày 25/9/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài; Thông tư số 03/2018/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn và ban hành mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài…

Tuy nhiên, hoạt động ĐTRNN của các DN Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức và chưa mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi. Theo báo cáo của Chính phủ về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp năm 2018 gửi Quốc hội vào cuối năm 2019, tính đến cuối năm 2018, cả nước có 19 doanh nghiệp nhà nước và có vốn nhà nước chi phối (nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) thực hiện 114 dự án ĐTRNN trong các lĩnh vực: Viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản và lĩnh vực tài chính ngân hàng. Trong đó, 84 dự án phát sinh doanh thu, lợi nhuận với tổng doanh thu tại nước ngoài cả năm 2018 là 4.158 triệu USD, giảm 4% so với năm 2017. Tổng lợi nhuận của các dự án có lãi là 187 triệu USD, giảm 24% so với năm 2017. Tuy nhiên, tổng số lỗ phát sinh trong năm 2018 của các dự án báo lỗ là 367 triệu USD, tăng 265%.

Lĩnh vực viễn thông, kinh doanh xăng dầu, dịch vụ dầu khí, xây lắp và dịch vụ lưu trú có trên 60% các dự án phát sinh lãi. Ngược lại, lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và khai thác khoáng sản có tỷ lệ dự án lãi thấp, lần lượt là 17% và 11%. Ngoài ra, lĩnh vực viễn thông, trồng chế biến mủ cao su và khai thác khoáng sản là 3 lĩnh vực còn nhiều dự án đang bị lỗ lũy kế.

So với năm 2017, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận năm 2018 của hầu hết lĩnh vực đều giảm, giảm nhiều nhất trong lĩnh vực khai thác khoáng sản (giảm 27%) và kinh doanh xăng dầu (giảm 23%), chủ yếu ảnh hưởng do sự biến động của giá dầu thế giới.

Lợi nhuận giảm nhiều nhất trong lĩnh vực viễn thông với số lỗ tăng là 349 triệu USD, nguyên nhân chủ yếu do đồng nội tệ mất giá cũng như tình trạng lạm phát tại nước đầu tư (như các nước Châu Phi, Trung Mỹ hoặc Đông Nam Á) và cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực viễn thông. Lĩnh vực trồng, chế biến mủ cao su cũng giảm trên 40%, do giá cao su tự nhiên thế giới sụt giảm sâu và ảnh hưởng của việc các quốc gia sở tại thay đổi chính sách đầu tư, đất đai (Lào, Campuchia).
 
Kết quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài chưa đạt như kỳ vọng
Có nhiều lí do dẫn đến hoạt động ÐTRNN chưa đạt được như kỳ vọng

Về khách quan, ngoài những rủi ro truyền thống như thời tiết, thiên tai, một số DN Việt Nam vấp phải sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán, môi trường… dẫn đến các tranh chấp ngoài mong muốn và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án cũng như hình ảnh của nhà đầu tư.

Đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, rủi ro càng trở nên rõ rệt hơn khi phần lớn những dự án đầu tư nông nghiệp của Việt Nam ra nước ngoài tập trung vào các quốc gia có hệ thống đăng ký và quản lý đất đai chưa hoàn thiện, tập quán lao động của người dân chưa được định hình. Ví dụ như tại tiểu vùng sông Công, hầu hết các dự án của DN Việt Nam đều gặp vấn đề khi các DN triển khai dự án, dù đất đã được thu hồi giao cho DN Việt Nam nhưng người dân vẫn đến đòi đất, nhất là tại các vùng đất rừng cộng đồng... Ngoài ra, đã có không ít vụ kiện về vấn đề môi trường do các dự án làm ảnh hưởng nguồn nước và đời sống người dân bởi dù làm các dự án nông nghiệp nhưng lại trồng cây theo phương pháp công nghiệp, nên việc phải sử dụng phân bón, chất hóa học, thuốc trừ sâu là khó tránh khỏi…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn gặp khá nhiều khó khăn khi tiếp cận và nhận thức đúng về các quy định pháp luật quốc tế bởi có những việc luật pháp sở tại không quy định, nhưng lại được công nhận trong công ước quốc tế. Hơn nữa, vấn đề về năng lực tài chính, quản trị hay chính sách của nước sở tại cũng khiến các doanh nghiệp Việt gặp khó. Trên thực tế đã có một số tập đoàn, tổng công ty của Việt Nam rơi vào tình cảnh lao đao do các dự án không khả thi, phải dừng hoạt động khi sau khi kết thúc giai đoạn thăm dò và nghiên cứu thị trường.

Ngoài những nguyên nhân khách quan trên, các DN Việt Nam còn gặp rủi ro do chưa thực hiện hết hay chưa quan tâm đúng mức trách nhiệm, nghĩa vụ trong hoạt động đầu tư. Cùng với đó, nhiều DN Việt Nam thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ra nước ngoài còn mang tính tự phát, dẫn đến khó khăn, phức tạp khi xảy ra các tranh chấp. Hơn nữa, tiềm lực tài chính, năng lực quản lý, khả năng dự báo thị trường và kinh nghiệm trong ĐTRNN của các nhà đầu tư Việt Nam còn hạn chế và chưa có tầm nhìn trung và dài hạn, cũng như thiếu sự liên kết với nhau để tạo nên sức cạnh tranh tại nước sở tại. Một yếu tố khác được các chuyên gia cho rằng cản trở cơ hội đầu tư ra nước ngoài của nhiều DN là trong công tác quản lý nhà nước hiện chưa có cơ quan có đủ thẩm quyền, điều kiện và năng lực triển khai quản lý, theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của tất cả các DN Việt Nam đang hoạt động tại nước ngoài. Các chính sách của Chính phủ hỗ trợ việc ĐTRNN về định hướng, vốn, thủ tục, ưu đãi không cụ thể, chưa thiết thực và đủ hấp dẫn.
 
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài 1
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Cần sự nỗ lực hơn nữa cả ở Chính phủ và doanh nghiệp

Trong báo cáo mới nhất của mình, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuy cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có khả năng giảm tốc và chưa chắc đã phục hồi trở lại song vẫn tỏ ra lạc quan khi dự đoán kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,4% trong năm 2020. Đây là tín hiệu tốt để các DN Việt Nam tiếp tục đưa ra những chiến lược đầu tư ra nước ngoài với kỳ vọng đạt được những kết quả tốt đẹp hơn.

Để hoạt động ÐTRNN của DN Việt Nam phát huy hiệu quả hơn, hạn chế được các rủi ro trong thời gian tới, không chỉ cần tuân thủ pháp luật Việt Nam (quốc gia đi đầu tư), các DN cần thiết chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề pháp luật, xã hội của nước sở tại, luật pháp quốc tế và các chính sách, pháp luật có liên quan khác…, nhất là cập nhật những thay đổi thường xuyên về chính sách đầu tư của các nước. Quan trọng hơn là cần tuân thủ tốt pháp luật nước sở tại, luật pháp quốc tế và các quy định có liên quan, cũng như có thái độ hợp tác với chính quyền, người dân ở quốc gia tiếp nhận đầu tư dựa trên nguyên tắc cùng có lợi để phòng tránh những tranh chấp có thể xảy ra trong quá trình đầu tư.

Đặc biệt, các DN chỉ nên quyết định đầu tư khi có thông tin đầy đủ, đáng tin cậy về dự án từ các cơ quan chức năng có liên quan ở cả phía Việt Nam và quốc gia nhận đầu tư để tránh gặp phải những rủi ro, bất lợi.

Nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh, các DN Việt Nam cũng cần xây dựng chiến lược đầu tư trung hạn và dài hạn, đồng thời tăng cường mối liên kết giữa các DN ĐTRNN với nhau và chủ động nhận diện rõ rủi ro sẽ phải đối mặt, qua đó có phương án phòng ngừa cụ thể.

Mặt khác, để tạo điều kiện thuận lợi, tiếp thêm sức mạnh cho các DN “chinh chiến” trên thị trường quốc tế, Chính phủ nên có chính sách thiết thực và hấp dẫn hơn để thúc đẩy, khuyến khích các DN tăng cường ÐTRNN, cũng như tăng cường giám sát chất lượng dòng vốn ÐTRNN để tránh gây tác động tiêu cực. Thêm vào đó, Chính phủ cần kịp thời nắm bắt nhu cầu cần được hỗ trợ của DN ĐTRNN, có những công cụ hướng dẫn DN xử lý hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, rủi ro trong quá trình đầu tư./.

ThS. Lê Thị Loan - ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền
Đại học công nghiệp Hà Nội
 

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top