Hổ trong đời sống và tín ngưỡng của người châu Á

15/02/2022 - 11:33 AM
Nếu như người châu Âu cho rằng Sư tử là vua của muôn loài thì trong quan niệm của người châu Á, Hổ là chúa tể của rừng xanh. Đối với nhiều nước châu Á, Hổ là linh vật tượng trưng cho sự uy linh, trấn giữ cửa ải ngũ phương, chống lại tà ma.
 
Về bản chất tự nhiên, hổ là dã thú có sức mạnh, to khỏe, nhanh nhẹn, thuần thục về kỹ thuật chiến đấu, thành thạo về kỹ năng săn mồi, loài vật này còn đặc trưng bởi tính hung dữ, táo bạo, liều lĩnh, dám tấn công hay đối địch nhiều thú to khỏe khác cùng với tiếng gầm rung chuyển núi rừng, gây khiếp đảm cho muôn loài và còn là động vật tinh khôn, chính từ những đặc điểm đó hổ được người dân châu Á tôn lên vị trí “Chúa tể” của núi rừng và coi hổ là con vật linh thiêng. Nhất là ở những nơi rừng sâu núi thẳm, hổ luôn được thờ phụng. Một số dân tộc còn tôn thờ hổ như thần giám hộ, nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng hình ảnh con hổ là biểu tượng của đất nước, của địa phương, là vật tổ của dân tộc, của cộng đồng. Hình ảnh con hổ đã đi sâu vào văn hóa, lịch sử, nghệ thuật ở một số nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á khác.

Tại Trung Quốc, tập tục sùng bái và thờ cúng hổ cũng được bắt nguồn từ khu vực hổ thường hoạt động. Cụ thể như vùng Hắc Long Giang, một số dân tộc thiểu số có tín ngưỡng thờ thần hổ. Tín ngưỡng này khởi nguyên từ nhiều truyền thuyết hay về hổ, như truyền thống của dân tộc A Khắc Đằng Bộ, hay dân tộc Hách Triết đều cho rằng: Khai tổ của họ là do một người con gái đã kết hôn với hổ rồi sinh ra, cho nên họ phải thờ cúng hổ, tôn sùng hổ như là một vị thần tối cao mà không được săn bắt hổ lấy thịt, lấy da như các dân tộc khác. Đây cũng có thể là tập tục sùng bái vật tổ xuất hiện sớm nhất ở thời kỳ viễn cổ.

Nhiều dân tộc ở vùng Vân Nam, Hồ Nam, Hồ Bắc, Tứ Xuyên Trung Quốc cũng có tục sùng bái và thờ cúng hổ. Họ có nhiều truyền thuyết về người kết hôn với hổ sinh ra hậu thế là các dân tộc và dòng họ. Các truyền thuyết về vị thần khai tổ hổ và tinh quân Bạch Hổ thần linh đã kết duyên với người và sinh ra bảy dòng họ lớn như họ Vương, Bành, Dương, Điền, Đàm, Trướng và họ Nhiễm. Vì vậy, họ thờ thần Bạch Hổ, tôn sùng hổ là tổ tiên và tự xem mình là con cháu, là hậu duệ của hổ… Bên cạnh đó, nhiều địa danh ở các vùng đất này cũng được lấy tên hổ như núi Bạch Hổ, suối Bạch Hổ…

 
Hổ trong đời sống và tín ngưỡng của người châu Á

Ảnh minh họa: Nguồn internet

 
Người Hán, một tộc người đông nhất ở Trung Quốc, cũng có tục tôn thờ hổ. Họ tôn hổ làm môn thần. Hàng năm, vào ngày 30 tháng Chạp, người Hán thường dán hình vị thần này lên cánh cửa để cầu phúc lành cho năm mới và trấn áp ma quỷ. Trong dịp tết Nguyên tiêu ở Trung Quốc lại có tục đố đèn, còn gọi là Đăng Hổ. Người giải đoán được câu đố được gọi với cái tên “Săn hổ” hoặc “Đánh hổ”. Đây cũng là một hoạt động lễ hội trong dịp tết liên quan tới hổ, mang đậm tính văn hóa của người dân Trung Hoa.

Ngày nay, trong tâm niệm của người Trung Quốc, hổ tượng trưng cho sự uy nghiêm và sức mạnh. Không chỉ có thế, trong văn hóa dân gian Trung Quốc, hổ đã trở thành một linh vật mang đến may mắn, hưng thịnh, trừ diệt thiên tai, điều ác và hổ thường mang đến cho người dân một niềm tin để dũng cảm đối mặt với khó khăn, nguy hiểm. Như ở triều nhà Hán, Bạch hổ được coi là một trong bốn thần thú. Nhiều người ở nông thôn tại vị trí nổi bật trên tường hay cửa ra vào, người ta cho treo bức tranh hổ với niềm tin hổ sẽ trừ tà ma và bảo vệ cho gia đình mình.

Còn đối với người Hàn Quốc, hổ cũng được coi là linh vật trong văn hóa tâm linh. Sử ký của Hàn Quốc có ghi chép lại, Hàn Quốc là quốc gia có nhiều rừng sâu núi thẳm, nên ngày xưa có nhiều hổ báo. Chính vì thế xưa kia, người Hàn Quốc tôn hổ như thần linh và thành tâm thờ cúng. Họ còn coi hổ có nghĩa vụ hộ vệ cho thần núi và thực tế tồn tại khá nhiều ca dao tục ngữ cũng như những câu chuyện xung quanh loài linh vật này.

Trong nhiều câu chuyện cổ tích và tranh dân gian của Hàn Quốc, hình ảnh về loài hổ cũng thường được xuất hiện, tuy nhiên những hình ảnh của hổ… chẳng những không hung dữ đáng sợ, mà còn có vẻ khá ngây ngô, đáng yêu, thậm chí đôi khi còn chịu thiệt vì loài người. Các nhà nghiên cứu cho rằng, có lẽ người xưa phải làm vậy để giảm bớt nỗi sợ hãi đối với loài mãnh thú này.

Tại Triều Tiên, với hình tượng một con vật to lớn, có sức mạnh siêu phàm trong 12 con giáp, hổ cũng được dân cư ở xứ sở nhân sâm coi là con vật linh thiêng, vì vậy họ thờ cúng hổ để cầu mong sự phù hộ và bảo trợ cho cả gia đình trong công việc làm ăn và sức khỏe.

Tại Ấn Độ, hổ là một con vật tượng trưng cho sức mạnh, có thể trấn áp được ma tà quỷ quái, do vậy, để biểu tượng cho quyền lực, các vị lãnh chúa thường trang trí một tấm da hổ trong phòng hoặc ngồi trên một tấm da hổ khi tiếp khách. Trẻ em con nhà giàu thường hay đeo một chiếc răng hổ như một loại bùa phép để lấy khước tránh ma tà và tăng thêm sức mạnh. Đàn ông đeo thêm răng hổ trên cổ như sự biểu tượng của nam tính, sức khỏe và lòng dũng cảm.

Ở Việt Nam dù là con vật hoang, rất ít khi được thuần phục nhưng hổ đã có sự gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của người dân Việt, trong đời sống thường nhật và tôn giáo. Với sức mạnh và sự nguy hiểm của loài vật này buộc con người phải nghĩ cách để khuất phục hổ. Do vậy, trong dân gian Việt Nam còn tồn tại câu chuyện về một cuộc đấu trí giữa hổ và người, trong đó, con trâu, kẻ vốn đã được con người thuần phục và con hổ, kẻ luôn tìm cách áp chế con người được đặt đối xứng nhau để so sánh. Con hổ, từ khía cạnh phá hoại, mang lại cho con người nhiều mối lo trong đời sống hàng ngày của người dân xưa kia do đó việc sử dụng hình ảnh hay tiêu bản con hổ trong trang trí nhà cửa, trấn trạch cũng là để khẳng định ước muốn của con người trong việc thu phục chúa sơn lâm.

Trong quan niệm dân gian Việt Nam, hổ cũng tượng trưng cho sức mạnh. Dân gian đã thần thánh hóa hổ, cho nó một sức mạnh linh thiêng diệt trừ được ma quỷ. Bởi vậy, hình tượng con hổ đã trở thành phổ biến trong nghệ thuật dân gian Việt Nam, được vẽ thành tranh thờ cúng ở các đền, điện, đình, miếu.

Tranh thờ hổ của Việt Nam được thể hiện bằng những nét vẽ mang phong cách ước lệ, ẩn chứa những thông tin huyền bí của tín ngưỡng dân gian, từ ánh mắt, thế đứng, cách đặt chân… Những bức tranh về hồ thường hội đủ năm sắc màu tượng trưng cho ngũ hành. Trong đó ”ông” hổ màu vàng uy nghi ở giữa tượng trưng cho hành Thổ, còn xung quanh là bốn ”ông” với bốn màu khác nhau, thể hiện cho sự quy tụ của bốn hành còn lại trong chu kỳ vận động ngũ hành theo thuyết âm dương.

Với những quan niệm, phong tục sùng bái và thờ cúng hổ của các dân tộc châu Á đã phần nào thể hiện được đời sống tinh thần phong phú và phản ánh mong muốn, ước vọng về một cuộc sống yên bình, no đủ, có sự che chở, bảo vệ của một loài vật có sức mạnh phi phàm, chúa tể rừng xanh - Hổ./.

 
Bảo Linh
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top