Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển - Kết quả sau 25 năm thực hiện Chương trình hành động

03/09/2019 - 10:40 AM
Năm 1994, tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) được tổ chức ở Cairo (Ai Cập), với cùng quan điểm cho rằng, cơ sở để đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững là cần đặt con người vào vị trí trung tâm, thực hiện trao quyền cho phụ nữ và cho phép mọi người dân được tự do quyết định thời điểm và khoảng cách giữa các lần sinh một cách phù hợp với hoàn cảnh của chính mình, 179 quốc gia (trong đó có Việt Nam) đã đồng thuận thông qua Chương trình hành động với tầm nhìn sâu rộng trong lĩnh vực dân số và phát triển. Đây là sự kiện đánh dấu một điểm khởi đầu mang tính đột phá, góp phần thúc đẩy sự hợp tác giữa các chính phủ và tổ chức quốc tế về các vấn đề dân số, sức khỏe sinh sản tình dục và quyền của phụ nữ nhằm đạt được sự phát triển công bằng và bền vững trên toàn cầu.
 
 
Những thay đổi của thế giới…
 
Việc thực hiện mục tiêu “tất cả mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản toàn diện, trong đó bao gồm các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tự nguyện, với các dịch vụ chăm sóc khi mang thai và sinh con, cũng như các dịch vụ phòng ngừa và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục” của Chương trình hành động ICPD đã làm thay đổi đáng kể thế giới về vấn đề dân số và phát triển.
 
Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), hiện nay tỷ lệ tiếp cận tự nguyện với các biện pháp tránh thai hiện đại trên thế giới đã tăng thêm 25% so với thời điểm năm 1994. Tỷ lệ phụ nữ đã kết hôn tại các nước kém phát triển nhất có sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 15% năm 1994 lên 37%. Tỷ lệ các ca tử vong mẹ do các nguyên nhân có thể phòng tránh được đã giảm 40%. Tỷ lệ tử vong của phụ nữ khi mang thai hoặc khi sinh tại các nước kém phát triển nhất giảm xuống một nửa so với tỷ lệ 8/1.000 phụ nữ của năm 1994. Sau 25 năm, số con trung bình của một phụ nữ tại các quốc gia kém phát triển nhất giảm từ 6 con/phụ nữ năm 1994 xuống tối đa là 4 con/phụ nữ. Chất lượng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình được cải thiện đáng kể. Các hành động và phong trào nhằm chấm dứt các hủ tục/hành vi có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái được lan tỏa rộng rãi.
 
Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển - Kết quả sau 25 năm thực hiện Chương trình hành động
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Tuy nhiên, trên thế giới hiện vẫn có khoảng 214 triệu phụ nữ chưa được đáp ứng nhu cầu tiếp cận và sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại để giúp họ ngăn ngừa việc mang thai ngoài ý muốn. Mỗi ngày vẫn có hơn 800 phụ nữ tử vong do các nguyên nhân có thể phòng ngừa được trong giai đoạn mang thai sinh nở. Vẫn hàng triệu phụ nữ không được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hoặc các dịch vụ đảm bảo việc sinh nở an toàn. Mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong mẹ xuống dưới 75/100.000 trẻ đẻ sống vẫn chưa đạt được như đã đề ra…

Một số tỷ lệ về dân số trên thế giới các năm 1994 và 2019
 
  1994 2019
Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại - %
Trên toàn cầu 52 58
Tại các quốc gia phát triển 57 61
Tại các quốc gia kém phát triển nhất 15 37
Tỷ suất sinh
Trên toàn cầu 2,9 2,5
Tại các quốc gia phát triển 1,6 1,7
Tại các quốc gia kém phát triển nhất 5,6 3,9
Tỷ lệ tử vong mẹ: các ca tử vong mẹ do các nguyên nhân liên quan tới mang thai
Các ca tử vong mẹ do các nguyên nhân liên quan tới mang thai/100.000 trẻ đẻ sống 369 216
(Số liệu năm 2015)
Tỷ lệ các nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình được đáp ứng (các biện pháp tránh thai hiện đại) - %
Trên phạm vi toàn cầu 72 78
Tại các quốc gia phát triển 72 79
Tại các quốc gia kém phát triển nhất 31 59

Nguồn: Quỹ Dân số Liên hợp quốc


… và thành tựu của Việt Nam
 
Là một nước thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam không chỉ tham gia các hoạt động xây dựng thông qua Chương trình hành động Hội nghị mà còn tích cực thực hiện và đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu trong Chương trình hành động ICPD 1994. Kết quả này cũng là những nỗ lực của Việt Nam, khi cùng với các quốc gia khác trên thế giới thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.
 
Qua 25 năm thực hiện Chương trình hành động ICPD, công tác dân số Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Trước hết, tốc độ gia tăng dân số quá nhanh được khống chế thành công. Theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm giai đoạn 1989-1999 1,7%, đã giảm xuống còn 1,18% giai đoạn 1999-2009 và chỉ còn 1,14% giai đoạn 2009-2019.
 
Bên cạnh đó, cơ cấu dân số có những chuyển biến tích cực, tạo cơ hội cho phát triển nhanh kinh tế - xã hội. Theo số liệu của Bộ Y tế, từ năm 1989 đến nay, dân số dưới 15 tuổi giảm mạnh từ 39,2% xuống 24,0%; dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) tăng từ 56,1% lên 68,4%; dân số 65 tuổi trở lên tăng từ 4,7% lên 7,6%.

Ngoài ra, chất lượng dân số, đặc biệt là tầm vóc và thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện đáng  kể. So với thời điểm năm 1993, đến nay chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng thêm 3cm, đạt 164cm ở nam và 153cm ở nữ. Tuổi thọ trung bình tăng từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 73,5 tuổi vào năm 2018, cao hơn hẳn các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Số năm sống trung bình sau khi đạt 60 tuổi của người Việt Nam đã tương đương nhiều nước châu Âu. Chỉ số phát triển con người tăng nhanh và đạt mức 
trung bình so với các nước trên thế giới.
 
Sự phân bố dân số gắn với đô thị hóa, công nghiệp hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu lao động, giải quyết tình trạng mất cân đối lao động - việc làm. Tỷ lệ dân số đô thị đã tăng từ 20% năm 1993 lên 34,9% năm 2017. Các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số như khám sức khỏe trước hôn nhân; tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh được triển khai, từng bước mở rộng. Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cũng như các dịch vụ phục vụ nhu cầu của người cao tuổi bước đầu phát triển.
 
Cùng với đó, Việt Nam cũng đạt được những thành tựu trong việc đảm bảo tiếp cận với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng từ 37% vào năm 1988 lên 66,3% vào năm 2018. Tỷ lệ tử vong mẹ trên toàn quốc đã giảm đáng kể từ 233/100.000 ca sinh sống năm 1990 xuống còn 58/100.000 ca sinh sống vào năm 2016. Số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 2,33 con năm 1999 xuống đạt mức sinh thay thế 2,09 con vào năm 2006, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa VII) và tiếp tục được duy trì cho đến nay. Tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong trẻ em đã giảm 2/3.
 
Việt Nam đồng thời đã có những ứng phó hiệu quả đối với các vấn đề dân số mới nổi như có các chính sách và chương trình để cải thiện và kiểm soát ung thư cổ tử cung; giảm các nhu cầu chưa được đáp ứng về các phương tiện tránh thai trong nhóm thanh niên chưa kết hôn; cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục giới tính toàn diện cho thanh thiếu niên; cải thiện việc phòng ngừa và ứng phó với các hành vi có hại như bạo lực trên cơ sở giới, mất cân bằng giới tính khi sinh...
 
Đáng chú ý là công tác tuyên truyền, giáo dục dân số được triển khai sâu rộng, thường xuyên ở tất cả các cấp, ngành, cộng đồng, gia đình và từng cặp vợ chồng. Hình thức, sản phẩm truyền thông đa dạng, phong phú, chất lượng ngày càng cao, phù hợp từng nhóm đối tượng và lứa tuổi với nội dung tuyên truyền thiết thực, sinh động, dễ hiểu. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên đã phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng trong tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực cũng còn tồn tại một số thách thức đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Mặc dù tốc độ gia tăng quy mô dân số quá nhanh đã được khống chế, song mức sinh còn chênh lệch lớn giữa các khu vực và xuất hiện tình trạng mức sinh giảm quá mức ở một số khu vực. Kết quả sơ bộ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống cũng cho thấy Việt Nam là một trong các quốc gia đông dân và có mật độ dân số cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam tăng liên tục qua các năm. Kết quả TĐT Dân số và Nhà ở năm 2009 cho thấy tỷ số giới tính khi sinh110,6 trẻ em trai/100 trẻ em gái, cao hơn đáng kể so với chuẩn sinh học bình thường dao động trong khoảng 104-106 trẻ em trai cho 100 trẻ em gái. Năm 2018, tỷ số này lên đến 115,1trai/100gái. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục có xu hướng lan rộng ở cả thành thị và nông thôn. Tổng cục Dân số dự báo, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ vào năm 2050 nếu không có những biện pháp can thiệp quyết liệt. Điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho sự phát triển bền vững của nước ta.
 
Ngoài ra, những lợi thế của cơ cấu dân số vàng mang lại chưa được khai thác tốt; Già hóa dân số và nhu cầu chăm sóc người cao tuổi tăng nhanh nhưng chưa có chiến lược thích ứng; Việc phân bổ dân số chưa hợp lý, công tác quản lý dân cư còn phân tán, lạc hậu; Chất lượng dân số còn nhiều hạn chế…
 
Bên cạnh đó là các vấn đề: Một số cơ chế, chính sách về dân số chậm đổi mới; Nguồn lực đầu tư cho dân số, kế hoạch hóa gia đình chưa tương xứng với yêu cầu do ngân sách từ Trung ương cấp cho công tác dân số còn hạn hẹp, trong khi nguồn viện trợ từ các dự án nước ngoài có xu hướng cắt giảm; Cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành dân số ở địa phương ngày càng thiếu thốn, xuống cấp…
 
Để hỗ trợ thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và Chương trình hành động ICPD, UNFPA đã đặt ra mục tiêu “Ba Không” và mong muốn đạt được các mục tiêu này vào năm 2030, đó là: KHÔNG còn nhu cầu chưa được đáp ứng về các biện pháp tránh thai; KHÔNG có tình trạng tử vong mẹ do những nguyên nhân có thể ngăn ngừa; KHÔNG còn các hành vi bạo lực hoặc có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái.
 
Thực hiện mục tiêu này, theo UNFPA, các quốc gia cần khai thác và sử dụng một cách có hiệu quả các lợi tức nhân khẩu học; xây dựng một xã hội công bằng và không bỏ rơi bất kỳ ai lại phía sau, cũng như cần xây dựng một xã hội mà không tồn tại những sự kỳ thị và phân biệt đối xử.
 
Đối với Việt Nam, để tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Chương trình hành động ICPD cũng như định hướng mới của UNFPA, trong thời gian tới, công tác dân số sẽ đặc biệt tập trung vào duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả lợi thế cơ cấu dân  số vàng; thích ứng với già hóa dân số một cách chủ động; phân bố dân số hợp lý; từng bước nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 21-NQ/ TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Các bước đi trên cũng đồng thời sẽ giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)./.
 
TS. Cao Thị Hà
Học viện Hành chính Quốc gia
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top