Hội thảo giới thiệu kinh nghiệm thực hiện sáng kiến “Dữ liệu cho Hiện tại” và tìm kiếm lĩnh vực đáp ứng nhu cầu ưu tiên cho Việt Nam

06/09/2022 - 10:28 AM
Sáng ngày 06/09/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức Hội thảo giới thiệu kinh nghiệm thực hiện sáng kiến “Dữ liệu cho hiện tại” và tìm kiếm lĩnh vực đáp ứng nhu cầu ưu tiên cho Việt Nam. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến tham dự và chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện 6 Bộ, ngành tham gia với vai trò vừa là đầu mối sản xuất dữ liệu vừa là đơn vị dùng tin gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc cơ quan TCTK; Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNRCO); các chuyên gia của các tổ chức quốc tế: Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc (UNSD), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Đại sứ quán Ý.
Hội thảo giới thiệu kinh nghiệm thực hiện sáng kiến “Dữ liệu cho Hiện tại” và tìm kiếm lĩnh vực đáp ứng nhu cầu ưu tiên cho Việt Nam
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến phát biểu tại buổi Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến nhấn mạnh, sáng kiến Dữ liệu cho hiện tại do Liên hợp quốc đề xuất nhằm mục đích phát triển năng lực của các quốc gia để cung cấp thông tin cần thiết cho các nhà hoạch định chính sách quốc gia và địa phương nhằm đạt được Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; thông qua tăng cường hợp tác và thúc đẩy hệ thống dữ liệu; hỗ trợ đổi mới quy trình sản xuất thông tin thống kê chính thức. Trước đó, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đã viết thư bày tỏ nguyện vọng tham gia, đồng thời cũng đề xuất các lĩnh vực tham gia và đã được UNSD lựa chọn là 1 trong 8 quốc gia thực hiện sáng kiến này trong giai đoạn 2022-2023. Vì vậy, buổi Hội thảo kỹ thuật về “Các sáng kiến đổi mới dữ liệu phục vụ hoạch định chính sách” nhằm tìm kiếm, xác định khoảng trống dữ liệu hiện tại; từ đó xác định các nhu cầu về dữ liệu cụ thể, nhằm tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên, nhằm đáp ứng việc giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGs) và có khả năng so sánh với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu (SDGs).

Phó Tổng cục trưởng hy vọng trong cuộc hội thảo, sẽ được nghe ý kiến về các khoảng trống dữ liệu và các mong muốn về các lĩnh vực ưu tiên mà thống kê các Bộ, ngành cần giải quyết trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu giám sát, đánh giá các mục tiêu SDGs của Việt Nam. Đồng thời mong muốn các chuyên gia từ các tổ chức quốc tế có các ý tưởng, đề xuất để lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên cho Thống kê Việt Nam.


Hội thảo giới thiệu kinh nghiệm thực hiện sáng kiến “Dữ liệu cho Hiện tại” và tìm kiếm lĩnh vực đáp ứng nhu cầu ưu tiên cho Việt Nam 1
Đại diện UNSD giới thiệu về Data For Now

Đáp từ Phó Tổng cục trưởng, ông Faral Ahmed, đại diện UNSD cho rằng, sự hợp tác của các Bộ, ngành có liên quan sẽ giúp nhanh chóng đạt được các mục tiêu mà dự án đề ra. UNSD rất vui khi có sự hỗ trợ của TCTK - 1 cơ quan nhà nước của Việt Nam trong Dự án cùng với sự hợp tác của các tổ chức và quốc gia khác như GIZ và Italia. Hội thảo là bước khởi đầu quan trọng cho quá trình hợp tác trong 2 năm sắp tới. Đây cũng là một trong những cơ hội để nâng cao khả năng sử dụng những công cụ sáng tạo, giải quyết khúc mắc trong sử dụng dữ liệu.

Đại diện Đại sứ quán Ý cho biết, Chính phủ Ý đã ký thỏa thuận hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các cơ quan chức năng như TCTK tham gia dự án có thể gặp gỡ, tương tác được nhiều hơn những người sử dụng công cụ này. Các sản phẩm không chỉ giúp cho các nhà hoạch định chính sách mà còn giúp cho Chính phủ có những quyết sách phù hợp. Để dự án thành công, cần có sự hỗ trợ từ một khối đơn vị công nghệ thông tin, giúp đưa dữ liệu đến với người dùng. Về phía Ý đã có những giúp đỡ về mặt kỹ thuật đối với Việt Nam, hy vọng sẽ đảm bảo được nhu cầu phát triển quốc gia cũng như đảm bảo các nhu cầu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã đề ra.


Hội thảo giới thiệu kinh nghiệm thực hiện sáng kiến “Dữ liệu cho Hiện tại” và tìm kiếm lĩnh vực đáp ứng nhu cầu ưu tiên cho Việt Nam 2
Toàn cảnh buổi Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe giới thiệu về dự án Data For Now (Dữ liệu cho Hiện tại); Tầm quan trọng của việc tương tác với người sử dụng để tăng cường sử dụng dữ liệu trong quá trình ra quyết định; Đáp ứng nhu cầu của những người ra quyết định thông qua đổi mới dữ liệu: Ví dụ về thực hành tốt; Các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và các ưu tiên chính sách hiện hành đối với Việt Nam; Tăng cường năng lực sử dụng dữ liệu trong quá trình ra quyết định. Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chia sẻ thông tin về triển khai thực hiện SDG và hiện trạng về dữ liệu cho giám sát, đánh giá SDG tại Việt Nam. Phần trình bày các ví dụ về đổi mới dữ liệu đã giúp đại biểu có cái nhìn rõ nét hơn về hiệu quả của dự án có thể đem lại.

Buổi Hội thảo diễn ra sôi nổi và nghiêm túc với nhiều nội dung hữu ích, bám sát thực tiễn. Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về các vấn đề ưu tiên, các lĩnh vực được đề xuất ứng dụng vào sáng kiến, về các bước tiếp theo; trong đó vấn đề được quan tâm là các chính sách cần được giải quyết trong việc thực hiện các ưu tiên đã xác định ở Việt Nam. Đại biểu cũng quan tâm đến kết quả đầu ra của dự án sau 2 năm và sự duy trì kết quả để phục vụ cho quá trình sử dụng dữ liệu trong thời gian về sau và đã được đại diện UNSD trả lời thỏa đáng dựa trên nguyên tắc về tính bền vững./.


Sáng kiến Dữ liệu cho hiện tại do Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohamed đưa ra bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9/2019, được lãnh đạo bởi Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Đối tác Toàn cầu về Dữ liệu Phát triển Bền vững và Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững. Dự án Dữ liệu cho hiện tại được tài trợ bởi Chính phủ Ý và Na Uy do UNSD chủ trì với khung thời gian thực hiện dự án là 2 năm. Tài liệu dự án được hoàn thiện và thông qua lần cuối vào tháng 6/2022 (bao gồm Việt Nam là 1 trong 8 nước thuộc châu Á và châu Phi tham gia) và bắt đầu thực hiện vào tháng 9/2022. Các cơ quan Thống kê Quốc gia (NSOs) là đối tác chính ở các quốc gia. Sáng kiến này hỗ trợ các quốc gia trong việc sử dụng các nguồn, công nghệ và phương pháp đổi mới để sản xuất hợp lý và phổ biến dữ liệu tốt hơn, kịp thời hơn và được phân tổ để phát triển bền vững. Sáng kiến tập trung mạnh mẽ vào việc ưu tiên công việc đáp ứng nhu cầu của người sử dụng/ra quyết định.

Tin, ảnh: Thu Hiền
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top