Hợp tác xã Việt Nam giai đoạn 2012-2016: Thực trạng và giải pháp

02/06/2019 - 12:24 PM
Thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng về phát triển hợp tác xã (HTX), trong những năm qua, nhất là từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực thi hành đã đem lại sự bứt phá về tư duy, làm rõ mô hình HTX trong nền kinh tế thị trường, phù hợp với kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam. Hoạt động HTX có sự phát triển đi vào thực chất hơn, đánh dấu một bước phát triển mới trong phong trào HTX tại Việt Nam. Số HTX gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng và đang trở thành phương thức tổ chức sản xuất phổ biến để tăng quy mô, hiệu quả và phát triển bền vững. Các HTX tham gia tích cực vào chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Hợp tác xã Việt Nam giai đoạn 2012-2016: Thực trạng và giải pháp

Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Theo báo cáo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017, tính đến ngày 01/01/2017, cả nước có 13,6 nghìn HTX, giảm 0,1% về số lượng và giảm 15,6% về lao động so với năm 2012. Trong đó, số lượng và lao động HTX hoạt động ngành công nghiệp - xây dựng giảm mạnh tới 20,1% (665 HTX) và 30,4% (20,7 nghìn người), ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,1% (79 HTX) và 13,5% (13,9 nghìn người). Riêng ngành dịch vụ lại có số lượng HTX tăng mạnh với 22,2% (726 HTX) những số lao động của ngành lại giảm 4,5% (3,3 nghìn người) so với thời điểm 01/01/2012.
 
Do đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh gắn liền với phục vụ đời sống, các HTX tập trung đông các vùng có số lượng dân cư lớn. Kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017 cho thấy, Đồng bằng sông Hồngvùng có số lượng và số lao động HTX lớn nhất với 4.597 HTX và 72,2 nghìn lao động; tiếp đến là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 3.99548,0 nghìn; Tây Nguyên tiếp tục là vùng có số lượng và số lao động HTX thấp nhất với 481 và 7,2 nghìn lao động.
 
Bình quân một HTX là 15 người/HTX. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động làm việc trong HTX hầu như chưa qua đào tạo chiếm tới 41,5% tổng số lao động, trong đó tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm cao nhất tới 64,9%. Trong 3 khu vực kinh tế, khu vực dịch vụ tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên chiếm cao nhất 10,0% và khu vực công nghiệp - xây dựng thấp nhất, chiếm 5,0%.
 
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX ngày càng phát triển. Tổng doanh thu của HTX năm 2016 đạt gần 65,6 nghìn tỷ đồng, tăng trên 9 nghìn tỷ đồng so với năm 2012 (năm 2012 là 74,6 nghìn tỷ đồng). Nguồn vốn đạt gần 165,8 nghìn tỷ đồng, tăng trên 52,6 nghìn tỷ đồng so với năm 2012 (năm 2012 là trên 113,1nghìn tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế đạt trên 2,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 1 nghìn tỷ đồng so với năm 2012 (năm 2012 là trên 1,7 nghìn tỷ đồng).
 
Việc thành lập và vận hành các HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 tại nhiều địa phương cũng đã đem lại hiệu quả cao hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp với việc quy hoạch lại sản xuất theo hướng tiếp cận hơn với nhu cầu thị trường và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Điển hình như: Hà Tĩnh có 1.653 tổ hợp tác, 914 HTX, đã có 604 HTX được thành lập mới. Các HTX đã thực hiện chuyển đổi, đăng ký kinh doanh, tổ chức lại, bước đầu khắc phục những hạn chế, yếu kém của HTX kiểu cũ, chất lượng hoạt động dịch vụ được nâng lên, số HTX làm ăn hiệu quả tăng nhanh; hiện tượng HTX sản xuất, kinh doanh thua lỗ giảm dần, từng bước đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường, phù hợp với các quy định của Luật Hợp tác xã, tham gia giải quyết tốt công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới và có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... Còn tại Đồng Tháp, đến cuối năm 2014, có 14 HTX đã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012, doanh thu bình quân là 1.800 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân 270 triệu đồng/HTX (doanh thu tăng 100%, lợi nhuận tăng 108%). Trong giai đoạn 2014-2015, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, hình thành những HTX có quy mô liên xã, toàn xã, tổ chức sáp nhập một số HTX có quy mô nhỏ, giải thể các HTX hoạt động không hiệu quả. Tại Lâm Đồng, tỉnh đã thành lập mới 23 HTX nông nghiệp, đã chuyển đổi 14 HTX và còn 66 HTX chưa chuyển đổi (51 HTX đã đăng ký chuyển đổi). 17 HTX trồng trọt chủ yếu ở TP. Đà Lạt và 3 huyện: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng đang thực hiện việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất như: Rau và hoa; xây dựng nhà kính, nhà lưới, công nghệ tưới phun sương, nhỏ giọt, áp dụng giống mới, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.
 
thể thấy, phát triển HTX đã đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Các HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Số HTX tiếp cận được vốn vay thấp do họ không có tài sản đảm bảo và không đáp ứng được yêu cầu chặt chẽ từ các ngân hàng nên phần lớn các HTX vẫn phải tự xoay sở. Thiếu vốn, nhiều HTX không thể mở rộng sản xuất kinh doanh, thậm chí còn có khả năng rơi vào nguy cơ phá sản. Việc chuyển đổi từ HTX kiểu cũ sang HTX kiểu mới theo quy định của Luật Hợp tác năm 2012 mới chỉ đạt hơn 70% tổng số HTX thuộc diện phải chuyển đổi. Mặt khác, nhận thức về vị trí, vai trò, bản chất và sự đóng góp của HTX kiểu mới vào phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương chưa đầy đủ, chưa thực sự tin tưởng vào tổ chức HTX. Các cơ chế chính sách ban hành nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với khu vực này còn hạn chế. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX đã được ban hành nhưng thiếu đồng bộ, thiếu cụ thể, còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của HTX.
 
Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong phát triển HTX thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp như:
 
Một là, ưu tiên hỗ trợ phát triển HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực, có quy mô lớn, có sức lan tỏa, bảo đảm hài hòa lợi ích các chủ thể tham gia. Đồng thời, tập trung củng cố, tổ chức lại hoạt động của HTX để phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn, đảm bảo HTX hoạt động hiệu quả, hỗ trợ thúc đẩy kinh tế thành viên phát triển.
 
Hai là, tổ chức triển khai thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển HTX. Kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước các cấp về kinh tế hợp tác.
 
Ba là, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật HTX, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyên môn nghiệp vụ cho HTX và các thành viên HTX. Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng nhân rộng các mô hình HTX hoạt độnghiệu quả, từng bước khẳng định kinh tế tập thể, HTX là nhân tố quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
 
Bốn là, tăng cường đẩy mạnh việc quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX; củng cố, thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX các cấp từ Trung ương đến địa phương (tỉnh, huyện); kiện toàn quỹ hỗ trợ HTX từ trung ương đến địa phương.
 
Năm là, các HTX cần đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, sản phẩm cho HTX để nâng cao giá trị, đăng ký sở hữu trí tuệ để truy xuất nguồn gốc. Các doanh nghiệp liên kết với HTX trong tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm HTX tham gia các hội chợ trong và ngoài nước./.

 
Nhàn Thư
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top