Hưng Yên khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện thành công Điều tra doanh nghiệp năm 2020

31/03/2020 - 10:33 AM
Hưng Yên là một tỉnh nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng và trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ,  giáp với thủ đô Hà Nội. Toàn tỉnh có 10 đơn vị hành chính gồm thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào và 8 huyện. Những năm gần đây, tình hình chính trị tỉnh Hưng Yên ổn định, kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Đặc biệt, năm 2019 là năm thứ ba liên tiếp Hưng Yên tự cân đối thu - chi ngân sách và có phần điều tiết về Trung ương. Toàn tỉnh hiện có 05 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 80%. Là một tỉnh khá nhỏ với tổng số dân đạt khoảng 1,25 triệu người, tuy nhiên quy mô, mật độ, tốc độ phát triển doanh nghiệp của tỉnh khá cao so với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Theo Sách Trắng doanh nghiệp năm 2019, số lượng doanh nghiệp của tỉnh xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; tốc độ tăng doanh nghiệp xếp thứ 6 cả nước (tăng trên 13%) và mật độ doanh nghiệp bình quân trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động xếp thứ 14 cả nước (đạt xấp xỉ 11 doanh nghiệp/1.000 dân). Do tính chất đặc thù về điều kiện tự nhiên, xã hội, các doanh nghiệp Hưng Yên chủ yếu tập trung (chiếm đến 55% trong tổng số) ở các huyện phía bắc - giáp thành phố Hà Nội như huyện Văn Lâm, huyện Yên Mỹ, thị xã Mỹ Hào.
 
Hưng Yên khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện thành công Điều tra doanh nghiệp năm 2020 1
Tích cực chuẩn bị điều tra doanh nghiệp năm 2020
 
Quý I/2020 Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên gặp khá nhiều khó khăn. Từ đầu năm 2020, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt tác động lớn đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bia, rượu của Hưng Yên. Sản lượng và doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp này dự kiến sụt giảm từ 30% đến 50% so với năm 2019. Đồng thời, dịch cúm covid-19 đang diễn biến rất phức tạp đã, đang và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu nguyên, vật liệu, hàng hóa, máy móc thiết bị,… với thị trường Trung Quốc, tập trung ở các ngành: Sản xuất thép, dệt may, da giầy, chế biến nông sản, v.v… 
 
Với điều kiện, đặc điểm như vậy; Hưng Yên tiến hành Điều tra doanh nghiệp năm 2020 trong điều kiện nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Hưng Yên đã nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt các nội dung theo Phương án, Kế hoạch điều tra và chỉ đạo của Tổ thường trực Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh. Cụ thể:
 
(1) Tham mưu, ban hành sớm các văn bản pháp lý, tạo hành lang thuận lợi cho công tác tổ chức triển khai: Cục Thống kê Hưng Yên đã chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị về triển khai Điều tra doanh nghiệp năm 2020 trên địa bàn tỉnh (Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 11 tháng 3 năm 2020). Chỉ thị được phổ biến đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Vì vậy đã bảo đảm huy động sự vào cuộc tích cực của các ban, sở, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời, Cục đã chủ động xây dựng Kế hoạch điều tra; Kế hoạch kiểm tra, giám sát cụ thể, chi tiết, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.
 
(2) Tăng cường công tác tuyên truyền: Nhằm mục đích để các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh hiểu rõ các nội dung cơ bản của cuộc điều tra và điểm mới căn bản trong điều tra doanh nghiệp năm 2020 là triển khai thu thập thông tin bằng bảng hỏi điều tra trực tuyến; đồng thời nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác phối hợp, ủng hộ, tổ chức thực hiện. Cục đã quán triệt, phổ biến Kế hoạch tuyên truyền của Tổng cục Thống kê; chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền của tỉnh. Đã tiếp nhận, biên soạn đầy đủ tài liệu tuyên truyền (tài liệu in, tài liệu nghe nhìn); phổ biến, phân phối kịp thời trên Trang thông tin điện tử của Cục Thống kê, Cục Thuế tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh. Biên soạn, xuất bản tài liệu tuyên truyền dưới dạng Inforgraphic, video hướng dẫn kê khai phiếu điều tra điện tử ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu. 
 
Đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức viết bài, trả lời phỏng vấn điều tra; đồng thời xây dựng các chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục trên báo chí, truyền hình và cập nhật thường xuyên về các công việc của điều tra.
 
(3) Thực hiện nghiêm túc, chất lượng công tác rà soát doanh nghiệp: Nhận thức tầm quan trọng trong việc xác định chính xác quy mô, tình trạng hoạt động của doanh nghiệp; Cục đã chủ động và nhận được sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm từ Cục Thuế tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh trong công tác rà soát, thống nhất danh sách doanh nghiệp, hợp tác xã có đến 31/12/2019 trên địa bàn. Tổng số doanh nghiệp rà soát: 1.729 doanh nghiệp chọn mẫu phiếu 1A; 1.200 doanh nghiệp tăng mới; 732 chi nhánh và 4.200 doanh nghiệp 1B.   
 
Đối tượng rà soát được mở rộng, Cục tiến hành rà soát tổng thể gồm cả danh sách doanh nghiệp thực hiện phiếu 1B. Các doanh nghiệp được tập trung rà soát kỹ tình trạng hoạt động, lao động và các chỉ tiêu khác; thu thập đầy đủ thông tin về tên người cung cấp thông tin, điện thoại, email, tên điều tra viên… Đồng thời, Cục kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm công tác thay mẫu điều tra theo đúng hướng dẫn, quy định của Trung ương. Cục Thống kê đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát trước ngày 25 tháng 3 năm 2019.
 
(4) Các công tác khác: Cục chú trọng tuyển chọn lực lượng giám sát viên, điều tra viên có năng lực, trình độ, kinh nghiệm tham gia điều tra doanh nghiệp, chủ yếu là công chức trong ngành. Tổng số điều tra viên và giám sát viên sử dụng      77 người. Cục chủ động xây dựng Kế hoạch kiểm tra, giám sát và phân công nhiệm vụ cụ thể. Hầu hết các điều tra viên phụ trách các doanh nghiệp xuyên suốt từ khâu rà soát đến khâu kết thúc thu thập thông tin. Công tác tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ điều tra doanh nghiệp được tiến hành xong trước ngày 28 tháng 2 năm 2020; bảo đảm về thời gian, nội dung; chú trọng tăng cường thời lượng tập huấn đối với công tác thực hành Phiếu điều tra trực tuyến trên Trang thông tin điện tử điều tra doanh nghiệp.
 
Một số hạn chế và giải pháp khắc phục
 
Dịch cúm Covid - 19 diễn biến phức tạp, tuy thời điểm hiện tại Hưng Yên chưa có ca bệnh dương tính với virut nhưng việc tiếp cận rà soát doanh nghiệp phải rất cẩn trọng và gặp nhiều khó khăn hơn kỳ điều tra trước. Đồng thời tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm đối với lực lượng điều tra viên, giám sát viên nếu không tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch.  
 
Trong danh sách rà soát, một số doanh nghiệp mới thành lập năm 2019 có địa chỉ chung chung, thiếu số điện thoại hoặc số điện thoại đăng ký không chính xác gây khó khăn cho điều tra viên trong việc tiếp cận rà soát, thu thập thông tin.
 
Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chấp hành luật pháp trong lĩnh vực thống kê chưa tốt, còn hiện tượng không hợp tác với điều tra viên hoặc tránh né, thực hiện chậm, không đầy đủ thông tin theo yêu cầu.
 
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt các công việc tiếp theo của Điều tra doanh nghiệp năm 2020, một số giải pháp cần được lưu ý như sau:
 
Một là, quán triệt quan điểm đối với các lực lượng tham gia điều tra doanh nghiệp năm 2020 là chia sẻ khó khăn, luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phải xác định mỗi điều tra viên, giám sát viên là lực lượng tuyên truyền quan trọng, cơ động và trực tiếp. Tuyên truyền bằng nhiều hình thức, có trọng tâm, trọng điểm, giúp doanh nghiệp nhận thấy rằng kết quả từ Điều tra doanh nghiệp mang lại ngoài phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành nói chung còn nhằm mục đích phục vụ cho chính lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp.  
 
Hai là, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng chống dịch Covid - 19 trong tổ chức, triển khai thực hiện Điều tra doanh nghiệp năm 2020. Bảo đảm an toàn cho lực lượng điều tra viên, giám sát viên và doanh nghiệp; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuyệt đối không lơ là, chủ quan.
 
Ba là, tận dụng mọi nguồn lực, tranh thủ sự ủng hộ, tạo điều kiện của Tổng cục Thống kê, của Ủy ban nhân dân tỉnh. Thường xuyên thông tin, trao đổi, phối hợp với Chi cục Thuế, Cục Thuế tỉnh, Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh và các sở, ngành có liên quan  trong quá trình tuyên truyền, rà soát và thu thập thông tin đối với các doanh nghiệp. 
 
Bốn là, các lực lượng tham gia điều tra, đặc biệt là các điều tra viên, giám sát viên phải nắm chắc chuyên môn, nghiệp vụ; đặc biệt là quy trình kê khai thông tin trên phiếu điện tử để hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp. Thường xuyên nắm bắt tiến độ trên hệ thống tác nghiệp, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện của doanh nghiệp. Khắc phục các khó khăn; chủ động, sáng tạo, nỗ lực cố gắng trong triển khai, tổ chức, thực hiện, tin tưởng sẽ hoàn thành tốt Điều tra doanh nghiệp năm 2020 trên địa bàn tỉnh./.  
 
Vũ Tuấn Hùng, Phó cục trưởng - Nguyễn Văn Tân, trưởng phòng TK Công nghiệp 
Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top