Huyện Ba Bể: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo

08/02/2021 - 01:36 PM
Ba Bể là huyện miền núi, nằm cách trung tâm thành phố Bắc Kạn khoảng 60 km về phía Bắc. Trước năm 2018, Ba Bể vẫn là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Bắc Kạn và của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Bằng nhiều giải pháp phù hợp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và phát huy nội lực trong nhân dân, hết năm 2017, huyện Ba Bể được công nhận thoát nghèo.



Lãnh đạo tỉnh chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ huyện Ba Bể nhiệm kỳ 2020-2025
 
Ông Lưu Quốc Trung, Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết: Những năm qua, mặc dù trong bối cảnh chịu tác động của suy thoái kinh tế và những diễn biến bất lợi của thời tiết, dịch bệnh… song Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết, vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách cũng như tranh thủ mọi thời cơ, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp. Lĩnh vực nông nghiệp cũng từng bước chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa. Việc phát triển du lịch từng bước mang lại hiệu quả, các dự án đầu tư khai thác khu du lịch Ba Bể đã và đang được các nhà đầu tư thực hiện.



Miến dong là sản phẩm nông nghiệp bản địa có tiếng của huyện Ba Bể nói riêng, tỉnh Bắc Kạn nói chung, sản phẩm đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách, quyết định của Trung ương, của tỉnh, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai, thực hiện các chương trình, dự án trồng trọt, chăn nuôi gắn với sản phẩm thế mạnh của từng địa phương cụ thể như: Dự án trồng mới và thâm canh cải tạo cây hồng không hạt, đề tài phục tráng giống bí thơm Ba Bể, mô hình cải tạo đất trồng lúa đem lại giá trị kinh tế cao, dự án chăn nuôi lợn thịt, dự án chăn nuôi trâu bò sinh sản, dự án vỗ béo trâu bò, dự án chăn nuôi gà...



Công trình đập, kênh Bản Phướng giúp người dân xã Cao Thượng, huyện Ba Bể chủ động nguồn nước để sản xuất ổn định hai vụ lúa.

Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM) được huyện triển khai có hiệu quả, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Đến nay, bình quân toàn huyện đạt 10,9 tiêu chí NTM/xã, có 01 xã đạt chuẩn NTM; dự kiến đến hết năm 2020, phấn đấu thêm 02 xã (Khang Ninh, Địa Linh) về đích NTM.



Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế thông qua các dự án giảm nghèo tại xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể

Hiện nay, 15/15 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia, với 96,7% số hộ dân được sử dụng điện; 100% xã và nhiều thôn bản có đường ô tô đến trung tâm; 97,7% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 15/15 xã, thị trấn có điện thoại liên lạc thông suốt; 15/15 xã, thị trấn có trạm y tế kiên cố; 100% số phòng học được xây dựng từ bán kiên cố trở lên; 15/15 xã, thị trấn trụ sở được xây dựng kiên cố. Hạ tầng giao thông tiếp tục được tăng cường, nhiều dự án lớn đã và đang được Trung ương, tỉnh, huyện đầu tư xây dựng như: Quốc lộ 3C, Quốc lộ 279, Tỉnh lộ 257B...; tỷ lệ đường trục xã, liên xã được bê tông và nhựa hóa đạt 85,9%; tỷ lệ đường thôn, xóm được cứng hóa đạt 50%...


Huy động sức dân xây dựng đường giao thông nông thôn tại xã Địa Linh
 
Ông Lưu Quốc Trung chia sẻ thêm: Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, huyện Ba Bể cũng tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo, góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 34,04% năm 2016 xuống còn 22,04% năm 2020, bình quân mỗi năm giảm 2,4%. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm từ 30,43% xuống còn 22,69%. Mặt khác, hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo còn được tiếp cận về chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận thông tin…



Mô hình chăn nuôi giúp nhiều hộ dân trong huyện Ba Bể vươn lên thoát nghèo bền vững

Cuộc sống của đồng bào các DTTS đã được cải thiện rõ rệt, tạo điều kiện cho họ hòa nhập vào cộng đồng. Các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo như: chăn nuôi dê, bò sinh sản, nuôi gà thả vườn… Các mô hình lựa chọn phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người nghèo này đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo thêm việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế cho hộ nghèo. Có thể nói, Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững đã đem lại hiệu quả không chỉ về phát triển kinh tế - xã hội mà còn có ý nghĩa về an ninh, quốc phòng ở vùng dân tộc và miền núi, vùng cao của huyện Ba Bể./.

Tăng cường mọi nguồn lực đầu tư vì sự nghiệp giáo dục
Ba Bể là huyện miền núi có diện tích tự nhiên rộng, nhiều thôn bản nằm cách xa trung tâm xã, điều kiện kinh tế - xã hội ở các xã vùng cao còn nhiều khó khăn… Theo đó, các trường mầm non, tiểu học của huyện còn nhiều khu lẻ, cơ sở vật chất chưa đáp ứng cho việc dạy và học; nhiều trường thiếu quỹ đất để xây dựng trường chuẩn quốc gia. Điều này gây khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp giáo viên cũng như nâng cao chất lượng giáo dục.
Ông Phạm Đức Thắng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Bể cho biết: Để khắc phục tình trạng trên, những năm qua, ngành Giáo dục huyện đã tham mưu với UBND huyện, thực hiện tốt công tác rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thực hiện tốt công tác tham mưu đầu tư cở sở vật chất, đồ dùng thiết bị dạy học, kinh phí cho việc triển khai các chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình kiên cố hóa trường học. Đẩy mạnh công tác XHH, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT.
Từ năm 2016 đến nay, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh, huyện đến các xã, cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư, sửa chữa, xây dựng mới thông qua các chương trình, dự án. Hiện nay, số phòng học được xây dựng từ cấp bốn trở lên đạt tỷ lệ 92,3%, tăng 13,9% so với năm 2016, số phòng học tạm chỉ chiếm 7,7% chủ yếu ở các phân trường lẻ vùng cao.
Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia cũng luôn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ban ngành huyện, sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương, của các bậc phụ huynh và người dân. Đến nay, toàn huyện có 13/43 trường đạt chuẩn quốc gia, kế hoạch năm 2020 phấn đấu xây dựng thêm 2 trường đạt chuẩn là trường mầm non Địa Linh và trường THCS Địa Linh.
 Trọng Nghĩa
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top