Huyện Bạch Thông: Thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo

21/03/2021 - 10:09 PM
Nhiệm kỳ 2015-2020, được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bạch Thông đã nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, sáng tạo vượt qua nhiều khó khăn và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Theo đó, đạt và vượt 51/63 chỉ tiêu, mục tiêu nhiệm kỳ, trong đó có tới 21 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.
 


Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bạch Thông, nhiệm kỳ 2020-2025

 
Kinh tế toàn huyện có bước phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản đạt 620 tỷ đồng, tăng bình quân 6,09%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng cơ bản đạt 147 tỷ đồng, tăng bình quân 8,58%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 496 tỷ đồng, tăng bình quân 17,7%/năm. Thu ngân sách đến năm 2020 ước đạt 18 tỷ đồng, đạt 94,7%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 ước đạt 34,08 triệu đồng.


Ông Đinh Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông trao đổi thông tin với phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện
 
Bên cạnh đó, huyện đã tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến. Đến nay, tổng diện tích cây cam, quýt toàn huyện là 1.570 ha, trong đó có trên 1.250 ha cho thu hoạch, giá trị đạt trên 100 tỷ đồng/năm; cây thuốc lá, cây ổi, cây chè và cây hồi cũng đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, mỗi năm đạt giá trị từ 10-15 tỷ đồng.
 


Người dân huyện Bạch Thông đẩy mạnh phát triển cây ăn quả có múi như cam, quýt đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Tư liệu
 
Mặt khác, huyện Bạch Thông cũng dành nhiều nguồn lực đầu tư hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có chỉ dẫn địa lý; chỉ đạo thực hiện Đề án mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), đến nay toàn huyện đã có 13 sản phẩm được cấp chứng nhận đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Chú trọng xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất, trong đó trọng tâm là triển khai các dự án thực hiện theo chuỗi giá trị sản phẩm. Tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển đàn gia súc, gia cầm là thế mạnh của địa phương như: trâu, bò, dê, gà… Khai thác triệt để diện tích mặt nước ao, hồ và chuyển một số diện tích đất ruộng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi các loại cá nước ngọt. Tập trung quản lý bảo vệ rừng, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế từ rừng, chú trọng trồng cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao…

Chương trình MTQG về XDNTM trên địa bàn huyện Bạch Thông cũng đạt được một số kết quả đáng tự hào. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, giao thông, dân sinh… được đầu tư, xây dựng, nâng cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về sản xuất và đời sống của người dân, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện. Kết quả có 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 7 xã đạt từ 10-14 tiêu chí NTM; 4 xã đạt từ 5-9 tiêu chí NTM; không có xã nào đạt dưới 5 tiêu chí NTM.

 


Cùng với trồng cây ăn quả, nhiều hộ gia đình ở xã Quang Thuận còn ươm, ghép cây giống, mang lại nguồn thu nhập khá. Ảnh: Tư liệu.
 
Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, Huyện đã đầu tư 324,5 tỷ đồng để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu như: Giao thông, thủy lợi, trạm y tế, nhà văn hóa, trường học, điện, nước sinh hoạt, trụ sở các xã. Đến nay, có 98% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã và nhiều thôn bản có đường ô tô đến trung tâm; 97,4% số thôn, tổ phố xây dựng xong nhà văn hóa; mạng lưới viễn thông phát triển mạnh, 100% xã, thị trấn được phủ sóng điện thoại di động; 95% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số phòng học được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố; 14/14 xã, thị trấn có trụ sở làm việc được đầu tư xây dựng kiên cố.

Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được chú trọng. Đến hết năm 2020, 14/14 xã, thị trấn được công nhận đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, đạt 100%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 14% năm 2015 xuống còn dưới 11% năm 2020. Công tác giáo dục và đào tạo đã được các cấp, các ngành sâu sát, chất lượng giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực, đội ngũ nhà giáo ngày càng được nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng với yêu cầu giảng dạy, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư. Huyện duy trì, giữ vững chuẩn phổ cập giáo dục, xây dựng được 17 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 01 trường đạt chuẩn mức 2. Công tác đào tạo nghề cũng thường xuyên được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 25,42% năm 2015 lên 38% năm 2020, giải quyết việc làm mới cho gần 3 nghìn lao động; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề đạt 70%.
 


Xã Tân Tú cấp gà giống cho người dân thực hiện dự án chăn nuôi gà theo chuỗi giá trị. Ảnh: Tư liệu
 
Về công tác giảm nghèo: Giai đoạn 2015-2020, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng và chính quyền huyện, nhất là sự nỗ lực của chính người dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Bạch Thông đã đạt được những kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 26,31% năm 2015 xuống còn 17,7% năm 2019, đến hết năm 2020 giảm còn 15,4%. Trong giai đoạn này, toàn huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng 142 công trình; triển khai thực hiện 79 dự án, mô hình giảm nghèo với tổng kinh phí trên 9,6 tỷ đồng, giúp cho 550 hộ thoát nghèo bền vững; giải ngân vốn tín dụng ưu đãi cho 2.348 lượt hộ nghèo, 1.178 lượt hộ cận nghèo, 90 lượt hộ mới thoát nghèo vay vốn với doanh số cho vay trên 151 tỷ đồng; giải ngân trên 2 tỷ đồng cho 83 hộ dân thuộc diện hỗ trợ cho vay làm nhà ở; tiếp nhận từ các nguồn vốn hỗ trợ trên 3,8 tỷ đồng làm 123 nhà tình nghĩa cho hộ nghèo…
 


Mô hình chăn nuôi gà tập trung quy mô lớn của gia đình chị Hoàng Thị Bạch - Thôn Pò Đeng, xã Tân Tú, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Để đạt được kết quả trên, huyện Bạch Thông đã triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên về thực hiện công tác giảm nghèo; chủ động xây dựng các phương án, chương trình, kế hoạch giảm nghèo theo giai đoạn và từng năm nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ toàn diện ở các xã vùng cao; thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở cơ sở; các chính sách an sinh xã hội, chính sách trợ giúp người nghèo được triển khai thực hiện đảm bảo đầy đủ, đúng đối tượng, kịp thời, từ đó tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo.
                                                                                   Trọng Nghĩa
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top