Huyện Bảo Yên: Tăng trưởng kinh tế tạo tiền đề thực hiện tốt công tác dân tộc

31/12/2019 - 02:31 PM
Nằm ở cửa ngõ phía Đông của tỉnh Lào Cai, huyện Bảo Yên có tiềm năng lớn để phát triển nông - lâm nghiệp hàng hóa du lịch tâm linh - sinh thái. Những năm qua, bằng nhiều chương trình hành động cụ thể cùng với các cõ chế hỗ trợ cho sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng, Bảo Yên đã khai thác hiệu quả những lợi thế nói trên, “chuyển hóa” thế mạnh thành những kết quả phát triển kinh tế xã hội ấn tượng. Đặc biệt trong 3 năm gần đây, Huyện đều đạt và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch theo Nghị quyết HĐND thông qua.
 
Xác định nông, lâm nghiệp là lĩnh vực trọng tâm, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Bảo Yên đã tập trung chỉ đạo hướng dẫn nhân dân tích cực tổ chức sản xuất , chủ động chuyển đổi cây trồng hợp lý, ứng dụng tiến 
bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, trên địa bàn Huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa với các loại cây và con chủ lực bao gồm: Cây quế (diện tích khoảng 20 nghìn ha), cây chè (diện tích khoảng 706 ha), cây hồng không hạt (diện tích gần 80 ha), cây dâu (diện tích gần 170 ha), cây sả (diện tích trên 120 ha), cây chanh leo (diện tích khoảng 30 ha), đàn trâu (tổng đàn khoảng 19 nghìn con), gà đồi (tổng đàn trên 450 nghìn con), vịt bầu (tổng đàn trên 50 nghìn con)...
 
Huyện Bảo Yên: Tăng trưởng kinh tế tạo tiền đề thực hiện tốt công tác dân tộc

Đông đảo du khách đi lễ đền Bảo Hà ngày đầu xuân

Đặc biệt, Huyện ban hành nhiều cơ chế, chính sách để phát triển nông - lâm nghiệp nhưHỗ trợ từ 3-4,5 triệu đồng cho hộ gia đình có diện tích đất từ 0,3 ha trở lên (tùy theo vùng trồng); bảo lãnh để các công ty cung ứng trước giống, phân bón cho người dân (sẽ trả sau khi thu hoạch); quy hoạch vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến... Đến nay, Huyện có trên 40 doanh nghiệp tham gia chế biến lâm sản hoặc chiết xuất tinh dầu hoạt động ổn định, tạo đầu ra cho nhân dân trồng rừng trong huyện và khu vực lân cận. Nhờ giải pháp này, diện tích rừng trồng mới của Huyện luôn được duy trì (bình quân từ 2.500-2.700 ha), đồng thời giá trị lâm sản trên địa bàn đã tăng gấp khoảng 1,5 lần (so với năm 2012).
 
Bên cạnh thế mạnh lâm nghiệp, những năm gần đây, du lịch Bảo Yên có bước tăng trưởng ấn tượng. Nhắc đến du lịch Bảo Yên, người ta nói ngay tới Đền Bảo Hà, đền thờ Thần Vệ quốc Hoàng Bảy, ngôi đền linh thiêng thu hút đông đảo du khách thập phương. Để phát triển du lịch, Huyện xác định lấy đền Bảo Hà làm trung tâm để kết nối với các điểm di tích văn hóa, lịch sử khác, cũng như các điểm du lịch sinh thái cộng đồng; dành nguồn lực để trùng tu, tôn tạo, nâng tầm một số di tích lịch sử, văn hóa như Đền Bảo Hà, Đền Phúc Khánh, Đồn Phố Ràng và Khu căn cứ cách mạng Việt Tiến, Khu tưởng niệm Chiến thắng Đồn Nghĩa Đô... Cùng với đó, Huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa triển khai hỗ trợ người dân làm du lịch cộng đồng nhằm khai thác các chất liệu văn hóa, ẩm thực đặc sắc của các dân tộc trong huyện; đầu tư về hệ thống giao thông. Nhờ đó, năm 2018, Huyện đã đón khoảng 700.000 lượt khách, tăng 1,4 lần so với năm 2015, doanh thu ngành đạt 143 tỷ đồng.

Từ sự phát triển vững chắc của các ngành kinh tế quan trọng, năm 2018, Huyện đã hoàn thành 57/57 chỉ tiêu được giao, vượt mức kế hoạch đề ra 20 chỉ tiêu. Nổi bật, tổng thu ngân sách đạt 91,3 tỷ đồng, đạt 112,3% kế hoạch tỉnh giao. Thu nhập bình quân đạt 30,793 triệu/người/năm tăng 10,44% so với năm 2017, giá trị sản xuất/ha đất sản xuất đạt 64 triệu đồng, đạt 110,3% kế hoạch Tỉnh giao.

Những thành công trong phát triển kinh tế xã hội giúp Bảo Yên có thêm nguồn lực để thực hiện tốt các chương trình, chính sách dân tộc. Từ năm 2014 đến nay, Huyện đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 47 nghìn lượt  hộ được thụ hưởng các chính sách, với tổng kinh phí trên 51,4 tỷ đồng. Nhờ vậy, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bảo Yên từng bước thay đổi nhận thức, phát triển kinh tế gia đình, hiện nay trên 67% số hộ sản xuất kinh doanh giỏi của Bảo Yên là các gia đình người dân tộc thiểu số. Các công trình y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư khang trang, đáp ứng được yêu cầu dạy và học; công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được đảm bảo; Bản sắc văn hóa được gìn giữ bảo tồn và phát huy đa dạng, phong phú, phong tục tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ... Đây chính là những tiền đề cơ sở vững chắc để Bảo Yên thực hiện tốt công tác dân tộc./. 

 
Hồ Cao Khải
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên


 
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top