Huyện Điện Biên Đông: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, gắn với mục tiêu xóa đói giảm nghèo

10/05/2021 - 11:38 PM

Điện Biên Đông là huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên. Những năm qua, từ nhiều Chương trình, dự án đầu tư theo chủ trương ưu tiên phát triển vùng cao, vùng khó khăn của Đảng và Nhà nước, nhiều công trình kết cấu hạ tầng của huyện được đầu tư xây dựng, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển văn hóa xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, cải thiện đáng kể điều kiện sản xuất và đời sống cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn.


Đồng chí Bùi Ngọc La - Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện, đồng chí Bùi Ngọc La, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết: Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Điện Biên Đông đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chỉ tiêu, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V đề ra. Kết quả, 15/16 nhóm chỉ tiêu chính cơ bản đạt và vượt so với kế hoạch. Trong đó, một số chỉ tiêu khó nhưng kết quả vẫn đạt cao như: Xây dựng nông thôn mới đạt 325%; giảm nghèo đạt trên 101%; khai hoang ruộng nước đạt trên 739%... Theo đó, dù là huyện miền núi, đặc biệt khó khăn, song kinh tế của huyện Điện Biên Đông đã cơ bản chuyển dịch theo hướng xác định; thu nhập bình quân đạt 16,5 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách hàng năm trên địa bàn đạt trên 11,6 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện trong những năm gần đây đã giảm dần theo hướng tích cực từ 70,88% năm 2016 xuống còn 45,22% năm 2020 (bình quân giảm 5%/năm).


Một góc thị trấn Điện Biên Đông, huyện Điện Điên Đông hôm nay

Mặt khác, Huyện cũng thường xuyên quan tâm, thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đảm bảo an sinh xã hội; chăm sóc người có công, gia đình chính sách. Các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, tàn tật, người già cô đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; thường xuyên nhận được sự giúp đỡ của chính quyền, cộng đồng và các tổ chức xã hội. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, quốc phòng được củng cố và giữ vững…

 
Đồng chí Phạm Đức Toàn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành, thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên Đông kiểm tra bản đồ hiện trạng
tuyến Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 143

Về phát triển kinh tế: Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 30/9/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Điện Biên Đông khóa V, nhiệm kỳ 2015-2020 về “Phát triển Nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020”, Huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện.



UBND huyện Điện Biên Đông phối hợp với Ban Quản lý dự án các công trình huyện tổ chức bàn giao,
đưa vào sử dụng tuyến đường giao thông liên bản từ bản Giói B đi bản Phiêng Kên, xã Luân Giói

Trong lĩnh vực trồng trọt: Huyện đã chú trọng đến việc hướng dẫn chuyển giao và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng những mô hình thí điểm, nhân rộng mô hình ra diện rộng, đồng thời đưa các loại giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất. Tập trung phát triển những loài cây có giá trị kinh tế cao và trở thành hàng hóa bán ra thị trường như: Lúa nếp, ngô lai, lạc, bí xanh, khoai sọ… Đến hết năm 2020, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực toàn huyện đạt 13.284,7 ha (tăng 5,2% so với năm 2016). Tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 31.317,6 tấn (tăng 12,1% so với năm 2016); lương thực bình quân đầu người ước đạt 457,8 kg/người/năm, tăng 11,6 kg so với năm 2016.


Đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, UBND huyện Điện Biên Đông động thổ khởi công xây dựng
công trình nhà ở bán trú cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS  xã Phì Nhừ

Về lĩnh vực chăn nuôi: Huyện triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi trên địa bàn như: Hỗ trợ trồng cỏ, con giống, hỗ trợ làm chuồng trại, hỗ trợ tiêm, phun, phòng bệnh… Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, Huyện đã tổ chức được 115 mô hình dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và 15 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Tổng đàn gia súc toàn huyện tăng cả về số lượng và chất lượng, đạt 88.153 con, bằng 101,4% KH; Tổng đàn gia cầm là 244.200 con, đạt 134,9% KH.


Lễ khánh thành công trình nhà ở bán trú Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS xã Phì Nhừ
được thực hiện theo hình thức xã hội hóa do Bộ Công an phát động

Về lĩnh vực lâm nghiệp: Huyện tập trung chỉ đạo bảo vệ tốt 31.448,48 ha rừng hiện có; hạn chế tình trạng đốt, phá rừng; thực hiện giao đất, giao rừng được 3.284,5 ha gắn với thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; công tác trồng rừng khoanh nuôi tái sinh tự nhiên được quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 26,13%, tăng 1,03% so với năm 2016.


Đồng chí Vừ A Bằng - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên trao Bằng công nhận
Khu di tích Vừ Pa Chay xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông là Di tích lịch sử cấp tỉnh

Ngoài ra, Huyện còn thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động các hộ gia đình tận dụng mặt nước ao hồ nuôi trồng thuỷ sản; hướng dẫn người dân cách thức nuôi trồng thuỷ sản và cách phòng dịch bệnh. Xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất và sản lượng nuôi trồng. Đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 164 ha, tăng 26,2% so với năm 2016, đạt 117,1% KH; Sản lượng đạt 181 tấn, tăng 37,1% so với năm 2016, đạt 112,4% KH.


Người dân bản Chua Ta, xã Tìa Dình thu hoạch bí xanh. Ảnh: Tư liệu.

Bên cạnh đó, nhờ các Chương trình, dự án đầu tư như: Trái phiếu Chính phủ, Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình Wordl Bank, Chương trình XDNTM, Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình kiên cố hóa trường lớp học… cùng với việc tích cực vận động và thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, nhờ vậy, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện Điện Biên Đông từng bước được tăng cường và cải thiện rõ rệt.


Thông qua các chương trình hỗ trợ cây, con giống, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi từ NH CSXH 
nhiều hộ dân trong huyện đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gia súc, nỗ lực vươn lên thoát nghèo

Cụ thể: Trên địa bàn huyện có khoảng 12 tuyến đường nội thị, huyện lộ, liên xã với tổng chiều dài 226,15 km. Trong đó, có gần 104 km mặt đường được bê tông hóa hoặc nhựa hóa đạt 45,94%; 10/13 xã có đường ô tô đi lại được 4 mùa; 100% số xã, thị trấn, có điện theo hệ thống điện lưới quốc gia đạt chuẩn, 79,3% số thôn, bản có điện lưới quốc gia; 80,86% số hộ dân được sử dụng điện thường xuyên.


Người dân đã xóa bỏ dần tập quán chăn nuôi thả rông sang chăn nuôi theo chuồng trại quy mô tập trung

Năm học 2019-2020, toàn ngành Giáo dục huyện có 33 trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 57,9%. Trong đó: 9 trường Mầm non, 11 trường Tiểu học, 13 trường THCS. Hiện nay, 13/13 xã có Trạm y tế được xây dựng kiên cố, cơ sở vật chất của các Trạm y tế được quan tâm đầu tư trang bị mới; có 12/13 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Theo thống kê, trên địa bàn huyện có tổng số 147 công trình thủy lợi với 377,1 km kênh mương, thực hiện tưới tiêu cho trên 1.801,3 ha lúa ruộng. Tỷ lệ kênh mương được kiên cố hoá 316/377,1 km, đạt 83,8%...


Người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp
nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm sức lao động

Về Xây dựng nông thôn mới: Đến hết năm 2020, có 03 xã cơ bản đạt chuẩn NTM (xã Mường Luân, Phu Nhi: đạt 15 tiêu chí; xã Luân Giói đạt 16 tiêu chí); 01 xã đạt 12 tiêu chí (xã Na Son); 01 xã đạt 11 tiêu chí (xã Nong U); 01 xã đạt 10 tiêu chí (xã Háng Lìa); 02 xã đạt 9 tiêu chí (xã Pú Hồng, xã Phình Giàng); 03 xã đạt 8 tiêu chí (Keo Lôm, Xa Dung, Phì Nhừ); 02 xã đạt 7 tiêu chí (Chiềng Sơ, Tìa Dình). Kết quả bình quân đạt 10,38 tiêu chí/xã, tăng bình quân 4,61 tiêu chí/xã so với năm 2016 và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.


Hội chợ việc làm huyện Điện Biên Đông năm 2020 đã thu hút 10 đơn vị, doanh nghiệp
trong và ngoài tỉnh tham gia, với nhu cầu tuyển dụng trên 19.000 lao động

Thời gian tới, huyện Điện Biên Đông sẽ tiếp tục tập trung khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương để hội nhập và phát triển; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao; Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo đúng quy hoạch; Nâng cao chất lượng các dự án trên địa bàn, đặc biệt các dự án đầu tư công; Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực địa phương; Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, trọng tâm là chăm lo hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững./.

                                                                                           Trọng Nghĩa

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top