Lục Ngạn: Bức tranh kinh tế - xã hội với những gam màu tươi sáng

17/03/2022 - 09:25 PM

Những năm gần đây, bức tranh kinh tế - xã hội huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.

Từ nhiều chính sách an sinh xã hội đã và đang được triển khai, cùng hàng loạt dự án, chương trình hỗ trợ đầu tư về đào tạo nghề nông thôn, xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị trên địa bàn… đã mang lại cho vùng đất nơi đây sức sống mạnh mẽ. Vào những ngày đầu xuân, trong tiếng cựa mình của vạn vật, của trồi non, lộc biếc mang âm hưởng tươi mới trên những miệt vườn trù phú: Vải thiều, cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi ngọt… Lục Ngạn đang vươn mình trỗi dậy.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lục Ngạn nhiệm kỳ 2020-2025
Tạo đà bứt phá

Ông Phạm Văn Du, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Lục Ngạn chia sẻ: “Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, liên kết vùng, huyện Lục Ngạn đã bùng nổ mạnh nhất về đầu tư vào những năm 2018 - 2019. Nay, với kết cấu mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bộ, liên hoàn, đã tạo cho huyện những bước tiến phát triển về các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông đối ngoại, kết nối vùng, đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn; hạ tầng đô thị và khu dân cư tập trung. Song song với đầu tư hạ tầng giao thông, huyện đẩy mạnh đầu tư xây dựng nông thôn mới; đồng thời, xúc tiến đầu tư cho nông sản, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc các sản phẩm cây ăn quả chủ lực nhằm tiêu thụ, nâng cao giá trị, thương hiệu nông sản huyện Lục Ngạn…”

Vải thiều Lục Ngạn - Đặc sản nổi tiếng thơm ngon tỉnh Bắc Giang

Xác định hạ tầng giao thông đồng bộ, ngoài việc xoá thế cô lập cho các xã vùng sâu, vùng xa, tạo thuận lợi cho người và phương tiện giao thương, phát triển kinh tế còn hình thành quỹ đất để huyện quy hoạch các khu đô thị, khu dân cư mới. Theo đó, huyện đã quy hoạch, xây mới nhiều tuyến nội thị, như: Mở rộng, làm mới đường Trần Phú, Lê Duẩn; cải tạo nút giao thông đường Trần Phú kéo dài giao cắt QL31 đi cầu Nam Dương. Ngoài ra, huyện cũng được tỉnh đầu tư xây mới cầu Chũ; nâng cấp, mở rộng ĐT289 qua thị trấn…

Nếu như 3 năm trước, hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn của huyện, gồm: Đường huyện, đường xã, đường thôn xóm đều xuống cấp, khó đi, thì nay đã được nâng cấp, mở rộng, cứng hóa (trên 90% ). Giao thông cải thiện đã tạo hiệu ứng tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư trên địa bàn, “đánh thức” tiềm năng kinh tế, phát triển thương mại - dịch vụ, tạo bước đột phá trong phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa…

               

             Chế biến vải thiều để xuất khẩu đi Nhật Bản của HTX vải thiều Lục Ngạn 
 
 Những dấu hiệu đáng mừng

Năm 2021, mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, huyện đã tập trung lãnh đạo thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội” hoàn thành và vượt mức 14/14 chỉ tiêu KT-XH đã đề ra.

Trong đó: Tổng giá trị sản xuất các ngành đạt trên 15,2 nghìn tỷ đồng. Công nghiệp xây dựng trên 5,7 nghìn tỷ đồng. Thương mại dịch vụ gần 6 nghìn tỷ đồng; cơ cấu kinh tế đảm bảo cân đối và tiếp tục có sự chuyển dịch. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn đạt gần 2 nghìn tỷ đồng (bằng 109% so với năm 2020). Cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong chuyển đổi cơ cấu giống cây ăn quả và chăn nuôi đại gia súc đã có bước phát triển mạnh; giá trị sản xuất/ ha đất canh tác nông nghiệp đạt trên 131,6 triệu đồng.

 

Gian trưng bày sản phẩm nông sản của thị trấn Chũ

Việc tiêu thụ vải thiều, cam bưởi và các sản phẩm đặc trưng cũng được huyện quan tâm đẩy mạnh, thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch Covid - 19. Do đó, tiêu thụ thuận lợi, thị trường được mở rộng, chất lượng và giá trị ngày càng được nâng cao. Tổng giá trị từ cây vải thiều, cây ăn quả có múi và các dịch vụ phụ trợ đạt trên 5,8 nghìn tỷ đồng. Công tác huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt gần 6.240 tỷ đồng (tăng gần 890 tỷ đồng số với năm 2020). Huyện có thêm 3 xã Nam Dương, Trù Hựu, Kiên Thành đạt chuẩn nông thôn mới; xã Quý Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 100% kế hoạch. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội; y tế, giáo dục có bước chuyển tích cực; quốc phòng quân sự địa phương cũng được đảm bảo; an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện giảm chỉ còn 2,47% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn mới) đạt 117% kế hoạch, giảm vượt chỉ tiêu 0,42%. Đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn được nâng lên rõ rệt.

Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp là điều kiện thuận lợi để Lục Ngạn đẩy mạnh phát triển du lịch
 
Năm 2022, trên cơ sở Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2021-2025), UBND huyện Lục Ngạn đề ra 6 nhóm giải pháp triển khai thực hiện, 14 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 14%; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt trên 2.800 tỷ đồng; giá trị sản xuất/ha diện tích đất nông nghiệp đạt 128,5 triệu đồng. Xây dựng 2 xã Tân Hoa và Phì Điền đạt chuẩn nông thôn mới; xã Thanh Hải đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Nâng tỷ lệ kiên cố hoá trường lớp học đạt 93,12%. Duy trì tỷ lệ người dân có thẻ BHYT đạt 99,5% trở lên. Giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 5,5%. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện đạt 434,19 tỷ đồng./.

Kiều Thủy


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top