Kế sách ứng phó thiên tai - Nhìn từ mùa mưa bão 2020

25/01/2021 - 02:19 PM
Năm 2020, thế giới ghi nhận nhiều biến cố bất lợi đối với con người bao gồm cả dịch bệnh và thiên tai, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức đó. Mặc dù nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh và hạn chế tối đa thiệt hại kinh tế, tuy nhiên, Việt Nam lại là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Do đó, những diễn biến bất thường trong mùa mưa bão năm 2020 đã, đang đặt ra cho Việt Nam những yêu cầu cấp bách trong việc chuẩn bị các phương án lâu dài nhằm ứng phó với thiên tai ở một tầm cao mới.

Mùa mưa bão năm 2020 - Lời cảnh báo tàn khốc

Hiện tượng mưa giông, mưa đá, sấm sét ngay trong đêm giao thừa và ngày Mùng 1 Tết Canh Tý 2020 tại một số tỉnh, thành phố phía Bắc đã từng là chủ đề được nhiều người quan tâm. Diễn biến thời tiết bất thường trong đêm giao thời và ngày đầu năm mới cũng chính là một trong các dấu hiệu cho thấy sự thay đổi và tác động do biến đổi khí hậu gây ra đối với khí hậu Việt Nam. Trong năm 2020 vừa qua, thiên tai đã có những diễn biến phức tạp, bất thường trên nhiều vùng miền cả nước.

Số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam đã phải đối phó với nhiều loại hình thiên tai gồm: 14 cơn bão trên biển Đông; 265 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố, trong đó có 9 đợt trên diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Trung Bộ; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6-22/10 tại khu vực Trung Bộ, nhất là tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế; 86 trận động đất, trong đó có 02 trận động đất với RRTT cấp 4 (tại Mường Tè, Lai Châu ngày 16/6 với độ lớn 4.9; tại Mộc Châu, Sơn La ngày 27/7 với độ lớn 5.3); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long…

Những thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai năm 2020 được Tổng cục Thống kê ghi nhận đã tăng lên rất nhiều lần so với năm 2019. Trong đó đáng lưu tâm là số người thiệt mạng và mất tích do thiên tai trong năm qua lên đến 379 người, tăng 187,1%, 1.060 người bị thương, tăng gấp 5 lần; 4,3 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, tăng gấp 2,5 lần; 594,0 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng, tăng gấp 8,6 lần; gần 269 nghìn ha lúa và 134,9 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 38,6 nghìn con gia súc và 4,1 triệu con gia cầm bị chết. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 39,1 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 6,3 lần năm 2019, trong đó thiệt hại do bão, lũ là 32,3 nghìn tỷ đồng (chiếm 82,8% tổng giá trị thiệt hại).

 
Kế sách ứng phó thiên tai - Nhìn từ mùa mưa bão 2020
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Ngay từ những ngày đầu năm, trận dông lốc và mưa đá đã làm tốc mái, vỡ, thủng tấm lợp, ngói của 3.280 hộ dân ở 21 xã thuộc 5 huyện: Ngân Sơn, Chợ Ðồn, Chợ Mới, Bạch Thông và Na Rì (Bắc Kạn) và 10 huyện, thành phố thuộc tỉnh Lạng Sơn. Hậu quả là hơn năm nghìn hộ gia đình của hai địa phương này bị thiệt hại lên đến hơn 35 tỷ đồng. Tại Lào Cai, chỉ trong chín tháng đầu năm 2020 đã xảy ra 32 đợt thiên tai. Ðiển hình như trận mưa lớn từ ngày 16 đến ngày 20/8, với lượng mưa gần 350 mm xảy ra ở thị xã Sa Pa, các huyện Văn Bàn, Bảo Yên làm 7 người chết, 11 người bị thương, 5.630 nhà ở bị hư hỏng... Tại Sơn La, từ cuối tháng 7 đến tháng 8 liên tục xảy ra hàng chục trận động đất với dư chấn lớn, khiến người dân bất an.

Đặc biệt, điểm mặt các sự kiện thiên tai trong năm 2020 tại Việt Nam không thể không nhắc đến cơn bão nhiệt đới Linfa (số hiệu quốc tế là TS 2015) hay còn được biết đến với tên gọi bão số 6 (năm 2020) được hình thành ở giữa biển Đông từ ngày 9/10/2020 đã đổ bộ vào khu vực miền Trung vào khoảng 10h sáng ngày 11/10/2020. Ảnh hưởng bởi mưa lớn trong và sau cơn bão Linfa đã gây nên thảm họa lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất tác động mạnh đến toàn bộ khu vực miền Trung của Việt Nam. Thống kê đánh giá thiệt hại đến chiều ngày 26/10/2020, ảnh hưởng của bão Linfa đã làm 148 người chết và mất tích; hơn 1000 ngôi nhà bị sập; hơn 120 nghìn ngôi nhà bị ngập lụt. Ngoài ra, bão còn làm cho hơn 1,4 nghìn ha lúa và gần 8 nghìn ha hoa màu bị thiệt hại, hàng trăm nghìn gia súc và hàng triệu gia cầm chết, gây thiệt hại lớn về người và tàn phá nặng nề nền kinh tế nông nghiệp của khu vực, đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh mất người thân, phá sản, nợ nần, làm gia tăng tỷ lệ đói nghèo của miền Trung.

Điều đáng nói là khi cơn bão số 6 đi qua để lại hậu quả nặng nề còn chưa thể khắc phục thì vùng rốn lũ bão miền Trung lại tiếp tục hứng chịu bão gối bão khi cơn bão Vamco (cơn bão số 12) lại tiếp tục đổ bộ vào đất liền chiều ngày 15/11/2020. Theo báo cáo của địa phương, thống kê thiệt hại do bão số 13 tính đến chiều ngày 17/11/2020 có 36 người bị thương; 7 ngôi nhà bị sập; 8.893 ngôi nhà bị hư hại, tốc mái; 47 điểm trường và 12 nhà văn hóa bị tốc mái; 31 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng tại nơi neo đậu; 1.150 km kè, 1 nghìn km đê biển, 38,95 km bờ sông, bờ biển tiếp tục bị sạt lở; trong đó chưa tính đến những thiệt hại về sản xuất kinh tế, môi trường...

Có thể nói, những diễn biến bất thường của thời tiết trong năm 2020 cùng những hậu quả kinh hoàng do thiên tai để lại chính là hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ và chân thực về một thực tại không thể chối cãi rằng, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thảm họa thiên tai cùng những tác động thảm khốc hơn nữa do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra trong tương lai. Điều này cũng đã được Ngân hàng Thế giới (Worldbank) cảnh báo từ rất lâu trong một nghiên cứu tác động của BĐKH đối với các nước đang phát triển vào năm 2007, trong đó nhận định Việt Nam là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất của BĐKH. Căn cứ vào kịch bản nước biển dâng - một trong những yếu tố cơ bản của BĐKH, khi mực nước biển dâng cao thêm 1m sẽ có 10,8 triệu dân ở Đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng chịu ảnh hưởng, khoảng 10,21% GDP, 7,14% diện tích đất nông nghiệp, 28,67% diện tích đất ngập nước và 10,74% diện tích đất đô thị sẽ bị ảnh hưởng; chưa kể những thay đổi bất thường về khí hậu, thiên tai do nước biển dâng gây ra không thể dự đoán trước.

Trong một báo cáo gần đây của Worldbank về “Tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển Việt Nam”, ước tính 12 triệu người ở các tỉnh ven biển đang phải chịu ảnh hưởng từ nguy cơ của các trận bão lũ nặng nề và hơn 35% nhà ở hiện đang nằm ở các khu vực ven biển bị xói mòn. Trung bình mỗi năm có tới 852 triệu USD - tương đương 0,5% GDP - và 316.000 việc làm trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt bị ảnh hưởng do nguy cơ lũ lụt ven sông và ven biển.

Việt Nam cần sẵn sàng kịch bản ứng phó trước mắt và lâu dài

Các biện pháp hiện nay đang được Chính phủ Việt Nam thực hiện được các chuyên gia thế giới đánh giá là khá ấn tượng và đưa Việt Nam trở thành nước dẫn đầu trong khu vực về quản lý rủi ro thiên tai. Tuy nhiên, các biện pháp vẫn chưa đầy đủ để đối phó với tình hình thực tế hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh bão lũ hoành hành ở miền Trung Việt Nam những năm gần đây đã thể hiện một xu hướng đáng lo ngại là rủi ro thiên nhiên đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, gây thiệt hại nặng nề hơn do tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu. Trước mắt, Việt Nam cần nhanh chóng xử lý, khắc phục hậu quả khi thiên tai xảy ra để củng cố và gia tăng sức chịu đựng cho các địa phương bị thiệt hại. Cần nâng cao năng lực phòng ngừa thiên tai như dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát… đảm bảo thông tin cập nhật nhanh chóng với độ chính xác cao. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc phát triển kinh tế quá nhanh và khai thác, tác động mạnh mẽ vào thiên nhiên môi trường đã khiến gia tăng BĐKH, gây ra sự bất thường của thiên tai. Do đó cần triệt để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường bằng việc bảo tồn và phát triển rừng, tăng cường quản lý khai thác khoáng sản…

Về tầm nhìn dài hạn, dựa trên các nghiên cứu, đánh giá về tình hình thiên tai xảy ra trong nhiều năm trở lại đây cùng những biện pháp phòng, chống và khắc phục được Việt Nam sử dụng, các chuyên gia đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm ứng phó với những tác động tiêu cực có mức độ ngày càng gia tăng.

Thứ nhất, cần thiết lập và tăng cường hệ thống quản lý, sử dụng dữ liệu và công cụ ra quyết định thích hợp. Để quản lý rủi ro một cách hiệu quả, người đưa ra quyết định cần có thông tin đầy đủ và cập nhật, chính vì vậy, việc cải thiện dữ liệu và hệ thống thông tin, các yếu tố sẽ cho phép đưa ra các quyết định dựa trên thông tin về rủi ro. Do đó, Việt Nam cần đảm bảo các dữ liệu về thiên tai và công cụ phân tích đầy đủ, chuẩn mạnh và luôn sẵn sàng; đồng thời thiết lập hệ thống quản lý các công trình cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai tự nhiên và nhân tạo.

Thứ hai, thực thi triệt để công tác quy hoạch ven biển dựa trên thông tin về rủi ro. Khu vực ven biển Việt Nam là nơi tập trung nhiều ngành kinh tế trọng điểm nhưng cũng là nơi thường xuyên phải gánh chịu sự tác động của thiên tai. Việc phát triển kinh tế và gia tăng đô thị hóa ở các khu vực này có thể đem lại nhiều hiệu quả và lợi ích hấp dẫn nhưng về lâu dài sẽ kéo theo gánh nặng chi phí trong việc duy trì mức độ an toàn do đây là những khu vực có nguy cơ thiệt hại cao. Vì thế, cần có chiến lược quy hoạch phân vùng, khuyến khích phát triển ở những khu vực an toàn và hạn chế tác động đến tự nhiên, hướng đến phát triển bền vững, lâu dài.

Thứ ba, tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công. Hệ thống cơ sở hạ tầng dân sinh giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sinh kế và phát triển của người dân, cần tích hợp các phân tích rủi ro ngay trong giai đoạn lập kế hoạch, thiết kế và bảo trì cho tất cả các công trình hạ tầng quan trọng.

Thứ tư, tận dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên. Hệ thống rừng phòng hộ từ xa xưa đã cho thấy
khả năng ngăn ngừa thiên tai hiệu quả, tuy nhiên do sự khai thác tận diệt rừng, khai thác khoáng sản cạn kiệt là nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng sạt lở, sói mòn, lũ lụt, xâm ngập mặn, làm mất khả năng phòng hộ các khu vực duyên hải, miền núi... Việt Nam cần cân nhắc giữa việc lựa chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để phát triển kinh tế và quản lý bền vững hệ thống sinh thái tự nhiên, để đồng thời vừa cung cấp giá trị kinh tế hữu hình, vừa tăng cường khả năng phòng hộ và giảm thiểu thiên tai.

Thứ năm, nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó và phục hồi. Theo Worldbank, những thảm họa thiên tai như lũ lụt, sạt lở sẽ có thể xảy ra thường xuyên hơn với mức độ ngày càng tăng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng cho các loại hình thiên tai dữ dội hơn, mưa bão và lũ lụt nghiêm trọng hơn nhằm đối phó khẩn cấp và phục hồi sau thiên tai một cách hiệu quả. Để thực hiện khuyến nghị này, các hành động cụ thể được nhấn mạnh gồm có: Cải thiện hệ thống cảnh báo sớm và tăng cường truyền thông; Tăng cường năng lực lập kế hoạch khẩn cấp và bảo vệ dân sự; Xây dựng chiến lược tài chính phòng chống thiên tai.

Mùa mưa bão năm 2020 đã khép lại khi cánh cửa năm mới mở ra nhưng những dư chấn để lại sẽ còn được nhắc lại nhiều về sau và hiểm họa của mùa mưa bão những năm tiếp theo sẽ còn tiếp tục đón chờ. Điều cần thiết lúc này không chỉ là Việt Nam sẽ phải làm gì mà phải thực hiện thật nhanh chóng, thật mạnh mẽ các đối sách và hành động để bảo vệ các thành quả kinh tế - xã hội trong hiện tại, tránh những thiệt hại thảm khốc về người và của do thiên tai gây ra, vì mục tiêu phát triển bền vững toàn diện trong tương lai./.

 
Thu Hiền
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top