Kết quả 10 năm thực hiện Đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020"

25/05/2020 - 03:08 PM
Thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, mặc dù nông nghiệp, nông thôn và sản xuất lương thực, thực phẩm Việt Nam được đánh giá là phát triển hơn, hệ thống lưu thông lương thực đã có nhiều đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân tiếp cận lương thực, tình trạng suy dinh dưỡng của người dân được cải thiện song bên cạnh đó vấn đề an ninh lương thực nước ta vẫn còn hạn chế như: Sản xuất lương thực, thực phẩm chưa thực sự bền vững; phương thức sản xuất nông nghiệp chậm được đổi mới; cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ phục vụ sản xuất yếu kém; thu nhập của người sản xuất còn thấp. Xác định rõ Việt Nam là quốc gia có vị trí địa lý nằm trong khu vực thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh xuyên biên giới, chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phát triển sản xuất nông nghiệp còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, ngày 05/8/2009, Bộ Chính trị đã ra Kết luận số 53-KL/TW về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” nhằm giải quyết bài toán an ninh lương thực trong tình hình mới.
 
Trong suốt 10 năm thực hiện Đề án, Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều thách thức: Tiêu thụ nông sản phải cạnh tranh gay gắt bởi nhiều quốc gia cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu và chịu tác động từ chiến tranh thương mại, thị trường xuất khẩu nông, lâm thủy sản, nhất là lương thực thực phẩm không ổn định; Sản xuất nông nghiệp trong nước còn khá nhỏ, phân tán, chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế; Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; Biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai… Tuy nhiên, khắc phục mọi khó khăn đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong vấn đđảm bảo an ninh lương thực quốc gia (ANLT) quốc gia.
 
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW của Bộ Chính trị được tổ chức vào tháng 3/2020, 12/12 chỉ tiêu của Đề án đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó đáng chú ý là diện tích đất lúa cả nước năm 2018 đạt trên 4,159 triệu ha (vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết là 3,76 triệu ha); sản lượng lúa năm 2019 đạt 43,4 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 41-43 triệu tấn); xuất khẩu gạo năm 2019 đạt 6,34 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 4 triệu tấn).
 
Bảng 1: Tình hình thực hiện các mục tiêu của Đề án
Kết quả 10 năm thực hiện Đề án
                                                                           Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Ngành nông nghiệp nói chung và vấn
đđảm bảo ANLT quốc gia nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao 2,61%/năm, 
chất lượng tăng trưởng được cải thiện; giá trị và sản lượng nhiều nông sản tăng mạnh, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm được ưu tiên. Việt Nam liên tục mở rộng sản xuất lúa gạo, song song với đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Giai đoạn 2008-2018, tính riêng sản lượng lúa nước ta tăng từ 38,7 triệu tấn lên 44 triệu tấn; bình quân lương thực đầu người ở mức cao tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm (đứng thứ 6 trên thế giới). Sản lượng rau quả tăng trưởng nhanh 80,5%, từ 9,75 triệu tấn lên 17,6 triệu tấn; sản lượng trái cây tăng từ 6 triệu tấn lên 12,6 triệu tấn. Kết quả trên đã giúp xuất khẩu hàng nông sản tăng trưởng nhanh với 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 5-7 triệu tấn gạo, đưa Việt Nam trở thành quốc gia bền vững ANLT hơn phần lớn các quốc gia đang phát triển ở châu Á, đồng thời tăng cường vai trò của Việt Nam trong hỗ trợ ANLT cho các quốc gia trên thế giới.
 
Ngoài ra, thời gian qua Việt Nam đã tập trung phát triển sản xuất lương thực thực phẩm hàng hóa theo hướng tập trung, quy mô lớn, xác định lợi thế cây trồng, vật nuôi của từng vùng, địa phương phát triển sản xuất lúa gạo, rau, hoa màu, trái cây, cây công nghiệp, chăn nuôi góp phần đa dạng lương thực thực phẩm. Nhờ đó tình trạng thiếu dinh dưỡng được cải thiện đáng kể, giảm từ 18,2% trong giai đoạn 2004-2006 xuống 10,8% hiện nay.
 
Không những giữ được sản lượng lương thực ổn định, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã giúp tăng mạnh sản lượng các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản và các sản phẩm thực phẩm khác. Ngoài mặt hàng gạo, nhiều sản phẩm nông sản chủ lực khác đồng thời đảm bảo được nhu cầu trong nước và khẳng định được vị thế, khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Điều này được thể hiện rõ ở cơ cấu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu, tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như thủy sản (nhất là tôm nước lợ), rau, hoa, quả, các loại cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm đặc sản; giảm các ngành hàng, sản phẩm đang có xu hướng tăng cung; tăng tỷ trọng hàng chất lượng cao trong tổng sản lượng sản xuất và lượng hàng nông sản xuất khẩu.
 
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng của nền kinh tế nói chung và thị trường lương thực nói riêng (đường giao thông, sân bay, bến cảng) được mở rộng và hiện đại hóa; hệ thống thông tin ngày càng phát triển; hệ thống kho, bến bãi, cửa hàng kinh doanh, chợ, siêu thị... được xây dựng trên cả nước. Nhờ đó, kênh phân phối lương thực không ngừng được mở rộng và hoàn thiện.
 
Kết quả 10 năm thực hiện Đề án

Có thể nói sự phát triển mạnh mẽ của ngành nông nghiệp trong những năm qua cũng đã giúp thu nhập bình quân trên đầu người của Việt Nam liên tục tăng, cải thiện khả năng tiếp cận lương thực. Giai đoạn 2008-2018, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 3,87 lần, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần.
 
Ngoài ra, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo đã có tiến bộ đáng kể, thông qua thực hiện các mô hình giảm nghèo đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế và giảm nghèo. Nhờ đó, đa số người dân có cơ hội tiếp cận nguồn lương thực và tỷ lệ đói nghèo, suy dinh dưỡng giảm nhanh. Đến nay có thể khẳng định nước ta đã chấm dứt được tình trạng thiếu lương thực; các nhóm có nguy cơ thiếu lương thực đã cơ bản được đảm bảo an ninh lương thực ở mức độ cao.
 
Tuy đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ song việc thực hiện Đề án cũng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:
 
Thứ nhất, trong xây dựng quy hoạch và phát triển sản xuất đảm bảo ANLT quốc gia, nhiều vùng quy hoạch sản xuất lương thực thực phẩm bị phá vỡ do việc quy hoạch sử dụng đất tại một số địa phương thời gian qua còn chưa ổn định, nhiều nơi chuyển đổi đất trồng lúa ưu tiên cho mục đích phi nông nghiệp. Bên cạnh đó là tình trạng sản xuất không theo quy hoạch, gây ra sự quá tải về hạ tầng, dư thừa nguồn cung sản phẩm dẫn đến tình trạng “được mùa- mất giá”. Mặc khác, việc quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch sản xuất lương thực thực phẩm còn nhiều khó khăn bởi thiếu chế tài trong xử lý các vi phạm quy hoạch và sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu, thị trường và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất vẫn còn chậm cũng đang là “nút thắt” lớn về đất đai cho sản xuất lương thực thực phẩm hàng hóa, quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.
 
Thứ hai, phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều bất cập so với yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và cạnh tranh quốc tế, cũng như phòng chống thiên tai, nhất là khu vực miền núi. Tái cơ cấu đầu tư công theo hướng thủy lợi phục vụ đa mục tiêu chưa được đẩy mạnh, cơ sở hạ tầng thủy lợi, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp, dẫn tới năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai còn nhiều bất cập. Thêm vào đó, hạ tầng logistics chưa đồng bộ, quy mô doanh nghiệp dịch vụ logistics nhỏ, sức cạnh tranh yếu, sự phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp và các khâu trong chuỗi hoạt động dịch vụ logistics chưa đáp ứng yêu cầu. Công nghiệp chế biến còn kém phát triển, nhất là ở khâu bảo quản và chế biến sâu, công nghiệp phụ trợ. Ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, chưa tạo được “đột phá” để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh.
 
Thứ ba, về đào tạo nguồn nhân lực. Chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa cao, thiếu kỹ năng nghề, thiếu kiến thức về quản lý kinh doanh, thiếu tính linh hoạt, nhạy bén theo yêu cầu của cơ chế thị trường, do đó chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hóa lớn và hội nhập quốc tế.
 
Thứ tư, các chính sách đối với nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo còn nhiều bất cập. Ví dụ chính sách bảo hiểm nông nghiệp còn hạn chế (chỉ dừng lại ở cây lúa, trâu, bò, lợn, gà, vịt, tôm/cá; thực hiện trên địa bàn 20 tỉnh và phần lớn là hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia) trong khi người dân sản xuất kinh doanh lương thực, thực phẩm là đối tượng dễ bị tổn thương, nhất là do thiên tai, dịch bệnh.
 
Mặt khác, sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển. Trên thực tế, trình độ khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp còn thấp, ứng dụng khoa học công nghệ và các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, quốc tế còn hạn chế, chỉ có gần 5% doanh nghiệp trong lĩnh vực này được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương. Số doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị còn ít do nguồn lực tài chính hạn chế, chưa có phương án sản xuất ứng dụng công nghệ cao hiệu quả trong khi rào cản về kỹ thuật, yêu cầu về chất lượng của thị trường quốc tế ngày càng khắt khe.
 
Thứ năm, việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa lớn, tập trung. Kinh tế hộ hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số hộ ở nông thôn và có quy mô sản xuất hộ nhỏ lẻ (trung bình chỉ đạt 0,18 ha/thửa và 2,5 thửa đất/hộ). Đây đang là lực cản cho quá trình tập trung đất đai hình thành vùng nguyên liệu cho sản xuất lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao và cơ giới hóa, ảnh hưởng đến khả năng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Mặc dù các hợp tác xã nông nghiệp đã chuyển đổi, thành lập mới theo Luật Hợp tác xã song tăng chậm về số lượng, hiệu quả hoạt động còn thấp. Số doanh nghiệp nông nghiệp còn ít (chiếm dưới 1% so với tổng số doanh nghiệp cả nước), quy mô nhỏ, năng lực tài chính thấp với trên 90% là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, hiệu quả hoạt động chưa cao. Quan trọng hơn là chưa hình thành được sự liên kết sản xuất giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp.
 
Dự báo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhu cầu thực phẩm trên toàn cầu sẽ tăng lên do tăng dân số, tăng thu nhập bình quân đầu người và thay đổi chế đăn uống. Còn tại Việt Nam, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam đạt khoảng 104 triệu người vào năm 2030. Việc tăng lên về quy mô dân số sẽ dẫn tới nhu cầu lương thực thực phẩm tăng, tuy nhiên khi đó nhu cầu tiêu thụ gạo bình quân đầu người dự báo có xu hướng giảm và nhu cầu các thực phẩm khác như thịt, cá, hoa quả có xu hướng tăng lên. Đối với nhu cầu lương thực cho xuất khẩu, thực hiện “Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030”, dự báo khối lượng gạo xuất khẩu sẽ giảm trong giai đoạn tới và sẽ tập trung vào xuất khẩu gạo chất lượng cao mang thương hiệu gạo Việt Nam. Đây cũng là những cơ sở đđặt mục tiêu cho vấn đề ANLT trong thời gian tiếp theo.
 
“Phải bảo đảm an ninh lương thực một cách vững chắc trong mọi tình huống" là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt về ANLT của Đảng, Nhà nước. Trong đó nhấn mạnh: Không chạy theo thị trường, nêu cao tinh thần tự cường, chủ động đối với an ninh lương thực trong thời gian tới và chuyển nhận thức phát triển nông nghiệp từ vai trò an sinh, đăn, điểm tựa cho sự phát triển thành vai trò mới là một lợi thế đặc thù, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế, hội nhập./.
Quang Vinh

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top