Kết quả đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước giai đoạn 2010 - 2017

13/12/2019 - 01:08 PM
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng, bên cạnh việc phản ánh kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, phản ánh quy mô và tốc độ phát triển của nền kinh tế, GDP còn dùng để biên soạn các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác có liên quan, phản ánh chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế và tính toán các chỉ tiêu đòn bẩy như tỷ lệ huy động thuế vào ngân sách so với GDP, bội chi ngân sách so với GDP... Những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô này giúp Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đề ra các chính sách, giải pháp phát triển đất nước. Vì vậy, Tổng cục Thống kê có trách nhiệm phải rà soát, đánh giá lại theo phương pháp và thông lệ quốc tế nhằm phản ánh sát thực hơn quy mô GDP của nền kinh tế.
 
Đánh giá lại quy mô GDP là việc làm định kỳ, phù hợp thông lệ quốc tế
 
Đánh giá lại quy mô GDP là việc làm định kỳ, trong quá trình biên soạn chỉ tiêu GDP ở bất cứ quốc gia nào luôn có những vấn đề phát sinh cần phải rà soát, đánh giá lại cả trong ngắn hạn và dài hạn. Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc đưa ra ba vòng đánh giá lại số liệu GDP nhằm xử lý những bất cập nảy sinh trong quá trình biên soạn số liệu. Vòng 1 và vòng 2 là các đánh giá lại ngắn hạn, được các nước thực hiện thường xuyên trong quá trình biên soạn GDP, vòng 3 thực hiện điều chỉnh lớn, thường được triển khai khi có kết quả các cuộc tổng điều tra.
 
Đây là thời điểm phù hợp để đánh giá lại quy mô GDP vì Thống kê Việt Nam đang từng bước chuyển đổi từ Hệ thống tài khoản quốc gia 1993 (SNA1993) sang SNA 2008 theo khuyến nghị của cơ quan Thống kê Liên hợp quốc; cập nhật Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2018, Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam 2018. Đồng thời, Tổng cục Thống kê đã hoàn thành và công bố kết quả của hai cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 và năm 2016, Tổng điều tra kinh tế năm 2012 và năm 2017. Qua việc tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành, đến nay, Tổng cục Thống kê đã trực tiếp ký Quy chế phối hợp với nhiều Bộ, ngành, trong đó thực hiện chia sẻ thông tin với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó cập nhật đầy đủ và chi tiết hơn thông tin doanh nghiệp và các đơn vị sản xuất trên phạm vi cả nước. Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, việc đánh giá lại quy mô GDP vào thời điểm này theo đúng thông lệ quốc tế có ý nghĩa quan trọng, làm căn cứ đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm 2021-2025.
 
 Kết quả đánh giá lại quy mô GDP
 
Quy mô GDP tăng bình quân 25,4%/năm trong giai đoạn 2010-2017 sau khi đánh giá lại
 
Quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4%/năm giai đoạn 2010-2017, tương ứng tăng 935 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó năm 2011 có tỷ lệ tăng cao nhất với 27,3% và năm 2015 có tỷ lệ tăng thấp nhất là 23,8%[1]. Năm 2017, quy mô GDP sau khi đánh giá lại đạt 6.294 nghìn tỷ đồng (số đã công bố trước đây là 5.006 nghìn tỷ đồng).
 
Về khu vực kinh tế, giá trị tăng thêm theo giá hiện hành của cả 3 khu vực đều tăng sau khi đánh giá lại, trong đó quy mô khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ tăng khá lớn. Cụ thể:
 
- Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sau khi đánh giá lại trong giai đoạn 2010-2017 tăng thêm từ 25 nghìn tỷ đồng đến 46 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương ứng tăng từ 5,4%-6,2% so với số đã công bố. Năm 2017, giá trị tăng thêm đánh giá lại của khu vực này đạt 814 nghìn tỷ đồng (số đã công bố là 768 nghìn tỷ đồng).
 
- Giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp và xây dựng sau khi đánh giá lại trong giai đoạn 2010-2017 tăng thêm từ 211 nghìn tỷ đồng đến 555 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương ứng tăng từ 27,6%-36,6% so với số đã công bố. Năm 2017, giá trị tăng thêm đánh giá lại của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 2.227 nghìn tỷ đồng (số đã công bố là 1.672 nghìn tỷ đồng).
 
- Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ sau khi đánh giá lại giai đoạn 2010-2017 tăng thêm từ 316 nghìn tỷ đồng đến 615 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương ứng tăng từ 29,8%-39,6% so với số đã công bố. Năm 2017, giá trị tăng thêm đánh giá lại của khu vực dịch vụ đạt 2.680 nghìn tỷ đồng (số đã công bố là 2.065 nghìn tỷ đồng).
 
 Cơ cấu GDP thay đổi, phản ánh rõ hơn xu hướng chuyển dịch của nền kinh tế
 
Bình quân mỗi năm giai đoạn 2010-2017, so với số đã công bố, cơ cấu giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP giảm 2,7 điểm phần trăm từ 17,4% xuống còn 14,7%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,8 điểm phần trăm từ 33,0% lên 34,8%; khu vực dịch vụ tăng 2 điểm phần trăm, từ 39,2% lên 41,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng về quy mô so với số đã công bố nhưng cơ cấu trong GDP giảm từ 10,4% xuống 9,3% bình quân cả giai đoạn.
 
Theo số liệu GDP đánh giá lại giai đoạn 2010-2017, cơ cấu giá trị tăng thêm của khu vực I giảm khá nhanh, từ 15,38% năm 2010 xuống 12,93% năm 2017 (giảm 2,45 điểm phần trăm); khu vực II và khu vực III đều có cơ cấu giá trị tăng thêm của năm 2017 tăng so với năm 2010, trong đó khu vực II tăng từ 33,02% lên 35,39% (tăng 2,37 điểm phần trăm) và khu vực III tăng từ 40,63% lên 42,58% (tăng 1,95 điểm phần trăm).
 
 GDP bình quân đầu người có sự thay đổi tích cực
 
GDP bình quân đầu người đánh giá lại giai đoạn 2010-2017 tăng bình quân khoảng 25,6% mỗi năm so với số đã công bố, tương ứng với tăng 10,3 triệu đồng/người; ứng với 485,2 USD/người theo tỷ gá hối đoái và ứng với  1.421,1 USD-PPP/người theo sức mua tương đương.
 
Tính theo đồng nội tệ, trong giai đoạn 2010-2017, theo dãy số đánh giá lại GDP bình quân đầu người mỗi năm tăng bình quân khoảng 5 triệu đồng/người. Năm 2017, GDP bình quân đầu người đánh giá lại đạt 66,8 triệu đồng/người, gấp 2,1 lần năm 2010 và tăng 13,7 triệu đồng/người so với số đã công bố.
 
Tính theo đôla Mỹ, trong giai đoạn 2010-2017, GDP bình quân đầu người đánh giá lại mỗi năm tăng bình quân 185 USD/người. Năm 2017, GDP bình quân đầu người đánh giá lại đạt 2.985 USD/người, gấp 1,8 lần năm 2010 và tăng 611 USD/người so với số đã công bố.
 
Tính theo sức mua tương đương, trong giai đoạn 2010-2017, GDP bình quân đầu người đánh giá lại mỗi năm tăng bình quân 399 USD-PPP/người. Năm 2017, GDP bình quân đầu người đánh giá lại đạt 8.655 USD-PPP/người, gấp 1,5 lần năm 2010 và tăng 1.771 USD-PPP/người so với số đã công bố.
 
 Tốc độ tăng GDP hàng năm không có biến động lớn so với số đã công bố
 
Tốc độ tăng GDP hàng năm trong giai đoạn 2011-2017 tăng nhẹ, phù hợp với xu hướng tăng trưởng công bố hàng năm, mỗi năm tăng từ 0,13-0,48 điểm phần trăm, trong đó năm 2016 tăng cao nhất với 0,48 điểm phần trăm. Tốc độ tăng GDP các năm giai đoạn 2011-2017 lần lượt là: 6,41%; 5,50%; 5,55%; 6,42%; 6,99%; 6,69%; 6,94%.
 
Cập nhật quy mô và cơ cấu kinh tế trên cơ sở xem xét, tính toán lại cơ cấu kinh tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đến tốc độ tăng trưởng GDP tăng nhẹ. Tốc độ tăng trưởng GDP đánh giá lại phù hợp với xu hướng tăng đã được phản ánh từ kết quả điều tra mẫu hàng năm. Như vậy, tốc độ tăng trưởng GDP đánh giá lại của thời kỳ 2010-2017 có thay đổi nhưng không biến động lớn so với số đã công bố.
 
 Sự thay đổi của các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có liên quan
 
Quy mô GDP thay đổi dẫn tới các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp khác cũng thay đổi, cụ thể: Tích lũy tài sản bình quân mỗi năm tăng 28,98%; Tiêu dùng cuối cùng thay đổi đáng kể ở tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư, bình quân tăng 26,37%/năm; Tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân mỗi năm tăng 26,6%; GDP bình quân đầu người bình quân tăng thêm 10,3 triệu đồng/người/năm, tương ứng 25,6%/năm; Tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP bình quân mỗi năm khoảng 33,3%/năm (tăng thêm 0,7 điểm phần trăm); Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) không có sự thay đổi lớn, giai đoạn 2011-2017 là 5,98 (giảm 0,27); giai đoạn 2016-2017 là 6,05 (giảm 0,22); Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP giảm bình quân mỗi năm khoảng 5,0%; Tỷ lệ thuế trừ trợ cấp sản phẩm so với GDP giảm bình quân mỗi năm khoảng 1,1%; Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước so với GDP bình quân 23,2%/năm (số đã công bố là 29,1%/năm); Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP giảm bình quân 1,2%/năm; Tỷ lệ dư nợ công so với GDP bình quân giai đoạn 2010-2017 giảm khoảng 11,6%/năm; Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân giai đoạn 2015-2017 đóng góp 46,4% trong GDP, giảm 0,13 điểm phần trăm so với ước tính trước đây.
 
Tác động của đánh giá lại quy mô GDP
 
Đánh giá lại quy mô GDP tác động đến định hướng chính sách vĩ mô của nền kinh tế trên các phương diện sau:
 
Thứ nhất, đánh giá lại quy mô GDP dẫn tới quy mô của nền kinh tế và GDP bình quân đầu người tăng, bức tranh kinh tế của đất nước được nhận dạng sát thực và rõ nét hơn, đặc biệt bức tranh tiêu dùng của nền kinh tế. Thực tế mô hình tiêu dùng của hộ dân cư đã thay đổi: Tỷ trọng tiêu dùng cho ăn uống giảm từ 39,93% năm 2010 xuống còn 33,25% năm 2019; tiêu dùng cho nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng từ 10,01% năm 2010 lên 18,37% năm 2019; tiêu dùng cho giao thông và phương tiện đi lại tăng tương ứng từ 8,23% lên 10,27%; tiêu dùng cho bưu chính viễn thông tăng từ 2,72% lên 3,25%; tiêu dùng cho giáo dục tăng từ 5,72% lên 6,03%; tiêu dùng cho văn hóa, giải trí và du lịch tăng từ 3,83% năm 2010 và 4,62% năm 2019, tầng lớp trung lưu trong xã hội nước ta tăng lên. Điều này gợi cho Chính phủ bên cạnh tập trung sản xuất hướng vào xuất khẩu, cần điều chỉnh chính sách đáp ứng nhu cầu trong nước để phục vụ cho tiêu dùng của gần 100 triệu dân với nhu cầu về nhà ở, phương tiện đi lại, sử dụng các loại dịch vụ có hàm lượng công nghệ và chất lượng cao ngày càng tăng.
 
Thứ hai,  đánh giá lại quy mô GDP phản ánh cơ cấu kinh tế của 3 khu vực thay đổi. Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản (Khu vực I) năm 2017 chiếm tỷ trọng 15,34% theo số liệu đã công bố giảm xuống 12,93% theo số liệu đánh giá lại (giảm 2,41 điểm phần trăm). Thay đổi cơ cấu của khu vực I cơ bản diễn ra trong ngành nông nghiệp giảm 1,7 điểm phần trăm, từ mức 11,19% của số liệu đã công bố xuống 9,49% của số liệu đánh giá lại. Cơ cấu kinh tế của khu vực Công nghiệp và xây dựng (Khu vực II) tăng 1,99 điểm phần trăm, từ 33,4% theo số liệu đã công bố lên 35,39% theo số liệu đánh giá lại. Trong khu vực II, thay đổi cơ cấu kinh tế cơ bản diễn ra với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (từ 15,33% tăng lên 22,63%). Cơ cấu kinh tế khu vực dịch vụ (Khu vực III) tăng 1,32 điểm phần trăm, từ 41,26% theo số liệu đã công bố lên 42,58% theo số liệu đánh giá lại. Trong khu vực III, thay đổi cơ cấu kinh tế tăng lên đáng kể đối với ngành vận tải, kho bãi (tăng 2,22 điểm phần trăm), ngành thông tin truyền thông (tăng 3,12 điểm phần trăm). Bức tranh cơ cấu kinh tế thay đổi tác động tới điều chỉnh chính sách tài khóa, đầu tư, tín dụng đối với mục tiêu phát triển của 3 khu vực kinh tế và các ngành kinh tế trong từng khu vực hướng tới mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu các nước có thu nhập trung bình cao.
 
Thứ ba, đánh giá lại quy mô GDP dẫn tới thay đổi các chỉ tiêu có liên quan tới GDP, đặc biệt các chỉ tiêu mang tính đòn bẩy của nền kinh tế như: Tỷ lệ thu, chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài so với GDP. Các chỉ tiêu này thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách tài khóa và tiền tệ. Sự thay đổi của các chỉ tiêu đòn bẩy cho thấy khả năng mở rộng hoặc thu hẹp dư địa thu ngân sách, điều chỉnh tỷ lệ thuế, chi tiêu và nợ công. Tuy nhiên, khả năng tác động là thấp vì trong thực tế thu ngân sách và thuế được quy định bởi các văn bản pháp luật. Các chỉ tiêu đòn bẩy giảm xuống đưa đến khả năng lựa chọn được thêm những dự án cần thiết có hiệu quả tốt mà trước đây loại bỏ vì nếu đầu tư sẽ làm cho nợ công vượt trần.
 
Thứ tư, khi các chỉ tiêu đòn bẩy của nền kinh tế giảm, các dự án trước đây không dám đầu tư vì nếu thực hiện đầu tư sẽ vượt trần nợ công thì đến nay có thể được đầu tư, cùng với tăng trưởng khá cao và ổn định của nền kinh tế sẽ kích thích dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài ồ ạt đổ vào nước ta dẫn đến nền kinh tế tăng trưởng nóng. Dòng vốn đổ vào nền kinh tế nhanh làm cho thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản nóng lên; bên cạnh đó với hiệu ứng của cải, người dân thấy họ giàu hơn sẽ tăng khả năng đi vay để chi tiêu, với vay tín dụng lãi suất không phần trăm (0%) để mua bất động sản, chính sách hạ lãi suất và nới lỏng cho vay của ngân hàng vì giá trị tài sản thế chấp tăng cao… Những điều này có thể dẫn tới tình trạng bong bóng bất động sản ngày càng phình to hơn, dễ dẫn đến đổ vỡ. Thêm nữa, khi dòng vốn đổ vào nền kinh tế, các nước đang phát triển thường vận dụng chính sách tiền tệ thuận chu kỳ để giữ ổn định tỷ giá dẫn tới biên độ dao động GDP của nền kinh tế trong trung và dài hạn nới rộng, nền kinh tế dễ rơi vào tình trạng thao túng tiền tệ.
 
Thứ năm, quy mô của nền kinh tế và GDP bình quân đầu người tăng, kinh tế vĩ mô cùng với hệ thống chính trị và an ninh ổn định, nước ta tham gia sâu rộng vào các hợp tác song phương và đa phương đã và đang nâng tầm vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Tuy vậy, quy mô nền kinh tế mở rộng và GDP bình quân đầu người tăng có thể làm tăng mức đóng góp của nước ta cho các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên, sự ưu đãi về kinh tế từ các tổ chức tài chính quốc tế không còn như những năm trước, chính sách cho Việt Nam vay cũng sẽ thay đổi như vay vốn ODA, vay ưu đãi sẽ ngặt nghèo hơn./.
 
Nguyễn Bích Lâm
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
 
[1] Quy mô GDP đánh giá lại so với số đã công bố các năm giai đoạn 2010-2017 tăng lần lượt là: 27,0%; 27,3%; 25,5%; 24,8%; 25,4%; 23,8%; 25,2%; 25,7%.

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top