Sản xuất công nghiệp Việt Nam năm 2022 - những kết quả khả quan

30/12/2022 - 08:02 AM

Sản xuất công nghiệp năm 2022 đang trên đà phục hồi và phát triển, tuy nhiên có xu hướng tăng chậm lại từ tháng 10/2022. Bên cạnh một số ngành vẫn duy trì tăng trưởng cao và ổn định, thì có một số ngành có xu hướng tăng trưởng chậm, thậm chí tăng trưởng âm do phải đối mặt với những khó khăn khi đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào cao, giá một số mặt hàng dịch vụ tăng, thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước cả năm 2022 tăng 7,8% so cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quyết định đến tăng trưởng toàn ngành công nghiệp.

Mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm 2022 đạt khá 

Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, ngay từ đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã chủ động, linh hoạt trong thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, thách thức, phục hồi và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, từ tháng 02/2022 đến tháng 9/2022, sản xuất công nghiệp đã lấy đà tăng trưởng với IIP toàn ngành công nghiệp tám tháng liên tục tăng cao[1]. Tuy nhiên, từ tháng 10/2022 sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng chậm lại, IIP toàn ngành công nghiệp ước quý IV/2022 chỉ tăng 3,0% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là quý có tốc độ tăng thấp nhất trong 4 quý của năm 2022[2] và trong các quý IV từ năm 2012 đến nay.

Ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ vững vai trò chủ đạo, đóng góp tới 75% vào tăng trưởng chung của ngành công nghiệp, với mức tăng IIP khá cao từ 9,7% đến trên 14% trong tám tháng[3]. Tuy nhiên, bước sang quý IV/2022, chỉ số IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 2,4%, là quý có tốc độ tăng thấp nhất trong 4 quý của năm 2022 và trong các quý IV giai đoạn 2012-2022.

Tốc độ tăng/giảm chỉ số sản xuất công nghiệp (%)
Kết quả hoạt động sản xuất công nghiệp Việt Nam năm 2022

Tuy tăng trưởng quý IV/2022 có dấu hiệu chậm lại nhưng ước cả năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp vẫn tăng trưởng khá với mức tăng 7,8%, cao hơn mức tăng 4,7% của cùng kỳ năm 2021 và 3,3% của năm 2020 nhưng thấp hơn mức tăng 9,1% của cùng kỳ năm 2019 (năm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện). Trong đó: Ngành khai khoáng tăng 5,5%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,0%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 7,0%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,4%. Chung lại, mức tăng chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp năm 2022 đạt 7,8%.

Một số ngành công nghiệp trọng điểm vẫn duy trì đà tăng trưởng cao và ổn định cả năm 2022

Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm luôn tăng trưởng ổn định từ đầu năm 2022, có xu hướng tăng cao ở quý III/2022 và tăng chậm lại ở quý IV/2022. Ước cả năm 2022, IIP ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành sản xuất đồ uống liên tục tăng cao từ tháng 2 đến hết năm, ước cả năm tăng 32,3%. Trong đó: Sản phẩm bia các loại tăng 35,3%. Nguyên nhân do bước sang năm 2022, ngành sản xuất đồ uống phục hồi và tăng trưởng mạnh do nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đặc biệt là trong quý IV/2022 để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết.

Bên cạnh đó, cũng có một số ngành nửa đầu năm tăng trưởng thấp, những tháng cuối năm đã tăng tốc, phục hồi mạnh mẽ. Cụ thể: Ngành sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế giảm ở ba tháng đầu năm 2022, đến quý II/2022 giá xăng, dầu dần ổn định nên sản lượng sản xuất liên tục tăng cao để đảm bảo cân đối cung, cầu xăng dầu của cả nước. Ước quý IV/2022, chỉ số IIP ngành sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế tăng 27,4%, ước cả năm 2022 tăng 9,2% so với cùng kỳ.

Ngành sản xuất xe có động cơ và ngành sản xuất phương tiện vận tải khác tăng thấp và giảm ở các giữa năm do ảnh hưởng bởi nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài hạn chế, giá nhập khẩu linh kiện tăng cao. Các tháng cuối năm có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng mạnh do những khó khăn trên đã cơ bản được giải quyết. Ước cả năm 2022, tăng lần lượt là 7,3% và 12,3%. Trong đó, sản phẩm ô tô các loại tăng 14,9%; sản phẩm xe máy các loại tăng 9,9% so với cùng kỳ.

Một số ngành công nghiệp trọng điểm trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng chậm lại và giảm ở các tháng cuối năm

Nhóm ngành dệt, sản xuất trang phục, da giày: Ngành dệt các tháng đầu năm đều tăng, từ tháng 6 đến cuối năm, mức sản xuất tăng/giảm không ổn định, ước cả năm tăng 3,4% so với cùng kỳ. Ngành sản xuất trang phục 9 tháng đầu năm đều tăng cao trên 11%, nhưng từ tháng 10/2022 có xu hướng tăng chậm lại và giảm, quý IV/2022 ước giảm 1,1%, ước cả năm 2022 tăng 14,8% so với cùng kỳ. Tương tự, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng cao ở các tháng đầu năm, nhưng ước quý IV/2022 chỉ tăng 5,4% làm tốc độ tăng cả năm 2022 đạt 15,6%. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng bởi nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may từ thị trưởng Trung Quốc bị chậm lại, xung đột Nga - Ukraine và việc thắt chặt chi tiêu do lạm phát ở Mỹ và Châu Âu khiến đơn hàng xuất khẩu của nhóm ngành trang phục, da giày gặp nhiều khó khăn.

Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, ngành chiếm tỷ trọng lớn trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các tháng đầu năm 2022 vẫn tăng so cùng kỳ, tuy nhiên từ tháng 9 cũng có xu hướng giảm và tăng chậm lại, ước quý IV/2022 chỉ tăng 3,0%, kéo theo tốc độ cả năm chỉ tăng 7,6%. Trong đó, sản phẩm điện thoại di động ước cả năm 2022 giảm 9,1% so cùng kỳ; sản phẩm linh kiện điện thoại tăng khả quan, ước cả năm 2022 tăng 15,1% so cùng kỳ.

Ngành sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic có mức tăng thấp và giảm liên tục từ các tháng đầu năm. Các tháng cuối năm, ngành này phải đối mặt với nhiều khó khăn như sức mua giảm, giá nguyên, nhiên liệu, dịch vụ logistics, chi phí lao động tăng, ước cả năm 2022 giảm 6,6% so với cùng kỳ (xu hướng giảm từ năm 2021 với mức giảm 4,2%, trong khi đó, năm 2020 tăng 8,4% và năm 2019 tăng 11,6%).

Ngành sản xuất kim loại có tốc độ tăng trưởng không ổn định, các tháng đầu năm sản xuất tăng so với cùng kỳ, xu hướng giảm bắt đầu từ tháng 6, ước quý IV giảm 8,3%, ước cả năm giảm 2,6%. Nguyên nhân do giá nguyên vật liệu như quặng sắt, thép phế, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc... vẫn duy trì ở mức cao. Bên cạnh đó, giá thép thành phẩm liên tục giảm do giá phôi thép trên thế giới đang trên đà đi xuống, nguồn cung thép khá dồi dào, áp lực hàng tồn kho lớn, nhu cầu thép trên thị trường suy yếu buộc các doanh nghiệp phải hạ giá sản phẩm nhằm kích cầu và giảm sản lượng sản xuất để đẩy hàng tồn kho.

Ngành sản xuất giường, tủ, bàn ghế các tháng đầu năm đều tăng so cùng kỳ, có xu hướng giảm từ tháng 9, ước quý IV giảm 12,2% và cả năm tăng 0,6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do lạm phát ở các nước Châu Âu và lan rộng sang các nước Châu Á, sản phẩm đồ gỗ không phải là sản phẩm thiết yếu nên việc chi tiêu cho nhóm sản phẩm này chững lại, ảnh hưởng không nhỏ tới đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải cắt giảm sản lượng sản xuất.

Kết quả hoạt động sản xuất công nghiệp Việt Nam năm 2022 1

Sản xuất công nghiệp năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn

Trong năm 2023, hoạt động sản xuất công nghiệp nước ta có thể chịu ảnh hưởng của các yếu tố từ bên ngoài như: Sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn; Diễn biến căng thẳng Nga - Ukraine cũng như xu hướng thắt chặt tài khóa, tiền tệ gia tăng trước bối cảnh lạm phát đạt mức kỷ lục tại nhiều nước; Giá nhiều mặt hàng thế giới tiếp tục xu hướng tăng gây nhiều áp lực lên giá đầu vào sản xuất tại Việt Nam. Các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn do cầu của thị trường nước ngoài có xu hướng giảm; nhà nhập khẩu chậm thanh toán; lượng tồn kho tăng cao; dòng tiền của doanh nghiệp cạn kiệt sau 2 năm dịch bệnh gây trở ngại cho việc duy trì sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp có nhu cầu vốn lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cuối năm cũng như mua nguyên liệu chuẩn bị cho sản xuất năm 2023 nhưng gặp khó khăn khi vay vốn từ các tổ chức tín dụng với chi phí lãi vay cao. Nếu những yếu tố trên chưa được cải thiện tích cực ngay thì sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, khả năng sản xuất công nghiệp quý I/2023 vẫn tiếp tục rất khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn quý IV/2022.

Để ngành công nghiệp trong năm 2023 vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm:

Đối với Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương

Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu, kích cầu tiêu thụ trong nước.

Tháo gỡ khó khăn về dòng tiền và giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua việc cắt giảm thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhanh chóng với lãi suất ưu đãi hơn, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, đào tạo lại và chuyển đổi lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp kịp thời và hiệu quả.

Đối với doanh nghiệp

Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt, tận dụng cơ hội sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đơn hàng mới, đồng thời có các phương án thích ứng với những biến động trong tương lai; Thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; Chú trọng hơn đến việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chế độ giữ chân người lao động, tái cấu trúc lao động để thích ứng và đón đầu các xu hướng mới của thị trường; Tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp sẵn sàng chuyển giao các kỹ thuật tiến tiến, tri thức mới, công nghệ hiện đại trên thế giới./.

Phí Thị Hương Nga
Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng - TCTK

 


[1] IIP tháng 2 tăng 9,2%, tháng 3 tăng 9,1%, tháng 4 tăng 10,7%, tháng 5 tăng 9,5%, tháng 6 tăng 9,1%, tháng 7 tăng 9,5%, tháng 8 tăng 13,3%, tháng 9 tăng 10,3%.

[2] IIP quý I tăng 6,8%, quý II tăng 9,8%, quý III tăng 10,9%.

[3] Tháng 2 tăng 9,7%; tháng 3 tăng 9,7%; tháng 4 tăng 11,7%; tháng 5 tăng 11%; tháng 6 tăng 9,9%; tháng 7 tăng 11,1%; tháng 8 tăng 14,1%; tháng 9 tăng 9,6%.


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top