Khám phá lễ hội Bà Chúa Xứ ở An Giang

30/05/2019 - 03:06 PM
Lễ hội Bà Chúa Xứ (hay còn gọi là lễ Vía Bà) đã được công nhận là Lễ hội cấp Quốc gia năm 2001. Nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa chùa cổ Tây An, miếu Bà Chúa Xứ, chùa Hang, lăng Thoại Ngọc Hầu… cách thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang chỉ khoảng 5 km. Miếu Bà Chúa Xứ, Núi Sam tọa lạc nơi chân núi Sam, trước thuộc xã Vĩnh Tế, nay thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đây là một di tích lịch sử, kiến trúc và tâm linh quan trọng của tỉnh và khu vực. Ngoài phần Lễ được tổ chức trang trọng theo lối cổ truyền, phần Hội cũng được tổ chức trọng thể hàng năm, thu hút đông đảo người dân và du khách tới thăm quan.
 
Khám phá lễ hội Bà Chúa Xứ ở An Giang

Ảnh minh họa, Nguồn Internet

Miếu Bà Chúa Xứ có từ khi nào, cho đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Tương truyền, lúc đầu, miếuđược xây dựng đơn sơ bằng tre, lá, nằm trên vùng đất trũng, lưng quay về vách núi, chánh điện nhìn ra cánh đồng bát ngát. Dưới Triều Minh Mạng, khi Thoại Ngọc Hầu giữ trọng trách trấn giữ biên giới Tây Nam, giặc ngoại xâm thường sang quấy nhiễu. Mỗi lần ông xuất quân, Chánh thất phu nhân Châu Thị Tế thường đến khấn vái, mong Bà phù hộ Thoại Ngọc Hầu đánh thắng giặc, bảo vệ cuộc sống yên lành cho dân. Về sau, để tạ ơn những điều ứng nghiệm, phu nhân Thoại Ngọc Hầu đã cho xây cất lại ngôi miếu to và khang trang hơn. Lễ khánh thành được tổ chức trong 3 ngày 24, 25, 26 tháng 4 Âm lịch. Từ đó về sau thành lệ, dân chúng lấy những ngày trên làm lễ Vía Bà.

Lễ hội Bà Chúa Xứ gồm các lễ chính: Lễ tắm Bà, Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà, Lễ Túc Yết, Lễ Xây chầu; cuối cùngLễ Chánh tế, sau đó bài vị của Thoại Ngọc Hầu được Hồi sắc về lăng. Trong đó, Lễ tắm Bà được tổ chức trang nghiêm vào đêm ngày 23 rạng sáng ngày 24 ngay tại Chính điện Lễ được quan tâm nhất mang nhiều màu sắc thần bí.

Mở đầu lễ, 2 ngọn nến to được đốt sáng lên trong Chánh điện. Ông lễ chánh bái nghi cùng với 2 vị bô lão được chỉ định niệm hương, dâng rượutrà. Bức màn vảiviền ren lộng lẫy kéo ngang bệ thờ, che khuất khu vực đặt tượng, 9 cô gái trẻ (được phân công trước) bắt đầu vén màn tắm cho tượng Bà. Lễ tắm Bà thường kéo dài khoảng một giờ, sau đó bức màn ngăn được kéo lên để cho khách chiêm bái, dâng hương, xin lộc. Phần Lễ tắm Bà kết thúc, nước tắm cho Bà còn lại sẽ đem hoà trong 2 thùng nước lớn để phân phát cho du khách trẩy hội.

Lễ Thỉnh sắc cử hành vào khoảng 15h ngày 24. Khi đó, một đoàn gồm các bô lão trong làng quần áo chỉnh tề, tiến từ miếu Bà sang lăng Thoại Ngọc Hầu để thỉnh sắc (thật ra, đây là lễ rước bài vị, vì sắc đã không còn). Dẫn đầu có đội múa lân, các học trò tay cầm cờ phướn đi hầu phía trước và sau chiếc kiệu sơn son Thiếp vàng gọi là long đình. Đến điện thờ, ông chánh bái làm lễ niệm hương, rồi thỉnh bài vị đưa lên kiệu trở về miếu Bà. Ba chiếc bài vị mang tên Thoại Ngọc Hầu và tên bà vợ chánh Châu Thị Tế, bà vợ thứ Trương Thị Miệt được đặt trên bàn thờ ở Chánh điện. Bài vị thứ tư mang tên Hội đồng, ghi công lao các quan quân đã theo Thoại Ngọc Hầu xưa kia, được đặt riêng ở bàn thờ phía trước.

Lễ Túc yết được tổ chức lúc 0 giờ đêm 25 rạng 26 tháng 4 Âm lịch, gồm có hai phần: Nghi thức cúng tế và phần Lễ xây chầu. Lễ vật dâng cúng chính là một con heo trắng, một mâm trái cây, trầu cau, gạo, muối. Sau ba hồi chiêng, trống, nhạc lễ nổi lên, lễ dâng hương, dâng trà bắt đầu. Nghi thức cúng tế kết thúc bằng động tác của ông Chánh tế đốt bản văn tế cùng giấy vàng bạc. Tiếp theo phần Xây chầu được tiến hành ở nhà võ ca. Sau phần cầu nguyện của ông Chánh bái, xin cho mưa thuận gió hoà, đất đai phì nhiêu, mùa màng bội thu, dân chúng khỏe mạnh, yên vui, các loài quỷ dữ bị tiêu diệt, lễ Xây chầu bắt đầu bằng ba hồi trống lệnh. Sau đó, chiêng trống rộ lên, chương trình hát Bội (hát Bộ, hát Tuồng) bắt đầu.

Thông thường vào khoảng 4 giờ sáng ngày 27 tháng 4, lễ Chánh tế được tiến hành (lễ nghi được tiến hành giống lễ Túc yết) và cuối cùng, chiều ngày 27 tháng 4, đoàn hành lễ sẽ rước bài vị Thoại Ngọc Hầu và nhị vị phu nhân từ miếu trở về lăng. Chương trình hát Bội cũng chấm dứt. Đây cũng là nghi thức cuối cùng kết thúc Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam hàng năm.

Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam thu hút rất đông khách thập phương đến hành hương, đi lễ và vui hội. Họ vừa được tham dự lễ hội dân gian phong phú, vừa để cầu tài cầu lộc. Theo tín ngưỡng của người dân, nơi đây còn có tục xin xăm Bà, vay tiền Bà, thỉnh bùa Bà... mang bản sắc dân tộc đậm nét và chứa đựng nhiều màu sắc địa phương Nam Bộ./.

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top