Kho bạc nhà nước Nam Định: Nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới xây dựng kho bạc số

04/08/2022 - 11:01 AM

Với quan điểm “lấy khách hàng là trung tâm phục vụ”, “lấy sự hài lòng của khách hàng làm thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ”, những năm qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Nam Định đã bám sát chỉ đạo của KBNN để đẩy nhanh việc thực hiện sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, tập trung hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ, đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến từng bước xây dựng kho bạc số.

Đồng chí Vũ Duy Minh – Giám đốc KBNN Nam Định
 

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Thời gian qua, KBNN Nam Định đã không ngừng rà soát, cải cách hành chính, bỏ bớt các thủ tục rườm rà, tránh gây phiền hà, sách nhiễu khách hàng. Theo đó, từ đầu năm 2020 đến nay, KBNN Nam Định đã rà soát triển khai một thủ tục hành chính mới, thay thế 10 thủ tục và bãi bỏ 3 thủ tục hành chính cũ, tạo chuyển biến mạnh mẽ về thời gian giải quyết thủ tục, tạo thuận lợi cho các đơn vị đến giao dịch. Trong công tác kiểm soát chi, KBNN Nam Định đã thực hiện thống nhất đầu mối kiểm soát chi, "một cửa, một Giao dịch viên" trong công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN), do đó, quy trình và thời gian giải quyết hồ sơ được thực hiện đúng, đủ theo hướng đơn giản, rút ngắn, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị đến giao dịch.

Bên cạnh đó, KBNN Nam Định đã triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cấp độ 4 tới 100% các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, khách hàng có thể thực hiện giao dịch qua cổng DVCTT các khoản thanh toán được phê duyệt bằng chữ ký số có tính bảo mật cao, đem lại sự an toàn trong khâu kiểm soát, thanh toán, góp phần hạn chế rủi ro, được các đơn vị sử dụng ngân sách tích cực hưởng ứng tham gia.

Với các cải cách đã thực hiện, KBNN Nam Định đã nhận được sự hưởng ứng, đồng tình từ phía các khách hàng giao dịch. Qua khảo sát và lấy ý kiến đóng góp bằng phiếu về mức độ hài lòng của khách hàng với các cải cách của đơn vị đã cho kết quả tỷ lệ khách hàng hài lòng đối với việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ và chất lượng phục vụ của KBNN Nam Định ở mức độ cao.

Thời gian tới, trên cơ sở Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN, KBNN Nam Định tiếp tục quán triệt đến tất cả cán bộ, công chức chấp hành nghiêm Quy trình nghiệp vụ đảm bảo thời gian thanh toán theo đúng quy định đối với từng khoản chi. Ngoài ra, KBNN Nam Định sẽ phối hợp kịp thời với các đơn vị sử dụng ngân sách trong việc thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử liên quan đến hoạt động nghiệp vụ KBNN; chấp hành nghiêm các quy định về việc đối chiếu, xác nhận số dư tài khoản của đơn vị với KBNN theo đúng quy định tại Thông tư 18/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn đăng ký và sử dụng tài khoản tại KBNN.

Tăng tốc chuyển đổi số

Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của KBNN, KBNN Nam Định có được một cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin đầy đủ và đồng bộ từ các máy chủ, máy trạm đến đường truyền kết nối ổn định. Nhờ vậy, KBNN Nam Định đã phát huy tối đa các ưu điểm của hệ thống công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ của đơn vị. Hiện nay, bên cạnh việc tiếp tục duy trì hoạt động của Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS), KBNN Nam Định đã triển khai ứng dụng các chương trình CNTT khác có kết nối với hệ thống TABMIS (hệ thống lõi) để vận hành, kết nối, khai thác, trao đổi thông tin, dữ liệu phục vụ cho quản lý thu, chi NS được khoa học, an toàn, chính xác như: Hệ thống quản lý thu NSNN theo mô hình tập trung (TCS), hệ thống thanh toán điện tử song phương, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống thanh toán điện tử liên kho bạc tích hợp vào TABMIS, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu cải cách tài chính - ngân sách.

Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, cán bộ kho bạc chủ yếu làm việc
trên môi trường mạng, ngày càng ít khách hàng đến giao dịch trực tiếp

 

Với mục tiêu toàn bộ các hoạt động quản lý, quản trị, cung cấp dịch vụ được thực hiện trên nền tảng CNTT hiện đại, có sự kết nối, liên thông, KBNN Nam Định tiếp tục  triển khai hệ thống Tổng kế toán nhà nước khi có chỉ đạo của KBNN; nâng cấp ứng dụng cảnh báo rủi ro trong kiểm soát chi NSNN; chương trình báo cáo nhanh số liệu thu, chi NSNN và huy động vốn hàng ngày; triển khai chương trình thông báo biến động số dư tài khoản, chương trình thông báo tiến trình xử lý hồ sơ cho các đơn vị sử dụng NSNN. Mặt khác, KBNN Nam Định đã tăng cường việc áp dụng công nghệ tin học vào công tác phối hợp thu giữa ngành Thuế, Hải quan, KBNN và ngân hàng thương mại; thực hiện quản lý theo phương pháp tiên tiến, khoa học, theo các chuẩn mực quốc tế, áp dụng công nghệ vào tất cả các khâu của quy trình thu NSNN để nâng cao hiệu quả của việc triển khai phối hợp thu trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Với mục tiêu của hệ thống KBNN là hướng đến kho bạc số vào năm 2030, thời gian tới, KBNN Nam Định sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện các cải cách mà KBNN đề ra, cũng như sẽ chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đào tạo đội ngũ công chức tinh thông về nghiệp vụ, am hiểu về công nghệ, có năng lực và có tư duy đổi mới sáng tạo để triển khai những cải cách mới trên con đường tiến tới kho bạc số với 3 không: “Không khách hàng giao dịch trực tiếp; Không chứng từ giấy; Không thu chi bằng tiền mặt”.

Hoàn thành tốt các nhiệm vụ
Hàng năm, bám sát dự toán thu NSNN trên địa bàn được UBND tỉnh giao, KBNN Nam Định đã chủ động phối hợp với các cơ quan thu trên địa bàn như Thuế, Hải quan, Tài chính, Trung tâm hành chính công để tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách, cung cấp thông tin số liệu thu ngân sách thường xuyên cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phục vụ cho công tác điều hành thu ngân sách sát thực tế.

KBNN Nam Định đã phối hợp các đơn vị giao dịch NSNN nhằm đồng bộ quá trình thu và hạch toán các khoản thu, xử lý kịp thời các vướng mắc, sai sót phát sinh trong khi thực hiện giao dịch với khách hàng. Mặt khác, KBNN Nam Định tiếp tục mở rộng phối hợp thu NSNN với các ngân hàng thương mại trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay hệ thống KBNN Nam Định đã mở 41 tài khoản thanh toán và tài khoản chuyên thu với 7 ngân hàng thương mại cổ phần phối hợp thu với tổng số 50 điểm thu NSNN trên địa bàn, đồng thời tăng cường các hình thức thu tiên tiến, hiện đại (qua chuyển khoản, ATM, POS, Internet banking…), từ đó hạn chế tối đa việc nộp ngân sách nhà nước bằng tiền mặt tại NHTM hoặc KBNN.

Trụ sở làm việc và nơi giao dịch với khách hàng ở
thành phố Nam Định của Kho bạc nhà nước Nam Định
 

Với sự nỗ lực của KBNN Nam Định cùng sự phối họp các cơ quan liên quan, kết quả thu NSNN hàng năm của Tỉnh đã đạt và vượt dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, riêng 5 tháng đầu năm 2022 (tính đến hết ngày 31/5/2022) tổng thu NSNN trên địa bàn là 3.835/6.600 tỷ đồng, đạt 58% dự toán và bằng 134% so với cùng kỳ. Trong đó số thu NSNN bằng chuyển khoản qua ngân hàng đạt 98,4%.

Song song với nhiệm vụ thu NSNN, KBNN tỉnh Nam Định luôn chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương và đúng quy trình kiểm soát chi NSNN. KBNN Nam Định đã triển khai thực hiện các văn bản kiểm soát chi NSNN đến cán bộ, công chức kho bạc và đơn vị sử dụng ngân sách; đồng thời quán triệt tới từng công chức trong đơn vị về tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, tuyệt đối không được sách nhiễu, gây phiền hà cho đơn vị giao dịch, chấp hành đúng quy định về thời gian xử lý hồ sơ, không được để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào tại KBNN mà không rõ lý do.

Các khoản chi thường xuyên NSNN được KBNN Nam Định kiểm soát chặt chẽ theo đúng Luật NSNN, các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính và văn bản hướng dẫn của KBNN, nhất là các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, đi công tác... trong năm 2021 đã ưu tiên kiểm soát, thanh toán nhanh, kịp thời các khoản chi đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định.

Để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư, KBNN Nam Định đã phối hợp, làm việc với cơ quan tài chính nhập đủ và kịp thời dự toán cho các dự án trên hệ thống Tabmis. Trong quá trình triển khai dự án, định kỳ hàng tháng, KBNN Nam Định tổng hợp báo cáo tình hình giải ngân chi tiết đến từng dự án, phản ánh những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ đó đề xuất, kiến nghị các Bộ, Ngành, địa phương có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách. Bên cạnh đó, KBNN Nam Định đã thường xuyên phối hợp, hướng dẫn các chủ đầu tư về hoàn thiện hồ sơ thanh toán đảm bảo đầy đủ theo quy định trước khi giải ngân. Ngoài ra, KBNN Nam Định vận dụng linh hoạt các hình thức kiểm soát chi bao gồm “Thanh toán trước, kiểm soát sau” hoặc “Kiểm soát trước, thanh toán sau” tạo điều kiện thuận lợi rút ngắn thời gian thanh toán. Tính đến hết tháng 5/2022, tổng số tiền giải ngân vốn đầu tư XDCB qua KBNN Nam Định là 1.375 tỷ đồng, đạt 26% so với kế hoạch bộ, cơ quan Trung ương/địa phương triển khai, đạt 34% so với kế hoạch vốn KBNN Nam Định thực nhận.

Nhờ thay đổi lớn trong các hoạt động, KBNN Nam Định luôn hoàn thành các nhiệm vụ chính được giao, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phục vụ tốt hơn yêu cầu của khách giao dịch, góp phần bảo tiến độ và phát huy hiệu quả các dự án trọng điểm, dự án cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Nam Định./.

Trịnh Long


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top