Khởi sắc tình hình lao động việc làm cả nước quý III và 9 tháng năm 2022

06/10/2022 - 04:33 PM
Với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, kinh tế - xã hội quý III năm 2022 của nước ta phục hồi ở hầu hết các lĩnh vực và đã đạt tốc độ tăng trưởng ngoạn mục 13,67%. Nhờ đó, thị trường lao động việc làm nước ta trong quý này có nhiều khởi sắc với một số kết quả nổi bật: Lực lượng lao động, số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III năm 2022 đều tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước; Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm...

Một số kết quả nổi bật:

Lực lượng lao động tăng mạnh so cùng kỳ năm trước

Trái ngược với thời điểm cùng kỳ năm 2021, bức tranh về thị trường lao động quý III năm 2022 đã có rất nhiều điểm sáng. Lực lượng lao động tăng nhanh và ổn định.  Cụ thể: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III năm 202251,9 triệu người, tăng 2,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước – thời điểm dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đối với thị trường lao động trong nước. Trong đó, ở khu vực thành thị tăng 1,3 triệu người và khu vực nông thôn tăng 1,5 triệu người.

Tính chung 9 tháng năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,6 triệu người, cao hơn 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 19,2 triệu người; lực lượng lao động nữ đạt 24,1 triệu người.

Lao động có việc làm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực

Trong quý III năm 2022, tình hình lao động việc làm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Thị trường lao động chứng kiến sự tăng trưởng về quy mô của lao động có việc làm ở cả sáu vùng kinh tế-xã hội. Ba vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong năm 2021 đã ghi nhận mức phục hồi mạnh.

Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,8 triệu người, tăng 255,2 nghìn người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Thị trường lao động đã phục hồi khá tốt với số người có việc làm trong quý này tăng mạnh và đạt quy mô cao hơn so với cùng kỳ năm 2019, thời kỳ trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Sự phục hồi của thị trường lao động diễn ra ở tất cả các vùng kinh tế xã hội, điều này có thể thấy qua sự tăng trở lại của lao động có việc làm trong độ tuổi lao động ở các vùng. Ba vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 trong quý III năm 2021 là Đông Nam Bộ; đồng bằng sông Cửu Long; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đã ghi nhận sự phục hồi mạnh trong quý III năm nay, đặc biệt là ở vùng Đông Nam Bộ (Trong quý III năm trước, ba vùng này có sự sụt giảm mạnh nhất về lao động có việc làm).

Tính chung 9 tháng năm 2022, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 50,5 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với 9 tháng năm 2021. Số lao động có việc làm ghi nhận tăng ở cả khu vực thành thị và nông thôn cũng như ở nam giới và nữ giới. Tuy nhiên, sự tăng lên này chủ yếu ở khu vực thành thị (18,7 triệu người, tăng 1,1 triệu người) và ở nam giới (26,8 triệu người, tăng 806,9 nghìn người).

Trong quý III năm 2022, số người có việc làm chính thức đạt 17,8 triệu người, tăng 642,8 nghìn người (tương ứng tăng 3,8%) so với quý trước, tăng 2,7 triệu người (tương ứng tăng 19,4%) so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2019. Tốc độ tăng của lao động chính thức cao hơn so với tốc độ tăng của lao động phi chính thức phi nông nghiệp. Sự phục hồi của lao động chính thức là tín hiệu đáng mừng đối thị trường lao động.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức phi nông nghiệp quý III năm 2022 là 54,1%, giảm 1,5 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ phi chính thức giảm mạnh ở khu vực thành thị, giảm 2,1 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 61,4%, giảm 0,9 điểm phần trăm so với với quý trước và giảm 0,4 điểm phần trăm so cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng năm 2022, Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước là 55,3%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: ở khu vực thành thị là 47,0%, giảm 0,8 điểm phần trăm; ở khu vực nông thôn là 62,2%, giảm gần 1,5 điểm phần trăm.

Kết quả này cho thấy, thị trường lao động có nhiều chuyển biến tích cực và mang tính bền vững với mức tăng trưởng khá ở quy mô lao động có việc làm chính thức, tỷ lệ lao động phi chính thức phi nông nghiệp giảm.

Tình trạng thiếu việc làm đã giảm đi so quý trước và cùng kỳ năm trước               

Tuy chưa trở về bằng thời điểm cùng kỳ trước khi dịch Covid-19 xuất hiện nhưng tình trạng thiếu việc làm tiếp tục được cải thiện, thể hiện qua số liệu số người thiếu việc làm đã giảm đi so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Cụ thể, số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III năm 2022 là khoảng 871,6 nghìn người, giảm 10,1 nghìn người so với quý trước và đặc biệt giảm 993,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý này là 1,92%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,54 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 1,48% và 2,20%). Mặc dù, tỷ lệ thiếu việc làm quý III năm nay vẫn còn cao hơn đôi chút so với cùng kỳ năm 2019 (1,92% so với 1,32%) nhưng so với năm trước, tỷ lệ này đã được cải thiện rất nhiều. Thị trường lao động đã phục hồi và đang trở lại trạng thái ổn định và phát triển như trước khi chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Trong quý III năm 2022, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi cao nhất thuộc về vùng đồng bằng sông Cửu Long với 3,63% và thấp nhất thuộc về vùng Đồng bằng sông Hồng với 0,49%. So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này đều giảm ở cả 6 vùng kinh tế-xã hội, giảm nhiều nhất thuộc về vùng Đông Nam Bộ với 6,39 điểm phần trăm và giảm ít nhất thuộc về Trung du và miền núi phía Bắc với 0,08 điểm phần trăm.

Tính chung, 9 tháng năm 2022, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,29%, giảm 0,77 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; và tỷ lệ này ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 1,75% và 2,63%).

Thu nhập của người lao động 9 tháng năm 2022 tăng mạnh so cùng kỳ 2021

Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III năm 2022 là 6,7 triệu đồng,  tăng 143 nghìn đồng so với quý trước và tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó của lao động nam là 7,7 triệu đồng, tăng 182 nghìn đồng so với quý trước và tăng 1,7 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước; của lao động nữ là 5,7 triệu đồng, tăng 88 nghìn đồng so với quý trước và tăng 1,4 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Lao động khu vực thành thị có thu nhập bình quân tháng là 8,2 triệu đồng, tăng 166 nghìn đồng so với quý trước và tăng 2,1 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước; lao động khu vực nông thôn có thu nhập bình quân tháng là 5,9 triệu đồng, tăng 125 nghìn đồng so với quý trước và tăng 1,2 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2022 là 6,6 triệu đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021, tăng 12,4%, tương ứng tăng 727 nghìn đồng; so với cùng kỳ năm 2019, khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2022 tăng 11,8%. Trong 9 tháng năm 2022, lao động nam có thu nhập bình quân là 7,5 triệu đồng, cao hơn 1,36 lần mức thu nhập bình quân của lao động nữ (5,5 triệu đồng). Lao động làm việc tại khu vực thành thị có mức thu nhập bình quân cao hơn 1,40 lần mức thu nhập bình quân của lao động làm việc tại khu vực nông thôn (8,0 triệu đồng so với 5,7 triệu đồng).

So với các vùng khác, thu nhập bình quân người lao động vùng Đông Nam Bộ được cải thiện nhiều nhất. Trong quý III năm 2022, thu nhập bình quân của lao động vùng này là 8,6 triệu đồng, tăng gần 3 triệu đồng (tăng 53,0%) so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức thu nhập của cùng kỳ năm 2019 là 640 nghìn đồng (cao hơn 8,0%). Trong đó, lao động làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh có mức tăng thu nhập bình quân cao nhất, tăng từ 5,7 triệu đồng lên 9,2 triệu đồng (tăng 60,3%) theo cùng kỳ từ năm trước đến năm nay; lao động làm việc tại Bình Dương có mức thu nhập là 8,9 triệu đồng, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Thu nhập bình quân của lao động làm việc ở cả ba khu vực kinh tế trong quý III năm nay đều tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm 2021. Lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng thu nhập cao nhất. So với cùng kỳ năm 2021, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,7 triệu đồng, tăng 31,9%; lao động làm việc trong ngành dịch vụ có thu nhập bình quân khoảng 8,0 triệu đồng, tăng 29,4%. Lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân là 3,9 triệu đồng, tăng 16,6%.

Chung lại, 9 tháng năm 2022 nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ ở tất cả các ngành kinh tế, đời sống của người lao động được đảm bảo hơn. Thu nhập bình quân của người lao động tăng khá ở cả ba khu vực kinh tế. Trong đó, thu nhập của người lao động tăng mạnh nhất ở khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 13,7% so với 9 tháng năm 2021, tiếp đến lao động làm việc trong khu vực dịch vụ tăng 11,5%. Lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng thu nhập bình quân thấp nhất, tăng 7,6%.

Tình hình thất nghiệp của người lao động duy trì xu hướng giảm

Tình hình thất nghiệp của người lao động vẫn tiếp tục duy trì xu hướng giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2022 là gần 1,06 triệu người, giảm 13,9 nghìn người so với quý trước và đặc biệt giảm 658,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2022 là 2,28%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,70 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2022 là gần 1,08 triệu người, giảm 251 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2022 là 2,35%, giảm 0,64 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo nhanh từ các địa phương cho biết, thực tế có nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ. Tính chung trên phạm vi cả nước, trong quý III năm 2022, số lao động doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhưng không tuyển dụng được hoặc tuyển dụng nhưng không đạt yêu cầu là khoảng 511 nghìn người. Trong đó, số lao động phổ thông bị thiếu hụt cục bộ là 372 nghìn người, chiếm 72,8%; lao động có tay nghề là 139 nghìn người, chiếm 27,2%. Sự thiếu hụt lao động cục bộ xảy ra nhiều nhất ở các doanh nghiệp ngành dệt may (thiếu khoảng 123 nghìn lao động); doanh nghiệp ngành da giày (thiếu khoảng 56,2 nghìn lao động); doanh nghiệp SX sản phẩm điện tử, máy vi tính (thiếu khoảng 41,0 nghìn lao động); còn lại là các doanh nghiệp khác.

Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương bị thiếu hụt lao động cục bộ nhiều nhất. Hiện các doanh nghiệp ở 2 thành phố này đang cần tuyển thêm 89,6 nghìn lao động, trong đó có 41,1 nghìn lao động phổ thông và 48,5 nghìn lao động có tay nghề.

Số liệu trên cho thấy, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp cả nước không cao nhưng tồn tại tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Số lao động phổ thông bị thiếu hụt cục bộ chiếm tỷ trọng 72,8%.

Có thể thấy, các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong quý III và 9 tháng đầu năm 2022 đã góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng. Thị trường lao động đã có nhiều khởi sắc với những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm mạnh. Số lượng lao động có việc làm chính thức tăng mạnh. Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện. Bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn tiếp tục đối mặt với một số khó khăn thách thức. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều rủi ro do thiếu hụt lao động cục bộ, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất cao. Đời sống một bộ phận người lao động còn gặp nhiều khó khăn…

Phạm Hoài Nam
Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động - TCTK
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top