Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thái Nguyên

03/11/2020 - 09:37 PM

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những năm qua, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều đổi mới, các chương trình, chính sách được triển khai một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm và đảm bảo công khai, minh bạch. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS từng bước phát triển, kết cấu hạ tầng được cải thiện rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng lên.

Nâng cao hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thái Nguyên
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương tham dự và chỉ đạo Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên lần thứ III 

Thái Nguyên là nơi hội tụ, giao lưu, sinh sống lâu đời của 46 dân tộc anh em, trong đó đồng bào DTTS có khoảng 384 nghìn người, chiếm 29,87% dân số toàn tỉnh. Địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS tập trung chủ yếu ở các xóm, các xã vùng sâu, miềnnúi thuộc 5 huyện Định Hoá, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ. Đây là các khu vực còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội chưa phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao… Để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nổi bật, 5 năm qua (từ năm 2016-2020), thông qua các Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình xây dựng nông thôn mới kết hợp tiền tài trợ của các cá nhân và sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp, Thái Nguyên huy động được trên 6 nghìn tỷ đồng để đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ các nguồn lực này, hàng trăm công trình bao gồm: Giao thông nông thôn, trường học, thủy lợi, điện, trạm y tế, nhà văn hóa, nước sinh hoạt… cho đồng bào DTTS được đầu tư xây dựng mới.

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thái Nguyên 1
Nhờ tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đồng bào DTTS tỉnh Thái Nguyên đã thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao được năng suất hiệu quả. (Mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap
tại thị xã Phổ Yên)

Không chỉ tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, các chính sách dân tộc còn hỗ trợ đồng bào DTTS các điều kiện cần thiết để ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất. Tiêu biểu, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt (triển khai theo quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ) đến hết năm 2017 đã hỗ trợ cho 272 hộ có đất sản xuất, 8.046 hộ mua sắm được máy móc nông cụ… Từ năm 2018 đến nay, thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KTXH vùng DTTS và miền núi, Thái Nguyên đã giải ngân 16 tỷ đồng vốn vay để phát triển kinh tế hộ vàhỗ trợ 3,8 tỷ đồng để giải quyết nhu cầu đất sản xuất, nước sinh hoạt và chuyển đổi nghề nghiệp cho các đối tượng đồng bào DTTS.
 

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thái Nguyên 2
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương
trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên

Cùng với nhiều các chính sách dân tộc của Trung ương đang được triển khai, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cũng đã tham mưu để Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chính sách đặc thù, các dự án chuyên đề như: Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng An toàn khu, vùng DTTS đặc biệt khó khăn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2020; Đề án Phát triển KTXH, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 2037); Chính sách hỗ trợ muối iốt, phòng chống biếu cổ, thiểu năng trí tuệ cho người dân vùng dân tộc và miền núi Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2020; Dự án xóa các xóm bản thiếu điện, “trắng” điện lưới quốc gia; Dự án xóa phòng học tạm vùng đặc biệt khó khăn… Các chính sách dân tộc này được tổ chức thực hiện hiệu quả góp phần làm thay đổi tập quán canh tác, cải thiện đời sống đồng bào các DTTS tỉnh Thái Nguyên.

Những chuyển biến tích cực toàn diện

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thái Nguyên 3
Thái Nguyên quan tâm đầu tư hệ thống các trường DTNT, DTBT tạo điều kiện môi trường học tập thuận lợi cho con em đồng bào DTTS. (Thư viện Trường PTDTNT huyện Ðịnh Hóa được đầu tư khang trang và trang bị phong phú các sách, tài liệu)

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của toàn xã hội, tình hình kinh tế - xã hội của đồng bào DTTS tỉnh Thái Nguyên không ngừng cải thiện, nâng cao. Nổi bật, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS và miền núi giảm nhanh, bình quân 3,2%/năm (cao hơn mức giảm nghèo bình quân chung của cả tỉnh 1,5 lần) từ 19,22% năm 2016 xuống còn 6,17% năm 2019. Thái Nguyên vươn lên đứng thứ 2 trong 11 tỉnh khu vực miền núi ĐôngBắc có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất (sau Quảng Ninh).

Kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh có sự thay đổi rõ rệt, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 98% các thôn vùng DTTS có đường giao thông kết nối tới trung tâm xã được cứng hóa, 100% xóm bản có điện lưới quốc gia, 99,67% hộ dân vùng núi có điện lưới phục vụ sinh hoạt, 91% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đạt chuẩn về y tế… Nhờ các chính sách hỗ trợ hiệu quả, nhiều gia đình dân tộc thiểu số đã biết cách sản xuất thâm canh cây trồng, vật nuôi theo mô hình hiệu quả; nhiều hộ nghèo đã được hỗ trợ tư liệu, máy móc, công cụ sản xuất và sơ chế một số sản phẩm làm tăng giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao đời sống.

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thái Nguyên 4
Đoàn kiểm tra Ban chỉ đạo Trung ương kiểm tra thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW
về làm việc và tặng quà cho đồng bào DTTS tỉnh Thái Nguyên

Lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội đã có bước phát triển tích cực, dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên, bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường, nhân dân đồng thuận, góp phần tích cực củng cố và tăng cường niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước...Thái Nguyên đang nằm trong tốp đầu của cả nước về tỷ lệ các xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Trong năm 2019, Chính phủ quyết định Thái Nguyên có 19/63 xã và 75/94 xóm hoàn thành mục tiêu chương trình 135, dự kiến năm 2020 sẽ có thêm 7 xã và 19 xóm hoàn thành. Ngoài ra, đến hết năm 2019, Thái Nguyên có 74/114 xã vùng DTTS đã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 64,9% cao hơn 2 lần bình quân chung cả nước. Với những kết quả đạt được, Thái Nguyên đã được Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộcvà Chỉ thị số 45 của Ban Bí thư khóa VII về một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông đánh giá là địa phương thuộc tốp đầu toàn quốc.

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thái Nguyên 5
Được Nhà nước hỗ trợ ngày càng nhiều người dân nông thôn, vùng đồng bào DTTS được cung cấp
nguồn nước sạch sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày

Mặc dù, đạt được một số kết quả quan trọng song vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thái Nguyên vẫn là “vùng trũng”, tụt hậu so với mặt bằng chung của toàn tỉnh, nơi có số hộ nghèo cao nhất, kinh tế chậm phát triển hơn, các dịch vụ xã hội vẫn còn ít và thấp nhất… Do đó, thời gian tới, để các chính sách dân tộc ngày càng phù hợp và thực hiện hiệu quả, đặc biệt là khi “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi” được thông qua, Tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, Đảng viên và xã hội về vấn đề dân tộc, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong giải quyết các vấn đề dân tộc; Tăng cường đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng với công tác dân tộc, các cấp ủy Đảng cần cụ thể hóa, thể chế hóa việc thực hiện các Nghị quyết về công tác dân tộc, thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện Nghị quyết, chỉ thị của Đảng; Tập trung kiện toàn hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS, nâng cao chất lượng cán bộ vùng dân tộc; đề nghị các Bộ, ngành sớm ban hành Thông tư hướng dẫn, đồng thời nghiên cứu chính sách dân tộc theo hướng bao quát, tính toán các nguồn lực đầy đủ và phân bổ kịp thời cho các địa phương./.

Nguyễn Thái Nam
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên

 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top