Kinh nghiệm một số nước về phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia

22/10/2019 - 11:14 AM
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với các công nghệ výợt trội và ứng dụng của cách mạng này vẫn còn khá mới mẻ với hầu hết các quốc gia. Trong bối cảnh đó, nhiều nước đã đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia bằng cách thiết lập Mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo để kết nối các Trung tâm đổi mới sáng tạo khác nhau trong nước với mục đích: Ðưa các doanh nghiệp cùng hoạt động trong một lĩnh vực về nằm trong cùng một khu vực; Thúc đẩy số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp có chất lượng; Cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hoạt động hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu đào tạo với doanh nghiệp; Trình diễn các ứng dụng của cách mạng công nghệ 4.0; Hỗ trợ phát triển các hệ sinh thái CMCN 4.0 của địa phương cũng như của quốc gia.
 
Mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp ở mỗi quốc gia được hình thành và phát triển khác nhau, nhưng đều hướng tới tập trung nguồn lực để phát triển lĩnh vực chuyên ngành trong nỗ lực tối đa hoá hiệu quả hoạt động của mình, do chính phủ và khu vực tư nhân cùng nhau điều hành và đều có mạng lưới đối tác quốc tế giúp các công ty tiếp cận thị trường mới.
 
Kinh nghiệm một số nước về phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia
Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Hàn Quốc - đẩy mạnh thiết lập Trung tâm xúc tiến ý tưởng sáng tạo kinh tế khu vực
 
Từ tháng 9/2015, Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập 17 Trung tâm xúc tiến ý tưởng sáng tạo kinh tế khu vực (CCEI) với 18 văn phòng ở các địa phương, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ thông tin - Truyền thông và CMCN 4.0. Các trung tâm này giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp nói trên kết nối với các tập đoàn của Hàn Quốc cũng như các tập đoàn hoạt động trong khu vực.
 
Hoạt động dựa trên vốn kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu, với các cơ chế đầu tư và hợp tác đơn giản (ngay cả đối với các nhà đầu tư nước ngoài), các CCEI tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận tới các công trình, thiết bị hiện đại và được hỗ trợ hiệu quả trong mọi hoạt động kinh doanh, từ thiết kế đến xuất khẩu sản phẩm. Nhờ có đội ngũ chuyên gia về tài chính, pháp luật và sáng chế, các CCEI đồng thời cung cấp cho doanh nghiệp khởi nghiệp các dịch vụ tư vấn, đáp ứng nhu cầu và các dịch vụ toàn diện cho doanh nghiệp phát triển công nghệ tiên tiến khi doanh nghiệp phát sinh nhu cầu trong quá trình hoạt động như cho thuê văn phòng, giới thiệu đầu tư và hỗ trợ mở rộng hoạt động kinh doanh ra quốc tế...
 
Với chức năng là trung tâm giới thiệu việc làm công khai, các trung tâm CCEI của Hàn Quốc đưa ra thị trường những nhu cầu mới về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp chiến lược. Sau đó tổ chức các hội chợ việc làm có quy mô nhỏ và thực hiện tập huấn cho nhân sự lãnh đạo hoạt động kinh doanh mới ở địa phương mình. Các hợp phần khác của hệ sinh thái được hình thành xung quanh các trung tâm CCEI là Công viên công nghệ, Trung tâm thiết kế, khu phức hợp công nghiệp, các cơ quan nghiên cứu và trường cao đẳng/đại học.
 
Mỗi trung tâm CCEI điều hành một hệ thống hỗ trợ trực tiếp cho từng đối tượng trên cơ sở hợp tác với chính quyền địa phương/trung ương và các tập đoàn lớn. Mỗi trung tâm này là một đơn vị hoạt động phi lợi nhuận, được lựa chọn từ các tổ chức trực thuộc hoặc hợp tác với các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, trường cao đẳng/đại học, viện nghiên cứu,... trên cơ sở tham vấn với Bộ trưởng Bộ Khoa học, Thông tin truyền thông và Kế hoạch tương lai của Hàn Quốc, cán bộ lãnh đạo của doanh nghiệp lớn, thị trưởng thành phố hoặc thống đốc.
 
Mô hình trung tâm CCEI tập trung hỗ trợ phát triển một lĩnh vực bằng cách kết nối một chính quyền địa phương với một doanh nghiệp lớn đang có lợi thế là đơn vị dẫn đầu lĩnh vực ở địa phương. Mỗi tập đoàn lớn như Lotte, LG, Hyundai Motor, Samsung, SK đều được đề nghị tham gia vào một trong 17 trung tâm này và tập trung vào lĩnh vực chuyên môn của mình. Mô hình này trao cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ cơ hội tiếp cận tới vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến, hoạt động marketing và thậm chí hoạt động mua bán và sáp nhập trên cơ sở tận dụng các lợi thế của các tập đoàn. Mỗi trung tâm tập trung hỗ trợ các dự án thực hiện trong khu vực của mình bằng cách sử dụng nguồn lực và kinh nghiệm dồi dào của các doanh nghiệp lớn.
 
Ngoài ra, các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể tiếp cận tới mạng lưới toàn cầu để liên hệ với các đối tác ở nước ngoài. Ngược lại, mạng lưới toàn cầu này cũng đóng vai trò là đầu mối hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường Hàn Quốc. Nhiều tổ chức trên thế giới đã tham gia thực hiện chương trình thông qua một số trung tâm CCEI nhất định (ví dụ Cộng đồng Kiến thức và sáng tạo đổi mới (KIC) Bắc Kinh, KIC Hoa Kỳ, KIC Châu Âu, KIC Mát-cơ-va). Sáng kiến này cũng được hỗ trợ bổ sung bởi hoạt động hợp tác chặt chẽ với các tổ chức đổi mới sáng tạo do nhà nước và khu vực tư nhân tài trợ ở các nước khác như Trung tâm Digital Catapults của Anh, cơ quan đầu tư mạo hiểm NTT Docomo của Nhật Bản.
 
Nhờ sự hỗ trợ của chính phủ, các doanh nghiệp khởi nghiệp Hàn Quốc không chỉ hoạt động thành công trong nước mà còn mở rộng ra các nơi trên thế giới. Gần đây số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp Hàn Quốc tham gia hợp tác đối tác với các tổ chức đầu tư mạo hiểm, vườn ươm khởi nghiệp và nhà đầu tư thông qua mạng lưới doanh nghiệp lớn toàn cầu - những đơn vị thành viên của trung tâm CCEI tăng cao. Tính đến tháng 12/2017, Hàn Quốc có hơn 2.600 doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia chương trình, nhờ đó một số doanh nghiệp cải thiện đáng kể chất lượng sản phẩm của mình. Sự hỗ trợ của nhà nước và khu vực tư nhân cũng giúp các trung tâm CCEI hỗ trợ cho các thành viên của mình khoảng 1,8 tỷ Đô la Mỹ dưới hình thức các khoản đầu tư, bảo lãnh và cho vay, nhờ đó thu hút gần 7 tỷ Đô la Mỹ tiền đầu tư vào hoạt động đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trung Quốc - chú trọng phát triển mạng lưới các trung tâm ĐMST ngành chế tạo
Tại quốc gia này, hệ sinh thái ĐMST được hỗ trợ bằng cách thiết lập Mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo ngành chế tạo, Trung tâm đổi mới sáng tạo công nghệ quốc gia và Mạng lưới các khu trình diễn ý tưởng đổi mới sáng tạo.
 
Đối với mạng lưới các trung tâm ĐMST ngành chế tạo cấp quốc gia, Chính phủ Trung Quốc coi công tác phát triển hoạt động ĐMST cấp quốc gia là cơ chế quan trọng để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo khởi nghiệp kinh doanh rộng khắp. Theo đó, trong kế hoạch“Made in China 2025”, Chính phủ dự kiến sẽ thiết lập Mạng lưới các trung tâm ĐMST ngành chế tạo cấp quốc gia (mục tiêu là thiết lập 15 trung tâm vào năm 2020 và 40 trung tâm vào năm 2025). Mỗi trung tâm này sẽ tập trung vào một ngành hoặc một lĩnh vực, đóng vai trò là đầu mối hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển đa ngành, đa lĩnh vực giữa các công ty, đơn vị học thuật và chính quyền, ứng dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 - những công nghệ có khả năng đảm bảo duy trì vị trí quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới của Trung Quốc. Mạng lưới này sẽ giúp cải thiện năng lực và hiệu quả ĐMST của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, tạo ra các bước đột phá nhảy vọt, ươm mầm nhân tài lãnh đạo toàn cầu trong một số lĩnh vực công nghệ, cũng như gia tăng số lượng nghiên cứu có khả năng được thương mại hoá thành công ở Trung Quốc.
 
Cho tới nay, Trung Quốc đã thành lập được 5 trung tâm, chủ yếu tập trung vào các công nghệ tiên tiến và công nghệ thông tin như pin (ở Bắc Kinh), chế tạo đắp lớp (ở Tây An), thông tin và quang điện tử (ở Vũ Hán), người máy (ở Thẩm Dương), in ấn và màn hình linh hoạt (ở Quảng Đông). Tháng 5/2018, hai trung tâm ĐMST sản xuất cấp quốc gia trong lĩnh vực vi mạch và cảm ứng thông minh cũng đã được phê duyệt xây dựng ở Thượng Hải, sau khi 2 trung tâm này đi vào vận hành, Trung Quốc sẽ có tổng số 7 trung tâm được thành lập.
 
Ngoài các trung tâm ĐMST cấp quốc gia, Trung Quốc cũng đang hỗ trợ phát triển 48 trung tâm ĐMST hoạt động sản xuất cấp tỉnh. Các trung tâm cấp quốc gia và cấp tỉnh này đã thiết lập nên hệ thống ĐMST hoạt động sản xuất trong đó các trung tâm cấp quốc gia giữ vai trò chủ đạo với sự hỗ trợ quan trọng từ các trung tâm cấp tỉnh.
 
Đối với các trung tâm đổi mới công nghệ cấp quốc gia, hiện Chính phủ Trung Quốc cũng thiết lập 2 trung tâm về phương tiện giao thông sử dụng năng lượng mới (không sử dụng nhiên liệu truyền thống, ví dụ xe chạy bằng điện và kết hợp điện - xăng) và vận tải đường sắt tốc độ cao. Trong đó, trung tâm đổi mới công nghệ phương tiện giao thông sử dụng năng lượng mới quốc gia gồm 21 đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu và phát triển phương tiện sử dụng năng lượng mới của Trung Quốc, thực hiện thử nghiệm, dịch vụ nghiên cứu và ươm mầm công nghệ.
 
Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc còn thành lập Khu trình diễn các sáng kiến ĐMST độc lập quốc gia để thực hiện các chương trình thí điểm, thu thập kinh nghiệm và trình diễn hoạt động sáng tạo độc lập và phát triển ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ năm 2014, Chính phủ Trung Quốc đã lập kế hoạch thúc đẩy nhân rộng thực hiện các chính sách thí điểm ở Zhongguancun sang các khu vực khác, cũng như đẩy nhanh tiến độ thành lập các khu ĐMST quốc gia. Tính đến cuối năm 2017, Chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt thành lập 17 khu trình diễn sáng kiến ĐMST cấp quốc gia và cho phép các khu này áp dụng các chính sách thuận lợi, cũng như các cơ chế khuyến khích để thúc đẩy hoạt động ĐMST và tăng trưởng kinh tế khu vực trên cơ sở khai thác các điểm mạnh và lợi thế địa lý của mình. Qua đó, các khu trình diễn có thể dẫn dắt đất nước trong các lĩnh vực liên quan đến chuyển giao công nghệ, tài trợ phát triển công nghệ và chia sẻ giải pháp về cơ chế khuyến khích. Với các biện pháp trên của Chính phủ Trung Quốc, các khu trình diễn này là nơi dẫn đầu cả nước trong việc thực hiện chính sách công nghệ liên quan vốn phụ thuộc vào khả năng thử nghiệm của hệ thống và sáng kiến về chính sách và được kỳ vọng sẽ đi đầu trong hoạt động phát triển các lĩnh vực cần sáng tạo cũng như cải cách hệ thống khoa học và công nghệ. Đó đồng thời cũng là nơi tập trung các ngành công nghiệp mới. Điều đáng nói là các khu trình diễn có hướng phát triển khác nhau nhờ cơ chế quản lý ĐMST phù hợp với điều kiện riêng của địa phương. Từ đó, giúp tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, cải thiện hiệu quả các chính sách đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo độc lập trong nền kinh tế Trung Quốc.
Singapore - hướng đến thành lập các trung tâm ĐMST cho từng ngành, lĩnh vực
Một trong những hướng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia của Singapore là tập trung vào thành lập khu JTC LaunchPad@one-north, để cung cấp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp môi trường hiệu quả và hệ sinh thái phát triển thuận lợi. Đây là khu vực gồm nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp và nhiều dịch vụ hỗ trợ đi kèm như dịch vụ tư vấn pháp luật và đầu tư. Đặc biệt, có khoảng 100 doanh nghiệp khởi nghiệp, bao gồm các quỹ đầu tư mạo hiểm, vườn ươm, doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, công ty phát triển trò chơi video với vốn đầu tư hơn 670 triệu Euro. Nhờ sự hỗ trợ của khu JTC LaunchPad@one-north, các doanh nghiệp khởi nghiệp có lợi thế ở gần môi trường nghiên cứu và phát triển đa ngành, bao gồm các doanh nghiệp hoạt động dựa trên tri thức, các tổ chức nghiên cứu, trường cao đẳng/đại học - những tổ chức đầu đàn về hoạt động đổi mới sáng tạo như chương trình MBA kinh doanh INSEAD, khu Khoa học, trung tâm khu vực Lucasfilm, Đại học quốc gia Singapore, Trường đại học bách khoa Singapore.
 
Bên cạnh đó, Singapore thành lập khu JTC LaunchPad@JID, tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp   khởi nghiệp phát triển trong các lĩnh vực như công nghệ sạch, chế tạo tiên tiến. Với vị trí ở gần Trường đại học công nghệ Nanyang, các viện nghiên cứu và mạng lưới các doanh nghiệp, các startup trong khu JTC LaunchPad@JID có thể hợp tác chặt chẽ với các đơn vị nói trên, tận hưởng sự tăng trưởng chung và thúc đẩy hoạt động thương mại hoá các công nghệ mới. Đồng thời, tạo ra môi trường thuận lợi cho phép các công ty thử nghiệm các sáng kiến ĐMST và chia sẻ ý tưởng với nhau thông qua việc sử dụng các trang thiết bị chung như xưởng sản xuất thử.
 
Ngoài ra, Trung tâm quốc tế ACE - trung tâm một cửa đi vào hoạt động từ tháng 9/2017 ở khu JTC LaunchPad@one-north mang lại cơ hội tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và kết nối các doanh nghiệp này tới các thị trường nước ngoài, cũng như giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp nước ngoài tiếp cận công nghệ, các thông tin về đầu tư và cơ hội của thị trường Singaporre.
 
Gần đây, Singapore đã hoàn thành Quận đổi mới sáng tạo JTC LaunchPad@Jurong giúp cung cấp không gian công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và vườn ươm có năng lực.
 
Những bước phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia của các nước trên là kinh nghiệm quý cho Việt Nam xây dựng Trung tâm ĐMST quốc gia cũng như hệ sinh thái ĐMST quốc gia, từ đó mở ra cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau./.
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top