Kinh tế 9 tháng năm 2022 nhiều điểm sáng và hy vọng về kịch bản tăng trưởng cao năm 2022

30/09/2022 - 05:37 AM

Kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 của nước ta khởi sắc hầu hết các lĩnh vực. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III/2022 tăng trưởng cao, đặc biệt so với cùng kỳ năm trước. Nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xảy ra như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa

Điểm sáng nền kinh tế 9 tháng năm 2022

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 ước tính tăng cao, ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước; tính chung GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022; Các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng; Ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm… Có thể khẳng định, đây là kết quả việc điều hành chính sách hợp lý, hiệu quả của Chính phủ trong thời gian vừa qua trong điều kiện nền kinh tế thế giới nhiều khó khăn, biến động.

Một số điểm sáng nổi bật của nền kinh tế có thể kể đến như:

Thị trường tiền tệ được đảm bảo, duy trì mặt bằng lãi suất, tỉ giá hợp lý để kiềm chế lạm phát; thu ngân sách 9 tháng ước đạt 1,3 triệu tỷ, bằng 94% dự toán, tăng 22% so cùng kỳ năm trước, tạo dư địa điều hành chính sách tài khóa, hỗ trợ chính sách tiền tệ.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 9 đạt gần 559 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ; xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13%; tính chung 9 tháng xuất siêu 6,52 tỷ USD.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc, nhiều ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi tốt, bảo đảm nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 9,6% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,4%.

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 52,7 điểm trong tháng Tám, tăng so với 51,2 điểm của tháng Bảy và báo hiệu sự cải thiện mạnh mẽ của sức khỏe lĩnh vực sản xuất của quý III.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục tăng, phản ánh nền kinh tế đang phục hồi tích cực. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng đạt hơn 163 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước, biểu thị niềm tin mạnh mẽ của doanh nghiệp vào ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế nước ta.

Tiêu dùng trong nước phục hồi tốt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng ước tăng 21% so với cùng kỳ (loại trừ yếu tố giá tăng 16,8%). Du lịch tiếp tục phục hồi tích cực, khách quốc tế 9 tháng đạt 1,9 triệu lượt (tăng cao so với năm 2000 và năm 2021 nhưng thấp hơn nhiều so với năm 2019: 9 tháng năm 2019 đạt 12,9 triệu lượt – bằng 15% so 2019).

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng ước đạt 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Trong đó: Vốn khu vực Nhà nước ước đạt 544,9 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1%; Vốn khu vực ngoài nhà nước đạt 1227,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,0% so với cùng kỳ; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 358,3 nghìn tỷ đồng, tăng 16,3% so cùng kỳ.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so cùng kỳ, là mức vốn FDI thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua.

Hy vọng về kịch bản tăng trưởng GDP cao năm 2022

Năm 2022, hoạt động kinh tế của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh thế giới đầy biến động: Căng thẳng địa chính trị ngày càng căng thẳng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; lạm phát tăng cao gây áp lực tăng giá ở hầu hết các nước, đặc biệt là giá xăng dầu và nhiên vật liệu. Trong nước, thách thức và cơ hội vẫn đan xen tác động đến nền kinh tế. Chính phủ đã ban hành các chính sách kinh tế nhằm khôi phục nền kinh tế, đối phó với diễn biến lạm phát tăng cao cũng như áp lực tăng giá. Kết quả, tăng trưởng quý III và 9 tháng đầu năm 2022 là một minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong 9 tháng qua và những triển vọng tích cực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2022.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội và triển vọng, những khó khăn, thách thức phải đối mặt cũng rất lớn. Đó là:

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón… thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng khó dự báo; thiếu hụt lao động cục bộ, nhất là lao động có tay nghề trong các doanh nghiệp lớn; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng…, tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước. Có thể thấy rằng, những yếu tố này chưa thể giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn, trong khi tình hình hạn hán tại Trung Quốc, EU có thể ảnh hưởng lớn đến nguồn cung lương thực, vật tư công nghiệp đầu vào trên thế giới và ảnh hưởng đến sản xuất điện từ thủy điện tại Việt Nam.

Điều hành tăng trưởng tín dụng cũng chịu sức ép lớn để kiềm chế lạm phát và nhu cầu vốn để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh tăng cao, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn trong tiếp cận vốn vay.

Thu hút FDI gặp nhiều khó khăn, FDI đăng ký cấp mới, đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn mua cổ phần đạt 18,75 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động đến cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỉ giá, thu hút công nghệ cao… trong trung và dài hạn.

Xuất khẩu đối mặt với thách thức không nhỏ, thị trường bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển có nguy cơ rơi vào suy thoái; số đơn hàng dệt may, gỗ, thủy sản… đi Mỹ và EU có dấu hiệu suy giảm; tồn kho gia tăng.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dịch Covid-19 còn tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp.

Căn cứ kết quả tăng trưởng 9 tháng năm 2022 và những khó khăn, thách thức nền kinh tế có thể gặp phải trong quý IV, Tổng cục Thống kê đã cập nhật kịch bản tăng trưởng cả năm theo 2 phương án:

Phương án 1:  GDP tăng 7,5%, với phương án này, quý IV chỉ cần đạt mức tăng trưởng 4,14% (thấp nhất các quý trong năm);

Phương án 2: GDP tăng 8%, với phương án này, quý IV tăng 5,9% (cao hơn quý I (5,05%), thấp hơn quý II (7,83%) và Quý III.

Mặc dù quý IV còn có những khó khăn, tuy nhiên, do nền kinh tế đang đà phục hồi đặc biệt là các ngành dịch vụ (bán buôn, bán lẻ; lưu trú, ăn uống; vận tải kho bãi; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ) nên nếu trong quý IV không có những biến động quá lớn thì khả năng cao nghiêng về kịch bản cả năm GDP đạt 8%./.
 

Lê Trung Hiếu

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top