Kinh tế hợp tác, hợp tác xã Liên kết, hợp tác cùng phát triển và hội nhập

23/03/2021 - 02:45 PM

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam có nhiều khó khăn, ngân sách hạn hẹp nhưng phát triển kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) vẫn hoạt động khá ổn định. Số lượng HTX tăng lên, phát triển đồng đều trên khắp các vùng, miền, chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên. Tuy nhiên để phát triển KTTT, HTX bền vững trước những cơ hội và thách thức của kinh tế thị trường, trong thời gian tới cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác, tạo sức mạnh cạnh tranh cùng nhau phát triển và hội nhập.

Thực trạng kinh tế hợp tác, hợp tác xã

Sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được Quốc hội thông qua, đặc biệt là từ năm 2016 trở lại đây, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, ban hành nhiều quyết sách quan trọng cùng với đó là sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của cộng đồng KTTT, HTX đã tạo điều kiện cho khu vực KTTT, HTX có bước chuyển biến mạnh mẽ, đạt kết quả phát triển tích cực. Đến nay, nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về phát triển KTTT, HTX được nâng lên. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách được quan tâm xây dựng, hoàn thiện. Tổ chức bộ máy và công tác quản lý Nhà nước từng bước được củng cố. Khu vực KTTT, HTX có bước phát triển cả về số lượng, chất lượng, xuất hiện một số HTX có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng trên nhiều tỉnh, doanh thu cao, thu hút nhiều lao động, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có 26,1 nghìn HTX, thu hút gần 6,1 triệu thành viên tham gia.

Kinh tế hợp tác, hợp tác xã Liên kết, hợp tác cùng phát triển và hội nhập

                                                                             Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Số lao động làm việc trong HTX khoảng 1,2 triệu người. Đóng góp của khu vực kinh tế hợp tác, HTX thể hiện qua hai kênh: Một là đóng góp trực tiếp của khu vực HTX, liên hiệp HTX, THT vào tăng trưởng kinh tế và hai là đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế thành viên, HTX thành viên, thành viên THT.

Những năm gần đây cũng cho thấy số lượng HTX sản xuất theo chuỗi giá trị cũng ngày càng gia tăng và dần trở thành phương thức sản xuất phổ biến để phát triển bền vững. Trên thực tế, nhiều HTX đã liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp các HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Một số HTX đã chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường xuất khẩu. Điển hình như: HTX Bò sữa Evergrowth (Sóc Trăng) đã xây dựng thành công và đưa vào hoạt động nhà máy trộn thức ăn tinh cho bò sữa; HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Lâm Đồng) tổ chức sản xuất, liên kết với các siêu thị tiêu thụ rau an toàn trên 52 tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc…; HTX dịch vụ Linh Phát (Nam Ðịnh) đầu tư vào trồng nấm và áp dụng công nghệ nhân giống vào sản xuất các loại nấm chủ lực. Đến nay các sản phẩm nấm linh chi của HTX đã ký hợp đồng với các công ty chuyên thu mua, chế biến nấm linh chi tại các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Ðiện Biên, Tuyên Quang, Sơn La…

Bên cạnh các kết quả đạt được, khu vực KTTT, HTX vẫn còn hạn chế, bất cập như: Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỉ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu; phần lớn tổ chức KTTT, HTX có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, hạn chế về khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư sản xuất, kinh doanh; phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp; số lượng HTX tuy tăng, nhưng số lượng thành viên có xu hướng giảm; sự gắn kết lợi ích giữa thành viên và HTX chưa cao, thiếu tính bền vững.

Theo ý kiến các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2020 (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì), cách mạng công nghiệp 4.0 và thời kỳ công nghệ số hiện nay đang mở ra những cơ hội và thách thức cho phát triển khu vực KTTT, HTX. Nếu các HTX biết liên kết, hợp tác với nhau, cùng phát huy các giá trị của tổ chức và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì tiềm năng phát triển HTX rất lớn. Ngày 13/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1804/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Hỗ trợ phát triển kinh tế tâp thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Chương trình đặt mục tiêu tổng quát hỗ trợ, phát triển khu vực KTTT, HTX cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất  lượng hoạt động, hỗ trợ thành viên thông qua việc nâng cao nhận thức của toàn dân về KTTT, HTX; đồng thời, tăng cường năng lực của các tổ chức KTTT, HTX nhằm phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác, hỗ trợ thành viên và cộng đồng khu vực; tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân trong điều kiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025 thành lập mới trên 10.000 tổ chức KTTT (bao gồm: HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác); thu hút khoảng 8 triệu thành viên tham gia vào các tổ chức KTTT; 100% số HTX, liên hiệp HTX tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã; 60% số HTX hoạt động từ loại khá trở lên; 20% cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp đại học, cao đẳng trở lên trọng tất cả các ngành, lĩnh vực. Đồng thời, xây dựng 3.000 mô hình tổ chức KTTT ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững; 50% số tổ chức KTTT, HTX có liên kết với doanh nghiệp, tổ chức KTTT khác.

Giải pháp phát triển KTTT, HTX thời gian tới

Để khu vực KTTT, HTX phát triển bền vững trước những cơ hội và thách thức của kinh tế thị trường, trong thơi gian tới, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như:

Một là, tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân và hệ thống chính trị về bản chất, cơ chế hoạt động của HTX kiểu mới, vai trò và lợi ích của KTTT, HTX trong phát triển sản xuất, kinh doanh; Tập trung truyên truyền, vận động, khuyến khích tầng lớp thanh niên tiếp thu tiến bộ khoa học công nghệ, tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo mô hình HTX.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách liên quan đến KTTT, HTX. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định còn bất cập tại Luật HTX năm 2012 theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong thành lập, đăng ký và giải thể.

Ba là, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Liên minh HTX Việt Nam trong phát triển KTTT, HTX; Tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp trong thúc đẩy phát triển KTTT, HTX.

Bốn là, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với HTX, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển HTX; Xây dựng và nhân rộng mô hình HTX tiêu biểu, hoạt động hiệu quả trên cả nước; Tăng cường công tác liên doanh, liên kết trong tổ chức sản xuất kinh doanh của HTX. Thực hiện tốt công tác đánh giá, khen thưởng.

Năm là, đẩy mạnh các hình thức hợp tác quốc tế trong phát triển KTTT, HTX nhất là trong việc tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước, vùng lãnh thổ có phong trào HTX mạnh, tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, thiết bị, máy móc, liên kết và mở rộng thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Sáu là, chú trọng phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực về quản lý Nhà nước và quản trị sản xuất, kinh doanh cho khu vực KTTT, HTX; đổi mới và hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu và đưa các chương trình đào tạo về KTTT, HTX vào các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân; thực hiện công tác quy hoạch và sử dụng nguồn nhân lực hợp lý, hiệu quả./.

Hùng Đạt

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top