Kinh tế trang trại đồng bằng sông Cửu Long: Giải pháp phát triển bền vững

06/12/2019 - 04:06 PM
Mô hình kinh tế trang trại đang góp phần quan trọng vào quá trình chuyển dịch nông nghiệp, tạo điều kiện để tích tụ ruộng đất, phân công lại lao động từng bước đưa lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, cũng như, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá trong nông nghiệp, nông thôn. Kinh tế trang trại còn giúp khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn đầu tư, kinh nghiệm quản lý làm tăng giá trị sản phẩm.
 
Đặc điểm của kinh tế trang trại Đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằn song Cửu Long (ĐBSCL) có 6.270 trang trại, chiếm 18,73% trang trại cả nước, gồm: 3.474 trang trại trồng trọt (chiếm 55,41%), 1.851 trang trại chăn nuôi (chiếm 29,52%), 921 trang trại thuỷ sản (chiếm 14,69%), 24 trang trại tổng hợp (chiếm 0,38%). Trong đó, số lượng trang trại tập trung nhiều ở 03 địa phương An Giang 1.179 trang trại (chiếm 18,80%), Long An 1.090 trang trại (chiếm 17,38%), Kiên Giang 1.044 trang trại (chiếm 16,65%). Diện tích đất trang trại sử dụng là 44,67 ngàn ha (bình quân 7,12 ha/trang trại). Diện tích đất sản xuất trang trại bình quân cao nhất là ở Kiên Giang 10,44 ha, kế tiếp Đồng Tháp 9,87 ha, An Giang 8,77 ha..., thấp nhất là Bến Tre 1,04 ha (chênh lệch diện tích đất giữa trang trại Kiên Giang với trang trại Bến Tre lên đến 10,07 lần).
Hình 1. Cơ cấu lĩnh vực sản xuất trang trại
Kinh tế trang trại đồng bằng sông Cửu Long: Giải pháp phát triển bền vững

Do tính chất sản xuất hàng hoá quy mô lớn nên các trạng thái thường sử dụng nhiều lao động, bao gồm lao động thuê ngoài thường xuyên và lao động thuê mướn thời vụ. Tổng số lao động trang trại tham gia hoạt động sản xuất là 39,94 ngàn người (bình quân 6,37 người trang trại). Trong đó: Lao động thường xuyên chiếm 69,06%, lao động thuê mướn thời vụ chiếm 30,94%. Tính bình quân, một trang trại có 4,40 lao động thường xuyên, 1,97 lao động thuê mướn thời vụ. Tuy nhiên, trong từng lĩnh vực sản xuất số lượng lao động thường xuyên của trang trại lại khác nhau nhiều. Cụ thể, trang trại cây lâu năm là 6,01 lao động (cao nhất), kế tiếp trang trại thuỷ sản 5,09 lao động, trang trại cây hàng năm 4,67 lao động, trang trại chăn nuôi 3,55 lao động (thấp nhất).

Ngoài sử dụng lực lượng lớn lao động, kinh tế trang trại có sản lượng hàng hoá lớn đã góp phần đáp ứng cung cầu thị trường trong và ngoài nước. Trong năm 2016, giá trị sản lượng hàng hóa (GTSLHH) kinh tế trang trại tạo ra là 14.140 tỷ đồng (bình quân 2.255 triệu đồng/trang trại). Trong đó: Trang trại cây hàng năm chiếm 25,47%, trang trại chăn nuôi chiếm 10,88%, trang trại thủy sản chiếm 28,51% và thấp nhất là trang trại cây lâu năm chiếm 0,001%. Nếu tính GTSLHH trang trại bình quân theo lĩnh vực sản xuất thì trang trại thủy sản là 4.378 triệu đồng (cao nhất), kế tiếp trang trại chăn nuôi 3.123 triệu đồng, trang trại cây lâu năm 2.078 triệu đồng, trang trại cây hàng năm 1.053 triệu đồng (thấp nhất).

Các trang trại phát triển sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ bằng hình thức liên kết, trong đó, phổ biến là các hình thức góp vốn đầu tư sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ đầu vào cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dịch vụ đầu ra. Tổng số trang trại ĐBSCL có tham gia liên kết sản xuất là 1.009 trang trại. Các hình thức liên kết sản xuất phổ biến của trang trại là góp vốn đầu tư sản xuất 107 trang trại, cung cấp dịch vụ đầu vào cho sản xuất 487 trang trại, tiêu thụ sản phẩm dịch vụ đầu ra 834 trang trại, hình thức liên kết khác 140 trang trại.
Hạn chế của kinh tế trang trại ĐBSCL
Thứ nhất, trồng lúa vẫn là lĩnh vực sản xuất chủ yếu của trang trại ĐBSCL. Số lượng trang trại trồng lúa của ĐBSCL là 3.380 trang trại (chiếm 98,89% trang trại trồng trọt), chỉ có 56 trang trại trồng cây lâu năm (chiếm 1,61%). Do đó, đất được trang trại sử dụng trồng lúa chiếm 81,53% đất trồng trọt (tương đương 36,42 ngàn ha), bình quân một trang trại trồng lúa sử dụng 10,78 ha. Đáng chú ý, nhiều địa phương có diện tích đất trồng lúa bình quân lớn hơn nhiều so bình quân chung (Hậu Giang 30,31 ha, gấp 2,81 lần; Tiền Giang 15,69 ha, gấp 1,46 lần; Trà Vinh 15,17 ha, gấp 1,41 lần; Đồng Tháp 12,82 ha, gấp 1,19 lần).
 
Bảng 1. Bình quân diện tích đất sử dụng của trang trại phân theo địa phương
Kinh tế trang trại đồng bằng sông Cửu Long: Giải pháp phát triển bền vững 1
(Nguồn: Tác giả tính toán từ kết quả TĐTNN 2016)
 
Thứ hai, trình độ chuyên môn, chất lượng của lao động thường xuyên còn thấp dẫn đến hiệu quả sản xuất chưa cao, sản phẩm làm ra thiếu tính cạnh tranh hàng hóa trên thị trường. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo của trang trại chiếm 84,33% lao động thường xuyên (tương đương 23,26 ngàn người), lao động có qua đào tạo chiếm 15,67% (tương đương 1,5 ngàn người). Thậm chí, một số địa phương còn có tỷ lệ lao động chưa đào tạo còn cao hơn nhiều so tỷ lệ chung (Kiên Giang 90,32%, Cà Mau 89,39%, An Giang 88,77%, Đồng Tháp 86,66%). Đối với lao động qua đào tạo, lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao cũng chiếm tỷ lệ không đáng kể so với tổng lao động. Cơ cấu lao động trình độ đại học và trên đại học chỉ chiếm 13,86%, còn lại, cao đẳng chiếm 4,42%, trung cấp chiếm 13,98%, sơ cấp chiếm 7,27%, có chứng chỉ đào tạo chiếm 9,05%, đã qua đào tạo nhưng không có chứng chỉ chiếm 51,42%.

Thứ ba, hiệu quả sử dụng đất của trang trại còn thấp do diện tích đất phần lớn sử dụng cho mục đích trồng lúa. Theo tính toán GTSLHH bình quân trên hecta đất sử dụng của trang trại, cụ thể: Đất nuôi thủy sản 632 triệu đồng (cao nhất), đất trồng cây lâu năm 241 triệu đồng, đất trồng cây hàng năm 82 triệu đồng (thấp nhất). Như vậy, đất trang trại nuôi thủy sản sử dụng có giá trị gấp 7,71 lần so đất trồng cây hàng năm, gấp 2,62 lần so đất trồng cây lâu năm. Trong khi đó, cơ cấu đất sử dụng của trang trại vùng ĐBSCL cho thấy, đất trồng cây hàng năm chiếm tỷ lệ cao nhất, 84,48%, đất trồng cây lâu năm 0,48 ngàn ha (chiếm 2,72%), đất nuôi thủy sản 6,63 ngàn ha (chiếm 12,33%).

Thứ tư, số lượng trang trại có liên kết sản xuất hạn chế, hình thức liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm phổ biến ở dạng mua bán, hỗ trợ kỹ thuật hoặc bao tiêu sản phẩm vẫn chưa được phổ biến. Hình thức sản xuất không có liên kết chiếm 83,91% (tương đương 5.261 trang trại), tập trung ở một số địa phương như: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre. Tính đa dạng của các hình thức liên kết (góp vốn đầu tư, cung ứng dịch vụ đầu vào, tiêu thụ sản phẩm), cũng như mức độ tham gia các hình thức liên kết của trang trại cũng thấp. Nhìn chung, sản xuất của trang trại còn mang tính tự phát, chưa tạo được vùng sản xuất tập trung nên ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, dẫn đến chi phí sản xuất cao, sản phẩm làm ra thiếu tính cạnh tranh trên thị trường.
Giải pháp phát triển bền vững kinh tế trang trại ĐBSCL
(1) Cơ cấu lại lĩnh vực sản xuất: Tái cơ cấu lĩnh vực sản xuất của trang trại hướng vào ba trọng tâm là thủy sản, cây ăn quả và chăn nuôi. Ở lĩnh vực thủy sản, tập trung phát triển thâm canh các sản phẩm chủ lực (cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng), tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm và phương pháp nuôi nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, khuyến khích nuôi thâm canh công nghiệp, áp dụng công nghệ cao và quy trình thực hành tốt đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, lĩnh vực thủy sản cần được đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại trong chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm, cũng như cơ cấu lại sản phẩm chế biến để giảm tỷ trọng sản phẩm thô chưa qua chế biến, tăng tỷ trọng các sản phẩm ăn liền giá trị cao. Đối với cây ăn quả, phải phát triển vùng sản xuất tập trung, chuyên canh vùng nguyên liệu cho xuất khẩu và chế biến. Từ vùng sản xuất tập trung sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, hình thành chứng nhận cho sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết giữa người trồng cây ăn quả với doanh nghiệp, đầu tư nghiên cứu công nghệ chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch cho từng loại sản phẩm. Trong lĩnh vực chăn nuôi, tập trung phát triển số lượng trang trại quy mô lớn, xây dựng chính sách hỗ trợ chuỗi liên kết giữa người nuôi và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, ưu tiên tín dụng lãi suất cũng như xem xét miễn giảm thuế giá trị gia tăng với mặt hàng thức ăn chăn nuôi để giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
 
(2) Nâng cao trình độ chuyên môn lao động: Phát triển lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng vận hành máy móc thiết bị công nghệ để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tăng hiệu quả kinh tế trang trại. Để nâng cao trình độ chuyên môn lao động cần đổi mới phương pháp và nội dung đào tạo, bám sát yêu cầu thực tiễn cũng như định hướng phát triển của ĐBSCL. Đặc biệt, chú trọng đào tạo nâng cao trình độ lao động trong lĩnh vực công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch để tăng tỷ trọng sản phẩm qua chế biến, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa tiêu thụ.

(3) Tăng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp: Nhà nước cần có chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu xuất từ trồng lúa chủ yếu sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi. Thực hiện phổ biến chi tiết các quy hoạch đã được phê duyệt để diện tích đất chuyển đổi mục đích sử dụng phù hợp quy hoạch, định hướng phát triển chung. Đối với trang trại trồng lúa, phải chuyển đổi sang canh tác giống lúa chất lượng cao thay cho giống phẩm cấp thấp để tăng giá bán sản phẩm, giá trị sản lượng hàng hóa sản xuất. Trong nuôi trồng thủy sản, tập trung phát triển các loại thủy sản trọng điểm thuộc danh mục mặt hàng xuất khẩu chiến lược, giá trị kinh tế cao. Cũng cần kiểm soát chặt chẽ diện tích nuôi không để mở rộng ồ ạt khiến mất cân đối cung cầu. Với cây ăn quả, cần xây dựng vùng chuyên canh sản xuất để xây dựng thương hiệu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng để tăng giá trị thương phẩm bán ra. Ngoài ra, giống cây ăn quả sử dụng phải có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu để tăng sức chống chịu với diễn thời tiết bất lợi, ổn định và tăng năng suất thu hoạch theo thời gian.
 
(4) Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm: Gắn tái cơ cấu lĩnh vực sản xuất với chế biến tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi với hình thức hợp đồng tiêu thụ giữa doanh nghiệp và trang trại. Thực thi chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, gắn liên kết với tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Đối với hình thức hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, cần tạo điều kiện để các trang trại cùng tham gia cung ứng sản lượng lớn, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thị trường, chế biến của doanh nghiệp. Mối liên kết giữa trang trại và doanh nghiệp phải được ràng buộc bằng chặt chẽ trong điều khoản trong hợp đồng quy định trách nhiệm và nghĩa vụ làm hành lang pháp lý cho cho hai bên liên kết. Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết giá trị sản xuất từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm để giảm chi phí sản xuất tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Trong liên kết chuỗi giá trị sản xuất, phải đảm bảo cân bằng mức lợi nhuận và lợi ích giữa trang trại với doanh nghiệp theo hợp đồng ký kết./.
 
Trương Văn Tấn
Cục Thống kê tỉnh An Giang
Tài liệu tham khảo
  1. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. (2011). Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT quy định tiêu chí thủ tục cấp giấy cứng nhận kinh tế trang trại. Hà Nội: Văn phòng Chính Phủ.
  2. Thủ tướng Chính Phủ. (2017). Nghị Quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Hà Nội: Văn phòng Chính Phủ.
  3. Thủ tướng Chính Phủ. (2016). Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia. Hà Nội: Văn phòng Chính Phủ.
  4. Tổng cục Thống kê. (2018). Kết quả Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016. Hà Nội: Vụ Thống kê Nông lâm nghiệp và Thủy sản.
  5. Thủ tướng Chính phủ. (2018). Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hà Nội: Văn phòng Chính Phủ.

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top