Kinh tế tư nhân: Động lực cất cánh của nền kinh tế Việt Nam

17/03/2020 - 03:02 PM
Từng bước khẳng định vai trò quan trọng của nền kinh tế

Theo giới chuyên gia kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Nếu như tại Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, kinh tế tư nhân chính thức được công nhận là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế Việt Nam thì đến năm 2017, kinh tế tư nhân được khẳng định là một động lực quan trọng của nền kinh tế tại Nghị quyết số 10-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII. Nghị quyết 10 đưa ra mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa. Như vậy, sau hơn 30 năm, kinh tế tư nhân đã chính thức được nhận diện đúng vai trò, vị trí, mở đường cho thành phần kinh tế này “lột xác”, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

 
Kinh tế tư nhân: Động lực cất cánh của nền kinh tế Việt Nam

Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Với những cải cách đổi mới mạnh mẽ trong chính sách phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước, đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đã ghi nhận nhiều thành tựu và có bước phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, nhất là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện an sinh xã hội; đồng thời góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong những năm gần đây, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam luôn tăng trưởng với những con số ấn tượng, đặc biệt, trong hai năm 2018-2019, GDP liên tục đạt mức tăng trưởng trên 7%. Thành quả này có sự đóng góp rất lớn từ khu vực kinh tế tư nhân. Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, khu vực kinh tế tư nhân đang tạo ra 42% GDP, 30% ngân sách nhà nước và thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Điều này cho thấy sự lớn mạnh và khát vọng vươn lên của khu vực kinh tế tư nhân.

Báo cáo hai năm (2017-2018) thực hiện Nghị quyết Trung ương V, khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân cho thấy, khu vực này bước đầu có sự phát triển mạnh mẽ hơn. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động tăng lên. Trong thời gian này, có trên 258 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới và 60,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện và các chính sách của Nhà nước hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Điểm tích cực trong hai năm qua là tinh thần khởi nghiệp lan tỏa rộng rãi trong xã hội và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân trong các lĩnh vực như xây dựng, chế biến, chế tạo, công nghiệp ô tô, vận tải hàng không, tài chính, ngân hàng..., góp phần không nhỏ trong phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo diễn ra sôi động, với hơn 3000 công ty khởi nghiệp sáng tạo (startup) đang hoạt động, trong đó có nhiều doanh nghiệp thành công.

Hiện nay, kinh tế tư nhân đã tham gia ở tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất, thương mại, đầu tư đến dịch vụ hay thậm chí cả những dịch vụ công. Tất cả đang ngày càng đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế và xã hội. Kinh tế tư nhân đã huy động nguồn vốn lớn trong xã hội cho phát triển kinh tế. Trong 2 năm 2017-2018, vốn đầu tư của kinh tế tư nhân tăng trưởng lần lượt 17,1% và 18,5% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng của tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 11-12%/năm). Theo đó, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh và đã vượt mức 40% (năm 2017: 40,6% và năm 2018: 43,27%).

Kinh tế tư nhân còn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại của Việt Nam. Trong hai năm 2017-2018, khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng 25,3-26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và chiếm tỷ trọng 34,7-34,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, lớn gấp hơn 10 lần về xuất khẩu và gần 7 lần về nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp nhà nước (không kể dầu thô).

Kinh tế tư nhân đã và đang góp phần tạo nhiều việc làm mới. Số lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân chiếm đa số lực lượng lao động và ngày càng tăng. Năm 2019, số lao động đang làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân chiếm 83,3% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc của cả nước, tương đương gần 45,2 triệu người. Trong 2 năm 2017-2018, số doanh nghiệp thành lập mới đã tạo gần 2,3 triệu việc làm mới.

Ngoài ra, kinh tế tư nhân cũng góp phần mở rộng nguồn thu và tăng thu NSNN. Năm 2018, thu NSNN từ hoạt động sản xuất kinh doanh của kinh tế tư nhân đã vượt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và vượt xa (gần 9%) khu vực doanh nghiệp nhà nước. Điều này cho thấy sự phát triển của kinh tế tư nhân đã phát huy vai trò đối với việc củng cố nền tài chính quốc gia.

Có thể nói, kinh tế tư nhân chính là động lực, là rường cột của nền kinh tế. Vì thế, trong quá trình phát triển đất nước, cần tạo thêm lực đẩy cho khu vực kinh tế này, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn, để có thể tạo ra những “sếu đầu đàn” bay cao, vươn xa, trở thành các tập đoàn kinh tế toàn cầu, đưa kinh tế đất nước bước lên vũ đài lịch sử mới.
Những chú “sếu đầu đàn” sẽ đưa Việt Nam bứt phá
Theo các chuyên gia kinh tế, trên thế giới, các cường quốc kinh tế có đặc điểm chung là luôn sở hữu những tập đoàn, công ty tư nhân đóng vai trò đầu tàu, là nền tảng đảm bảo sự phát triển vững mạnh của quốc gia. Tỷ lệ đóng góp trên GDP của khu vực kinh tế tư nhân tại các quốc gia phát triển luôn ở mức cao. Thống kê từ Tạp chí Fortune năm 2018 cho thấy, 500 tập đoàn kinh tế lớn nhất nước Mỹ có tổng doanh thu đạt 12,8 nghìn tỷ USD, đóng góp 2/3 GDP và sử dụng 28,2 triệu lao động trên toàn cầu. Trong khi đó, Hàn Quốc có các tập đoàn gia đình tài phiệt đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Theo dữ liệu của CEO Score, năm 2017, 10 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc ghi nhận doanh thu lên đến 677,8 tỷ USD, tương đương 44,2% tổng GDP của cả nước năm 2017. Tại Việt Nam, các tập đoàn kinh tế tư nhân đang ngày càng khẳng định vai trò và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, trở thành mũi nhọn tại một số lĩnh vực đầu tư như du lịch, chế biến thực phẩm, công nghệ viễn thông... Ở mỗi lĩnh vực kinh tế -xã hội đều có dấu ấn của những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn như Sun Group, Vingroup, Thaco, Masan, FPT, FLC… Đây được coi là những chú “sếu đầu đàn”, có vai trò đầu tàu dẫn dắt và tạo bệ phóng cho khu vực kinh tế tư nhân.
 
Có thể nói, kinh tế tư nhân đã và đang ngày càng chứng tỏ sức vóc lớn chưa từng thấy khi dám lao vào những lĩnh vực khó, khẳng định vị thế ngày càng quan trọng trong nền kinh tế cũng như trên đấu trường quốc tế. Hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân đã có thể làm được những việc mà trước đây chỉ nhà nước mới được làm như: Xây dựng sân bay, cảng biển quốc tế trị giá hàng nghìn tỷ đồng; sản xuất ô tô, tham gia vào lĩnh vực hàng không... Điển hình, tập đoàn Sun Group đầu tư hoàn thiện 3 công trình trọng điểm: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và đang đầu tư cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Trong đó, sân bay Vân Đồn được xây dựng chưa tới 2 năm, là công trình có thời gian xây dựng nhanh nhất Việt Nam, góp phần đưa cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được vinh danh là “Sân bay mới hàng đầu Châu Á 2019”.

Trong lĩnh vực hàng không, kể từ khi ra đời đến nay, hãng hàng không tư nhân Vietjet air đã đem cơ hội đi máy bay tới hàng triệu người dân có mức thu nhập trung bình. Tới đây, lĩnh vực này sẽ còn phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của các tập đoàn tư nhân như: FLC, Vingroup…, góp phần tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương.

Trong lĩnh vực sản xuất ô tô, suốt mấy chục năm qua, lực lượng kinh tế nhà nước đã không thể thực hiện được khát vọng ô tô “made in Vietnam” thì đến nay, các tập đoàn kinh tế tư nhân là Thaco, VinFast đang biến khát vọng đó thành hiện thực. Doanh nghiệp Việt đã có thể tự sản xuất ô tô, thậm chí, ô tô Vinfast còn xác lập 3 kỷ lục thế giới, gồm: Chỉ cần 21 tháng để hoàn tất việc xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền sản xuất để đi vào sản xuất hàng loạt; cho ra xe mẫu chỉ sau 11 tháng từ khi khởi công nhà máy; cho ra xe thương mại sau chưa đầy 2 năm.

Bên cạnh đó, những quần thể du lịch, vui chơi giải trí do các tập đoàn kinh tế tư nhân xây dựng cũng đang góp phần khẳng định Việt Nam là địa chỉ du lịch “đáng đến” tầm cỡ quốc tế. Trên bản đồ du lịch hiện nay, những điểm đến định hình chân dung du lịch rất rõ như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh, Phú Quốc… đều có dấu ấn của các tập đoàn tư nhân Việt. Những tập đoàn kinh tế tư nhân như Sun Group, Vingroup, FLC đã kiến tạo nên các công trình, dịch vụ, sản phẩm du lịch độc đáo và đa sắc xứng tầm quốc tế như: BaNa Hill, cầu Vàng, Khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl, FLC; Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; chuỗi Carnival đường phố khắp các tỉnh thành Hà Nội, Hạ Long, Sầm Sơn, Đà Nẵng… đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngành du lịch Việt.

Có thể nói, các tập đoàn kinh tế tư nhân không chỉ dẫn đầu ở các lĩnh vực hoạt động trong nước mà đã và đang xây dựng, phát triển thành công những sản phẩm, công trình mang tầm vóc khu vực và thế giới, giúp thăng hạng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo giới chuyên gia kinh tế, các tập đoàn lớn trong đó có tập đoàn tư nhân tại Việt Nam bắt đầu có  tên tuổi và giá trị tên tuổi của họ được định giá cao bởi các tổ chức chuyên nghiệp trên thế giới. Nhiều tập đoàn được định giá lên đến hàng chục, hàng trăm triệu USD, thậm chí cả tỷ USD. Theo Forbes Asia 2019, trong danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có 7 doanh nghiệp của Việt Nam đã lọt top danh sách này gồm: Masan Group, Thế giới Di động, Sabeco, Vietjet Air, Vinamilk, Techcombank và Vingroup. Cũng trong danh sách tỷ phú USD thế giới được Forbes mới vinh danh, đã có 5 tỷ phú USD đến từ Việt Nam. Điều đáng nói, những công ty và tỷ phú trên đều đến từ thành phần kinh tế tư nhân và danh sách này đang dần tăng lên hàng năm. Điều đó cho thấy vị thế lớn mạnh của khu vực tư nhân, không chỉ đóng góp cho nền kinh tế đất nước mà còn góp phần đưa tên tuổi của Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Kinh tế tư nhân được coi là biểu hiện sinh động nhất cho khát vọng hùng cường của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, trong tương lai, Việt Nam cần nhiều hơn nữa những doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh để tiếp tục nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế như phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019: ”Đến năm 2025-2030, chúng ta có khoảng vài ba chục“sếu đầu đàn” thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ vươn xa ra thế giới và không để mất thị trường trong nước”./.

 
Thu Hường

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top