Bắc Ninh: Kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 tiếp tục phục hồi và khởi sắc

07/10/2022 - 03:06 PM
Tiếp nối đà tăng trưởng từ những tháng trước đó, với sự quyết tâm cao, hành động quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân... bức tranh kinh tế-xã hội của tỉnh Bắc Ninh 9 tháng năm 2022 tiếp tục phục hồi và có nhiều khởi sắc.
 
Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng thu NSNN toàn tỉnh ước đạt 21.214 tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán năm 2022, giảm (-5,5%) so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: Thu nội địa đạt 15.287 tỷ đồng, bằng 65,7% và (-7,4%); thu từ Hải quan đạt 5.917 tỷ đồng, bằng 81,1% và (-0,3%). Một số khoản thu lớn có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Thu từ DN có vốn ĐTTTNN, đạt 64,1% và (+13,8%); Thu thuế ngoài nhà nước đạt 72,1% và (+22%); Thu thuế thu nhập cá nhân đạt 94,1% và (+18,7%). Có 2 khoản thu đạt tiến độ thấp là: Thu tiền sử dụng đất, đạt 28,5% dự toán năm và giảm nhiều (-69%) so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo thu thuế bảo vệ môi trường, đạt 50,4% và (-26,6%).

Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 10.685 tỷ đồng, bằng 56,8% dự toán năm 2022, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 4.860 tỷ đồng, bằng 74,2%, và (-34,7%); chi thường xuyên đạt 5.822 tỷ đồng bằng 54,6% và (+4,3%).

Cũng trong 9 tháng, toàn tỉnh Bắc Ninh đã cấp mới 41 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 14.159 tỷ đồng; cấp đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 88 dự án. Trong đó, có 30 dự án điều chỉnh với tổng số vốn điều chỉnh tăng 777 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh cấp 1.536 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt 250.425 tỷ đồng.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, tỉnh cấp mới 85 dự án với tổng vốn 169,5 triệu USD; cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh vốn 97 dự án với số vốn tăng 1.571 triệu USD. Hoạt động đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc là những quốc gia đầu tư lớn tại địa phương.

Lũy kế đến hết ngày 16/9, tỉnh Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho 1.767 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 22.924 triệu USD…. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu khi kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng của khối này đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, tỉnh đã nỗ lực tập trung triển khai, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Toàn tỉnh giải ngân vốn đầu tư công được 3.021 tỷ đồng, đạt 43,6% so với Kế hoạch vốn Chính phủ giao.

 
Kinh tế - xã hội Bắc Ninh -  9 tháng đầu năm 2022 tiếp tục phục hồi và khởi sắc

Ảnh minh họa: Nguồn internet

Tỉnh tiếp tục hướng dẫn triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022; phân bổ vốn đầu tư công đến từng chủ đầu tư theo từng nguồn vốn, từng lĩnh vực, chi tiết từng dự án theo đúng nguyên tắc, tiêu chí, quy định của trung ương và tỉnh. Hoàn thành giao 100% kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ, vốn ODA và thực hiện giao nguồn vốn ngân sách địa phương đối với các chương trình, dự án, nhiệm vụ đủ điều kiện theo đúng quy định. Thực hiện công khai, minh bạch, kế hoạch đầu tư công năm 2022 theo đúng quy định.

Địa phương đã tập trung đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu; khu công nghiệp Thuận Thành I; 2.000 căn hộ (8 tòa nhà 9 tầng) phục vụ công nhân, người lao động - thuộc dự Khu nhà ở xã hội tại huyện Yên Phong; Bệnh viện Sản - Nhi mở rộng tại thành phố Bắc Ninh. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn toàn tỉnh ước 43,6 nghìn tỷ đồng, đạt 62,3% kế hoạch, tăng 1,7% so với cùng kỳ; trong đó vốn nhà nước 5,58 nghìn tỷ, giảm 2,8%; vốn ngoài nhà nước 17,17 nghìn tỷ đồng, giảm 3%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 20,9 nghìn tỷ, tăng 7,2%; vốn đầu tư xây dựng cơ bản 29,8 nghìn tỷ, giảm 1,3%.

Tính chung 9 tháng, với các giải pháp đồng bộ hỗ trợ khôi phục sản xuất kinh doanh nên công nghiệp 9 tháng năm 2022 có sự tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11,75% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là mức tăng cao thứ 2 trong vòng 5 năm gần đây (2018-2022). Theo đánh giá chung, sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2022 được khôi phục về sản lượng sản xuất ở nhiều ngành, trong đó, ngành chủ lực SXSP điện tử, máy vi tính và SP quang học tăng (+12,99%).

Hoạt động sản xuất công nghiệp giữ ổn định cho thấy hiệu quả của các Nghị quyết và các giải pháp đồng bộ được thực hiện đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất công nghiệp; hơn 60% số sản phẩm đạt được mức tăng, trong đó có 4/6 sản phẩm chủ lực của tỉnh đạt được mức tăng, có 2 sản phẩm chủ lực của tỉnh đạt được mức tăng rất cao so với cùng kỳ như: Máy in; linh kiện điện tử. Nhờ tăng cường kết nối thị trường và đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa nên nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu và sản phẩm chủ lực vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 9 tháng năm 2022 tiếp tục duy trì tín hiệu tích cực. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, toàn tỉnh có 1.946 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 15.583 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, (+15,9%) về số doanh nghiệp nhưng (-25,1%) về tổng vốn đăng ký bổ sung. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 8 tỷ đồng (-35,4%) so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, còn có 694 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (+26,2%). Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường (18,4%) so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn gấp gần 1,9 lần so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đây là tín hiệu tốt, điều đó cho thấy xu hướng phục hồi SXKD.

Lũy kế đến 18/9/2022, trên địa bàn tỉnh có 22.006 DN đã đăng ký, tăng 6,8% so với cùng thời điểm năm trước, với tổng số vốn điều lệ đăng ký là 350.237 tỷ đồng, tăng 12,8% và 4.611 đơn vị trực thuộc, tăng 12,6%.

Trong 9 tháng năm 2022: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 61.762 tỷ đồng, tăng 40,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu bán lẻ hơn 48.493 tỷ đồng, tăng 42%; hoạt động lưu trú, ăn uống trên 4.979 tỷ đồng, tăng 29,5%. Các hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục và phát triển, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm tốt nên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao. Xuất khẩu 9 tháng đạt 35,2 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Nhập khẩu 9 tháng ước 30,1 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ.

Về hoạt động ngân hàng, tín dụng: Các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực triển khai công tác cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn vay của doanh nghiệp, người dân. Tính đến cuối tháng 9/2022, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 142.800 tỷ đồng, giảm nhẹ (-0,1%) so với tháng trước nhưng tăng nhiều (+23,1%) so với cùng tháng năm trước và tăng (+15,9%) so với thời điểm cuối năm 2021, trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 97.500 tỷ đồng, (-0,6%), (+29%) và (+18%); dư nợ cho vay trung, dài hạn đạt 45.300 tỷ đồng, (+1,1%), (+11,9%) và (+11,7%).

Công tác bảo hiểm: Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã nỗ lực trong công tác phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cũng như công tác thu và đôn đốc thu hồi nợ BHXH, BHYT. BHXH triển khai hiệu quả các chính sách về bảo hiểm, hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đặc biệt, những đối tượng yếu thế như hộ nghèo, cận nghèo, đều được tỉnh hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT. Đáng chú ý, trong đó, số người tham gia bảo hiểm tự nguyện tiếp tục tăng nhiều (+32,5%), 9 tháng năm 2022 BHXH trên địa bàn tỉnh cơ bản giữ ổn định.

Tính đến tháng 9/2022, ước tính số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 1.388,1 nghìn người, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: 1.373 nghìn người tham gia BHYT, tăng 1,4%; 408,4 nghìn người tham gia BHTN, tăng 1,0%; 420,4 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc tăng 1,3%; 14,9 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện tăng 32,5%.

Ước tính tổng số tiền thu BHXH, BHYT, BHTN trong 9 tháng năm 2022 là 7.120,5 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu BHXH bắt buộc là 5.360,8 tỷ đồng tăng 8,6%; thu BHXH tự nguyện là 71,4 tỷ đồng tăng 57,8%; thu BHYT là 1.466,1 tỷ đồng tăng 3,1%; thu BHTN là 217,7 tỷ đồng giảm 43,9%; thu lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN là 4,4 tỷ đồng, tăng 16,1%.

Du lịch Bắc Ninh được phục hồi nhanh, chương trình tuyên truyền, quảng bá du lịch, tổ chức các hoạt động, sự kiện hưởng ứng năm Du lịch Quốc gia 2022, giới thiệu Dân ca quan họ và tranh dân gian Đông Hồ tại triển lãm EXPO 2020... Tổng doanh thu du lịch 9 tháng năm 2022 ước đạt 645 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 104% so kế hoạch năm 2022; tổng lượt khách ước đạt 917.000 lượt, tăng 87% so với cùng kỳ, đạt 96% so kế hoạch năm.

Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe: Tính đến ngày 13/9/2022, tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm đủ mũi vắc xin là 98,98%; tỷ lệ người từ 12-17 tuổi tiêm đủ mũi vắc xin là 98,4%; Số trẻ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1 là 99,4%, tiêm đủ mũi là 84%. Tiếp tục triển khai thực hiện việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19 phục vụ ký số cấp Hộ chiếu vắc xin cho người dân số mũi tiêm đã được ký số xác nhận để cấp hộ chiếu vắc xin trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh là 400.510 mũi tiêm.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của tỉnh được tổ chức đa dạng, phù hợp, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân; phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của tỉnh như: Kỷ niệm 190 năm thành lập và 25 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất; kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ; Hội diễn “Tiếng hát công nhân, người lao động toàn quốc năm 2022”; Chương trình hát quan họ trên thuyền nhân dịp ngày Quốc khánh 2/9; tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước…

Với những kết quả tích cực đã đạt được trong những tháng đầu năm, những tháng cuối năm 2022, Bắc Ninh tiếp tục tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế; đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là một số công trình giao thông kết nối trọng điểm.

Nâng cao chất lượng nhân lực gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và bảo đảm trật tự an toàn xã hội./.
T.Hoa (TH)
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top