Kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2020 tạo đà và bứt phá

22/03/2021 - 09:36 AM
Giai đoạn 2016 -2020 đánh dấu những bước phát triển bứt phá của nền kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng. Kinh tế thành phố phát triển toàn diện, luôn duy trì tốc độ tãng trưởng cao, cơ cấu kinh tế, chất lượng tãng trưởng chuyển dịch theo đúng định hướng. Ðây là cơ sở vững chắc để thành phố tiến triển hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2025, trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, văn minh, bền vững vào nãm 2030.
 
Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố Hải Phòng phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện có nhiều thuận lợi, đó là tình hình kinh tế đất nước tiếp tục phát triển, kinh tế vĩ mô ổn định; thành phố được Trung ương dành cho sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ.
Đặc biệt, sau tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 24/01/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là cơ hội vô cùng to lớn, là “điểm tựa” quan trọng thúc đẩy Hải Phòng cất cánh mạnh mẽ trong thời kỳ mới.
 
Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn thành phố phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ, đó là sau Đại hội XV, đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp còn chưa được kiện toàn đầy đủ; hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế; nguồn lực và môi trường đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu. Môi trường đầu tư còn thiếu sức hấp dẫn, hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị phát triển chưa tương xứng với một thành phố cảng biển quốc tế, đô thị lớn thứ ba cả nước.
 
Bước vào năm cuối của nhiệm kỳ, đại dịch Covid-19 toàn cầu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội của cả nước cũng như thành phố. Trong bối cảnh chung đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm rất cao, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đã đạt được những thành tựu nổi bật, toàn diện, có tính đột phá.
 
Giai đoạn 2016-2020, Hải Phòng đã có những bước tiến dài trong phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Thành phố đã hoàn thành vượt mức 12/20 chỉ tiêu, trong đó có: 7/12 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch giao từ 1-3 năm, điển hình như thu nội địa (năm 2017 đã đạt 21.777 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra trước 03 năm; chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân 05 năm tăng 20,55%/năm, gấp 1,47 lần mục tiêu đề ra (tăng 14%/năm), gấp 2,12 lần so với giai đoạn 2011-2015 và gấp hơn 2 lần tốc độ tăng chung của cả nước; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 36,4%/năm, năm 2020 ước đạt 20,38 tỷ USD, vượt mục tiêu (12 đến 17 tỷ USD), gấp 4,7 lần năm 2015…
 
Kinh tế thành phố phát triển mạnh mẽ, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, GRDP bình quân 5 năm 2016- 2020 tăng 13,94%/năm, gấp 1,3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV đề ra (10,5%/năm), gấp 1,97 lần giai đoạn 2011-2015 (7,08%/năm). Quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng, năm 2020 ước đạt 276,6 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 12 tỷ USD), gấp 2,1 lần so với năm 2015 (131,3 nghìn tỷ đồng), đứng thứ 2 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 5.863 USD, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV đề ra (5.600 USD), gấp gần 2 lần so với năm 2015 (3.042 USD), gấp gần 2 lần của cả nước (3.000 USD).
 
Đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố là sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp. Công nghiệp thành phố phát triển cả về quy mô, chất lượng và tốc độ. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2020 ước đạt 86.482 tỷ đồng, gấp 2,57 lần so với năm 2015 (33.626 tỷ đồng), tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 20,8%/năm, gấp 1,78 lần giai đoạn 2011-2015 (11,69%/năm). Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP tăng từ 25,12%, năm 2015 lên 39,15% năm 2020. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo tăng nhanh từ 16,4% năm 2015 lên 45,5% năm 2020.
 
Giai đoạn 2016-2020, có 89,7% vốn FDI đầu tư vào các ngành công nghiệp thành phố, trong đó có 89,5% vốn FDI đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, với nhiều dự án trên dưới 1 tỷ USD của nhiều nhà đầu tư lớn, trong đó đóng góp chủ lực của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đầu tư trên 06 tỷ USD vào Tổ hợp nhà máy sản xuất linh kiện điện tử hiện đại, có giá trị thương mại cao.
 
Bên cạnh các dự án FDI đầu tư góp phần thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp thành phố, các dự án đầu tư trong nước cũng khẳng định sự phát triển bền vững của các ngành công nghiệp truyền thống như: Đóng tàu, sản xuất xi măng, sản xuất phôi thép, thép cán, kết cấu thép; sản xuất và phân phối điện; sản xuất da giày, dệt may; sản xuất, lắp ráp ô tô; gia công lắp ráp linh phụ kiện... Đặc biệt, năm 2017 Tập đoàn Vingroup đầu tư và hoàn thành Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast tổng vốn đầu tư trên 03 tỷ USD. Cùng với đó, sau hơn một năm triển khai đầu tư xây dựng, tháng 11/2018 Nhà máy sản xuất xe máy điện đã chính thức đi vào hoạt động. Tạo sự chuyển biến cơ bản trong tái cấu trúc lại ngành công nghiệp thành phố, khẳng định Hải Phòng là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước.
 
Kinh tế dịch vụ phát triển nhanh, ngày càng khẳng định vai trò chủ lực của kinh tế thành phố. Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ (giá so sánh) năm 2020 ước đạt 72,3 nghìn tỷ đồng, gấp 1,57 lần năm 2015, tăng bình quân 9,46%/năm. Trong khu vực dịch vụ, hoạt động thương mại phát triển khá mạnh và toàn diện, từng bước khẳng định vị trí là trung tâm thương mại lớn của cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 12,63%/năm giai đoạn 2016-2020; năm 2020 ước đạt 144,7 nghìn tỷ đồng, gấp 1,81 lần năm 2015. Đặc biệt với sự khai trương Trung tâm Thương mại AEON MALL Hải Phòng - Lê Chân vào 24/12/2020 là TTTM Nhật Bản đầu tiên và lớn nhất tại thành phố Hải Phòng, đồng thời là TTTM lớn thứ 3 tại miền Bắc đã đánh dấu sự phát triển lớn mạnh của TM-DV thành phố.
 
Bên cạnh đó, với vị trí là một trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của cả nước, hạ tầng cảng biển Thành phố được nâng cấp và đầu tư xây dựng mới theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển vận tải biển khu vực và quốc tế. Cảng nước sâu Nam Đình Vũ và cảng Container quốc tế Hải Phòng được đưa vào khai thác từ tháng 5/2018 làm giảm tải cho các cảng nằm sâu trong nội địa và tăng năng lực tiếp nhận hàng hóa, đóng góp vào tăng trưởng của ngành vận tải, kho bãi. Tổng lượng hàng hóa qua cảng tăng nhanh, tăng bình quân 15,9%/năm, năm 2018 đạt gần 110 triệu tấn, vượt chỉ tiêu đề ra trước 02 năm, năm 2020 ước đạt 142,87 triệu tấn gấp 2,1 lần năm 2015, khẳng định rõ vai trò cảng cửa ngõ lớn nhất miền Bắc.
 
Nhờ đó dịch vụ vận tải và hỗ trợ vận tải trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển, khối lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa tăng trưởng ổn định qua các năm, bình quân tăng 10%/năm; hoạt động vận tải phát triển ở cả 4 loại hình: đường bộ, đường biển, đường sắt, hàng không.
 
Ngành du lịch thành phố duy trì mức tăng trưởng ổn định. Công tác quản lý nhà nước, quảng bá, xúc tiến du lịch ngày càng được chú trọng. Chất lượng sản phẩm du lịch được nâng cao. Nổi bật là từ cuối năm 2016, thành phố đã có bước phát triển đột phá trong thu hút đầu tư du lịch với sự có mặt của hàng loạt các tập đoàn lớn như Vingroup, Sungroup, Him Lam, FLC, Xuân Trường, Flamingo... Lượng khách du lịch tăng bình quân 5,72%/năm; năm 2018 đón 7,8 triệu lượt khách, hoàn thành mục tiêu Đại hội XV đề ra trước 03 năm; năm 2020 tổng lượt khách du lịch trên địa bàn thành phố ước đạt 7,51 nghìn lượt.
 
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từng bước khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn từ sản xuất đến chế biến được quan tâm, cơ cấu lại sản phẩm theo lợi thế và nhu cầu thị trường đã thúc đẩy sản xuất của khu vực này. Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2020 theo giá so sánh năm 2010 đạt 7.342 tỷ đồng, tăng 582 tỷ đồng so với năm 2015.
 
Môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020 đạt 564 nghìn tỷ đồng, cao gấp 1,28 lần chỉ tiêu Đại hội XV đề ra và gấp 3 lần giai đoạn 2011-2015. Cơ cấu vốn đầu tư chuyển mạnh theo hướng xã hội hóa. Trong đó, vốn khu vực ngoài Nhà nước và FDI đạt trên 500 nghìn tỷ đồng, gấp 3,67 lần so với nhiệm kỳ trước. Vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 9,41 tỷ USD, gấp 1,23 lần giai đoạn trước.
 
Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được nâng lên, hệ số ICOR giai đoạn 2016 - 2020 là 3,48 thấp hơn 1,52 lần so với giai đoạn 2011 - 2015 (5,29) và thấp hơn 1,75 lần so với bình quân chung cả nước (6,1).
 
Kinh tế thành phố từng bước được cơ cấu lại, có chuyển biến tích cực; mô hình tăng trưởng được đổi mới, phát triển theo chiều sâu; năng suất, chất lượng, hiệu quả được nâng cao: chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được nâng lên đáng kể. Năng suất lao động tăng 14,04%/năm, gấp 2,42 lần bình quân chung cả nước (5,8%/năm); năm 2020 ước đạt 254,99 triệu đồng/lao động (theo giá hiện hành), gấp 2,12 lần so với năm 2015 và gấp 2,05 lần bình quân chung cả nước (124,4 triệu đồng/lao động).

Cùng với tốc độ tăng cao liên tục và khá ổn định của GRDP trong giai đoạn 2016-2020, cơ cấu ngành kinh tế thành phố chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, tỷ trọng giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ phát triển mạnh, tăng từ 92,48% năm 2015 lên 95,08% năm 2020; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từ 7,52% giảm còn 4,92%. Đặc biệt trong giai đoạn 2016-2020, khu vực công nghiệp - xây dựng có bước phát triển nhảy vọt, tăng từ 39,91% năm 2015 lên 52,99% năm 2020, vượt xa dự kiến mà mục tiêu Đại hội XV đề ra (37,7%); do vậy, tỷ trọng giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ giảm từ 52,56% năm 2015 còn 42,09% năm 2020 đã cho thấy giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn được đầu tư mạnh mẽ cơ sở nền tảng vật chất kỹ thuật cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố.
 
Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch có bước phát triển mới, không gian đô thị được mở rộng; kết cấu hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ. Công tác xây dựng, phát triển đô thị được triển khai nghiêm túc theo đúng định hướng Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố. Khu vực đô thị trung tâm thành phố đã được quan tâm đầu tư theo hướng văn minh, hiện đại, đã hình thành nhiều khu đô thị mới phù hợp với bản sắc kiến trúc đô thị Hải Phòng, như: Khu đô thị Vinhomes Imperia của Tập đoàn Vingroup, các khu đô thị của Tập đoàn Hoàng Huy, khu đô thị ven sông Lạch Tray của Tập đoàn Agape, một số khách sạn 5 sao, Trung tâm thương mại Aeon Mall. Các công trình phúc lợi công cộng được quan tâm đầu tư như mở rộng, xây dựng mới một số bệnh viện, trường học; cải tạo, mở rộng sông Tam Bạc; hoàn thiện chỉnh trang toàn bộ dải trung tâm thành phố và một số công viên cây xanh. Các ngõ phố, hè đường được đầu tư chỉnh trang đồng bộ, hình thành một số cầu vượt, nút giao thông hiện đại.
 
Không gian đô thị đã được mở rộng, phát triển về 3 hướng đột phá. Hướng phát triển về phía Bắc sông Cấm: đã hoàn thành cầu Hoàng Văn Thụ, hạ tầng giao thông kết nối, các công trình lớn Khu công nghiệp VSIP, đảo Vũ Yên. Hướng phát triển về phía Cát Hải - Cát Bà: đã hoàn thành Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast, hệ thống cáp treo vượt biển Cát Hải - Cát Bà, một số dự án nghỉ dưỡng cao cấp tại Cát Bà, 02 bến khởi động Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Hướng phát triển về phía Đồ Sơn, ven sông Lạch Tray: đã hình thành một số khu đô thị sinh thái, trung tâm thương mại, bệnh viện quốc tế, khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí, bãi biển nhân tạo Đồ Sơn.
 
Điểm nổi bật nhất giai đoạn 2016 - 2020 là thành phố đã hoàn thành hàng chục tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, cùng 46 cây cầu các loại, trong đó có nhiều cây cầu lớn. Các công trình đều đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật, mỹ thuật, hiện đại, góp phần làm thay đổi căn bản hạ tầng giao thông thành phố.
 
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố ban hành nhiều cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Theo chủ trương của Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành cơ chế hỗ trợ xi măng để Nhân dân xây dựng đường thôn xóm, đường nội đồng; hỗ trợ gạch, xi măng để xây mới, sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách. Nhờ có cơ chế sáng tạo này, thành phố đã huy động được một nguồn lực lớn từ sự đóng góp tự nguyện của Nhân dân, đã hoàn thành 5.000 km đường nông thôn, xây dựng mới hàng nghìn ngôi nhà cho các gia đình chính sách. Tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 đạt 40.396 tỷ đồng, gấp 2,5 lần giai đoạn 2011 - 2015 (15.857 tỷ đồng); trong đó Nhân dân đóng góp 5.865 tỷ đồng. Đến năm 2019, đã có 100% số xã (139/139 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu Đại hội XV đề ra trước 01 năm.
 
Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, an sinh xã hội được quan tâm đầu tư lớn, có nhiều cơ chế, chính sách vượt trội như: Chính sách hỗ trợ 100% học phí cho học sinh các cấp; khen thưởng đối với đội ngũ giáo viên, học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; thưởng cho các vận động viên, huấn luyện viên đạt thành tích tại giải thể thao khu vực và quốc tế; triển khai Đề án sân khấu truyền hình; nâng mức trợ giúp xã hội cho các đối tượng chính sách, gấp 1,4 lần quy định của Chính phủ; cấp gạch, xi măng, hỗ trợ tiền để xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách…Hạ tầng lĩnh vực y tế, giáo dục – đào tạo được tập trung đầu tư, hiện đại.
 
Những kết quả trên cho thấy, sự phát triển kinh tế thành phố đã gắn liền với quá trình cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân; nhân dân thực sự là người thụ hưởng những thành quả phát triển kinh tế của thành phố. Đồng thời khẳng định đời sống nhân dân cải thiện, nâng cao chính là khẳng định chủ trương đúng đắn, hiệu quả từ việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội.
 
Mặc dù đạt được một số kết quả bước đầu, kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục như: Thu ngân sách nhà nước đã có bước tăng trưởng cao song vẫn còn thất thu, thất thoát trên nhiều lĩnh vực. Hệ thống hạ tầng giao thông chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ. Hạ tầng đô thị tuy có được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số dự án đầu tư kéo dài nhiều năm nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
 
Trong những năm tới, tình hình kinh tế, chính trị thế giới sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường sẽ ảnh hướng lớn, tác động tiêu cực tới tốc độ phát triển kinh tế và đời sống kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và Tp. Hải Phòng nói riêng.
 
Mục tiêu đến năm 2025, thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm phát triển kinh tế biển, trung tâm du lịch quốc tế; hoàn thành xây dựng Trung tâm hành chính - chính trị thành phố tại Khu đô thị Bắc sông Cấm; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững; có tổ chức Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo nền tảng vững chắc để trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030.
 
Để phấn đấu đạt được những mục tiêu đó, thành phố đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đó là:
1. Tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển

2. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 03 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao; cảng biển - logistics; du lịch - thương mại.

3. Xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại

4. Đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phù hợp với quá trình đô thị hóa

5. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng

6. Xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế của vùng Duyên hải Bắc Bộ; trọng điểm phát triển khoa học - công nghệ biển của cả nước

7. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân

8. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

9. Củng cố quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

10. Triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, củng cố môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi để phát triển thành phố. /.
Lê Gia Phong
Cục trưởng Cục Thống kế TP. Hải Phòng

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top