Kinh tế - Xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Lào Cai: Những tín hiệu khởi sắc

09/12/2019 - 03:35 PM
 
Trong những năm qua, nhằm thực hiện tốt các chính sách dân tộc, Lào Cai đã huy động tổng hợp các nguồn lực (thông qua các chương trình mục tiêu Quốc gia, đề án hỗ trợ của Trung ương, nguồn nội lực của tỉnh và nguồn xã hội hóa...) để triển khai hơn 120 chính sách hỗ trợ cho vùng DTTS và đồng bào DTTS. Nhờ các nguồn lực đầu tư hỗ trợ này, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Lào Cai đã có những chuyển biến rõ nét trên tất cả các lĩnh vực, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên đáng kể, diện mạo nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã thay đổi cơ bản, từng bước khởi sắc.

Chuyển biến rõ nét và toàn diện
 
Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, có diện tích tự nhiên đứng thứ 19/63 tỉnh, thành trong cả nước; dân số 730,4 nghìn người, gồm 25 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 66,2% dân số toàn tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 37/164 xã thuộc khu vực II, 102/164 xã thuộc khu vực III và 2 xã biên giới được hưởng Chính sách 135.
 
Kinh tế - Xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Lào Cai: Những tín hiệu khởi sắc

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Với xuất phát điểm thấp, Lào Cai ưu tiên tập trung các nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng. Chỉ tính riêng Chương trình 135, giai đoạn 2014-2018, tỉnh đã được bố trí gần 877,7 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ  và hỗ trợ phát triển sản xuất. Hàng năm, tỉnh dành hơn 70% nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng nông thôn, vùng cao, vùng DTTS. Đến nay, diện mạo vùng nông thôn đã có nhiều thay đổi: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã và có điện lưới quốc gia; 93,1% thôn và 95,9% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia (tăng khoảng 35% so với năm 2014); 100% xã có trạm y tế, trong đó có 135 trạm y tế được đầu tư xây mới trong giai đoạn 2014-2019; 72% hộ nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 90% người dân ở khu vực nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% cơ sở giáo dục có lớp học kiên cố tại trường chính…

Cùng với sự phát triển của kết cấu hạ tầng, sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa có sự chuyển biến cả về chất và lượng. Phổ cập giáo dục tiểu học và THCS tiếp tục được củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT đều đạt từ 98% trở lên. Nhiều thầy cô giáo, học sinh là người DTTS đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt. Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 44 học sinh đạt giải cấp quốc gia, trong đó có 3 học sinh là người DTTS. Toàn tỉnh hiện có 9/9 trường phổ thông dân tộc nội trú có cấp THPT, trong đó có 2 trường đạt chuẩn quốc gia; 128 trường phổ thông dân tộc bán trú với 51/128 trường đạt chuẩn quốc gia; 8/9 trường phổ thông dân tộc nội trú có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%; điểm trung bình các trường phổ thông dân tộc nội trú đứng đầu toàn tỉnh...

Hệ thống y tế được củng cố, phát triển từ tuyến tỉnh đến cơ sở; đội ngũ y sỹ, bác sỹ là người DTTS được tăng cường, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ. Toàn tỉnh hiện có 4.835 cán bộ y tế, trong đó có 212 bác sỹ là người DTTS. Công tác cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách, người DTTS, người nghèo và trẻ dưới 6 tuổi được quan tâm; số lần khám - chữa bệnh hàng năm đạt cao (hơn 2,76 lần/người/năm); đồng bào DTTS đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa được đẩy mạnh. Có 15 nghìn hiện vật được sưu tầm, lưu giữ, trong đó nhiều hiện vật có giá trị cao về lịch sử, văn hóa và khoa học của đồng bào các DTTS tỉnh Lào Cai. Một số lễ hội tiêu biểu của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy, Bố Y, Hà Nhì... được bảo tồn, phát triển.

Đồng bào các DTTS tỉnh Lào Cai tích cực hưởng ứng và đóng góp công sức, tiền của, trí tuệ để xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, trật tự an toàn xã hội... Nhiều tấm gương tiêu biểu về hiến đất, góp tiền, ngày công xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế… nhiều mô hình kinh tế do đồng bào DTTS làm chủ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; thậm chí có những mô hình kinh tế cho thu nhập tiền tỷ.

Giai đoạn 2014-2019, mặc dù còn nhiều khó khăn, song, với sự chung tay, góp sức của đồng bào các DTTS, kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai đã đạt được những thành tựu to lớn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, cả giai đoạn đạt hơn 10%, đứng thứ 3 trong số 14 tỉnh, thành phố vùng trung du, miền núi phía Bắc và đứng ở tốp đầu các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 chỉ bằng 1/2 mức bình quân của cả nước nhưng năm 2018 đã tăng lên 61,84 triệu đồng/người và cao hơn mức bình quân của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm khoảng 5-6%. Diện mạo đô thị, nông thôn và vùng cao ngày càng đổi mới.


Tiếp tục nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ
 
Những kết quả tích cực đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS tại Lào Cai đã khẳng định các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đã đi vào cuộc sống và mang lại giá trị to lớn. Trong tháng 10/2019, theo chương trình Điều tra Thống kê quốc gia, Tỉnh triển khai thực hiện Điều tra đánh giá thực trạng kinh tế xã hội 53 DTTS năm 2019 trên phạm vi toàn tỉnh. Đây là cơ hội để tỉnh có thông tin chính xác về sự phát triển của từng khu vực, từng vùng miền, từng dân tộc với các bản sắc văn hóa đặc thù riêng biệt. Đây là căn cứ quan trọng để Lào Cái thực hiện xây dựng chính sách phù hợp phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ, tỉnh cần chỉ đạo thực hiện đồng bộ, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực, chương trình, chính sách, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại vùng dân tộc và miền núi; tập trung vào các chính sách phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Ưu tiên bố trí ngân sách, xây dựng và triển khai đề án tập trung cho những thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này, khai thác lợi thế để phát triển kinh tế lâm nghiệp, cây đặc sản, chăn nuôi, du lịch... Tiếp tục đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo; thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ gạo, tiền; đầu tư phát triển hệ thống y tế; đào tạo nhân lực y tế để chăm sóc 
sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng dân số gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân; khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân.
 
Quan trọng hơn, khi Đề án Tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được Quốc hội thông qua, trở thành “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi” sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển mới cho vùng DTTS và miền núi của tỉnh Lào Cai./.

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top