Kỷ niệm về nghiên cứu khoa học gắn với hoạt động thực tế trong công tác thống kê

18/02/2021 - 03:53 PM
Sau khi tốt nghiệp khoa Thống kê, Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là đại học Kinh tế Quốc dân), tháng 9 năm 1970, tôi về công tác tại Chi Cục Thống kê Thái Bình (nay là Cục Thống kê tỉnh Thái Bình). Phần vì được trở về quê hương công tác, biên chế ở Phòng Thống kê Công nghiệp, lại làm đúng theo ngành nghề đã được đào tạo là Thống kê Công nghiệp, nên tôi rất phấn khởi và điều đó đã tạo cho tôi động lực ban đầu vô cùng quan trọng để đi sâu vào công việc chuyên môn của mình.

Thời kỳ tôi công tác ở Cục Thống kê tỉnh Thái Bình cũng là thời kỳ nền kinh tế Việt Nam vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp; đồng thời lại là những năm nhà nước có chủ trương thống nhất Thống kê với Kế toán, nên cán bộ Thống kê có điều kiện để tiếp cận nhiều với cơ sở.

Được phân công theo dõi Thống kê Công nghiệp, lại là khối xí nghiệp công nghiệp quốc doanh nên tôi thường xuyên đi cơ sở, có điều kiện am hiểu sâu sắc các chỉ tiêu thống kê của xí nghiệp, trong đó có cả các chỉ tiêu thống kê tài chính.

7 năm công tác ở Thái Bình là thời gian mang đến cho tôi những nhiệt huyết đam mê, cống hiến cho công tác chuyên môn, cảm xúc khó quên và những kỷ niệm về nghiên cứu khoa học ứng dụng trong thực tế thống kê. Mỗi kỷ niệm là một niềm vui, ký ức của tuổi trẻ, nhưng có lẽ một trong những dấu ấn đọng lại trong tôi sâu sắc nhất là sự kiện xuống xí nghiệp để nghiên cứu đánh giá lại khoản mục chi phí vật liệu trong giá thành sản phẩm gạch, ngói.

Đó là vào thời điểm những năm 1973,1974, nhiều xí nghiệp sản xuất gạch ngói ở tỉnh (Thái Bình khi đó có 10 xí nghiệp sản xuất gạch ngói; trong đó 7 huyện có 7 xí nghiệp, và Thị xã Thái Bình có 2 xí nghiệp là ngói Quang Trung và gạch Tiền Phong) đã phản ảnh với Cục Thống kê tỉnh (trực tiếp là Phòng Thống kê Công nghiệp) một hiện tượng chung là, thời gian qua giá đất ở nơi sản xuất gạch ngói không tăng nhưng chi phí vật liệu trong giá thành sản phẩm gạch ngói lại tăng lên đáng kể và các xí nghiệp mong được Thống kê làm rõ.

Trước hiện tượng đó, tôi đã báo cáo và đề nghị lãnh đạo cho đi cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu ở Xí nghiệp gạch ngói Kiến Giang trong thời gian 1 tháng.

Những ngày đầu xuống Xí nghiệp, tôi đã làm việc với cán bộ Thống kê và bộ phận Kế toán của Xí nghiệp để tìm hiểu tính chất và nội dung của hạch toán giá thành sản phẩm gạch ngói ở cơ sở, sau đó đi quan sát quy trình sản suất gạch ngói ở hiện trường và thực tế tôi nhận thấy có hai trường hợp đáng lưu ý, đó là: Thứ nhất, những sản phẩm gạch ngói ở dạng sản phẩm dở dang hoặc bán thành phẩm như gạch mới nhào đùn theo dây chuyền sản xuất thì có một số sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định đã phải bỏ đi để nhào đùn lại; Thứ hai, trong quá trình vận chuyển gạch mộc, ngói mộc (lúc đó chủ yếu là vận chuyển bằng xe cút kít) từ vị trí này đến vị trí kia nên hay bị rơi vỡ; số rơi vỡ có thể lại được bỏ vào nhào trộn để sản xuất lại.

Hai trường hợp trên đây là khá phổ biến và thực chất đó là thiệt hại sản phẩm hỏng, nhưng đối chiếu với nội dung hạch toán giá thành sản phẩm gạch, ngói ở xí nghiệp thì lại tính vào chi phí vật liệu. Chính vì vậy, chi phí vật liệu thì tăng lên, còn chi phí thiệt hại sản phẩm hỏng lại hạch toán chưa hết. Lưu ý là thực tế ở các xí nghiệp gạch ngói lúc đó, chi phí thiệt hại sản phẩm hỏng chỉ xác định được: Thứ nhất, đối với những sản phẩm đưa vào nung đốt ở công đoạn cuối cùng sau kết quả được xác định là gạch, ngói non không bảo đảm tiêu chuẩn về độ ngậm nước hoặc gạch ngói khê phồng không bảo đảm chất lượng; và Thứ hai đối với những sản phẩm là gạch mộc, ngói mộc bị thiệt hại hàng loạt do mưa bão hoặc nguyên nhân khác có biên bản xác nhận kèm theo.

Trước tình hình trên, tôi đã tiến hành thực hiện một cuộc điều tra mẫu nhỏ, rải mẫu theo thời gian nhằm thu thập dữ liệu để đánh giá chất lượng thông tin và điều chỉnh số liệu liên quan đến giá thành sản phẩm gạch ngói.

Từ kết quả điều tra, tôi đã xác định mức độ thiệt hại sản phẩm gạch, ngói và tính toán chi phí thiệt hại sản phẩm hỏng bình quân cho 1000 viên gạch và 1000 viên ngói (gọi là thiệt hại sản phẩm hỏng bổ sung) theo hai trường hợp thiệt hại sản phẩm hỏng mới xác định ở trên.

Như vậy tổng chi phí để sản suất ra 1000 viên gạch và 1000 viên ngói không thay đổi, nhưng chi phí vật liệu sẽ trừ đi phần chi phí thiệt hại sản phẩm hỏng bổ sung, còn chi phí chi phí thiệt hại sản phẩm hỏng nói chung sẽ được cộng thêm chi phí thiệt hại sản phẩm hỏng bổ sung thì mới đúng.

Kết quả số liệu tính toán, điều chỉnh lại chi phí vật liệu và chi phí thiệt hại sản phẩm hỏng trong giá thành sản phẩm gạch ngói đã được Xí nghiệp gạch ngói Kiến Giang thừa nhận là khá hợp lý và đem liên hệ với một số xí nghiệp sản xuất gạch ngói khác trong tỉnh thì cũng thấy là có xu thế phù hợp.

Với kết quả nghiên cứu điều tra, tính toán thu được tôi đã viết thành chuyên đề khoa học: “Đánh giá, phân tích giá thành sản phẩm của Xí nghiệp gạch, ngói Kiến Giang”. Chuyên đề này đã được Cục Thống kê tỉnh Thái Bình đánh giá cao và xác định là chuyên đề khoa học có ý nghĩa thiết thực cả về lý luận lẫn thực tiễn. Sau đó Cục Thống kê tỉnh Thái Bình đã tổ chức hội thảo khoa học để tôi báo cáo trước tất cả các đại diện về Thống kê và Kế toán của các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh và Thống kê, Kế toán của các sở, ban ngành có liên quan trong tỉnh. Ngoài ra, chuyên đề còn là tài liệu tham khảo quan trọng phục vụ cho yêu cầu nghiên cứu để chỉnh lý các khoản chi phí vật liệu và chi chi phí thiệt hại sản phẩm hỏng trong giá thành sản phẩm của nhiều xí nghiệp sản xuất gạch ngói khác.

Khi đánh giá bình bầu danh hiệu thi đua cuối năm, chuyên đề này của tôi được lựa chọn là sáng kiến cải tiến trong công tác chuyên môn và tôi được công nhận là “Chiến sỹ Thi đua” của tỉnh.

Chuyên đề khoa học: “Đánh giá, phân tích giá thành sản phẩm của xí nghiệp gạch, ngói Kiến Giang” tuy là kết quả nghiên cứu ban đầu, nhưng đó là cách tư duy và phương pháp nghiên cứu rất có ý nghĩa, và điều đó 
đã giúp tôi thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học gắn liền với hoạt động thực tế trong thời gian tôi công tác ở Vụ Thống kê Tổng hợp và ở Viện Nghiên cứu Thống kê thuộc Tổng cục Thống kê./.
 
Hà Nội, ngày 8 tháng 12 năm 2020
(Ghi chép của PGS. TS. Tăng Văn Khiên
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thống kê - TCTK)
 
  

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top