Lai Châu: Nỗ lực trong đảm bảo an sinh xã hội

17/10/2022 - 02:52 PM
Là một tỉnh biên giới thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam, Lai Châu có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội phát triển còn chậm. Với 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 85%, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn… Do vậy, Lai Châu luôn xác định an sinh xã hội tại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được toàn hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, đoàn thể đặc biệt quan tâm.  
 
Để nâng cao hiệu quả công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Lai Châu, trong công tác giáo dục, dạy nghề cho lao động, những năm qua, các cấp ủy đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp năm 2022; Ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác đào tạo nghề năm 2022, chỉ đạo tăng cường triển khai hoạt động đào tạo nghề cho lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỉnh đã đào tạo nghề cho 1.185/8.000 chỉ tiêu, đạt 14,8% kế hoạch giao, trong đó đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên cho lao động nông thôn đạt 1.115/7.450 chỉ tiêu, đạt 15% kế hoạch giao.

Cục Thống kê tỉnh Lai Châu cho biết, trong quý III năm 2022, ước số người thiếu việc làm toàn tỉnh khoảng 3.404 người, chiếm 1,34% so với tổng số lực lượng lao động, số người thất nghiệp là 1.512 người, chiếm 0,61% so với lực lượng lao động. Số người thất nghiệp này chủ yếu là học sinh, sinh viên vừa học xong các trường chuyên nghiệp về địa phương chưa tìm được việc làm và người mắc các tệ nạn xã hội... trong độ tuổi lao động nhưng không tìm được việc làm. Tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp giảm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước do năm 2022 tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại bình thường. Cùng với nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ, giới thiệu việc làm của tỉnh nên tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm.

Số người từ 15 tuổi trở lên quý III năm 2022 trên địa bàn tỉnh Lai Châu ước khoảng 318.150 người, chiếm 65,76% so với tổng dân số. Trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 254.023 người (khái niệm mới ILSC19) chiếm 79,34% trong tổng số người từ 15 tuổi trở lên; lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc ước tính khoảng 247.965 người, chiếm 97,62% so với lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên.

Nhờ thực hiện đô thị hóa, những chính sách khuyến khích đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa ngành nghề sản xuất kinh doanh... tạo nhiều việc làm mới khu vực thành thị. Tuy nhiên, dân số khu vực nông thôn vẫn chiếm tỉ lệ cao (82,34% dân số toàn tỉnh), lao động chủ yếu tham gia lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp nên vẫn còn một tỷ lệ khá cao lực lượng lao động tập trung ở khu vực nông thôn.

 
Lai Châu: Nỗ lực trong đảm bảo an sinh xã hội

Ảnh minh họa: Nguồn internet

Trong công tác giảm nghèo, giai đoạn 2021-2025, Lai Châu phấn đấu giảm bình quân hộ nghèo 3%/năm, huyện nghèo giảm 4%/năm. Để đạt được mục tiêu, Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Lai Châu chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh xác định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh đã tập trung vào các vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn và những lĩnh vực có lợi thế của địa phương, phù hợp với trình độ nhận thức của người dân. Lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nước sạch, thủy lợi... Mặt khác, hỗ trợ cây, con giống, máy móc, mô hình sản xuất cho người dân phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Tỉnh đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổng kết thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.

Thông qua Ngân hàng Chính sách tiếp tục giải ngân cho các cá nhân thuộc diện vay với lãi suất ưu đãi trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: Tính đến 31/08/2022, đã cho vay ưu đãi hộ nghèo 297.613 triệu đồng cho 4.683 khách hàng; Cho vay giải quyết việc làm 215.130 triệu đồng cho 2.961 khách hàng; Hỗ trợ hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn 57.382 triệu đồng cho 1.310 khách hàng; Cho vay nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường 63.575 triệu đồng cho 3.224 khách hàng.

Về bảo trợ xã hội: Trong 9 tháng đầu năm 2022 HĐND, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định liên quan đến công tác bảo trợ xã hội của tỉnh. Cụ thể: Quyết định phê duyệt hỗ trợ 5.128 hộ nghèo không có khả năng ăn Tết, với 20.996 khẩu, tổng số tiền là 4.199,2 triệu đồng; Quyết định về việc phê duyệt danh sách 358 người người cao tuổi thọ 90, 100 tuổi được chúc thọ, mừng thọ năm 2022, trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Quyết định về việc phân bổ gạo cứu đói giáp hạt năm 2022, phân bổ 548,19 tấn gạo cứu đói giáp hạt cho 8.848 hộ/36.546 khẩu tại các huyện, thành phố; Triển khai tặng quà của Tập đoàn VNPT hỗ trợ hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Đã triển khai 400 suất quà của Tập đoàn Bưu chính viên thông Việt Nam hỗ trợ cho hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn của 4 huyện Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè và Than Uyên (mỗi suất 500.000 đồng, tổng giá trị là 200 triệu đồng); Tổ chức trao tặng 1.085 suất quà và tiền mặt trị giá 554,8 triệu đồng cho trẻ em nghèo, mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ 25 gia đình có trẻ em bị chết do đuối nước, tai nạn giao thông và trẻ em bị mắc bệnh hiểm nghèo với mức hỗ trợ 02 triệu đồng/gia đình; hỗ trợ khám tim mạch miễn phí, tiền ăn, đi lại, hỗ trợ phẫu thuật tim cho 2.052 trẻ em với tổng số tiền là 691,290 triệu đồng; hỗ trợ khám miễn phí cho 260 trẻ em khuyết tật, trong đó hỗ trợ tiền ăn, đi lại cho 174 trẻ em với tổng kinh phí 78,06 triệu đồng...

Công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả với mục tiêu “hướng tới bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân”. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được thực hiện, chú trọng tuyên truyền Nghị quyết số 28-NQ/TW và các văn bản của tỉnh, quy định mới trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Báo Lai Châu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh... thường xuyên duy trì tin, bài trong chuyên mục “Hướng tới bảo hiểm toàn dân”. Hình thức thông tin tuyên truyền đa dạng, phong phú, thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, người lao động, người sử dụng lao động. Tổ chức hội nghị đối thoại chính sách, tuyên truyền trực tiếp đến nhân dân; tổ chức hội nghị tuyên truyền phát triển đối tượng, phù hợp với đặc thù dân cư, địa lý, tập quán sinh hoạt và văn hóa góp phần nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, người sử dụng lao động, người lao động và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa và tính nhân văn của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong hệ thống chính sách an sinh xã hội.

Công tác vận động nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được triển khai thực hiện. UBND tỉnh, các huyện, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp góp phần quan trọng vào kết quả phát triển đối tượng tham gia. Tính đến 25/9/2022, toàn tỉnh có 377.738 người tham gia bảo hiểm y tế. Số thẻ bảo hiểm y tế, sổ, thẻ khám chữa bệnh miễn phí là 309.910 người, trong đó người được cấp thẻ y tế khám chữa bệnh miễn phí chiếm tỉ lệ cao gồm: Thân nhân của đối tượng được cấp mã CA: 3.418 người; Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng: 5.997 người; Hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng: 5.365 người; Hộ gia đình nghèo: 107.680 người; Dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn: 121.788 người; Trẻ em dưới 6 tuổi: 54.101 trẻ em (trong đó cấp mới trong năm 2022 tính đến 31/8 là 7.183 thẻ); Còn lại là các đối tượng khác theo quy định được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Thực hiện chính sách với người có công: Để thực hiện những chính sách đối với người có công, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã giao sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các Quyết định về các chính sách đối với người có công (NCC), bao gồm: Tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho NCC, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khác nhân dịp Tết Nguyên đán 2022, đã trao hơn 71 nghìn suất quà và tiền mặt với tổng kinh phí 22.304 triệu đồng; Thăm hỏi NCC và thân ngân NCC với cách mạng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, tổng số 620 xuất quà, kinh phí 1.240 triệu đồng; Ban hành quyết định về phê duyệt danh sách đối tượng NCC, thân nhân NCC với cách mạng hưởng chế độ điều dưỡng năm 2022: 219 người, kinh phí 477.381 triệu đồng; Ban hành Quyết định phê duyệt danh sách tặng quà Chủ chủ tịch nước nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ với 694 suất, số tiền 295,2 triệu đồng; Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2022) các tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã thăm hỏi, tặng 3.517 suất quà (bao gồm cả 58 sổ tiết kiệm) cho người có công, thân nhân người có công, số tiền là 2.012,9 triệu đồng.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả chính sách an sinh nhằm đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Lai Châu, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể... sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ triển khai thực hiện tốt chính sách bảo trợ xã hội, trong đó tập trung các nhiệm vụ như: Rà soát, tổng hợp số hộ có nguy cơ thiếu đói của người dân để có phương án hỗ trợ. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các huyện, thành phố thực hiện chính sách trợ cấp thường xuyên, trợ cấp đột xuất, đồng thời thực hiện kế hoạch công tác xã hội, trợ giúp người khuyết tật, người tâm thần, người cao tuổi. Tiếp tục theo dõi, hướng dẫn việc xác nhận danh sách đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành để hạn chế tối đa việc cấp sai, cấp trùng hoặc bỏ sót đối tượng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân tham gia trợ giúp các đối tượng yếu thế xã hội; tuyên truyền trực tiếp đến các đối tượng yếu thế để họ không còn tự ti với số phận, vươn lên trong cuộc sống. Tăng cường cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách với đối tượng này trên tất cả các lĩnh vực như hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, tiếp cận các dịch vụ xã hội…

Trong công tác dạy nghề, để nâng cao chất lượng công tác dạy nghề, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên của Tỉnh tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chú trọng tuyên truyền những chế độ, chính sách ưu đãi của Chính phủ tới người dân trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, từ đó nâng cao nhận thức cho người dân trong việc học nghề và làm nghề sao cho hiệu quả. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tổ chức hội nghị tư vấn về giới thiệu việc làm, đào tạo nghề để người lao động có cơ hội được học nghề và tìm kiếm việc làm. Đồng thời thông tin kịp thời nhu cầu tuyển dụng của các công ty doanh nghiệp đến nhân dân để người lao động có cơ hội lựa chọn công việc phù hợp, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương./.
T.Hòa
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top