Lạm phát năm 2018 tác động điều hành giá hiệu quả của chính phủ

20/05/2019 - 04:20 PM
Nước ta đã từng trải qua nhiều giai đoạn lạm phát rất cao và có cả thời kỳ siêu lạm phát, điển hình là những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 (năm 1990 là 29,3%; năm 1991 là 79,9%; năm 1993 là 38,7%); giai đoạn 2004-2008 và giai đoạn 2010-2011.

Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, lạm phát luôn duy trì ở mức một con số, đây là kết quả của việc đổi mới tư duy trong lựa chọn mục tiêu ưu tiên - Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Đồng thời với việc chuyển đổi tư duy là chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, từ chiều rộng sang chiều sâu, trên cơ sở nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động. Đây là yếu tố cơ bản, là nguyên nhân sâu xa của việc kiềm chế lạm phát một cách bền vững.

Kết quả kiềm chế lạm phát năm 2018

Năm 2018, tiếp tục với mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Theo số liệu công bố năm 2018 của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2018 giảm 0,25% so với tháng trước; CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với năm 2017 (dưới mục tiêu Quốc hội đề ra khoảng 4%); CPI tháng 12/2018 tăng 2,98% so với tháng 12/2017. Lạm phát cơ bản tháng 12/2018 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2018 tăng 1,48% so với bình quân năm 2017.

Việc tăng CPI trong năm 2018 ảnh hưởng bởi các yếu tố liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và yếu tố thị trường.
Thứ nhất là yếu tố điều hành của Chính phủ: (i) Giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế quy định mức khung tối đa giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thông tư số 39/2018/TT- BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế quy định mức khung tối đa giá dịch vụ y tế đối với người có thẻ bảo hiểm y tế, giá các mặt hàng dịch vụ y tế tăng 13,86%, làm cho CPI năm 2018 tăng 0,54% so với cùng kỳ năm trước. (ii) Thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng học phí các cấp học làm cho chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục năm 2018 tăng 7,12% so với cùng kỳ, tác động làm cho CPI năm 2018 tăng 0,37% so với cùng kỳ. (iii) Mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng từ ngày 01/01/2018 (tính trung bình, mức lương tối thiểu vùng năm 2018 cao hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2017 khoảng 180.000-230.000 đồng/tháng, tăng khoảng 6,5%), mức lương cơ sở tăng 90.000 đồng/tháng kể từ ngày 1/7/2018 theo Nghị quyết số 49/2017/QH17 của Quốc hội ngày 13/11/2017 nên giá một số loại dịch vụ như: Dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình, dịch vụ bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ sửa chữa, lắp đặt điện, nước; dịch vụ thuê người giúp việc gia đình có mức tăng giá từ 3%-5% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ hai là do yếu tố thị trường. Giá các mặt hàng lương thực tăng 3,71% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm cho CPI tăng 0,17% do giá gạo tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán và tăng theo giá gạo xuất khẩu (giá gạo xuất khẩu tăng do nhu cầu gạo tăng từ thị trường Trung Quốc và thị trường các nước Đông Nam Á). Giá thịt lợn tăng 10,37% so cùng kỳ năm trước làm cho CPI chung tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước. Giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá và các loại quần áo may sẵn tăng cao trong dịp Tết và các tháng giao mùa do nhu cầu tăng, năm 2018 chỉ số giá các nhóm này lần lượt tăng khoảng 1,42% và 1,5% so với cùng kỳ năm 2017. Giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 2,54% do một số đơn vị vận tải hành khách kê khai tăng giá chiều đông khách, cùng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng giá vé tàu hỏa vào dịp Tết Nguyên đán và dịp hè. Giá gas sinh hoạt điều chỉnh theo giá gas thế giới, năm 2018, giá gas tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước.

Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 6,59% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm cho CPI tăng 0,1% do nhu cầu xây dựng tăng cùng với giá thép Trung Quốc tiếp tục duy trì ở mức cao nhất trong vòng hơn 5 năm qua; giá xi măng tăng do giá than đầu vào tăng cao.

Giá nhà ở thuê tăng 1,01% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của giá bất động sản tăng mạnh ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương....

Giá nhiên liệu trên thị trường thế giới năm 2018 tăng khá mạnh đến đầu tháng 10/2018, sau đó, giá xăng dầu thế giới liên tục giảm mạnh cho đến thời điểm cuối tháng 12/2018. Trong nước, giá xăng A95 được điều chỉnh 8 đợt tăng, 8 đợt giảm, tổng cộng giảm 1.190 đồng/lít; giá dầu diezel được điều chỉnh tăng 11 đợt và giảm 8 đợt, tổng tăng 840 đồng/lít, làm cho chỉ số giá nhóm xăng dầu bình quân năm 2018 tăng 15,25% so với cùng kỳ, góp phần tăng CPI chung 0,63%.

Nhu cầu du lịch tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán và các kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 và 2/9 nên chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 1,87% so với cùng kỳ năm trước.

Giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới có xu hướng tăng trở lại như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép,… nên chỉ số giá nhập khẩu năm 2018 so với cùng kỳ tăng 1,82%, chỉ số giá xuất khẩu tăng 0,9%; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 3,09%; chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp tăng 1,98%.


Bên cạnh những yếu tố gây tăng giá, trong năm 2018 cũng có những yếu tố góp phần kiềm chế chỉ số CPI, đó là giá dịch vụ y tế điều chỉnh giảm theo Thông tư số 15/2018/TT/BYT ngày 30/5/2018 của Bộ Y tế về việc quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, theo đó chỉ số giá dịch vụ y tế tháng 7/2018 giảm 7,58%, góp phần giảm CPI chung 0,29%. Sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, đơn vị chức năng trong quản lý thị trường, điều hành, bình ổn giá cũng góp phần giúp kiềm chế lạm phát đạt mục tiêu năm 2018.
 
Lạm phát năm 2018 tác động điều hành giá hiệu quả của chính phủ

Tác động điều hành của Chính phủ đến công tác bình ổn giá

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, theo đó, Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương phối hợp điều hành các mặt hàng do Nhà nước quản lý vào các thời điểm phù hợp. Việc điều chỉnh giá này được tách   ra thành các đợt và điều chỉnh trùng hoặc sau các tháng của năm trước đã điều chỉnh để số liệu so với cùng kỳ không tăng cao, tận dụng các tháng có CPI tăng thấp để điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quảnnhằm hạn chế lạm phát kỳ vọng.

Hàng loạt các giải pháp đã được các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhằm kiềm chế lạm phát. Cụ thể: Các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas...), chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào các tháng Tết và cuối năm để hạn chế tăng giá. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành giữ ổn định lãi suất và tỷ giá, giữ mức lạm phát cơ bản ở mức 1,48%. Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình triển khai thực hiện công  tác quản lý bình ổn giá tại một số địa phương. Về quản lý giá xăng dầu, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương điều hành kinh doanh xăng dầu phù hợp tình hình thị trường thế giới và trong nước, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp để hạn chế mức tăng giá cả mặt hàng này đến CPI chung. Bộ Thông tin Truyền thông đã tăng cường công tác tuyên truyền và kiểm soát thông tin mạng để hạn chế thông tin không đúng, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng và đẩy lạm phát kỳ vọng tăng lên.

Kết quả chỉ số CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với năm 2017 và tăng 2,98% so với tháng 12 năm 2017. Như vậy, mục  tiêu kiểm soát lạm phát, giữ CPI bình quân năm 2018 dưới 4% đã đạt được trong bối cảnh điều chỉnh được gần hết giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý đặt ra trong năm 2018./.
ThS. Đỗ Thị Ngọc
Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá - TCTK

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top