Lạm phát toàn cầu 6 tháng đầu năm 2022

12/09/2022 - 02:47 PM
 
Theo báo cáo của các tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới nửa đầu năm 2022 đã không thể có được đà phục hồi mạnh mẽ, diễn biến thu hẹp hoặc chậm lại đã bao phủ trên toàn cầu. Lạm phát leo thang, kinh tế suy giảm, an ninh lương thực và năng lượng bị đe dọa... đã làm gia tăng quan ngại về tình trạng lạm phát đình trệ của kinh tế thế giới, đặt kinh tế toàn cầu vào những khó khăn mới.
 
Áp lực lạm phát lan rộng

Trong nửa đầu năm 2022, xu hướng tăng của lạm phát tiếp tục được kéo dài và đã lập đỉnh tại nhiều nền kinh tế. Áp lực lạm phát đã lan rộng trên toàn cầu, căng thẳng chuỗi cung ứng, khan hiếm lao động sau đại dịch và các cú sốc giá cả liên tiếp là nguyên nhân chính làm gia tăng lạm phát.

Lạm phát tổng thể đã vượt xa mục tiêu mà các Ngân hàng Trung ương đặt ra, thậm chí đã rất cao tại nhiều nền kinh tế mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Brazil và đang có xu hướng tăng nhanh tại khu vực Trung và Đông Âu, Mỹ La-tinh, Mỹ, Anh, giao động trong khoảng 7,6% - 10,2%.

 
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Giá cả của các nhóm hàng trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng đều đã tăng lên, đáng chú ý là xu hướng và tốc độ biến động giá của nhóm hàng lương thực, thực phẩm, năng lượng đã ảnh hưởng đến diễn biến lạm phát của hầu hết các nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2022. Bất ổn địa chính trị tại Đông Âu đã làm trầm trọng hơn tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, thêm vào đó năng lực sản xuất trong lĩnh vực khai thác dầu chưa kịp đáp ứng nhu cầu tăng trở lại sau đại dịch đã ảnh hưởng mạnh tới diễn biến của giá năng lượng, giá lương thực (ngô, bột mỳ), phân bón. Tuy nhiên, mức độ biến động giá của các nhóm hàng không giống nhau giữa các nước, do phụ thuộc nhiều vào các quyết sách điều hành trong và sau đại dịch cũng như cấu trúc kinh tế của mỗi quốc gia.

Theo thống kê của S&P Global, giá cả đầu vào trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ không ngừng tăng lên. Lạm phát chi phí đầu vào tiếp tục tăng cao ở Mỹ và khu vực châu Âu, trong khi một số nước tại khu vực châu Á cũng đang chịu áp lực từ tình trạng đóng cửa tạm thời của kinh tế Trung Quốc để kiểm soát dịch bệnh. Thêm vào đó, giá năng lượng tăng cao đã làm trầm trọng hơn tốc độ tăng chi phí đầu vào cả trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, rõ nét nhất là tại Mỹ và khu vực châu Âu.

Các số liệu ở Mỹ cho thấy, lạm phát tại nền kinh tế hàng đầu thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao. Theo Cục Thống kê lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của quốc gia này tăng 9,1% so tháng 6/2021, cao hơn mức 8,6% trong tháng 5 và vượt dự báo 8,8% trước đó. Đây cũng là con số lạm phát cao kỷ lục của Mỹ trong vòng bốn thập kỷ qua (từ năm 1981) và cao gấp bốn lần mức lạm phát mục tiêu 2%/năm mà Mỹ hướng đến. Điều này sẽ khiến Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tích cực theo đuổi biện pháp tăng lãi suất trong các cuộc họp chính sách sắp tới. Tháng 3/2022, FED đã nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ liên tục tăng lên các mức cao chưa từng thấy trong khoảng 40 năm. Sau đó, FED tiếp tục tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản và 75 điểm cơ bản lần lượt vào tháng 5 và giữa tháng 6, đánh dấu lần tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1994.
Các nhà hoạch định chính sách cho rằng, khả năng cao FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới, thậm chí sẽ thực hiện thêm những bước đi táo bạo trong những tháng tiếp theo. Những động thái này làm dấy lên nguy cơ kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái, một cái giá mà Chủ tịch FED Jerome Powell từng phát tín hiệu rằng sẽ sẵn sàng đánh đổi để đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Trong khi đó, theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 6 vừa qua đã tăng lên mức kỷ lục mới. Cụ thể, giá tiêu dùng tại 19 nước thành viên Eurozone trong tháng 6 tăng 8,6%, vượt mức kỷ lục trước đó là 8,1% ghi nhận trong tháng 5. Kể từ tháng 11/2021, giá tiêu dùng tại khu vực Eurozone đã liên tiếp ghi nhận các mức kỷ lục khi giá năng lượng tăng vọt do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Đặc biệt, tỷ lệ lạm phát tại Italy tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng lạm phát hàng tháng cao nhất trong 36 năm qua kể từ tháng 1/1986.

Lạm phát của Pháp cũng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1991, trong bối cảnh giá lương thực và năng lượng tăng vọt.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cảnh báo, lạm phát ở Anh có khả năng sẽ đứng ở mức cao trong thời gian dài khi nền kinh tế nước này đang chịu tác động từ cuộc khủng hoảng năng lượng nhiều hơn so với các nước khác.

Lạm phát tại Tây Ban Nha ghi nhận ở mức 10,2%, tăng so với mức 8,7% của tháng trước và đây cũng là mức cao nhất trong 37 năm qua kể từ tháng 4/1985.

Tại châu Á, Hàn Quốc ghi nhận giá tiêu dùng trong tháng 6/2022 tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tháng thứ 15 liên tiếp giá tiêu dùng ở Hàn Quốc cao hơn mục tiêu lạm phát 2% mà ngân hàng trung ương nước này đặt ra trong trung hạn. Đây cũng là mức lạm phát cao nhất trong 24 năm kể từ mức 6,8% ghi nhận vào tháng 11/1998, giữa cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1998. Cơ quan thống kê Hàn Quốc cho biết, lạm phát dự kiến sẽ duy trì trong phạm vi 6% trong thời điểm hiện tại và khó tránh khả năng sẽ tăng lên mức 7%. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, lạm phát năm có thể vượt mức dự báo 4,7% của Bộ Kinh tế và Tài chính nước này.
Ở Mỹ Latinh, Ngân hàng Trung ương Brazil (BCB) chính thức thừa nhận lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất khu vực này sẽ vượt "trần" mục tiêu do chính phủ đặt ra trong năm thứ hai liên tiếp. Trong 12 tháng kết thúc vào tháng 5/2022, lạm phát của Brazil đã tăng lên mức 11,73%. Tỷ lệ lạm phát của Brazil trong năm 2021 lên tới 10,06%, mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2015. Đây cũng là lần đầu tiên trong 6 năm qua, tỷ lệ lạm phát vượt mức trần do chính phủ nước này đưa ra là 3,75%.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, lạm phát toàn cầu tính đến quý II/2022 là 7,8%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Thực tế ở tất cả các quốc gia đặt mục tiêu lạm phát, các mục tiêu này đều đã vượt quá. Lạm phát sẽ tiếp tục tăng với mức cao nhất dự kiến vào giữa năm 2022 và sau đó, sẽ giảm dần do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, các thách thức logistic trong chuỗi cung ứng toàn cầu giảm bớt và giá hàng hóa giảm (mặc dù chúng sẽ vẫn ở mức cao).

Theo dự báo của Consensus Economics đưa ra hồi tháng 5/2022, đến cuối năm nay, lạm phát toàn cầu sẽ ở mức khoảng 6,5%, cao hơn 1,5 lần so với dự báo tháng 2 (4%) được đưa ra trước khi bắt đầu cuộc xung đột quân sự ở Ukraine.

Dự báo của Ngân hàng Thế giới vào giữa năm 2023, lạm phát toàn cầu sẽ giảm xuống 3% - vẫn cao hơn 1 điểm phần trăm so với năm 2019.

Hệ lụy khôn lường

Nhiều tổ chức kinh tế, các nhà hoạch định chính sách lo ngại tình trạng lạm phát tăng cao này sẽ dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm cho nền kinh tế thế giới.

Theo tạp chí Project Syndicate, chỉ hơn hai năm sau khi đại dịch COVID-19 dẫn đến cuộc suy thoái toàn cầu trầm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, nền kinh tế thế giới lại rơi vào tình trạng nguy hiểm. Lần này, nền kinh tế thế giới phải đối mặt đồng thời với tình trạng lạm phát tăng cao và tăng trưởng chậm lại. Ngay cả khi suy thoái toàn cầu được ngăn chặn, những tác động của tình trạng lạm phát đình trệ có thể kéo dài trong vài năm, với những hậu quả có thể gây mất ổn định đối với các nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình, trừ khi những nền kinh tế này có thể đạt được mức tăng nguồn cung lớn.

Trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine, lạm phát gia tăng và lãi suất tăng cao, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ sụt giảm trong năm 2022. Theo báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB), sau hơn 2 năm đại dịch, với tác động lan tỏa từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, hoạt động kinh tế toàn cầu giảm mạnh, dự kiến chỉ đạt 2,9% năm 2022, giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 1/2022.

Hoạt động kinh tế của các nền kinh tế phát triển bị kìm hãm do giá năng lượng tăng, điều kiện tài chính kém thuận lợi và gián đoạn chuỗi cung ứng do tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Do đó, tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển được dự báo giảm xuống gần một nửa, từ 5,1% năm 2021 xuống còn 2,6% năm 2022, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 1/2022.

Tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng được dự báo giảm khoảng một nửa trong năm nay, từ mức 6,6% năm 2021 xuống còn 3,4% năm 2022, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 1/2022.

Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) cũng cảnh báo, kinh tế toàn cầu có nguy cơ bước vào một kỷ nguyên lạm phát cao mới. Các nguy cơ đình phát (tăng trưởng đình trệ cộng với lạm phát tăng) đang ngày càng hiện rõ khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài sau 2 năm đại dịch hoành hành, kết hợp với những tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, giá cả hàng hóa leo thang và những bất ổn tài chính đang phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu.

BIS cho rằng, các nhà hoạch định chính sách phải thúc đẩy cải cách để hỗ trợ tăng trưởng lâu dài và đặt nền móng hình thành chính sách tài khóa và tiền tệ bình thường hơn.

BIS cũng đưa ra cảnh báo mạnh mẽ, nhấn mạnh các ngân hàng trung ương trên thế giới phải ngăn chặn tình trạng lạm phát kéo dài và trở nên khó thay đổi kể trên. Theo đó, các thể chế tài chính phải hành động nhanh chóng nhằm đảm bảo lạm phát trở về mức thấp và ổn định trong khi vẫn phải hạn chế ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Điều quan trọng là các ngân hàng trung ương phải hành động nhanh chóng và quyết đoán trước khi lạm phát trở nên dai dẳng. Một khi lạm phát kéo dài và khó thay đổi, chi phí để đưa chỉ số này trở lại mức có thể kiểm soát sẽ cao hơn. Trong khi đưa lạm phát trở lại mức thấp và ổn định, các ngân hàng trung ương nên tìm cách giảm thiểu ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, tiếp đó là bảo vệ ổn định tài chính./.


 
Trúc Linh

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top