Lạng Sơn: Tập trung nguồn lực phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

17/01/2020 - 10:09 AM
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Lạng Sơn đã triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), qua đó đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số; giảm chênh lệch về khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và các vùng trong tỉnh.

Khởi sắc vùng đồng bào DTTS


Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc của Tổ quốc, có số dân gần 800 nghìn người, với hơn 30 dân tộc khác nhau cùng sinh sống. Các dân tộc thiểu số chiếm gần 84% dân số toàn tỉnh trong đó chủ yếu là người Nùng (43,19%), người Tày (34,58%), các dân tộc thiểu số ít người như: Dao, Mông, Sán Chay,… sống chủ yếu ở những vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa địa hình phức tạp giao thông đi lại khó khăn, xa trung tâm huyện, tỉnh.

 
Lạng Sơn: Tập trung nguồn lực phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc

 
Thực hiện các Nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc, 5 năm qua, Tỉnh đã tập trung chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện lồng ghép các nguồn vốn Trung ương từ các Chương trình 135, Chương trình 120, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn theo các Quyết định số 755/QĐ-TTg, Quyết định số 293/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kết hợp với ngân sách địa phương và tiền tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Tổng nguồn lực huy động trong giai đoạn 2014-2019 của tỉnh đạt trên 74,5 nghìn tỷ đồng. Đến nay, 214/226 xã/phường/thị trấn (bằng 94,69%) có đường ô tô đến trung tâm xã bốn mùa; 100% các xã có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ có điện đạt 98,31%; 100% xã có trạm y tế kiên cố hóa, trong đó có 114 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% cơ sở giáo dục có lớp học kiên cố tại trường chính. Kết cấu hạ tầng đã thúc đẩy sự phát triển tương đối đồng đều của các cộng đồng DTTS trên địa bàn tỉnh.
 
Cùng với đó, Lạng Sơn triển khai nhiều chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ nhân dân sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Trước hết, chính sách bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS được quan tâm. Song song, Tỉnh chỉ đạo các địa phương phối hợp thực hiện tốt chương trình tín dụng chính sách giúp nhân dân có vốn để phát triển kinh tế hộ. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật và đưa cây, con giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.

vậy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Năm 2018, thu nhập bình quân của người DTTS là 35,45 triệu/người/năm (toàn tỉnh đạt 38,4 triệu/người/năm), tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 15,83%. Nhiều mô hình kinh tế do đồng bào DTTS làm chủ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; thậm chí có những mô hình kinh tế cho thu nhập tiền tỷ. Kinh tế phát triển, đồng bào các DTTS tỉnh Lạng Sơn tích cực hưởng ứng và đóng góp công sức, tiền của, trí tuệ để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Chăm lo toàn diện cho vùng DTTS

Song song với các giải pháp phát triển kinh tế và kết cấu hạ tầng, sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, phát triển văn hóa và đảm bảo an sinh xã hội được tỉnh Lạng Sơn quan tâm thực hiện. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 702 đơn vị, trường học, trong đó, trường đạt chuẩn là 201 trường. Hệ thống các trường chuyên biệt được củng cố và mở rộng với 111 trường bao gồm 11 trường phổ thông dân tộc nội trú, 100 trường phổ thông dân tộc bán trú, hệ thống các trường này thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách với học sinh DTTS, qua đó giúp cho nhiều học sinh DTTS vùng khó khăn được đến trường và nâng cao chất lượng giáo dục. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học và THCS tiếp tục được củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT đều đạt từ 98% trở lên. Nhiều thầy cô giáo, học sinh là người dân tộc thiểu số đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.
 
Hệ thống y tế được củng cố, phát triển từ tuyến tỉnh đến cơ sở; đội ngũ y sỹ, bác sỹ là người dân tộc thiểu số được tăng cường, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ. Toàn tỉnh hiện có 714 bác sỹ, 216/226 xã có bác sĩ tại trạm y tế, 100% trạm y tế có đủ điều kiện để thực hiện khám BHYT, 91% thôn bản có cộng tác viên y tế hoạt động. Công tác cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, người nghèo và trẻ dưới 6 tuổi được quan tâm; số lần khám - chữa bệnh hằng năm đạt cao, đồng bào DTTS đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Là tỉnh biên giới, Lạng Sơn rất chú trọng công tác phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt, tại các huyện, các xã, thôn bản giáp biên. Ngoài việc đổi mới về nội dung, hình thức, Tỉnh còn tăng cường tổ chức các hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động cho người dân, đối tượng chủ yếu là hộ nghèo, người khuyết tật, người DTTS ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới...

Lạng Sơn có nền văn hóa giàu bản sắc, hội tụ vẻ đẹp truyền thống của 30 dân tộc anh em, vì vậy, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa được tỉnh đẩy mạnh. Các hiện vật liên tục được sưu tầm, lưu giữ, một số lễ hội tiêu biểu của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Dao... được phục dựng, bảo tồn. Các hoạt động thể dục, thể thao như hội thi thể thao các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh thu hút đông đồng bào tham gia, góp phần nâng cao sức khỏe, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS được khai thác trở thành “chất liệu” để phát triển du lịch của tỉnh. Lạng Sơn đang triển khai áp dụng mô hình du lịch cộng đồng gắn với xóa đói, giảm nghèo cho cộng đồng DTTS. Mức thu nhập bình quân từ du lịch cộng đồng đạt 25-35 triệu đồng/hộ/năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 5 năm thực hiện, các chính sách dân tộc cũng bộc lộ một số hạn chế như chưa thực sự đồng bộ, thiếu kết nối, công tác phối hợp và tổ chức thực hiện chưa chặt chẽ, một số chính sách còn mang tính chủ quan, chưa sát với đặc điểm vùng, miền, văn hóa đặc thù của đồng bào DTTS. Vì vậy, tới đây khi Quốc hội thông qua “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi” sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho vùng DTTS và miền núi của tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để phát triển nhanh và bền vững./.

 
Trịnh Long
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top