Lào Cai: Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

09/12/2019 - 03:39 PM
 
Trong giai đoạn hiện nay, để phù hợp với tình hình mới, ngành Nông nghiệp Lào Cai đã xác định những lợi thế cạnh tranh, tiến hành tái cơ cấu ngành theo hướng xây dựng nền nông nghiệp sạch, ứng dụng quy trình sản xuất an toàn, sử dụng công nghệ cao. Những giải pháp then chốt như tăng cường cơ giới hóa, phát triển cây – con đặc hữu, xây dựng liên kết chuỗi đang được ngành triển khai quyết liệt, bước đầu tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện. 

Thành quả bước đầu từ quá trình tái cơ cấu

Ngay sau khi Đề án “Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020” được phê duyệt, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các ngành, địa phương chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Cụ thể, Ngành tập trung nguồn lực và chương trình hỗ trợ vào 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực đặc hữu có giá trị kinh tế cao là: Chè, quế, gạo chất lượng cao, dược liệu, rau trái vụ, cây ăn quả ôn đới, gia súc, gia cầm bản địa, cá nước lạnh; đồng thời tiếp tục mở rộng diện tích một số cây trồng đã có thị trường như cây xả, cây gai xanh, cây dâu tằm... Trong lâm nghiệp, tập trung khảo nghiệm một số cây có giá trị như cây bạch đàn trắng, cây màng tang, cây bồ đề...

 
Lào Cai: Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Trên cơ sở định hướng đó, các địa phương triển khai chủ động, từng bước khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương. Sau 5 năm triển khai, ngành Nông nghiệp Lào Cai đã đạt được các kết quả ấn tượng: Sản xuất nông nghiệp luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định bình quân trên 6%/năm, cơ cấu sản xuất được điều chỉnh phù hợp và hiệu quả hơn theo hướng tăng tỷ trọng các ngành hàng có thế mạnh, an ninh lương thực được đảm bảo, giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác năm 2019 ước đạt 75 triệu/ha (tăng 30 triệu so với năm 2015). Chăn nuôi chuyển đổi theo hướng nâng cao chất lượng, đến nay Lào Cai đã có 504 trang trại, 8 cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao và hàng ngàn gia trại, 02 chuỗi chăn nuôi khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng, thủy sản tiếp tục tăng trưởng, diện tích nuôi trồng năm 2019 ước đạt 2.105 ha, sản lượng trên 8.360 tấn. Trồng rừng được phát triển theo hướng đa mục đích, bình quân trồng mới từ 6.000-8.000 ha mỗi năm. Chất lượng và giá trị rừng được nâng lên, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, tỷ lệ che phủ rừng năm 2019 ước đạt 55,5%, tăng 2,5% so với năm 2015.

Chuyển dịch kinh tế nông nghiệp đã góp phần tích cực nâng cao đời sống của người dân nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2019 ước đạt 26 triệu đồng/ người/năm, tăng 11 triệu đồng so với năm 2015. Đây là nền tảng quan trọng để tỉnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến tháng 9/2019, đã có 48/143 xã trong toàn tỉnh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (dự kiến đến cuối năm sẽ có thêm 3 xã sẽ “về đích” nông thôn mới).
Đẩy mạnh sản xuất an toàn đáp ứng yêu cầu thị trường
Nhằm thích ứng với yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường, ngành Nông nghiệp Lào Cai tập trung vào phát triển và áp dụng quy trình sản xuất an toàn và cao hơn là quy trình sản xuất hữu cơ. Cụ thể, Sở đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn cho các hợp tác xã, doanh nghiệp về cách thức để xây dựng các chuỗi sản phẩm an toàn. Đến nay, Lào Cai đã có 66 chuỗi liên kết, tăng 55 chuỗi so với năm 2017. Các chuỗi có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các tổ nhóm sản xuất và bà con nông dân trong việc thực hiện các quy trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Có thể kể đến các chuỗi tiêu biểu như: Rau ôn đới, cây ăn quả ôn đới, thịt cá nước lạnh, dược liệu, chè, quế… góp phần nâng cao giá trị và đưa được sản phẩm đặc hữu của Lào Cai tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu.
 
Trong xu hướng phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, ngành Nông nghiệp Lào Cai đã nhanh chóng tiếp cận và triển khai nhiều chương trình hiệu quả như: Vận hành hệ thống phần mền truy xuất nguồn gốc nông sản (QR Code) giúp bảo vệ nhãn hiệu nông sản, phần mền hỗ trợ xúc tiến thương mại nông sản... Đến tháng 9/2019, đã có 237 dòng sản phẩm của 50 doanh nghiệp/HTX được cấp mã nhận diện nông sản an toàn.
Để tăng sức cạnh tranh cho nông sản sạch Lào Cai trong xu thế hội nhập, Ngành tham mưu để tỉnh thành lập Hội Nông sản an toàn Lào Cai nhằm gắn kết các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất và kinh doanh nông sản sạch, an toàn, thiết lập “giỏ hàng chung” nhằm bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường./.


Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai: Chủ động và đảm bảo chất lượng giống nông nghiệp
 
Để nâng cao hiệu quả các chương trình phát triển nông nghiệp theo Đề án tái cơ cấu ngành, Lào Cai đặc biệt coi trọng chất lượng nguồn giống cung ứng cho các mục tiêu sản xuất và chuyển đổi sản xuất của nhân dân.

Là đơn vị chủ đạo trong sản xuất và cung ứng giống, Trung tâm Giống Nông nghiệp Lào Cai đã nghiên cứu chọn tạo và cho ra đời bộ sản phẩm giống lúa lai LC mang thương hiệu Lào Cai (LC25, LC270, LC212), khảo nghiệm sản xuất và sản xuất thử nghiệm giống lúa thuần mới Tân Thịnh 15 (đang hoàn thiện hồ sơ công nhận là giống mới). Đối với các cây trồng khác, Trung tâm nghiên cứu khảo nghiệm và được công nhận giống cây ăn quả lê VH6; đồng thời tiếp tục khảo nghiệm, đánh giá một số giống cây ăn quả mới mận, lê, đào... trước khi tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn nhân rộng diện tích cho bà con nhân dân.

Trong quá trình sản xuất giống, Trung tâm áp dụng phương pháp nhân giống bằng nuôi cấy mô nhằm nâng cao chất lượng cây giống. Trung tâm đang hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất cây rau giống, khoai tây giống, các giống hoa, dâu tây... trong phòng nuôi cấy mô.

Về năng lực sản xuất, hằng năm, Trung tâm duy trì sản xuất khoảng trên 300 ha giống lúa các loại (tổng sản lượng khoảng 700 tấn), sản xuất trên 20 triệu cá bột, tương ứng hơn 6 triệu con giống các loại (chủ yếu là cá chép lai, cá trắm cỏ, cá rô phi đơn tính) và khoảng 10 vạn giống cây ăn quả các loại. Thông qua các hoạt động thiết thực, Trung tâm góp phần không nhỏ trong việc đẩy nhanh quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lào Cai./.
 
Nguyễn Xuân Nhẫn
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top