Lịch sử nghìn năm - Tơ lụa Việt Nam

16/02/2022 - 03:11 PM
Trong lịch sử ngành hàng tơ lụa thế giới, Việt Nam tuy không phải là một “đế chế” trên con đường tơ lụa vĩ đại của nhân loại, song Việt Nam được thế giới nhìn nhận như một quốc gia có lịch sử nghề tơ lụa lâu đời, trải qua hàng nghìn năm với nhiều vùng trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa nổi tiếng như Cổ Đô, Vạn Phúc (Hà Nội), Nha Xá (Hà Nam), Cổ Chất (Nam Định), Duy Duyên, Mã Châu (Quảng Nam), Tân Châu (An Giang)... và đặc biệt là thủ phủ tơ lụa của Việt Nam - Bảo Lộc (Lâm Đồng).
 
Mượt mà, óng ả và quý phái, từ hàng nghìn năm trước, tơ lụa đã được xem là mặt hàng may mặc thượng hạng, xa xỉ, là biểu tượng của quyền lực và địa vị của giới thượng lưu. Thậm chí có thời kì, nó còn có giá trị cao hơn cả vàng, được sử dụng như một đơn vị tiền tệ trong việc giao thương, mua bán, trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia trên con đường tơ lụa huyền thoại.

Tại Việt Nam, theo các tài liệu lịch sử, nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa có từ thời Hùng Vương, tức là cách đây khoảng hơn 4.000 năm về trước. Từ tơ tằm người Việt đã dệt nên nhiều loại lụa đặc sắc như: Trừu là lụa thô và to sợi; the là lụa nhẹ màu sáng; sa là lụa mỏng và trơn; lượt là lụa thưa và trơn; xuyến là lụa trơn dày hơn, màu sáng; nhiễu là lụa trơn, dày và bền; lãnh là lụa trơn, dày và nhuộm đen; đoạn cũng là một loại lãnh nhưng chất lượng tốt hơn; vóc là lụa bóng mịn có dệt hoa; văn là loại lụa có dệt hoa lớn, dày, chất lượng cao hơn và gấm là lụa cao cấp nhất...

Tơ lụa Việt Nam từ xưa đã nổi tiếng óng mượt, mịn màng và bền đẹp không thua gì tơ lụa của Trung Hoa, Nhật Bản và các nước khác. Ở miền Bắc, lụa Cổ Đô xưa được mệnh danh là “lụa cống”, tức là loại lụa thượng hạng dùng để cống nạp cho triều đình.

Tương truyền, Cổ Đô là một làng quê nằm bên dòng sông Đà, thuộc huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây, nay thuộc xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội. Xưa làng Cổ Đô nổi tiếng với sản phẩm lụa tiến vua. Nghề dệt lụa Cổ Đô xưa gắn liền với bà tổ nghề là Công chúa Thiều Hoa con Vua Hùng Vương thứ 6. Tương truyền, công chúa Thiều Hoa, từ thành Phong Châu sang Cổ Đô dạy dân nghề dệt lụa. Cứ thế phát triển, lụa làng Cổ Đô trở thành sản vật tiến Vua và đi vào câu ca dao vang tiếng muôn đời… Tuy nhiên, ngày nay nghề lụa ở Cổ Đô đã không còn được lưu truyền.

 
Lịch sử nghìn năm - Tơ lụa Việt Nam 1

Ảnh minh họa: Nguồn internet
 
Cũng ở Hà Nội, bên bờ sông Nhuệ, làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, được xem cái nôi của nghề dệt lụa có lịch sử hàng ngàn năm. Thời nhà Nguyễn, lụa Vạn Phúc chuyên dùng để may y phục cho vua chúa, các quan lại trong triều đình và nay các sản phẩm lụa của làng Vạn Phúc đến với người dân trong và ngoài nước với nhiều mẫu mã đa dạng, nhận được sự yêu thích của người tiêu dùng, tiếp nối truyền thống một làng nghề cổ đất kinh kỳ.

Lụa Vạn Phúc “mịn mặt, mát tay” đi vào nhiều câu ca dao và lưu truyền trong dân gian. Trong đó, Áo lụa Hà Đông một sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc có sức hút lạ kỳ, trở thành một nét văn hóa độc đáo của đất Thăng Long văn hiến. Thời Pháp thuộc, lụa Vạn Phúc được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo nhất Đông Dương, vào các năm 1931 và 1932 từng được chọn tham dự tại các hội chợ lớn ở Marseille và Paris (Pháp).

Cùng với làng lụa Vạn Phúc, làng Phùng Xá (Mỹ Đức - Hà Nội thuộc đất Hà Tây cũ) cũng là một làng nghề truyền thống lâu đời, nổi danh với nghề “canh cửi”. Nằm ven bờ sông Đáy, bên những nương dâu xanh ngút ngàn, làng Phùng Xá luôn rộn rã tiếng thoi đưa. Đón làn gió mới từ nền kinh tế thị trường, ở làng Phùng Xá xuất hiện lớp thế hệ nghệ nhân mới năng động, sáng tạo phát huy nghề cổ truyền, đưa làng nghề lên một tầm cao mới. Trong thế hệ nghệ nhân mới ở làng Phùng Xá, năm 2017 có nghệ nhân nghiên cứu thành công phương pháp dệt lụa từ tơ sen. Theo phương pháp này để dệt một chiếc khăn sen có kích thước như chiếc khăn bình thường, một người thợ ở Phùng Xá phải mất khoảng 10 ngày để rút tơ từ gần 3.000 cuống sen. Để làm ra chiếc khăn dài 1,7m phải cần tới 4.800 cuống sen, dệt được một mét lụa, cần khoảng 15.000 cuống sen. Với sự ra đời của sản phẩm lụa dệt từ tơ sen này đã lưu dấu một nét vàng son của ngành tơ lụa Việt Nam.

Theo hành trình tìm hiểu tơ lụa Việt Nam, một số làng nghề có lịch sử lâu đời khác như Nha Xá (Hà Nam), Cổ Chất (Nam Định),… cũng là những vùng đất còn lưu truyền những kỹ thật dệt độc đáo để làm ra những tấm lụa thượng hạng trong ngành tơ lụa của Việt Nam.

Theo đó, từ lâu, nghề ươm tơ làng Cổ Chất, xã Phương Đình (Trực Ninh - Nam Định) đã nổi tiếng khắp vùng miền gần xa, đây là nơi khởi sinh loại tơ tằm đẹp nhất thành Nam. Thời Pháp thuộc giới tư bản Pháp đã đầu tư xây dựng cả nhà máy ươm tơ ở làng để khai thác kỹ năng lao động lành nghề của người dân địa phương và tiềm năng vùng dâu tằm dọc bờ sông Ninh.

Ở làng Cổ Chất ngày nay dễ dàng bắt gặp những bó tơ trắng, tơ vàng óng ả phơi trên những thanh sào tre. Mỗi gia đình ở Cổ Chất được ví như một lò ươm tơ, các bà, các chị làm việc miệt mài trong màn khói nghi ngút từ nồi nước luộc kén. Kén tằm cho vào nồi được khỏa liên tục thi nhau nhảy lên bàn kéo sợi. Sợi tơ chui qua một lỗ nhỏ rồi cuốn mình vào guồng đang quay tít, để rồi tạo nên những sợ tơ thanh mảnh, mềm mại, màu sắc tươi sáng.

Còn ở làng lụa Nha Xá, xã Mộc Nam (Duy Tiên - Hà Nam) hiện cũng là nơi được lưu truyền với nghề dệt lụa truyền thống gần 600 năm tuổi. Hiện toàn thôn có khoảng 400 máy dệt, trong đó có 11 máy dệt công nghiệp, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 900 nghìn m2 vải, đũi, 460 nghìn khăn lụa các loại. Theo thống kê mỗi tháng, làng lụa Nha Xá sản xuất được khoảng 1.200-1.500 mét lụa, trong đó có 50% lụa hoa, 50% lụa trơn và các sản phẩm khác. Nghề dệt lụa đã mang lại thu nhập ổn định cho hàng nghìn người dân trong xã.

Các nghệ nhân trong làng cho biết, để có được tấm lụa đẹp, người thợ dệt Nha Xá phải quay tơ sau đó mới đưa qua máy dệt. Tấm lụa mộc dệt xong lại đem ra tẩy chuội, nhuộm màu rồi cán khô. Mỗi công đoạn đều có cách làm riêng, kỳ công, tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ phải thật chuyên tâm, tinh tường. Theo các nghệ nhân, lụa từ làng nghề dệt lụa truyền thống Nha Xá có chất liệu 100% tơ tằm, sờ trên tay cảm thấy mát, mỏng, nhẹ, đặc biệt ấm về mùa đông và mát về mùa hè. Ngoài ra, màu sắc của lụa đảm bảo phai màu ở mức độ thấp nhất.

Ở miền Trung, thuở xưa nghề tơ lụa cũng phát triển rất mạnh, nhất là vùng Quảng Nam, vì nơi đây có thương cảng Hội An, một điểm dừng chân quan trọng trong hành trình giao thương của con đường tơ lụa trên biển. Vào thời kì hưng thịnh, khoảng từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 19, Hội An là nơi có nhiều thuyền buôn của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Xiêm (Thái Lan), Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp... đến giao thương mua bán, chủ yếu là mặt hàng gốm sứ và lụa tơ tằm.

Tương truyền, làng lụa Mã Châu thuộc thôn Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Duyên, tỉnh Quảng Nam cũng là một địa danh nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa và được nhiều người biết đến nhiều nhất từ thế kỷ 16 trên đất Quảng Nam. Trước đó, vào thế kỷ 15, làng dệt lụa Mã Châu có nhiệm vụ cung cấp lụa dệt cho giới quý tộc quan lại trong triều đình. Sau đó đến cuối thế kỷ 19, ngôi làng này có thêm nghề trồng bông và dệt vải. Người dân đã biết áp dụng máy móc công nghiệp vào sản xuất để tăng năng suất sản phẩm. Đến nay, Mã Châu vinh dự là một trong 18 làng nghề nổi tiếng, trở thành điểm du lịch trong lễ hội “Hành trình di sản” hàng năm của tỉnh Quảng Nam.

Đặc biệt, nói đến nghề tơ lụa Việt Nam không thể không nhắc đến Bảo Lộc (Lâm Đồng), nơi từng được xem là “Thủ phủ tơ tằm” của Việt Nam.

So với các làng nghề truyền thống, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Bảo Lộc ra đời muộn hơn rất nhiều, vào khoảng những năm 70 của thế kỷ XX, nhưng lại phát triển rất mạnh, chiếm khoảng 70% giá trị sản lượng tơ tằm của cả nước. Ở đây, nghề tơ tằm phát triển quy mô lớn và gần như khép kín với tất cả các khâu từ trồng dâu, nuôi tằm, xe tơ, dệt lụa, nhuộm cho đến làm ra các loại sản phẩm hoàn hiện.

Nhờ điều kiện tự nhiên khí hậu, đất đai thuận lợi, Lâm Đồng hiện là địa phương có diện tích trồng dâu và số lượng hộ nuôi tằm cũng như nhà máy xe tơ, dệt lụa lớn nhất cả nước. Hiện toàn tỉnh có trên 5.000ha dâu tằm, trong đó riêng Thành phố Bảo Lộc có khoảng 500ha với sản lượng lá dâu trung bình đạt khoảng 5.000 tấn/năm. Ngoài ra, Bảo Lộc còn có trên 20 doanh nghiệp lớn chuyên kinh doanh, sản xuất tơ và dệt lụa xuất khẩu. Sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc rất đa dạng với nhiều chủng loại khác nhau. Ngoài tơ thô, tơ sống, có thể kể đến những dòng sản phẩm vải lụa cao cấp, thượng hạng như lụa satin dùng may trang phục kimono truyền thống Nhật Bản; lụa yozu dùng may khăn đội đầu ở các nước khối Ả Rập, Ấn Độ; vải lụa habuta, crepe de chine (CDC) dùng may âu phục cao cấp... Nhờ đó, tơ lụa Bảo Lộc được nhiều thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới tin dùng và được xuất khẩu đến những cường quốc về tơ lụa.

Có thể thấy, từ vốn quý cổ truyền, với vùng nguyên liệu mênh mông, chất lượng tơ tằm hiếm có, cùng sự tài hoa và tâm sức của những người con đất Việt đã tạo nên những tấm lụa tinh hoa đa sắc màu, là sắc thái văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, nghề dệt lụa của Việt Nam hiện còn đứng trước nhiều khó khăn, song với việc lưu truyền và phát huy truyền thống, nghề tơ lụa Việt Nam đang nỗ lực từng bước thay đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng lụa, từng bước tiến đến với con đường tơ lụa thế giới./.

 
Gia Linh
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top