Mức sống dân cư khu vực nông thôn: Nhìn từ kết quả điều tra

16/06/2020 - 04:07 PM
Khảo sát mức sống (KSMS) năm 2018 thu thập thông tin của 2.190 xã ở khu vực nông thôn trên phạm vi cả nước, nhằm đánh giá tác động của cộng đồng đến đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của dân cư ở khu vực này. Các thông tin được thu thập từ cấp thôn và xã bao gồm: Đặc điểm tình hình chung của xã, cơ hội việc làm phi nông nghiệp, tình hình sản xuất nông nghiệp của xã, cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, tín dụng và tiết kiệm.
 
Sau hơn 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã có nhiều khởi sắc và đạt được những thành tựu khá toàn diện, đời sống người dân đang dần thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Theo đánh giá từ cán bộ chủ chốt của xã thì năm 2018 có khoảng 98% số xã khảo sát có mức sống khá lên so với 5 năm trước. Con số này năm 2016, 2014, 2012, 2010, 2008 và năm 2006 lần lượt là 98%, 98%, 99%, 99%, 99% và 99%.

 
Mức sống dân cư khu vực nông thôn: Nhìn từ kết quả điều tra

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Hiện nay, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã và đang tạo ra những cơ hội và thách thức mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, toàn ngành đã và đang thực hiện nhiều đề án, chương trình nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại, đồng thời đẩy mạnh phát triển theo hướng bền vững. Theo đó, những đề án: “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”; Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 với mục tiêu xây dựng nông thôn văn minh, tiên tiến, hiện đại nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hóa và nét truyền thống của nông thôn Việt Nam; Phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới... được người dân hưởng ứng và tham gia tích cực, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm, thủy nông nội đồng..., tạo nên một diện mạo mới cho làng quê nông thôn. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của dân cư ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện và nâng cao. Năm 2018, 79,2% xã có đời sống cải thiện từ nguồn thu nhập từ nông nghiệp. Đóng góp làm tăng thu nhập dân cư chủ yếu là do năng suất các loại cây trồng ở hầu hết các xã đều tăng, do thay đổi kỹ thuật canh tác và giống mới, diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu của hầu hết các xã tăng qua các năm.

Mức sống của dân cư trong xã năm 2018 được cải thiện là do những thay đổi thu nhập từ hoạt động kinh doanh phi nông nghiệp của hộ (76,7% số xã), cơ sở hạ tầng của xã (58,9% số xã) và việc làm lúc nông nhàn (38,3% số xã). Năm 2018, có 73,8% số xã có nguồn thu từ hoạt động bán buôn, bán lẻ và 35,3% số xã có thu từ hoạt động dịch vụ khác. Cơ hội việc làm phi nông nghiệp cho người dân ở các xã ngày càng nhiều. Tỷ lệ xã có các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ nằm trên địa bàn xã hoặc ở gần xã ngày càng tăng: 57,2% năm 2008, 57,8% năm 2010, 59,9% năm 2012, 63,1% năm 2014, 66,8% năm 2016 và 69,4 năm 2018.

Trong giai 2011-2015, có 16 chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, do mục tiêu chương trình quá rộng, bố trí nguồn lực chưa bảo đảm, việc tổ chức thực hiện có những hạn chế dẫn đến kết quả thực hiện chưa cao. Để tập trung nguồn lực, khắc phục sự dàn trải và tạo điều kiện để tổ chức có hiệu quả, các chương trình mục tiêu quốc gia đã cắt giảm từ 16 chương trình còn 2 chương trình, đó là chương trình “xây dựng nông thôn mới” và “giảm nghèo bền vững”. Năm 2018 chỉ còn 73,7% số xã có dự án/chương trình của Chính phủ hoặc của các tổ chức khác đầu tư vào các lĩnh vực nhằm nâng cao mức sống của người dân.

Một trong những mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp, cơ cấu kinh tế và các hình thức sản xuất hợp lý, gắn phát triển công nghiệp, dịch vụ, gắn phát triển nông thôn với đô thị, xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Còn mục tiêu của Chương 
trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, tăng thu nhập của người nghèo giai đoạn 2016-2020. Kết quả khảo sát cho thấy, năm 2018, có tới 80,4% số xã phát triển kinh tế và kết cấu hạ tầng; 67,4% số xã xoá đói giảm nghèo; văn hoá, giáo dục chiếm 30,9%; tạo việc làm chiếm 38,4% số xã; môi trường, nước sạch chiếm 29,1%.
 
Kết cấu hạ tầng của xã và thôn/ấp được cải thiện qua từng năm. Năm 2018, có 99,5% số xã có đường ô tô đến UBND xã, 99,5% xã có điện lưới quốc gia, 88,7% xã có bưu điện văn hoá xã, 75,3% xã có nhà văn hoá xã, 85,7% xã có trạm truyền thanh xã và 67,5% xã có chợ xã/liên xã. Tỷ lệ thôn/ấp có đường ô tô sử dụng được cả 12 tháng trong năm đạt 91,4%; thôn/ấp được tiếp cận đường ô tô làm bằng bê tông xi măng hoặc bê tông nhựa đạt 77,6%; thôn/ấp có chợ hàng ngày là 33,8%, chợ phiên là 11,1% và bưu điện là 28,5%. So với năm 2017, các tỷ lệ này tăng từ 1-10 điểm phần trăm.

Giáo dục là điều kiện ban đầu để nâng cao dân trí, là cơ sở để nâng cao đời sống nhân dân trong xã. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng các trường học, nâng cao chất lượng giáo dục là một trong những ưu tiên hàng đầu của các xã. Năm 2018, tỷ lệ xã có trường tiểu học đạt 97,3% và xã có trường trung học cơ sở đạt 91,1%. Tuy nhiên, so với năm 2016 thì hai tỷ lệ này đều giảm, mà thay vào đó, tỷ lệ xã có trường TH và THCS tăng từ 5,2% năm 2016 lên 6,3% năm 2018.

Phương tiện đi học của học sinh tiểu học đã được cải thiện đáng kể. Năm 2018, có 69,5% số trường tiểu học có học sinh đi học chủ yếu bằng xe đạp (tăng 0,5 điểm phần trăm so với năm 2016) và phương tiện là đi bộ giảm còn 15,1% (năm 2016 là 20,1%), Việc đi học bằng các phương tiện khác như xe bus, hoặc được chở đi cũng phổ biến hơn (12,4% so với 8,6%).

Tình trạng bỏ học của học sinh tiểu học ở các xã khu vực nông thôn ngày càng giảm. Tỷ lệ xã có ít nhất 1 trường hợp học sinh tiểu học bỏ học có xu hướng giảm từ năm 2007 đến năm 2017 (từ 39,1% giảm xuống 20,2%). Trong số những học sinh bỏ học, thì nguyên nhân thường là do bố mẹ không quan tâm đến học hành của con cái (60,9%), trẻ em không có khả năng học hoặc không thích đi học (60,4%), do kinh tế khó khăn (59,5%).

Hệ thống tuyến y tế của Việt Nam phát triển khá, với mạng lưới rộng khắp từ Trung ương đến xã/phường. Trong đó, tuyến xã là tuyến đầu trong hệ thống y tế, là nơi chăm sóc y tế gần dân nhất. Trong những năm qua, cơ sở hạ tầng cũng như số lượng đội ngũ y bác sỹ khám chữa bệnh đã tăng lên, nhưng mức độ tăng còn chậm. Năm 2018, có 99,7 xã có trạm y tế, trong đó có 87,7% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia và 93,0% trạm y tế xã có phân loại rác thải y tế; 59,4% số xã có bác sĩ tư, 58,6% số xã có y sĩ tư nhân, 49,0% số xã có y tá tư nhân và 82,0% số xã có cửa hàng dược phẩm tư nhân. Các tỷ lệ này của năm 2017 lần lượt là 81,7%; 88,2%; 58%; 57,2%; 47,7%; 82%.

Việc thu gom rác thải sinh hoạt và y tế của xã có xu hướng tích cực hơn, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Năm 2018, có 59,5% số xã có tổ/đội thu gom rác (năm 2016 là 52,3%), có 48,2% số xã xử lý rác thải bằng hình thức chuyển đi nơi khác (năm 2016 là 41,8%). Tuy nhiên, số xã xử lý rác thải bằng các hình thức đốt (31,5%), chôn, lấp (16%) còn cao.

Rác thải là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến môi trường sống của dân cư. Năm 2018, trong số các xã có ô nhiễm, có đến 38,2% số xã bị ô nhiễm là do rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, tình hình ô nhiễm môi trường tăng do chất thải công nghiệp (19,0%), chất thải làng nghề (5,8%) và các nguyên nhân khác (14,1%). Hậu quả là nguồn nước, không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Năm 2018, có 20,1% số xã bị ô nhiễm nguồn nước, 8,1% số xã bị ô nhiễm không khí, 13,8% số xã bị ô nhiễm cả nguồn nước và không khí và 4,9% số xã có vấn đề khác về môi trường. Mặc dù tỷ lệ ô nhiễm nguồn nước, không khí đã giảm so với năm 2016, nhưng tốc độ giảm chậm, chỉ từ 0,2-0,8 điểm phần trăm. Việc ô nhiễm môi trường và không khí có thể là một trong nhiều nguyên nhân khiến sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng, gây nhiều bệnh tật. Năm 2018, tỷ lệ xã có người dân mắc bệnh lao phổi chiếm 48,7%, bệnh đường hô hấp khác (48,7%), sốt xuất huyết (36,9%), tăng lên từ 0,6-1 điểm phần trăm so với năm 2016. Tuy nhiên, các bệnh khác như: sốt rét, bệnh trẻ em, bệnh đường ruột có xu hướng giảm so với năm 2016.

Năm 2018, bên cạnh những mặt tích cực, các xã ở khu vực nông thôn còn phải đối mặt với sự gia tăng của các tệ nạn xã hội như: rượu chè bê tha (34,2% số xã có xảy ra tệ nạn này), trộm cắp (47,4%), cờ bạc (46,6%). Đặc biệt, số xã có xảy ra tệ nạn ma tuý tăng 6,5 điểm phần trăm (40,3% so với 33,8%) và số xã có ít nhất 1 trường hợp nghiện ma tuý đã được phát hiện tăng 6,7 điểm phần trăm (từ 63,1% năm 2016 tăng lên 69,9% năm 2018)...

Tóm lại, KSMS năm 2018 đã phác họa tương đối chi tiết bức tranh về mức sống dân cư của người dân tại các xã ở khu vực nông thôn trên pham vi cả nước. Hy vọng rằng, những thông tin thu thập được sẽ giúp các 
nhà hoạch định chính sách đưa ra được những quyết sách cụ thể, góp phần cải thiện và nâng cao hơn đời sống cho người dân nông thôn, đồng thời đưa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam phát triển và hội nhập với thế giới./.
 
Trúc Linh
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top