Huyện Mường Nhé: Đẩy mạnh phát kinh tế - xã hội gắn với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo

16/04/2021 - 04:13 PM

Mường Nhé là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Điện Biên, là một trong những huyện nghèo nhất của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Những năm qua, mặc dù Huyện đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Song do xuất phát điểm nền kinh tế thấp, điều kiện sản xuất, canh tác còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí, nguồn lực, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế. Nên tới nay, huyện Mường Nhé vẫn chưa thật sự “thoát nghèo”…


Khu Trung tâm hành chính huyện Mường Nhé hôm nay

Với vị trí địa lý không thuận lợi, nằm cách xa trung tâm hành chính tỉnh Điện Biên hơn 200 km, lại không có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, phong phú, không có mặt bằng lý tưởng,… Mường Nhé không phải là địa phương thích hợp cho việc phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, công nghệ cao. Hiểu rõ được vấn đề này, Huyện đã xác định vẫn phải nỗ lực vươn lên bằng chính nguồn lực nội tại, lấy sản xuất nông, lâm nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển.


Thực hiện Đề án 79 giúp người dân ở các xã nghèo, xã biên giới của huyện Mường Nhé 
nhanh chóng ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp.  Ảnh: tư liệu.

Theo đó, Huyện đã tổ chức triển khai đồng bộ các chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; từng bước xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại có hiệu quả kinh tế cao.
 


Người dân bản Mường Nhé mới, xã Mường Nhé mạnh dạn vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện
đầu tư trồng cây ăn quả cho thu hoạch với năng suất cao

Về sản xuất nông nghiệp, với việc chỉ đạo các đơn vị tích cực tuyên truyền hướng dẫn bà con nông dân sử dụng các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao, các phương thức phòng trừ sâu bệnh để nâng cao giá trị sản xuất. Nhờ đó, tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 bình quân tăng 4,5%/năm, tổng giá trị sản xuất năm 2020 đạt 393.139 triệu đồng, trong đó: Trồng trọt chiếm 59,3%; Chăn nuôi chiếm 19,34%; Lâm nghiệp chiếm 18,07%; Thủy sản và dịch vụ nông nghiệp chiếm 3,29%. Tổng sản lượng cây lương thực đạt 16.462,1 tấn, tăng 1.737 tấn, năng xuất tăng từ 49,6 tạ/ha lên 52,74 tạ/ha; an ninh lương thực của huyện được đảm bảo, lương thực bình quân đầu người đạt gần 350 kg/người/năm. Diện tích khai hoang được mở rộng 529,78 ha ruộng bậc thang; diện tích sản xuất lúa nương giảm 659,8 ha. Tổng đàn gia súc toàn huyện ước đạt 24.348 con, trong đó: Đàn trâu, bò 15.818 con.


Người dân xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé làm giàu từ việc phát triển chăn nuôi đại gia súc. (Ảnh: MT).

Bên cạnh đó, huyện Mường Nhé tích cực vận động nhân dân trồng rừng sản xuất tạo thêm sinh kế và bảo vệ rừng để tăng thêm thu nhập từ nguồn dịch vụ MTR nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững cho nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Diện tích rừng đã tăng lên gần 16 nghìn ha so với đầu nhiệm kỳ năm 2015, góp phần đưa diện tích che phủ từ 45,32% năm 2015 lên 53,21% năm 2020, bình quân tăng 1,59%/năm.
 


Trung tâm các Chương trình Kinh tế - Xã hội thuộc Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Điện Biên tổ chức bàn giao nhà xưởng sản xuất cho HTX nông nghiệp - xây dựng và dịch vụ xã Mường Toong.

Thực hiện Chương trình MTQG về XDNTM, đến nay, toàn huyện bình quân đạt 9,2 tiêu chí/xã, tăng 4,9 tiêu chí/xã so với năm 2015. Trong đó, xã Sín Thầu cơ bản đạt chuẩn NTM (đạt 18 tiêu chí NTM); trên địa bàn huyện không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí NTM. Thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân cư, ổn định đời sống cho 11.947 hộ, đạt 98% so với phê duyệt của Đề án 79 (12.211 hộ).

Huyện Mường nhé thường xuyên quan tâm tới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức Khai giảng lớp kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò khóa 2, năm 2021).

Với đặc thù là huyện đặc biệt khó khăn nên công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của huyện Mường Nhé được thực hiện thông qua các nguồn vốn của nhiều chương trình khác nhau như: Chương trình 30a, Chương trình 135, Đề án 79 của Chính phủ về sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, Chương trình MTQG về XDNTM, Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững Trong giai đoạn 2016 - 2020, với tổng nguồn vốn đầu tư đăng ký trên 2.200 tỷ đồng, tăng 1.914 tỷ đồng so với giai đoạn 2011- 2015, ước thực hiện giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn này là 553,985 tỷ đồng, đã có 124 dự án hoàn thành đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả.


Thầy Lò Mai Phong - Trung tâm GDNN- GDTX huyện Mường Nhé hướng dẫn  cho các học viên thực hành
lớp kỹ thuật trồng thâm canh cây ăn quả K3.

Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, cụ thể: 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã; 95% số bản có đường ô tô và đường dân sinh. Hiện nay, tỷ lệ trường lớp học được kiên cố hóa đạt khoảng 52,8%, toàn huyện có 18/38 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt trên 47,37%. Mạng lưới y tế được củng cố, phát triển; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư, hiện 10/11 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. 100% số xã đã có điện lưới quốc gia; tỷ lệ thôn bản có điện lưới quốc gia đạt 63,55%; 74% số hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia. Diện mạo nông thôn có nhiều chuyển biết tích cực, kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất cũng được quan tâm đầu tư, sửa chữa, nâng cấp. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 74,02% năm 2016 xuống còn 58,43% năm 2020, bình quân hàng năm giảm 2,95%/năm.

Lễ trao học bổng “Vì em hiếu học” cho 26 đơn vị trường cấp Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện năm học 2020 – 2021 (Đại diện Nhà tài trợ Chi nhánh Viettel huyện Mường Nhé trao học bổng cho các em học sinh 
mỗi suất trị giá một triệu).

Để khai thác toàn diện tiềm năng, thế mạnh sẵn có, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh - tế xã hội, tự vươn lên thoát nghèo. Thời gian tới, huyện Mường Nhé sẽ tập trung thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; thực hiện chính sách hỗ trợ nhân dân chuyển đổi diện tích lúa nương trong vùng quy hoạch sang trồng cây công nghiệp dài ngày và rừng sản xuất; bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, nâng cao chất lượng khoanh nuôi tái sinh đối với diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Kè số 2 sau khi được Tổng Công ty Hàng không Việt Namđầu tư hơn 17 tỷ đồng xây dựng khang trang, đẹp hơn. Ảnh: Tư liệu

Mặt khác, Huyện cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, đất đai, thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đối với các tổ chức, cá nhân, các nhà đầu tư để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương. Tập trung vào công nghiệp chế biến nông, lâm sản; phát triển vùng kinh tế (Khu vực Trung tâm hành chính huyện, Trung tâm các xã, lối mở A Pa Chải…); Phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá, trải nghiệm, đặc biệt tại Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, mốc ngã ba biên giới, cửa khẩu, gắn với bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc, các lễ hội truyền thống và văn hóa ẩm thực…


Cán bộ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật
cho người dân địa phương. (Ảnh: PL).

Hy vọng rằng trong tương lai không xa, huyện Mường Nhé sẽ tự tin vững bước đi lên, tự bứt phá được dựa vào chính tiềm năng, thế mạnh sẵn có và nguồn nội lực của địa phương, hướng đến mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn toàn huyện./.

                                                                                                  Trọng Nghĩa

 
 
 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top