Năm 2018 - TP. Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định là đầu tàu kinh tế cả nước

17/05/2019 - 10:17 AM
Năm 2018, môi trường đầu tư kinh doanh của Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục được cải thiện, thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ; việc lập lại trật tự đô thị, kỷ cương hành chính được người dân ủng hộ. Trong năm, Thành phố đã đẩy mạnh việc giải ngân các công trình xây dựng cơ bản, rà soát phân bổ vốn đầu tư, tập trung ứng vốn cho dự án tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên; kịp thời ngăn chặn tình trạng sốt giá nhà đất ở các vùng ven (Quận 2, 9, Thủ Đức, Bình Chánh); cụ thể hoá các chính sách, giải pháp thực hiện Nghị quyết 54/2018/QH14 ngày 24/11/2017 nhằm tạo động lực cho Thành phố phát triển nhanh hơn nữa những năm về sau. Ngành công nghiệp của Thành phố tiếp tục tăng trưởng nhanh cho thấy hiệu quả của chính sách đầu tư phát triển công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong quý III, quý IV có xu hướng tăng cao hơn quý I, quý II. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, gia tăng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường dịp cuối năm và dữ trự hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Tính chung, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 7,98% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng đóng góp vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp với mức tăng trưởng cao nhất 8,07%; kế đến là ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,89%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,58%; ngành khai khoáng tăng 3,03%.
 
NĂM 2018 - TP. HỒ CHÍ MINH TIẾP TỤC KHẲNG ĐỊNH LÀ ĐẦU TÀU KINH TẾ CẢ NƯỚC

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Năm 2018, thị trường bất động sản phục hồi đã giúp ngành xây dựng Thành phố khởi sắc. Tính chung cả năm 2018, giá trị sản xuất xây dựng (theo giá hiện hành) ước đạt 247,31 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017. Trong đó, giá trị sản xuất xây dựng công trình nhà chiếm 55,21%; công trình kỹ thuật dân dụng chiếm 20,6% và hoạt động xây dựng chuyên dụng chiếm 24,19% so với tổng giá trị sản xuất. Cả năm 2018, giá trị sản xuất xây dựng (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 183,32 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản xuất xây dựng công trình nhà tăng 7,68%; công trình kỹ thuật dân dụng tăng 5,62% và hoạt động xây dựng chuyên dụng tăng 13,87% so năm 2017. Dự báo, ngành xây dựng của Thành phố sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong thời gian tới do Nghị định liên quan đến vấn đề quy hoạch, dự án mới đặc biệt, phân khúc từng thị trường bất động sản hợp lý hơn; Luật Nhà ở cho phép cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài sỡ hữu nhà tại Việt Nam và nhu cầu văn phòng tăng mạnh. Vốn đầu tư trên địa bàn Thành phố năm 2018 với điểm mới trong đột phá xây dựng kế hoạch vốn ưu tiên cho các dự án trọng điểm, cấp bách thi công trước. Tổng mức vốn giao cho từng dự án đã bám sát thực tế hơn tạo điều kiện cho chủ đầu tư chủ động trong thi công dự án. Năm 2018, tổng vốn đầu tư trên địa bàn ước đạt gần 466 nghìn tỷ đồng tăng 20,3% so với cùng kỳ. Năm 2018, Thành phố có nhiều dự án hoàn thành đưa vào sử dụng như: Cầu qua đảo Kim cương, quận 2, có tổng vốn đầu tư 494,4 tỷ đồng; xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy, quận 2 với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1,1 nghìn tỷ đồng; nhiều trường học phục vụ cho năm học (2018-2019)…

Năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp phép mới và tăng vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố đạt 1,52 tỷ USD, bằng 46% so với cùng kỳ năm trước. Số dự án còn hiệu lực hoạt động trên địa bàn Thành phố là 8.243 dự án với vốn đầu tư là 44,9 tỷ USD.

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, giảm diện tích trồng lúa một vụ và diện tích trồng mía hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của thành phố như hoa lan, mai, cây kiểng, rau an toàn, bắp, cỏ chăn nuôi, chim yến, bò thịt, cá cảnh… năm 2018, trồng trọt chiếm tỷ lệ 27,7% (cùng kỳ 26,1%), chăn nuôi chiếm tỷ lệ 34,1% (cùng kỳ 36,2%), dịch vụ nông nghiệp chiếm tỷ lệ 7,8% (cùng kỳ 7,3%) và thủy sản chiếm tỷ lệ 29,8% (cùng kỳ 29,5%).

Sản lượng thủy sản năm 2018 ước đạt 61,2 nghìn tấn, tăng 1,3% so với năm 2017, trong đó, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 19,9 nghìn tấn, tăng 0,1%; sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 41,4 nghìn tấn, tăng 1,9%. Năm 2018, giá trị tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng trưởng khá so năm 2017, ước đạt 1.050 nghìn tỷ đồng, tăng 13,0%, đóng góp quan trọng vào sự phát triển 9 ngành dịch vụ chủ yếu của Thành phố. Công tác bình ổn thị trường, chính sách hỗ trợ, chương trình kết nối cung - cầu giữa Thành phố và các tỉnh thành phát huy hiệu quả, các đơn vị kinh doanh được tạo điều kiện để tìm kiếm nguồn hàng ổn định, giá rẻ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ng không ngừng cải thiện sản phẩm, thay đổi phương thức kinh doanh đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Năm 2018, dịch vụ lưu trú và ăn uống của Thành phố ước đạt 115,1 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm 2018 tăng 3,05% so với năm 2017. Tổng doanh thu vận chuyển hàng hóa, hành khách và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước tính 12 tháng đạt gần 206,5 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so cùng kỳ năm 2017.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp Thành phố qua các cửa khẩu trên cả nước năm 2018 đạt 85,7 tỷ USD, tăng 8,68% so năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu 12 tháng ước đạt 38,3 tỷ USD, tăng 7,5%, nếu loại trừ yếu tố dầu thô, trị giá xuất khẩu 12 tháng ước đạt trên 35,76 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu ước tính 12 tháng đạt xấp xỉ 47,41 tỷ USD, tăng 8,8%.

Hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn Thành phố năm 2018 đạt kết quả tăng trưởng tích cực, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Dư nợ tín dụng có mức tăng trưởng cao, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đều tham gia tích cực các chương trình tín dụng của chính phủ, ngân hàng trung ương, Ủy ban Nhân dân thành phố, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố tính đến đầu tháng 12 đạt 1.997,2 ngàn tỷ đồng, tăng 15,54% so với tháng cùng kỳ và tăng 13,4% so với tháng 12/2017. Dự ước, dư nợ tín dụng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với các năm trước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục của Thành phố có nhiều tiến bộ. Thành phố đã thực hiện tốt công tác chăm lo, hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách có công, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em… góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Trong năm 2018, Thành phố giảm khoảng 21,8 nghìn hộ nghèo và giảm khoảng 27,2 nghìn hộ cận nghèo; tổng số quận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo (theo chuẩn nghèo Thành phố giai đoạn 2016-2020) trong 3 năm (2016-2018) là 11 quận và 1 quận (quận 5) hoàn thành mục tiêu không còn hộ cận nghèo (theo chuẩn cận nghèo Thành phố giai đoạn 2016-2020). Trong năm 2018, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 313,2 nghìn lượt người (đạt 104,4% kế hoạch năm) và 136,4 nghìn việc làm mới được tạo ra (đạt 105,0% kế hoạch năm); Thực hiện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2018 được 13,9 nghìn/13,5 nghìn người (đạt 103,5% kế hoạch năm).

Với những kết quả đạt được trong năm 2018, hy vọng năm 2019, bức tranh kinh tế - xã hội TP. HCM sẽ thêm nhiều gam màu sáng./.
Minh Thư
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top