Năm 2019 - Nhiều kỳ vọng cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực

20/05/2019 - 08:53 AM
Tiếp đà tăng trưởng của năm 2017, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục ghi dấu mốc mới trong năm 2018, với tổng mức lưu chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu ước đạt 482,2 tỷ USD, tăng 13,5% so năm 2017. Trong đó, riêng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 244,72 tỷ USD, tăng 13,8%. Năm 2018 có tới 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 58,3%.
 
NĂM 2019 NHIỀU KỲ VỌNG CHO CÁC MẶT HÀNG XUẤT KHẨU CHỦ LỰC
 
Mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu là điện thoại và linh kiện với 50 tỷ USD, tăng 10,5% so năm trước, chiếm 20,42% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Thị trường nhập khẩu chính mặt hàng này là Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc… Đóng góp lớn nhất vào kim ngạch xuất khẩu điện thoại và lĩnh kiện trong năm vừa qua là sự hoạt động có hiệu quả của hãng Samsung Electronics tại Việt Nam, đặc biệt là sự kiện ra mắt sản phẩm mới vào tháng 8/2018, đã tạo thêm  nguồn hàng xuất khẩu đáng kể cho nước ta.
 
Trong năm 2018, ngành dệt may Việt Nam cũng có sức bật khá tốt. Tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này trong năm qua đạt 30,4 tỷ USD, tăng 16,6% so năm 2017, là mức tăng cao nhất trong những năm gần đây (năm 2015 tăng 3,7%; năm 2016 tăng 3,3%; năm 2017 tăng 8,8%). Đây là kết quả của sự nỗ lực tháo gỡ những chính sách nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh như: Điều kiện về người đứng đầu doanh nghiệp nhập khẩu máy in để in trên sản phẩm dệt may xuất khẩu; miễn thuế nhập khẩu đối với vải nhập về sản xuất xuất khẩu đưa đi gia công lại, sản phẩm xuất khẩu tại chỗ; bỏ quy định khai báo cộng phí lệnh giao hàng (DO)...
 
Mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 3 là điện tử, máy tính và linh kiện, đạt 29,4 tỷ USD, tăng 13,4% so năm 2017. Mức tăng này là nhờ sự góp mặt của các doanh nghiệp điện tử, công nghệ thông tin lớn nhất thế giới tại Việt Nam như Samsung, Canon, LG, Panasonic, Nokia… Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng này khá thành công trong việc phát triển và mở rộng thị phần, đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước và khu vực khác như Hàn Quốc, ASEAN, Canada, Trung Quốc, Đài Loan, Nga… bên cạnh việc duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường truyền thống Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản.
 
Đứng vị trí tiếp theo là mặt hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng có kim ngạch xuất khẩu đạt 16,5 tỷ USD, tăng 28% so năm 2017. Mặt hàng này đã có mặt tại gần 50 quốc gia trên thế giới, những thị trường chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch chung gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Đức, Hà Lan,...
 
Năm 2018 cũng là một năm thành công đối với hoạt động xuất khẩu của ngành giày dép Việt Nam, khi kim ngạch xuất khẩu đạt 16,3 tỷ USD, tăng 11% so năm 2017. Đến nay, thị trường xuất khẩu mặt hàng này đã mở rộng trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với những thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Có nhiều yếu tố thuận lợi giúp gia tăng xuất khẩu, đó là Việt Nam được hưởng lợi từ sự dịch chuyển đơn hàng từ thị trường Trung Quốc sang, do từ 3 năm trở lại đây họ có xu hướng chuyển dịch sang sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, trong khi đó nước này đang đối mặt với cuộc chiến cạnh tranh thương mại với Mỹ. Bên cạnh đó, việc ký kết một số Hiệp định thương mại cũng mở ra cơ hội phát triển cho ngành da giày Việt Nam.
 
Mặc dù không nằm trong nhóm có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, song năm 2018 là cột mốc thời gian quan trọng với ngành chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản, khi có kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức 8,8 tỷ USD, tăng 15% so năm trước, chủ yếu sang các thị trường: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU.
 
Tương tự như mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, mặt hàng thủy sản nước ta cũng có kim ngạch xuất khẩu đạt 8,8 tỷ USD, tăng 6,3% so năm trước, do xuất khẩu tôm có bước khởi sắc trong những tháng cuối năm, giúp thủy sản Việt Nam củng cố thêm vị trí trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, sản phẩm thủy sản Việt Nam được người tiêu dùng thế giới ngày càng đánh giá cao về chất lượng, bởi nguồn cung ổn định và mức độ an toàn thực phẩm tốt. Đơn cử, thị trường châu Âu trong năm qua đã có mức tăng trưởng đáng kể, do các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản đảm bảo các yêu cầu về dư lượng kháng sinh cũng như yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Bước sang năm 2019, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực với đà tăng trưởng khả quan từ các nền kinh tế lớn và các nước phát triển, hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu phục hồi; sự hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, gắn kết chặt chẽ với kinh tế khu vực và toàn cầu và bắt đầu thực thi các cam kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với mức độ cắt giảm sâu rộng; ở trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ với những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, những đổi mới hỗ trợ doanh nghiệp... Tất cả các yếu tố trên là điều kiện thuận lợi để hoạt động xuất khẩu, nhất là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực nước ta chinh phục những cột mốc mới. Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 dự kiến đạt khoảng 265 tỷ USD.
 
Hoạt động xuất khẩu mặt hàng dệt may trong năm 2019 có những tín hiệu khả quan ngay từ cuối năm 2018. Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng cho 6 tháng đầu năm và thậm chí cả năm 2019, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao và dần hoàn chỉnh chuỗi cung ứng dệt may do dòng vốn đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm và nguyên phụ liệu đang tăng lên. Một trong những hiệp định được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội lớn cho mặt hàng dệt may nước ta là việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực từ tháng 01/2019, sẽ giúp mặt hàng này được hưởng lợi từ các nước thành viên, với các lộ trình thực hiện cắt giảm thuế như: Canada sẽ xóa 100% thuế vào năm thứ 4, trong đó 42,9% xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực; Nhật Bản xóa bỏ gần 99% thuế ngay đầu năm 2019; Mexico cũng xóa bỏ có lộ trình với thời gian sẽ kéo dài, song đây là thị trường nhiều tiềm năng với nhiều phân khúc còn đang bỏ ngỏ. Hiệp hội Dệt May Việt Nam đề ra mục tiêu phát triển ngành trong năm 2019 với kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, tăng trưởng 10,8%; thặng dư thương mại đạt 20 tỷ USD.
 
Đối với mặt hàng giày dép, theo dự báo của Hiệp hội Da Giày Việt Nam (LEFASO), tổng kim ngạch xuất khẩu da giày năm 2019 tiếp tục tăng nhờ xuất khẩu của khối đầu tư nước ngoài tăng, có thể đạt 21,5 tỷ USD và chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Dự báo khả quan trên được đưa ra dựa trên nhiều cơ sở phân tích như: Kinh tế thế giới có xu hướng tích cực; nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn trên đà tăng; Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực dệt may và da giày để tập trung cho các ngành công nghệ cao, theo đó sẽ tiếp tục có xu hướng chuyển dịch các đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Thêm vào đó, khi thực hiện cam kết của CPTPP, Canada sẽ xóa bỏ ngay 67% thuế cho mặt hàng giày dép của Việt Nam, 12% trong năm thứ 7, còn lại cắt giảm vào năm thứ 12. Nhật Bản cũng thực hiện theo lộ trình, sẽ xóa bỏ gần 80% vào năm thứ 10 và Mexico xóa bỏ thuế về 0% vào năm thứ 13… Việc Canada giảm thuế mạnh đồng thời sẽ giúp các doanh nghiệp giày dép Việt Nam có thể đưa hàng vào thị trường Hoa Kỳ thông qua nước này. Theo nhận định của LEFASO, xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam tăng trưởng ổn định và sẽ giữ vững đà này trong những năm tiếp theo, riêng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu da giày, túi xách của Việt Nam được dự báo tăng và đạt hơn 22 tỷ USD.
 
Cũng như những mặt hàng xuất khẩu trên, sự dịch chuyển đơn hàng từ thị trườngTrung Quốc sang Việt Nam sẽ giúp ngành gỗ Việt Nam có nhiều khởi sắc trong năm 2019, trong khi thị trường Hoa Kỳ và châu Âu được kỳ vọng có mức tăng trưởng tốt. Cùng với đó, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu được ký kết sẽ giúp sản phẩm gỗ nước ta thâm nhập vào các quốc gia châu Âu mà không cần qua nước trung gian.
 
Đánh giá về triển vọng của ngành thủy sản trong năm 2019, các chuyên gia nhận định, cơ hội mở ra cho ngành thủy sản là rất lớn khi tốc độ tiêu thụ thủy sản của thế giới sẽ tăng mạnh và nếu như doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng. Dự kiến đến năm 2020, sức tiêu thụ tăng lên 98,6 triệu tấn tại các nước đang phát triển và đạt 29,2 triệu tấn tại các nước phát triển, trong khi nguồn cung chỉ đạt 78,6 triệu tấn. Bên cạnh đó, các Hiệp định FTA thế hệ mới được ký kết và có hiệu lực cũng được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho ngành thủy sản xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế nhờ các hàng rào thuế quan sẽ được dỡ bỏ. Ngoài ra, ở thị trường Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng đang dần đi vào ổn định, bởi hai nước có những thỏa thuận song phương tạo điều kiện thuận lợi cho hàng nông - thủy sản xuất khẩu chính ngạch. Thêm vào đó, thị trường Hàn Quốc, ASEAN có thể sẽ tăng khá trong năm 2019 do nhiều doanh nghiệp thủy sản trong nước đã đáp ứng được các tiêu chuẩn từ đối tác nhập khẩu ở những nước này. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2019 được dự báo sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD. Ngoài ra, những mặt hàng như điện thoại và linh kiện, điện tử, dụng cụ cơ khí của Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc trong năm 2019 nhờ những tín hiệu tích cực trong tháng 1/2019 và cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại.
 
Mặc dù hoạt động xuất khẩu của Việt Nam được cho là có nhiều dư địa tăng trưởng trong năm 2019, song để đạt được những con số dự báo trên, các doanh nghiệp trong nước cần tận dụng tốt mọi cơ hội để nhận diện rõ những thách thức như: Nhiều nước sẽ gia tăng bảo hộ sản xuất trong nước một cách khắt khe; tình hình thương mại toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng do Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện các giải pháp kinh tế để giảm nhập siêu, dần cân bằng cán cân thương mại; những tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung… Làm được điều đó, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước mới thực sự bứt phá để hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu./.

 
ThS. Hà  Phương Cầm
Học viện Chính trị TP. Đà Nẵng
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top