Năm 2021 cả thế giới quay cuồng trước các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra

31/03/2022 - 09:50 AM
Năm 2021, không chỉ hứng chịu những tổn thất từ đại dịch Covid-19, thế giới còn phải quay cuồng trước những hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra với những kỷ lục khắc nghiệt và những thảm họa kinh hoàng.
 
Nắng nóng kỷ lục
 
Trong năm vừa qua, thế giới được chứng kiến hàng loạt sự kiện nắng nóng kỉ lục và thời tiết cực đoan liên quan đến vấn đề Trái đất ấm lên. Theo báo cáo khí hậu của Liên hợp quốc công bố vào tháng 10 năm ngoái cho thấy, dù cho các quốc gia ký kết Hiệp định Paris kể từ năm 2015, nhằm hạn chế mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C hoặc thấp hơn 2 độ C, để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, thế nhưng thế giới chúng ta vừa trải qua 7 năm nóng nhất từ trước tới nay trong khi mực nước biển đã dâng cao lên mức mới. Sau khi tổng hợp 6 bộ dữ liệu quốc tế hàng đầu, gồm bộ theo dõi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (C3S) và Cơ quan Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA), Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thuộc Liên hợp quốc còn kết luận rằng, bất chấp tác động hạ nhiệt của hiện tượng thời   tiết La Nina, nhiệt độ toàn cầu trung bình trong năm 2021 cao hơn khoảng 1,11 độ C so với thời tiền công nghiệp (1850-1900).
 
Công bố của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương (NOAA) của Mỹ vào tháng 1 đầu năm nay cũng cho biết, 9 năm liên tục từ 2013 đến 2021 là giai đoạn 'nóng kỷ lục' của khí hậu toàn cầu. Riêng trong năm 2021, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 0,84 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20 và là năm có nhiệt độ cao thứ 6 tính từ khi thống kê bắt đầu được tiến hành vào năm 1880.
 
Phân tích của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tiếp tục khẳng định sự nóng lên của trái đất với ghi nhận các năm 2021 và 2018 nằm trong danh sách 6 năm có nhiệt độ nóng nhất từ trước tới nay và nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự gia tăng lượng khí nhà kính kể từ khi con người tiến hành cách mạng công nghiệp đến nay.
 
Sự ấm lên của trái đất được chứng minh bởi những đợt nắng nóng kỷ lục diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới. Điển hình là vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 năm ngoái, tỉnh bang British Columbia nằm ở khu vực phía Tây Canada ghi nhận nhiệt độ cao chưa từng có trong lịch sử là 49,5°C. Trong khi đó, vùng Tây Bắc nước Mỹ phải chịu tình cảnh tương tự với mức nhiệt nhiều nơi lên tới hơn 50°C. Hiện tượng ''vòm nhiệt'' bao trùm đã dẫn đến hàng loạt cuộc sơ tán, hàng loạt trường học và doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, các điểm xét nghiệm Covid-19 và tiêm chủng lưu động buộc phải ngừng hoạt động, mặt đường nứt toác ở 2 quốc gia này. Điều đáng buồn là nắng nóng khắc nghiệt đã khiến trên 800 người tại Mỹ và Canada tử vong do sốc nhiệt. Các nhà chức trách sau đó gọi đợt nắng nóng này là một sự kiện “gây thương vong hàng loạt”. Năm 2021, người dân miền Trung nước Mỹ còn trải qua đợt nắng nóng bất thường vào dịp Giáng sinh vừa qua với nền nhiệt lên tới trên 80 độ F, tức gần 27 độ C, cao hơn mức trung bình từ 25 - 30 độ F.
 
Tại thủ đô nước Nga và nhiều khu vực khác nước này như thành phố Penza, Vologda và Petrozavodsk… cũng đã diễn ra đợt nắng nóng kỷ lục vào mùa hè năm ngoái với nhiệt độ lên tới 34,8 độ C, mức nhiệt cao kỷ lục chưa từng có trong tháng 6 của các năm.
 
Trong năm 2021, nhiệt độ đại dương cũng được ghi nhận nóng nhất lịch sử, nguyên nhân chủ yếu là do biến đổi khí hậu. Theo kết quả nghiên cứu của các tổ chức về khí hậu, hiện tượng nóng lên diễn ra mạnh nhất ở Đại Tây Dương và Nam Đại Dương. Bắc Thái Bình Dương cũng có sự gia tăng nhiệt đáng kể từ năm 1990, trong khi Địa Trung Hải ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục vào năm 2021. Theo phân tích của các chuyên gia, bất chấp sự kiện La Niña - hiện tượng khí hậu làm lạnh vùng nước ở Thái Bình Dương - đang diễn ra, nhiệt độ trung bình của nước biển toàn cầu (tính từ bề mặt đến độ sâu 2.000 m) vẫn gia tăng và xác lập một kỷ lục mới trong năm 2021, đánh dấu lần thứ 6 liên tiếp các nhà khoa học ghi nhận đại dương thế giới nóng hơn năm cũ. Nhiệt độ đại dương tăng đã "ăn mòn" các tảng băng rộng lớn ở Greenland và Nam Cực, thúc đẩy mức nước biển dâng cao và làm suy giảm các rạn san hô, nơi sinh sống của 1/4 sinh vật biển trên thế giới và là nguồn cung cấp thức ăn cho hơn 500 triệu người.
 
Hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra
 
Tình trạng ấm lên toàn cầu, những đợt nắng nóng kỷ lục trong năm qua đã dẫn đến những vụ hạn hán tại nhiều quốc gia trên thế giới và châm ngòi cho hàng loạt vụ cháy rừng. Ví dụ như bang California cùng nhiều khu vực khác của miền Tây nước Mỹ đã phải trải đợt hạn hán kéo dài, tồi tệ và khắc nghiệt nhất trong kỷ lục 126 năm vào mùa hè năm ngoái. Điều này đã khiến mùa cháy rừng ở Mỹ dữ dội hơn bình thường. Theo số liệu từ Trung tâm Cứu hỏa liên cơ quan quốc gia Mỹ (NIFC), trên khắp nước Mỹ đã diễn ra ít nhất 107 đám cháy rừng lớn tại 15 bang (nghiêm trọng nhất ở các bang Montana, Oregon và California). Có gần 24.000 lính cứu hỏa được điều động để chiến đấu với cháy rừng và mất hơn một tháng để dập tắt các đám cháy đang hoạt động. Các vụ cháy rừng đã khiến hàng nghìn người dân nước này phải đi sơ tán và thiêu rụi hàng trăm ngôi nhà. Chỉ riêng đám cháy rừng Dixie tồi tệ thứ hai trong lịch sử tại bang California kéo dài trong 3 tháng, đã phá hủy 187.562ha rừng (tính đến ngày 8/8 năm ngoái), và gần như“nuốt chửng” thị trấn đào vàng lịch sử Greenville trên dãy núi Sierra Nevada, đồng thời san phẳng nhiều tòa nhà mang dấu ấn lịch sử, để lại khung cảnh hoang tàn ở nơi này.
 
Năm 2021 cả thế giới quay cuồng trước các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Đợt nắng nóng tại British Columbia của Canada vào mùa hè năm ngoái cũng đã thổi bùng lên một đám cháy rừng, thiêu rụi phần lớn thị trấn Lytton chỉ một ngày sau khi nhiệt độ tăng vọt lên 121 độ F.
 
Ở khu vực Nam Mỹ, Chile cũng phải hứng chịu đợt siêu hạn hán kéo dài một thập kỷ liên quan đến sự nóng lên toàn cầu hay như Brazil cũng ghi nhận năm 2021 là năm khô hạn nhất trong 100 năm qua. Còn ở Địa Trung Hải, một mùa hè khô nóng đã thổi bùng những đợt hỏa hoạn dữ dội ở Algeria, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ khiến hàng nghìn người phải bỏ nhà cửa đi sơ tán.
 
Bên cạnh hạn hán, cháy rừng, trong năm 2021, nhiều nơi trên thế giới còn phải oằn mình chống chịu với một hiện tượng thời tiết cực đoan khác là lũ lụt. Trận lũ lụt thảm khốc nhất được nhắc đến trong năm vừa qua là diễn ra vào tháng 7 tại tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc. Chỉ trong 3 ngày với lượng mưa lớn kỷ lục kể từ khi các số liệu được ghi nhận cách đây 60 năm, nhiều nơi tại tỉnh này đã bị chìm trong biển nước, khiến hơn 1,5 triệu người phải đi sơ tán, trên 300 người tử vong, 50 người mất tích, làm ảnh hưởng đến khoảng 215.000 ha hoa màu và gây tổn thất kinh tế trực tiếp hàng tỷ Nhân dân tệ. Các nhà khí tượng cho biết, hiện tượng mưa lớn xảy ra ở tỉnh Hà Nam là hiện tượng hiếm đến mức chỉ xảy ra một lần trong 1.000 năm.
 
Tại khu vực Đông Nam Á, một trận lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều năm cũng đã tấn công Malaysia, làm cho khoảng 30.000 người phải di tản. Hay mưa lớn kéo dài đã gây ngập lụt tại 30 tỉnh, thành ở miền Trung và Bắc Thái Lan.
 
Trong khi đó, khu vực Tây Âu cũng chứng kiến những lũ lụt nghiêm trọng vì những trận mưa xối xả giữa tháng 7/2021, đã làm thiệt mạng khoảng 200 người ở Đức, Bỉ và Hà Lan.
 
Vào tháng 11 năm ngoái, trận lũ lụt tồi tệ nhất trong vòng 60 năm qua ở Nam Sudan cũng đã ảnh hưởng đến khoảng 780.000 người và gây ra tình trạng thiếu lương thực, dịch bệnh lây lan.
 
Năm 2021 cả thế giới quay cuồng trước các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra 1
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Mặc dù nhiệt độ trái đất đang ấm lên, song nhiều quốc gia lại phải đối mặt với giá lạnh bất thường. Trong những tuần đầu tiên của năm 2021, cơn bão Filomena đã mang đến lượng tuyết kỷ lục cho thủ đô Madrid ở Tây Ban Nha. Trận tuyết lớn nhất trong 50 năm tại quốc gia này đã làm gián đoạn giao thông ra vào thành phố và gây ra thiệt hại khoảng 1,6 tỉ USD.
 
Cũng trong năm vừa qua, miền Nam nước Mỹ đã phải gồng mình vì đợt lạnh rét hiếm hoi. Texas (Mỹ) - nơi vốn được biết tới với những sa mạc và các đợt nóng khắc nghiệt cũng đã bị tê liệt vì băng tuyết bởi một đợt lạnh giá chưa từng có từ một cơ bão mùa đông gây ra vào giữa tháng 2 năm ngoái. Tại thời điểm đó, khu vực này bị phủ lớp băng tuyết dày với nhiệt độ nhiều nơi giảm xuống -18°C và có khoảng 4 triệu người tại bang này đã bị mất điện luân phiên và thiếu nước sinh hoạt trong thời tiết khắc nghiệt. Theo con số thống kê của Cơ quan Y tế bang Texas, đã có hơn 200 người thiệt mạng do không thể chống chịu lại khí hậu giá lạnh. Tuy nhiên, một phân tích độc lập của Buzzfeed đưa ra con số tử vong từ 500 đến 1.000 người. Cơn bão mùa đông trên cũng gây đã gây thiệt hại vào khoảng 130 tỷ USD cho nền kinh tế nước này. Trong khi đó, thủ phủ của Oklahoma nước Mỹ đã phải trải qua những buổi sáng lạnh nhất kể từ năm 1899.
 
Cùng với các hiện tượng trên, thế giới còn được chứng kiến siêu bão Ida phá hủy nhà cửa, bật gốc cây cối, gây mất điện cho hơn 1 triệu người dân ở Mississippi, Louisiana và hơn 30 lốc xoáy “xé toạc” miền Trung Tây và Đông Nam nước Mỹ...
 
Có thể thấy, năm 2021 là một năm khá khắc nghiệt với toàn cầu với hàng loạt những hiện tượng cực đoan xảy ra, mà nguyên nhân chính là sự biến đổi khí hậu do sự ấm lên của trái đất từ hệ quả của tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các thảm họa trên đã và đang ảnh hưởng lớn đến đời đời sống người dân trên mọi lục địa. Các nhà khoa học dự báo gần như chắc chắn rằng 2022 sẽ là năm có nhiệt độ cao thứ 10 trong lịch sử. Hy vọng rằng, trong năm nay, các quốc gia thực hiện quyết liệt hơn những cam kết của mình tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra vào cuối năm ngoái, để cùng nhau ngăn chặn những hậu quả thảm khốc do biến đổi khí hậu gây ra./.
Quang Vinh (tổng hợp)

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top